MI-6 từng có quan hệ với Yunus Khales

Thứ Hai, 12/12/2022, 13:09

Tài liệu của tình báo Anh (MI-6) tiết lộ cơ quan này từng sắp xếp cho một thủ lĩnh du kích Afghanistan được nhận chế độ điều trị y tế tích cực tại một bệnh viện ở thủ đô London vào khoảng thời gian nhóm du kích này đang sát cánh chiến đấu cùng với Osama Bin Laden trong thập niên 1980.

Tác giả bài viết, ông Phil Miller, phóng viên trưởng của cơ quan truyền thông Declassified (Vương quốc Anh), ông cũng là tác giả của cuốn sách “Keenie Meenie: Nhóm lính đánh thuê người Anh thoát khỏi tội ác chiến tranh”. đã cho công bố tài liệu này vào ngày 20 tháng 9 năm 2021. 

Yunus Khales và Osama Bin Laden

Sau sự kiện tấn công 11/9 khi Osama Bin Laden đào tẩu khỏi Afghanistan, một người bạn cũ đã giúp y thoát khỏi sự săn lùng của Mỹ. Yunus Khales (viên chỉ huy kỳ cựu của tổ chức du kích Afghanistan Hezbi Islami (Đảng Hồi giáo) từ lâu đã ngầm ủng hộ thủ lĩnh của Al -Qaeda. Năm 1996 khi Bin Laden bị Sudan trục xuất thì Yunus Khales đã chào đón ông ta đến Afghanistan, trao một ngôi nhà và thửa đất nằm gần thành phố Jalalabad (miền Đông Afghanistan). Địa điểm này nằm cách rặng núi Tora Bora chỉ vài giờ lái xe, và nó cũng là “sào huyệt” của Al -Qaeda.

Một số người cho rằng Yunus Khales có thể là cha của Osama Bin Laden. Một cựu lãnh đạo đơn vị từng săn lùng Bin Laden của CIA, tuyên bố: “Osama Bin Laden mất cha khi còn nhỏ, và Yunus Khales trở thành người thay thế cho cha ruột của gã. Trong quan điểm của Yunus Khales thì ông ta coi Osama Bin Laden là hình mẫu của thanh niên Hồi giáo hoàn hảo”.

17-1.jpg -0
Mawlavi Mohammad Younus Khalis (đội khăn trắng, hay gọi tắt là Yunus Khales) đang gặp gỡ các chỉ huy du kích cùng người có ảnh hưởng trong các bộ lạc.  Ảnh nguồn: Archive.org

Các chính phủ phương Tây đặc biệt hết sức bối rối về mối quan hệ của 2 người đàn ông này. Yunus Khales được mời đến tòa Bạch Ốc trong năm 1987, tại đó Tổng thống Reagan gọi ông ta là người hùng trong cuộc chiến chống lại sự chiếm đóng của Liên Xô ở Afghanistan. Cũng tương tự chính quyền Anh đã trả tiền để Yunus Khales bay đến London vào tháng 2 năm 1987 trong một nỗ lực “dụ hoặc” nhà lãnh đạo du kích.

Cùng lúc đó, chỉ huy chiến trường Jalaluddin Haqqani của Yunus Khales đang chiến đấu sát cánh với Osama bin Laden trong trận chiến Jaji nảy lửa. Trận chiến kéo dài nhiều tuần tại tỉnh Paktia (miền Đông Afghanistan) khi đó lực lượng du kích được trang bị tên lửa Blowpipe (do Anh cung cấp) chống lại binh sĩ Liên Xô. Osama bin Laden (sau đó đã chiêu mộ hàng chục chiến binh Arab) bị thương ở chân trong trận chiến. Al-Qaeda được thành lập vào năm sau.

Trong lúc Yunus Khales đang ở Anh, tổ chức ông ta đã tuyên bố chịu trách nhiệm cho vụ bắn rơi một máy bay của chính phủ Afghanistan làm thiệt mạng từ 30 đến 43 người trên máy bay. Yunus Khales khẳng định các nạn nhân là binh sĩ, song những người khác cho rằng họ đều là thường dân bao gồm phụ nữ và trẻ em. Vụ tấn công vào chiếc máy bay đã không làm hỏng thời gian Khales lưu lại Anh vì giới chức Anh không hề truy cứu trách nhiệm mà trái lại còn sẵn lòng bỏ qua và tiếp tục hỗ trợ người Afghanistan trong chiến tranh du kích lúc ấy.

Một điểm khác, mặc dù chuyến thăm của Yunus Khales tới London đã được truyền thông khi đó đưa tin ngắn gọn, nhưng các tình tiết mới của chuyến đi này mới dần lộ diện trong các tài liệu giải mật trước đây tại Lưu trữ quốc gia Anh. Trong đó, các tài liệu hé lộ cách mà một viên chức của cơ quan tình báo MI-6 làm việc bên ngoài Đại sứ quán Anh ở Pakistan tên là Alastair Crooke, đã đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc dàn xếp chuyến đi của Khales.

Những hỗ trợ cụ thể CỦA MI-6

Không chỉ hoàn lại tiền vé máy bay cho Yunus Khales mà Alastair Crooke còn “tử tế” đến mức sắp xếp cho thủ lĩnh du kích nhận điều trị y tế đặc biệt từ đích thân Tiến sĩ Anthony Rickards, một trong những bác sĩ tim mạch ưu tú hàng đầu thành London. Ông Anthony Rickards nổi tiếng tiên phong với những chiếc máy điều hòa nhịp tim, một thiết bị cứu mạng mà buổi ban đầu Văn phòng nội các Anh cho rằng có thể cần đến nó. Điệp viên Alastair Crooke ở đủ gần Khales để sở hữu hồ sơ bệnh án của nhân vật này.

Ông Alastair Crooke tiếp tục kể: “Có lẽ Yunus Khales cũng hiểu rằng bệnh tình của mình cần phải có sự chẩn đoán được xác nhận của một chuyên gia ở London, và vì lẽ đó muốn lặp lại việc xét nghiệm ở London. Tôi gửi kèm theo bản báo cáo điện tâm đồ toàn diện của Khales cùng với các đơn thuốc được kê toa bởi bác sĩ của ông ta ở Peshawar (Pakistan) trong bất kỳ trường hợp nào thì chúng đều cung cấp một cái nhìn sơ bộ về bệnh trạng của ông ta. Khales sẽ biết ơn nếu báo cáo được gửi lại đúng hạn”.

Ông Crooke ưa thích gọi Khales bằng cái tên “Maulawi” (một danh hiệu kính cẩn dành cho các giáo chức Hồi giáo) tiếp tục xác định rằng bác sĩ Rickards “là người rất phù hợp để tiến hành các xét nghiệm” đối với Khales, kèm theo số điện thoại và địa chỉ nhà của vị chuyên gia tim mạch, một phòng khám nằm cách đường Harley chỉ đúng 100m, là trung tâm của khối chăm sóc y tế tư nhân của London.

Sau khi thông qua sự đại diện của Alastair Crooke và đại sứ Anh tại Pakistan, Yunus Khales đặt dịch vụ chụp X-quang và xét nghiệm điện tâm đồ với bác sĩ Rickards. Trong thời gian lưu lại London, Khales có vài lần đến gặp bác sĩ Rickards, và người này đã nói với chỉ huy du kích rằng “tim ông khỏe và không cần phải mổ”. Khales sống thọ đến năm 2006 và qua đời ở tuổi 87 khi đang chạy trốn khỏi lực lượng Mỹ. Tiến sĩ Rickards tạ thế năm 2004. Lần gần đây nhất cựu điệp viên Crooke không hề phủ nhận việc MI-6 đã giúp cho Khales nhận điều trị bệnh, nhưng đại khái chỉ nói vắn tắt với truyền thông: “Tôi rất cẩn thận khi nói về bất kỳ thứ gì đã được phân loại, vì vậy tôi cũng không chắc mình có được phép nói không”.

Về Bộ Ngoại giao Anh, Alastair Crooke nhấn mạnh: “Vì luật các bí mật chính thức – OSA – nên tôi không hoặc tránh đụng chạm đến thông tin được phân loại. Hiện thời chính phủ Anh vẫn rất nhạy cảm về chủ đề Hồi giáo và chủ nghĩa khủng bố, bởi vì những gì đã xảy ra ở Afghanistan. Theo một số cách thì họ cố gắng ngừng giải mật các chính sách đã từng được đeo đuổi trong các năm đó. Họ vẫn coi các vấn đề chính sách là rất nhạy cảm hoặc làm tổn hại nếu chúng được thảo luận trong công chúng”. Ông Crooke không trả lời đối với email mà truyền thông gửi cho mình, yêu cầu trả lời thêm các câu hỏi chi tiết hơn.

17-3.jpg -0
Bức ảnh đề ngày 2/4/1991 cho thấy chỉ huy Jalaluddin Haqqani (giữa) cùng với 2 chỉ huy du kích Amin Wardak và Abdul Haq tại căn cứ Miram Shah (Pakistan). Ảnh nguồn: CNN

Hồ sơ mật về Yunus Khales

Mặc dù MI-6 chưa từng chính thức giải mật bất kỳ tài liệu nào trong số các hồ sơ lưu trữ, nhưng trong các hồ sơ của Bộ Ngoại giao Anh có từ năm 1987 đã làm sáng tỏ điều mà Yunus Khales đã làm ở London ngoài việc tìm cách trị bệnh. Mục đích thực sự của chuyến đi đó là “Khales muốn tham khảo ý kiến của các bộ trưởng, quan chức và nghị sỹ Anh về những triển vọng cho Afghanistan, Thánh chiến, và những phát triển chính trị”.

Một hồ sơ của chính phủ Anh về Khales đã mô tả nhân vật này là “một dạng người vô tội vạ, ít khách sáo, có khiếu hài hước, sống nguyên tắc và lịch sự”. Khales được mời đến Anh làm khách của Bộ Ngoại giao, họ phái một viên chức hộ tống trong xe hơi để chào đón Khales tại phi trường Heathrow. Theo kế hoạch thì Khales sẽ được chở tới Royal Horseguards, một khách sạn sang trọng chuẩn 5 sao ở Whitehall (nội đô London). Nhưng Khales bỗng đến sớm hơn 4 đêm, buộc chính phủ Anh phải tiếp đãi ông ta lâu hơn dự kiến.

Sau vài ngày lưu trú và được chăm sóc y tế, Khales được chở đến Trường phương Đông và Nghiên cứu Châu Phi (SOAS) để gặp gỡ các học giả về Afghanistan trước khi trực chỉ đến văn phòng của các tờ báo Economist, Independent, The Times và BBC cho các buổi phỏng vấn. Phát biểu với tờ Independent, Khales nói: “Sau chiến thắng của quân du kích, những người cộng sản đã bị triệt tiêu”. Mặc dù Bộ Ngoại giao Anh cho rằng quan điểm này “không hữu ích cho tiến triển hòa bình ở Afghanistan” nhưng các nhà ngoại giao vẫn ăn trưa cùng với Khales tại một nhà hàng Afghanistan ở Paddington và Cafe Royal xa hoa trên phố Regent.

Khales cũng lái xe đến quốc hội Anh để xem Những câu thẩm vấn Thủ tướng từ Phòng trưng bày Strangers, nơi mà Tử tước Cranborne (tên thật Robert Cecil, nghị sỹ của Đảng bảo thủ) đã sẵn sàng hỏi Margaret Thatcher rằng liệu bà có biết về chuyến thăm Anh lần này của Maulawi Younes Khales, lãnh tụ của đảng Hezb-i-Islami của Afghanistan hay không?”.

Bà Thatcher đáp từ bằng cách tuyên bố rằng mình toàn tâm toàn ý tin vào “quyền tự quyết của người Afghanistan, và rằng các lực lượng Liên Xô chiếm đóng nên lui binh ngay tức khắc”. Khales đã bỏ lỡ khoảnh khắc hiếm có này vì mải mê cầu nguyện. Sau đó, Khales gặp Tử tước Cranborne trong sảnh chính và đến phòng họp với nhóm nghị sỹ Anh-Afghanistan, nơi ông ta gặp một nghị sỹ ủng hộ khác là cháu trai của Winston Churchill.

 “Một tay não có sạn”

Điểm nổi bật trong chuyến thăm của Khales được giữ lại đến tận ngày cuối cùng, đó là khi ông ta gặp gỡ với Ngoại trưởng Timothy Eggar. Các thông báo tóm tắt mà ông Eggar đọc được là có 7 nhóm kháng chiến Afghanistan hoạt động ở Peshawar (Pakistan) liên kết lỏng lẻo với nhau trong một liên minh: 3 nhóm là “các đảng ôn hòa là tầng lớp quý tộc và tôn giáo trước đây” và 4 nhóm là “các đảng chính thống nhận được sự ủng hộ từ giai cấp tiểu tư sản mang tính chính trị hóa cao và theo chủ nghĩa chính thống”. Hezbi Islami (của Khales) là một trong 4 đảng phái được công nhận là theo “chủ nghĩa chính thống”.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Anh lưu ý rằng “Khales đóng một vai trò xây dựng tương đối trong liên minh và có thể bị loại bỏ bởi một số lãnh tụ đối lập mang quan điểm cứng rắn”. Eggar được lệnh hướng dẫn Khales rằng “người Anh khâm phục sức bền của ông” và khuyên đồng minh của Bin Laden rằng “cần thiết phải nâng cao hồ sơ kháng chiến quốc tế bằng cách thu được sự ủng hộ từ các nước Hồi giáo không liên kết và thế giới thứ ba”.

Một quan chức Anh nói với Timothy Eggar: “Cần phải làm nhiều hơn nữa. Chúng ta nên khuyến khích một chuyến công du của người phát ngôn chung (Yunus Khales). Chúng ta sẽ chào đón một văn phòng liên minh tại London”. Khi được hỏi về nguồn cung cấp vũ khí thì Eggar được hướng dẫn rằng không nên đề cập gì thêm ngoài việc khẳng định rằng “Anh làm hết sức để hỗ trợ ông”. 5 triệu bảng Anh mỗi năm là khoản viện trợ cho người di cư Afghanistan, cùng hệ thống tên lửa đất đối không sẽ được cung cấp bí mật.

Khales đặc biệt quan tâm đến thái độ của người Anh đối với “quyền lựa chọn của chính phủ nhân dân Hồi giáo tương lai ở Afghanistan”. Một quan chức Anh nhận xét: “Ông ta (Khales) nói nhiều về thái độ của chính phủ bệ hạ nếu lực lượng du kích thành lập một chính phủ ở các khu vực được giải phóng. Giới chức Anh hy vọng cựu hoàng Afghanistan sẽ quay lại ngai vàng, nhưng bản thân Khales chống lại kế hoạch này khi nói với Timothy Eggar rằng: “Kháng chiến đang tập trung vào Thánh chiến hơn là xem ai sẽ là nhà lãnh đạo tương lai: ai đó sẽ xuất hiện đúng lúc”.

Mặc dù tập trung vào Thánh chiến nhưng điện Whitehall cảm thấy rằng chuyến thăm của Khales là “một sự thành công không thể hồ nghi vào lúc khi quân du kích cần phơi bày đúng đắn trước những tranh cãi của giới truyền thông”. Mặc dù chế độ do Liên Xô hậu thuẫn ở Kabul chỉ trích về chuyến thăm Anh của Khales, nhưng Bộ Ngoại giao Anh bảo vệ quan điểm rằng “chúng tôi duy trì liên lạc thường xuyên với các lãnh đạo kháng chiến Afghanistan, những người đại diện cho một nhóm quan điểm quan trọng ở đó”.

Trong cuốn hồi ký của mình, Ngài Nicholas Barrington (đại sứ Anh ở Pakistan vào năm 1987) lưu ý rằng phó tướng của Khales là Jalaluddin Haqqani “một trong những chỉ huy du kích thành công nhất trên chiến trường. Haqqani và các con trai tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong nước suốt nhiều năm sau khi Khales mất”. Mạng lưới của Haqqani là một trong những lực lượng nổi dậy lớn chống lại chính phủ Afghanistan do NATO hậu thuẫn. Mạng lưới này giờ đây được điều hành bởi người con trai của Jalaluddin là Sirajuddin, người được chế độ mới Taliban bổ nhiệm là Bộ trưởng Nội vụ. Bộ Ngoại giao Anh và cả MI-6 từ chối bình luận về việc này.

Phan Bình (Tổng hợp)
.
.