Những người lính Do Thái của Hitler - nạn nhân hay đồng phạm?
Trước đây, người ta cho rằng trong Thế chiến thứ hai, tất cả người Do Thái đều chiến đấu trong liên minh chống Hitler. Thế nhưng, sử gia Mỹ Bryan Mark Rigg, tác giả cuốn sách "Những người lính Do Thái của Hitler”, lại khẳng định rằng thời gian này, có khoảng 150.000 người Do Thái phục vụ trong quân đội Đức Quốc xã, trong đó có rất nhiều sĩ quan cao cấp. Phần lớn họ hoặc mang giấy tờ giả, hoặc nhận được giấy phép đặc biệt của Adolf Hitler.
Theo phân loại của Luật chủng tộc Nuremberg, ít nhất có 130 sĩ quan cao cấp là người Do Thái, lai Do Thái, hoặc đã kết hôn với phụ nữ Do Thái. Trong số đó, theo thông tin của Bryan Rigg, có 2 đại tướng, 8 trung tướng, 5 thiếu tướng, 17 người được tặng Huân chương Thập tự Hiệp sĩ.
Trong giới chỉ huy quân sự cao cấp, có thể kể đến một số tên tuổi nổi bật như: Thống chế Không quân Erhard Milch, Đại tướng Helmut Wilberg - một trong những chiến lược gia của “chiến tranh chớp nhoáng” (Blitzkrieg). Các nhân vật nổi tiếng khác trong quân đội Đức là Helmut Schmidt - sĩ quan không quân về sau trở thành Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức, và Egon Bahr, cựu Bộ trưởng Bộ Các vấn đề đặc biệt Đức. Nhà sử học Bryan Rigg tuyên bố: "Có thể bổ sung vào danh sách này 60 sĩ quan cao cấp và tướng lĩnh trong quân đội Đức, kể cả hai thống chế".
Thuật ngữ pháp lý "Mischlinge" (lai tạp) trong Đế chế Đức chỉ những người sinh ra từ các cuộc hôn nhân hỗn hợp giữa người Aryan và người không phải Aryan. Các đạo luật phân biệt chủng tộc năm 1935 chia "Mischlinge" thành hai loại: loại một có cha hoặc mẹ là người Do Thái và loại hai có ông bà nội ngoại là người Do Thái. Mặc dù người có dòng máu Do Thái bị coi là "không thuần chủng" theo luật pháp và mặc dù có sự tuyên truyền mạnh mẽ, hàng chục nghìn người “Mischlinge” vẫn sống bình thường dưới chế độ phát xít. Họ tham gia lực lượng vũ trang Đức Quốc xã, trở thành những người lính và thậm chí là một số tướng lĩnh.
Hàng trăm "Mischlinge" đã được trao tặng Huân chương Thập tự Sắt vì lòng dũng cảm. Hai mươi binh sĩ và sĩ quan có nguồn gốc Do Thái đã được tặng danh hiệu cao quý nhất của Đệ Tam Đế chế - Huân chương Thập tự Hiệp sĩ.
Những câu chuyện đời của họ nghe có vẻ kỳ ảo, nhưng hoàn toàn hiện thực và được xác nhận một cách cụ thể. Chẳng hạn, ở miền Bắc Cộng hòa Liên bang Đức, có một cư dân 82 tuổi là người Do Thái sùng đạo. Từng phục vụ trong quân đội Đức Quốc xã với quân hàm đại úy, ông đã bí mật thực hiện các nghi lễ Do Thái ngay cả trong điều kiện chiến tranh.
Trong một thời gian dài, nhiều tờ báo Đức Quốc xã đã đăng trên trang bìa của mình hình ảnh người lính mắt xanh, tóc vàng, đội mũ sắt. Dưới bức ảnh là dòng chữ: "Người lính Đức lý tưởng". Tuy nhiên, hình mẫu “Aryan" lý tưởng này chính là anh lính Đức Werner Goldberg, con của một người Do Thái thuần chủng.
Thiếu tá quân đội Đức Quốc xã Robert Borchardt được tặng Huân chương Thập tự Hiệp sĩ vì cuộc đột phá phòng tuyến Nga vào tháng 8 năm 1941. Sau đó, y gia nhập Quân đoàn viễn chinh Phi Châu của Đức. Tại El Alamein, Ai Cập, Borchardt bị quân Anh bắt làm tù binh. Năm 1944, y được phép đến Anh để đoàn tụ với người cha Do Thái.
Năm 1946, trở lại Đức, Robert nói với người cha Do Thái của mình: "Phải có ai đó xây dựng lại đất nước của chúng ta". Năm 1983, trước khi qua đời, Borchardt đã kể cho các học sinh Đức: "Rất nhiều người Do Thái và lai Do Thái đã chiến đấu vì nước Đức trong Thế chiến thứ hai, họ cho rằng phải trung thực bảo vệ Tổ quốc mình, khi phục vụ trong quân đội".
Đại tá Walter Hollander có mẹ là người Do Thái, được Hitler chứng nhận là người Aryan gốc. Hitler đã ký những chứng chỉ như vậy về "dòng máu Đức" cho hàng chục sĩ quan cấp cao có nguồn gốc Do Thái. Trong những năm chiến tranh, Hollander đã được trao tặng Huân chương Thập tự Sắt hạng 1 và 2 và một huân chương đặc biệt hiếm hoi - Huân chương Thập tự Vàng của Đức. Hollander nhận được Huân chương Thập tự Hiệp sĩ vào tháng 7/1943, khi lữ đoàn chống tăng của y tiêu diệt 21 xe tăng Liên Xô trong trận chiến tại vòng cung Kursk. Vào tháng 10/1944, Walter Hollander bị bắt làm tù binh và đã trải qua 12 năm trong các trại lao động của Stalin. Y qua đời năm 1972 tại Cộng hòa Liên bang Đức.
Câu chuyện giải cứu giáo sĩ Do Thái Chính thống Yosef Yitzchak Schneersohn khỏi Warsaw vào mùa thu năm 1939 đầy bí ẩn. Các tín đồ phong trào Do Thái giáo Chabad-Lubavitch tại Mỹ yêu cầu Ngoại trưởng Cordell Hull giúp đỡ. Bộ Ngoại giao Mỹ đã thỏa thuận với Đô đốc Canaris - người đứng đầu Cơ quan Tình báo quân sự Đức cho phép giáo sĩ Schneersohn tự do di chuyển từ Đức đến Hà Lan, một quốc gia trung lập.
Chỉ gần đây, người ta mới biết rằng người chỉ huy chiến dịch giải cứu giáo sĩ Schneersohn khỏi Ba Lan bị chiếm đóng là Trung tá tình báo quân đội Đức Ernst Bloch, con của một người Do Thái. Bloch đã bảo vệ giáo sĩ khỏi những cuộc tấn công của các binh sĩ Đức tháp tùng ông. Chính Bloch cũng được một văn bản đáng tin cậy "che chở": "Tôi, Adolf Hitler, Quốc trưởng Đức, xin xác nhận rằng Ernst Bloch là “người mang dòng máu Đức". Tuy nhiên, vào tháng 2/1945, giấy tờ này không ngăn cản việc Bloch bị mất chức.
Vậy những người “Mishlinge” trong quân đội Đức Quốc xã là nạn nhân của các cuộc đàn áp người Do Thái hay là đồng phạm của những tên đao phủ? Cuộc sống đôi khi đặt họ vào những tình huống hết sức trớ trêu. Một người lính đeo Huân chương Thập tự Sắt trở về từ mặt trận và đến trại tập trung Sachsenhausen để... thăm bố mình, một người Do Thái. Bị sốc khi thấy vị khách này, một sĩ quan SS nói: “Nếu không có tấm huy chương trên ngực, anh có thể sớm bị đưa vào nơi mà bố anh đang ở”.
Một công dân Đức 76 tuổi, người Do Thái 100% kể lại câu chuyện như sau. Năm 1940, ông trốn khỏi nước Pháp bị chiếm đóng bằng giấy tờ giả. Với cái tên Đức mới, ông được tuyển vào các đơn vị chiến đấu SS tinh nhuệ. “Nếu tôi phục vụ trong quân đội Đức, còn mẹ tôi chết ở trại tập trung Auschwitz, thì tôi là gì - nạn nhân hay là kẻ săn đuổi? Những người Đức cảm thấy tội lỗi vì những gì đã làm, không muốn nghe nói về chúng tôi. Cộng đồng Do Thái cũng quay lưng với những người như tôi, vì câu chuyện của chúng tôi trái ngược hoàn toàn với những gì họ quan niệm về nạn diệt chủng Holocaust”.
Năm 1940, tất cả các sĩ quan có hai ông hoặc bà là người Do Thái phải rời khỏi quân ngũ. Những người chỉ có một ông là người Do Thái có thể vẫn ở lại quân đội làm lính thường. Tuy nhiên, những lệnh này không được thực hiện. Nhiều người lính Đức, vì tinh thần đồng đội, đã giấu những người bạn Do Thái của mình, không giao nộp họ cho các tổ chức đảng và cơ quan an ninh.
Cựu Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức, Helmut Schmidt, vốn là sĩ quan không quân và cháu của một người Do Thái, xác nhận: “Chỉ riêng trong đơn vị không quân của tôi đã có 15 đến 20 người như tôi. Tôi tin rằng sự thâm nhập sâu sắc của Bryan Rigg vào vấn đề những người lính Đức gốc Do Thái sẽ mở ra những triển vọng mới trong nghiên cứu lịch sử quân sự Đức thế kỷ XX".
Tháng 1/1944, bộ phận nhân sự của quân đội Đức Quốc xã đã chuẩn bị một danh sách mật gồm 77 sĩ quan và tướng lĩnh cấp cao "có pha trộn dòng máu Do Thái hoặc đã kết hôn với phụ nữ Do Thái".
Một trong những nhân vật khét tiếng nhất của chế độ Quốc xã có thể được bổ sung vào "danh sách 77" này. Đó là Reinhard Heydrich, con cưng của Quốc trưởng và người đứng đầu Tổng cục An ninh Quốc gia Đức, kiểm soát Gestapo, cảnh sát hình sự, tình báo, và phản gián, suốt cuộc đời - rất may là ngắn ngủi - đã phải đấu tranh với tin đồn về gốc gác Do Thái của mình. Reinhard sinh năm 1904 ở Leipzig, trong gia đình giám đốc nhạc viện.
Chuyện kể rằng bà của y đã kết hôn với một người Do Thái ngay sau khi người đứng đầu tương lai của Tổng cục An ninh Đức ra đời. Hồi nhỏ, Reinhard thường xuyên bị các bạn lớn tuổi hơn đánh đập và gọi là "thằng Do Thái con" (nhân tiện xin nói, ngay cả tên tội phạm chiến tranh Adolf Eichmann hồi học phổ thông cũng bị gọi là "thằng Do Thái con"). Năm 16 tuổi, Reinhard gia nhập tổ chức bán phát xít "Freikorps" để xua tan tin đồn về người ông Do Thái của mình.
Giữa những năm 1920, Heydrich là học viên phục vụ trên chiếc tàu huấn luyện "Berlin" do Đô đốc tương lai Wilhelm Canaris làm thuyền trưởng. Reinhard làm quen với Erika, vợ của Canaris, và tổ chức các buổi biểu diễn đàn violin tại nhà, trình diễn các tác phẩm của Haydn và Mozart. Nhưng năm 1931, Heydrich bị đuổi khỏi quân đội một cách nhục nhã vì vi phạm danh dự sĩ quan. Y đã dụ dỗ cô con gái nhỏ của thuyền trưởng.
Tuy nhiên, chẳng bao lâu, Heydrich tiến rất nhanh trên con đường hoạn lộ. Trở thành đại tướng SS trẻ nhất, y bày mưu chống lại Canaris, người bảo trợ cũ của mình, nhằm chiếm quyền kiểm soát Cơ quan Tình báo quân sự Đức. Phản ứng của Canaris rất đơn giản: cuối năm 1941, Đô đốc Canaris đã công bố các bản sao tài liệu về nguồn gốc Do Thái của Heydrich.
Một ví dụ điển hình về "người Do Thái giấu mặt" trong giới lãnh đạo tinh hoa của Đế chế Thứ ba là Thống chế không quân Erhard Milch. Bố y là một dược sĩ người Do Thái. Vì nguồn gốc Do Thái, Erhard không được vào học các trường quân sự Đức, nhưng Thế chiến thứ nhất bùng nổ đã tạo cơ hội cho y tiếp cận ngành hàng không. Erhard Milch tham gia sư đoàn của Richthofen nổi tiếng, làm quen với phi công trẻ xuất sắc Hermann Goring và được chú ý trong bộ tham mưu, mặc dù bản thân y không lái máy bay.
Năm 1920, nhà chế tạo máy bay Junkers đã giúp đỡ Erhard Milch, đưa y từ một cựu chiến binh lên vị trí quan trọng trong tập đoàn của mình. Năm 1929, Erhard Milch trở thành Tổng giám đốc của Lufthansa, hãng hàng không quốc gia của Đức. Khi gió đổi chiều về phía Đảng Quốc xã, Erhard Milch cung cấp miễn phí máy bay của Lufthansa cho các lãnh đạo đảng này.
Lên nắm quyền, Đảng Quốc xã tuyên bố rằng mẹ của Erhard Milch không hề có quan hệ với người chồng Do Thái của mình, còn cha đẻ thực sự của Erhard Milch là nam tước von Wir. Goring vừa cười vừa nói về điều này: "Đúng, chúng tôi đã biến Milch thành một đứa con hoang, nhưng là một đứa con hoang quý tộc!". Một câu nói nổi tiếng khác của Goring về Milch: "Tại bộ tham mưu của tôi, tôi sẽ tự quyết định ai là người Do Thái, ai không!".
Thống chế Erhard Milch là người đứng đầu Không quân Đức ngay trước và trong suốt chiến tranh, thay thế Goring. Cụ thể, Milch đã điều hành việc chế tạo máy bay phản lực Me-262 và tên lửa V-2. Sau chiến tranh, Milch bị kết án và ngồi tù suốt 9 năm, sau đó làm tư vấn cho các tập đoàn “Fiat” và “Thyssen” cho đến năm 80 tuổi.