Những ngộ nhận của phương Tây về chiến lược tình báo của Ấn Độ
Những nghiên cứu chuyên biệt về các cộng đồng tình báo không thuộc Phương Tây rất ít ỏi và hầu hết được phân tích và diễn giải thông qua những lăng kính của các chuyên gia tình báo Phương Tây.
Hệ thống tình báo Mỹ coi hoạt động phân tích tình báo là nền tảng và là tiêu chuẩn để đánh giá tính hiệu quả của tất cả các hệ thống tình báo khác. Điều này đã dẫn đến một số giả định về sự kém cỏi của hoạt động tình báo ở một số quốc gia phi Phương Tây, bỏ qua một thực tế rằng một số quốc gia đã tham gia vào những hoạt động mang yếu tố tình báo từ hơn 2.000 năm trước. Rõ ràng là khi xem xét đánh giá các cộng đồng tình báo phi Phương Tây như Ấn Độ, cần xuất phát từ quan điểm chính trị và những ưu tiên đặc thù về an ninh quốc gia của riêng họ.
Sự khác biệt trong quan niệm về tình báo giữa Đông và Tây
Giới nghiên cứu Phương Tây đã đưa ra rất nhiều định nghĩa khác nhau về khái niệm tình báo, dù rất khác biệt nhưng chúng luôn thống nhất ở 4 điểm sau:
Hoạt động tình báo phụ thuộc vào các nguồn tin và các phương pháp khai thác tin bí mật.
Các cơ quan nhà nước tổ chức hoạt động tình báo chỉ nhằm phục vụ cho lợi ích của nhà nước.
Thông tin tình báo tập trung vào người nước ngoài.
Hoạt động tình báo có mục đích tác động lên các thực thể nước ngoài bằng các phương pháp không thể quy trách nhiệm cho nhà nước chủ quản của cơ quan tình báo đó.
Những định nghĩa này khi áp dụng vào trường hợp các nước phi Phương Tây như Ấn Độ đều tỏ ra không thích hợp. Khác với các cộng đồng tình báo Anh-Mỹ, ở các quốc gia phi Phương Tây có rất ít các hạn chế hay các giới hạn được áp đặt cho việc khai thác nguồn tin hoặc mục tiêu trong hoạt động tình báo, chúng thay đổi tùy thuộc vào lợi ích an ninh quốc gia cụ thể và các ưu tiên đối nội của từng quốc gia cụ thể. Các quy tắc về hành vi chuẩn mực đạo đức trong hoạt động tình báo ở các quốc gia Phương Đông và Phương Tây cũng rất khác nhau.
Cấu trúc tình báo chiến lược của Ấn Độ
Hiểu rõ các định hướng tình báo chiến lược của một quốc gia sẽ cho phép chúng ta hiểu rõ hơn các lợi ích an ninh quốc gia, các ưu tiên trong chính sách đối nội và đối ngoại, di sản của các mối quan hệ trong quá khứ và những ảnh hưởng quan trọng trong nền văn hóa của quốc gia đó và Ấn Độ sẽ là ví dụ mang tính thuyết phục nhất cho lời khẳng định trên.
Khía cạnh dễ dàng nhất để suy luận là việc xem xét đánh giá các thách thức về an ninh của một quốc gia. Trong trường hợp của Ấn Độ, những thách thức đó được phân chia thành các loại: trong nước, khu vực, toàn cầu và mới nổi.
Các khía cạnh an ninh trong nước: Sự phân mảnh về chính trị, bạo loạn trong nước.
Các khía cạnh an ninh trong khu vực: Rối loạn tại các quốc gia láng giềng, các nhóm sắc tộc và phong trào mới, những phong trào ly khai và các cuộc nổi dậy bên ngoài, xung đột tôn giáo.
Các khía cạnh an ninh toàn cầu: Khủng bố quốc tế; phổ biến hạt nhân.
Các khía cạnh an ninh mới nổi: An ninh năng lượng, lương thực, nguồn nước, mạng, giao thông và hàng hải.
Đối với Ấn Độ, tình trạng phân mảnh về chính trị không chỉ đơn thuần liên quan tới việc tổ chức một bộ máy hành chính hiệu quả. Bị phân mảnh về chính trị, luôn cần đến các hoạt động dàn xếp để lập ra các chính phủ hiệp thương và các liên minh, vì thế khả năng đáp ứng nhanh chóng và hiệu quả đối với các thách thức về an ninh luôn là một dấu hỏi với các chính phủ kế tiếp nhau của Ấn Độ.
Những mối đe dọa hàng đầu đối với an ninh quốc gia Ấn Độ
Rất nhiều quốc gia có chung đường biên giới với Ấn Độ được xếp vào loại có chỉ số bất ổn chính trị cao. Vì thế hiện tượng “rối loạn chức năng” của các nước láng giềng trở thành mối quan tâm ngày càng tăng của những người hoạch định chiến lược an ninh của Ấn Độ. Điều này hoàn toàn khác biệt với các nước Phương Tây khi mà các cuộc nổi dậy trong nước hay sự “rối loạn chức năng” của các nước láng giềng không phải là những ưu tiên hàng đầu khi xây dựng cấu trúc tình báo của họ. Nhưng đối với Ấn Độ, hai vấn đề này không chỉ cực kỳ quan trọng mà nó đã trở thành những nỗi lo lắng lớn nhất mà nước này phải hàng ngày đối mặt.
Hiện tượng di dân xuyên biên giới (vào và ra) tạo ra những mất ổn định trong cấu trúc an ninh quốc gia của Ấn Độ. Cho dù đó là người Tamil ở Sri Lanka, Punjab ở Kashmir, người Ấn Độ gần Nepal, người Tây Tạng chạy trốn khỏi Trung Quốc hay người Bangladesh di cư vào Ấn Độ, những xáo trộn này đều đặt ra những thách thức về an ninh quốc gia và là những vấn đề có thứ tự ưu tiên cao nhất trong cấu trúc tình báo chiến lược của Ấn Độ.
Ở các nước Phương Tây, sự trung thành với nguyên tắc thế tục hóa, việc tách biệt giữa đức tin và nhà nước là một truyền thống lâu đời và có nền móng vững chắc, trong khi đó xung đột tôn giáo ở Ấn Độ, cũng như một số nước phi Phương Tây khác, luôn là một vấn đề nóng bỏng trong xã hội. Tôn giáo ở Ấn Độ, từ xa xưa đã tác động mạnh mẽ đến sự phân tầng xã hội và ở Ấn Độ, bạo lực tôn giáo thường xuyên nổ ra, chủ yếu giữa những người theo đạo Hindu và đạo Hồi và những xung đột này ngày càng có xu hướng cực đoan hóa.
Trong cấu trúc của chiến lược tình báo quốc gia, thường có một sự tương đồng rất rõ nét giữa các phạm trù an ninh quốc tế và những mối đe dọa về an ninh mới trỗi dậy. Hầu hết các quốc gia đều đặt trọng tâm và việc chống khủng bố quốc tế vào việc phổ biến vũ khí hạt nhân và Ấn Độ, không nghi ngờ gì nữa, từ lâu đã phải đối mặt với hai nguy cơ này ở một mức độ rất cao. Ấn Độ thường xuyên là nạn nhân của cái gọi là khủng bố xuyên biên giới mà mọi lời cáo buộc đều hướng về nước láng giềng Pakistan. Hai thành viên lâu năm của câu lạc bộ hạt nhân cũng là hai nước láng giềng ở phía Tây Bắc và Đông Bắc của Ấn Độ: Pakistan và Trung Quốc, đó là một liên minh lâu dài có mục đích chủ yếu là kiềm chế Ấn Độ. Điều này không còn là những bí mật trong chiến lược tình báo mà đã trở thành những quan niệm phổ biến trong mọi tầng lớp dân chúng trên đường phố New Delhi.
Thực phẩm và nước, tùy thuộc vào bối cảnh, có thể dễ dàng được Ấn Độ coi là những ưu tiên an ninh quốc gia lớn hơn việc phổ biến vũ khí hạt nhân. Việc cho rằng các nguồn thông tin đang được sử dụng trong nhiều lĩnh vực không liên quan đến an ninh quốc gia và do đó bị đánh giá là không đủ điều kiện cho hoạt động tình báo là không có gì đáng ngạc nhiên. Trước đây, sự khác biệt này thường bị coi là bằng chứng cho sự vượt trội trong hoạt động tình báo của các quốc gia phương Tây so với các quốc gia không thuộc phương Tây. Nhưng nhận định đó đã đặt nhầm chỗ: cần phải hiểu và phân tích đúng các điều kiện tình báo chiến lược của Ấn Độ, từ đó nắm bắt được mạng lưới các yếu tố phức tạp tạo ra các nhu cầu và áp lực riêng, đồng thời biện minh cho việc sử dụng thông tin tình báo trong các lĩnh vực thường không được phương Tây tán thành. Đây không phải là một sự so sánh hơn hay kém. Nó chỉ đơn giản là xác nhận một bối cảnh thực nghiệm khác.
Chiến lược tình báo của Ấn Độ: Thực tiễn và mềm dẻo
Văn hóa chính trị, triết lý mà qua đó một quốc gia hình dung về bản thân và vị trí của mình trên thế giới cũng dễ bị thay đổi để thích ứng giống như chính sách đối ngoại. Trong trường hợp của Ấn Độ, con lắc văn hóa chính trị sẽ thay đổi nhanh đến mức nào và đi xa đến đâu sẽ được quyết định một phần lớn bởi 8 vấn đề cụ thể sau: Chương trình hợp tác phát triển tên lửa giữa Trung Quốc và Pakistan. Cuộc nội chiến bất tận ở Afganistan. Quan hệ phức tạp giữa ma túy, khủng bố và phổ biến vũ khí sát thương ở Trung Á. Sự bất ổn về chính trị ở Pakistan. Sự hỗ trợ của Sri Lanka cho cuộc nổi dậy của người Tamil. Những xung đột ở Tây Tạng. Quá trình dân chủ hóa ở Myanmar. Những vấn đề di dân ở các nước láng giềng.
Danh sách này khá điển hình cho các ưu tiên trong chiến lược tình báo của các nước phi Phương Tây: Các cuộc chiến trong khu vực và nguy cơ xung đột trong nước luôn được ưu tiên hơn các mối quan tâm mang tính toàn cầu.
Mối bận tâm của Ấn Độ về các vấn đề cấp bách và khó giải quyết trong nước và khu vực này đôi khi tạo ra cho các nhà quan sát quốc tế cảm giác rằng đất nước này thiếu sự phối hợp hiệu quả và chính sách của họ mang tính “tùy hứng và trôi dạt”. Tuy nhiên, từ góc nhìn của chiến lược tình báo cần phải xem xét lại lời chỉ trích này. Với gần 10 nước láng giềng có vấn đề, trong khi vẫn phải tiếp tục trải qua quá trình chuyển đổi kinh tế và chính trị của riêng mình nhằm nhanh chóng đạt tới vị thế một cường quốc toàn cầu, Ấn Độ sẽ không thể có lựa chọn chiến lược nào khác. Sự phối hợp các mục tiêu trong chiến lược tình báo của Ấn Độ là một sự phối hợp đặc biệt hợp lý và cho phép “trôi dạt có mục đích”.
Quan sát khả năng thích ứng và tính linh hoạt của tình báo Ấn Độ và coi đó là dấu hiệu cho thấy cộng đồng tình báo nước này thiếu mục đích và kế hoạch và kết luận về một sự yếu kém, đó thực sự là một tầm nhìn thiển cận và mang tính thiên vị của Phương Tây.