Nhận diện khủng bố thế hệ mới

Chủ Nhật, 30/10/2022, 09:24

Chủ nghĩa khủng bố toàn cầu đã thực sự thay đổi kể từ giữa những năm 2010. Cho đến nay, nhiều tổ chức mang danh thánh chiến đã bị tiêu diệt và buộc phải tham gia liên minh mới với các nhóm vốn tập trung hoạt động trong phạm vi khu vực hơn là toàn cầu. Các cuộc tấn công khủng bố đẫm máu nhất trong những năm gần đây là những cuộc tấn công đi kèm với xung đột lãnh thổ, đặc biệt là ở Afghanistan và Tây Phi.

Trong khi đó, sự phát triển rộng khắp của các phương tiện truyền thông xã hội và truyền thông kỹ thuật số, sự gia tăng nhanh chóng của tư tưởng bài ngoại ở phương Tây và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của môi trường quốc tế đã làm nảy sinh những mối đe dọa mới.

Những con tắc kè biến mầu

Sau khi vụ việc một máy bay không người lái (UAV) do Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) vận hành đã tiêu diệt Ayman al-Zawahiri, thủ lĩnh của tổ chức al-Qaeda và là kẻ chủ mưu nhiều vụ tấn công khủng bố, bao gồm cả vụ 11/9, vào ngày 31/7/2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã khẳng định: “Mỹ không còn cần hàng nghìn chiếc ủng trên mặt đất ở Afghanistan để bảo vệ nước Mỹ khỏi những kẻ khủng bố luôn tìm cách hại chúng ta”. Vụ tấn công này được tiến hành ngay tại thủ đô Kabul của Afghanistan, và là vụ tấn công đầu tiên kể từ khi Mỹ rút lực lượng khỏi nước này vào năm 2021.

1.jpg -0
Ayman al-Zawahiri (bên phải) và trùm khủng bố Osama bin Laden.

Ở các nước phương Tây, sự hình thành của mạng lưới mới bao gồm các cá nhân kết nối trực tuyến với nhau, nhất là trong thời gian diễn ra đại dịch, đã khiến các cuộc tấn công khủng bố trở nên khó dự đoán hơn. Các nhóm cực đoan chú trọng  đến các vấn đề chính trị, nhưng các cam kết về ý thức hệ của họ không ổn định và mang tính cơ hội.

Trong khi đó, các cuộc tấn công khủng bố toàn cầu mang hình bóng tài trợ nhà nước lại diễn ra thường xuyên hơn theo những mô hình từng thấy vào những năm 1970. Ví dụ như các cuộc tấn công của nhóm Hezbollah ở Lebanon, Syria hay Iraq và của nhóm Houthi ở Yemen, trong khi lính đánh thuê từ công ty quân sự tư nhân Wagner Group đã được điều đến cuộc chiến Ukraine.

Giống như trong những năm 1970, sự gia tăng các cuộc tấn công của các lực lượng ủy nhiệm có thể dẫn đến sự gia tăng các cuộc tấn công khủng bố không xác định cũng như các cuộc chiến tranh ủy nhiệm và các vụ ám sát chính trị trên phạm vi toàn cầu.

Sự hình thành các mạng lưới mới

Chiến dịch chống khủng bố toàn cầu do Mỹ dẫn đầu trong giai đoạn từ những năm 2000 đến 2010 tập trung vào việc loại bỏ các thủ lĩnh khủng bố và sử dụng UAV như một ưu thế. Số lượng thành viên tham gia các hoạt động đặc biệt của Mỹ tăng từ 38.000 người vào năm 2001 lên 73.000 người vào năm 2020, trong khi ngân sách cho các hoạt động này tăng từ 2,3 tỷ USD lên 13,7 tỷ USD.

Việc Mỹ sử dụng UAV có vũ trang đã tăng lên đáng kể trong nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama – 563 cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu  khủng bố so với 57 cuộc tấn công dưới thời ông George W. Bush (con) – điều này phản ánh sự thay đổi trong chính sách của Mỹ sau vụ một máy bay của hãng Northwest Airlines phát nổ khi đang tiếp cận thành phố Detroit vào dịp Giáng sinh năm 2009, cũng như sự phát triển của công nghệ UAV (cải thiện độ sắc nét của camera, chất lượng kết nối dữ liệu và truyền tải).

Dưới thời chính quyền ông Donald Trump, Mỹ đã điều lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ trực tiếp tham gia các nhiệm vụ với tốc độ mà người đứng đầu Bộ Chỉ huy chiến dịch đặc biệt của Mỹ khi đó, tướng Tony Thomas, mô tả là “điên cuồng”.

Chiến thuật triển khai lực lượng ban đầu đã đạt được thành công nhất định – ngăn chặn được các cuộc tấn công của các phần tử khủng bố mượn danh thánh chiến có khả năng gây thương vong lớn trên đất Mỹ, nhưng cũng khiến hàng nghìn dân thường thiệt mạng. Thay vì loại bỏ, chiến thuật này đã buộc các phần tử khủng bố cực đoan phải chuyển sang hoạt động bí mật hơn và định hình lại mối đe dọa khủng bố toàn cầu.

Các cuộc không kích do Mỹ thực hiện đã tiêu diệt các thủ lĩnh khủng bố quan trọng bao gồm Osama bin Laden, các thủ lĩnh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo cực đoan (IS) Abu Bakr al-Baghdadi và Abu Ibrahim al- Hashimi al-Qurayshi, và gần đây nhất là Al-Zawahiri.

Thất bại quân sự của IS ở Iraq và Syria vào năm 2019, sự xuống thang của cuộc nội chiến Syria từ tháng 3/2020, cũng như hợp tác chống khủng bố toàn cầu cũng đóng vai trò quan trọng trong việc loại bỏ các nơi trú ẩn an toàn trên lãnh thổ và làm sáng tỏ các mạng lưới khủng bố mượn danh thánh chiến xuyên quốc gia.

Các thành viên của Al-Qaeda và IS đã chuyển sang hoạt động ngầm và liên kết với các nhóm như Boko Haram ở Tây Phi và Jamas Nusrat ul-Islam wa al-Muslimin (JNIM) ở Sahel – hiện là khu vực hoạt động mạnh nhất và địa bàn rộng lớn nhất của các phần tử khủng bố mượn danh thánh chiến. Và đáng chú ý là so với Mỹ, Pháp mới chính là nước hiện đang phải đối mặt với mối đe dọa của các nhóm mượn danh thánh chiến truyền thống lớn hơn từ các nhóm như JNIM.

Tổng số người chết trên toàn cầu do khủng bố đã giảm đều đặn kể từ năm 2014, nhưng một số xu hướng khủng bố rõ ràng vẫn đang phát triển. Chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan vẫn tồn tại và các cuộc tấn công của các nhóm liên kết với IS có xu hướng gây nhiều chết chóc, chẳng hạn như cuộc tấn công liều chết ngày 8/10/2021 vào một nhà thờ Hồi giáo dòng Shiite ở Kunduz, Afghanistan khiến 43 người thiệt mạng và hơn 140 người bị thương. Trong khi đó, tần suất của các cuộc tấn công có động cơ tôn giáo đã giảm.

Theo báo cáo Chỉ số khủng bố toàn cầu (GTI) năm 2022, chỉ có 3 cuộc tấn công mang động cơ tôn giáo diễn ra ở phương Tây trong năm 2021, trong khi đó, trong giai đoạn 2017 – 2021, số vụ tấn công mang động cơ chính trị gấp 5 lần số vụ tấn công mang động cơ tôn giáo diễn ra trên toàn cầu. Cũng theo báo cáo GTI, năm 2021, hơn nửa số vụ tấn công khủng bố toàn cầu không thuộc bất kỳ nhóm nào.

3.jpg -0
Một thành viên QAnon – phong trào mang hơi hướng kích động bạo lực sinh ra ngay trong lòng nước Mỹ.

Mạng lưới khủng bố hiện nay bao gồm nhiều nhóm cá nhân không đồng nhất hơn so với thời điểm các phần tử thánh chiến hoạt động trong các tổ chức xuyên quốc gia. Những phần tử này có thể tham gia hoặc không tham gia học hỏi cách tạo dựng phong trào hoặc hệ tư tưởng trước khi tiếp tục các hoạt động khủng bố.

Những người được tuyển dụng thường vô tình bị thu hút bởi các tài khoản trên các nền tảng truyền thông xã hội như Instagram, TikTok và Twitter trước khi được tiếp xúc với nhiều nội dung cực đoan hơn trên các nền tảng được mã hóa như Telegram, Signal, CloutHub, Gab, Rumble, Zello và MeWe.

Khi các công nghệ kỹ thuật số trở nên phổ biến và dễ tiếp cận, những kẻ khủng bố có thêm các công cụ mới để sao chép, khởi động và tiến hành các cuộc tấn công một cách công khai. Một số phần tử khủng bố mượn danh thánh chiến và các nhóm do nhà nước bảo trợ thậm chí còn sử dụng cả UAV để do thám cũng như tấn công dân thường, quan chức chính phủ và các lực lượng đối địch.

Chủ nghĩa cực đoan cánh hữu

Trong khi ở châu Âu có một số kiểu cực đoan cánh hữu - như chủ nghĩa tân phát xít, chủ nghĩa cực đoan da trắng và chủ nghĩa dân tộc cực đoan - thì ở Mỹ cũng có những phong trào khao khát lật đổ chính phủ. Những nhóm như vậy đều góp phần vào việc truyền bá các thuyết âm mưu và thông tin sai lệch do các tác nhân trong và ngoài nước chủ mưu.

Ví dụ, vụ xả súng hàng loạt ngày 14/5/2022 tại một cửa hàng tạp hóa ở Buffalo, New York, khiến 10 người Mỹ gốc Phi thiệt mạng và 3 người bị thương, được thúc đẩy bởi nỗi sợ hãi phát sinh từ học thuyết “sự thay thế tuyệt vời”, được khuếch đại trên các phương tiện truyền thông xã hội.

QAnon, thuyết âm mưu kỳ quặc và có tầm ảnh hưởng lớn, đã xuất hiện vào năm 2017 tại Mỹ từ một bảng tin trực tuyến và nhanh chóng lan truyền trên toàn cầu, thu hút hàng triệu người theo dõi trong vòng vài tháng. Các tín đồ của QAnon tin rằng Tổng thống Donald Trump khi đó “đang chiến đấu với một nhóm thờ phụng quỷ Satan” trong đảng Dân chủ, những người được cho là “buôn bán trẻ em để quan hệ tình dục và gian lận trong cuộc bầu cử năm 2020”.

Theo kết luận của Hiệp hội quốc gia Mỹ về nghiên cứu khủng bố và ứng phó với chủ nghĩa khủng bố (START), QAnon đã truyền cảm hứng cho những người theo đuổi mục tiêu sát hại hoặc gây thương tích cho 10 người trong khoảng thời gian từ năm 2018 đến khoảng tháng 9/2021. START cũng phát hiện ra rằng 61 trong số những người Mỹ xông vào tòa nhà trên đồi Capitol ngày 6/1/2021 là những người sùng đạo QAnon. Cơ quan Điều tra liên bang Mỹ (FBI) sau đó cũng đưa ra cảnh báo công khai rằng phong trào này có liên quan đến một số nhóm cực đoan bạo lực khác ở Mỹ.

Các kênh truyền thông kỹ thuật số cũng đã định hình lại mục tiêu của các nhóm cực đoan lâu đời. Những lời hùng biện của những người theo chủ nghĩa dân tộc cực hữu hiện tập trung vào những gì họ xem là mối đe dọa đối với nền văn minh phương Tây, nhằm mục đích bắt đầu một cuộc chiến tranh toàn cầu để cứu quốc gia của họ khỏi những thế lực xấu xa. Các tay súng đơn lẻ ở Oslo (Na Uy), Pittsburgh và San Diego (Mỹ), hay Christchurch (New Zealand) đã tìm cách sao chép các cuộc tấn công của nhau và cố gắng “vượt hơn” những người đi trước. Tất cả dường như đều gắn với những ý tưởng như vậy.

4.jpg -0
Cảnh sát Na Uy phong tỏa hiện trường sau vụ xả súng làm 14 người thương vong tại hộp đêm ở trung tâm Thủ đô Oslo.

Thách thức của những nền dân chủ

Các nền dân chủ phương Tây có thể nhận thấy nhiều khó khăn về chính trị trong việc đối phó với mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố cực hữu, do mối liên hệ của nó với chính trị trong nước: Các cơ quan an ninh bị đặt vào thế khó khi phải theo dõi các diễn ngôn chính trị hợp pháp để tìm kiếm các dấu hiệu cực đoan.

Ngoài ra, nhiều cấu trúc và cơ chế pháp lý do các nước phương Tây tạo ra để đối phó với chủ nghĩa khủng bố mượn danh thánh chiến dựa trên thực tế rằng các mối đe dọa thường bắt nguồn từ nước ngoài, với các hành động khủng bố do công dân nước ngoài thực hiện, và không thể được sử dụng để chống lại chính công dân của các quốc gia đó vì sự tồn tại của các biện pháp bảo vệ pháp lý ở các xã hội dân chủ.

Các cơ quan chống khủng bố ở hầu hết các nước phương Tây sẽ tiếp tục theo dõi các mối đe dọa từ các phần tử mượn danh thánh chiến, nhưng sẽ chuyển trọng tâm sang các phần tử theo chủ nghĩa cực đoan da trắng, chủ nghĩa dân tộc kiểu mới, chủ nghĩa dân tộc cực đoan và các lực lượng dân quân chống chính phủ.

Những cơ quan này cũng có thể phối hợp chặt chẽ hơn với nhau trong nỗ lực phá vỡ các mối liên kết toàn cầu đã được hình thành giữa các nhóm cực hữu cánh hữu. Ở Mỹ, các quan chức có thể giảm bớt mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố bằng cách hạn chế quyền tiếp cận súng của người dân, nhưng điều này cũng còn đang vấp phải không ít những tranh cãi.

Ngọc Lan (Tổng hợp)
.
.