Những thăng trầm trong sự nghiệp của nhà tình báo Ivan Ilychyov
Ivan Ilychyov lãnh đạo Tổng cục Tình báo Quân đội Liên Xô tại một trong những thời kỳ khó khăn nhất đối với tình báo quân đội. Tuy ít hiểu biết về hoạt động tình báo lúc bấy giờ, nhưng ông là một nhà tổ chức tuyệt vời. Dưới sự lãnh đạo của Ivan Ilychyov, tình báo quân đội Liên Xô đã đứng dậy từ đống tro tàn, có được vóc dáng hiện tại và giành được những thành tựu nổi bật.
Dưới thanh gươm của Damocles
Ivan Ilychyov sinh ngày 14/8/1905 tại tỉnh Kaluga. Tuy xuất thân từ một gia đình nông dân, nhưng sau cách mạng, ông vào làm việc ở các xưởng cơ điện.
Thời bấy giờ, Lênin đặt ra trước đảng và nhân dân nhiệm vụ điện khí hóa toàn quốc, trong khi đó các chuyên gia về điện thiếu hụt trầm trọng, vì vậy bất kỳ ngành nghề nào liên quan đến điện đều được đánh giá cao. Tuy nhiên, số phận lại hướng Ivan Ilychyov đi theo một con đường khác.
Năm 1922, ông gia nhập Đoàn thanh niên cộng sản, và hai năm sau, ông được cử đến làm việc tại Tỉnh đoàn Kaluga. Năm 1925, Ivan Ilychyov gia nhập Đảng Cộng sản Toàn liên minh Bolshevik và được cử làm lãnh đạo Tỉnh đoàn Smolensk.
Hai năm sau, ông trở lại tỉnh Kaluga trên cương vị Bí thư thứ nhất Tỉnh đoàn. Năm 1929, đảng cử ông sang làm công tác chính trị trong quân đội. Ở đó, Ilychyov cũng chứng tỏ là một người trung thành với sự nghiệp của đảng và được đào tạo để tiếp tục phát triển trên con đường chính trị.
Năm 1934, Ivan Ilychyov vào học Học viện Chính trị - Quân sự Tolmachyov ở Leningrad. Năm 1938, khi đang học năm cuối, do có người viết đơn tố giác, Ilychyov bị khai trừ khỏi đảng, bị đuổi học, và sắp bị bắt giữ. Tuy nhiên, nghị quyết nổi tiếng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Toàn liên minh Bolshevik “Về sự thái quá” đã cứu ông.
Vào thời điểm đó, Điện Kremlin nhận ra rằng tình trạng hỗn loạn diễn ra trong đảng có thể khiến phần lớn những đảng viên cộng sản chân chính phải vào tù. Và trong các cơ sở đảng chỉ còn lại những kẻ chỉ điểm và xu nịnh. Vì vậy, Stalin quyết định lập lại trật tự.
Thăng tiến sự nghiệp
Ivan Ilychyov được phục hồi đảng tịch, còn kẻ tố giác ông đã bị xét xử. Điều này hoàn toàn phù hợp với chính sách của ban lãnh đạo mới Bộ Dân ủy Nội vụ Liên Xô do Lavrenty Beria đứng đầu. Chính dưới thời Beria, lần đầu tiên các vụ án được xem xét lại và gần 700.000 người đã được trả tự do.
Các cơ quan tình báo cần lực lượng cán bộ mới, vì vậy việc chuyển Ilychyov sang Tổng cục Tình báo Quân đội là hoàn toàn hợp lý. Nhưng đối với Ilychyov việc bổ nhiệm này trở nên hết sức bất ngờ. Mọi chuyện bắt đầu từ việc chàng trai 33 tuổi vừa tốt nghiệp học viện được triệu tập lên Điện Kremlin và được Stalin đích thân đón tiếp. Như Ilychyov sau này kể lại, Stalin nhìn Ilychyov một lúc rồi nói: “Chúng tôi biết anh bị khai trừ khỏi đảng… Đảng đã sai, đảng đang sửa chữa sai lầm này”.
Có lẽ, Stalin thích Ilychyov, vì vậy đã bổ nhiệm ông làm Vụ trưởng Vụ Chính trị của Tổng cục Tình báo Quân đội. Đây quả là một sự thăng tiến chóng mặt đối với một sinh viên vừa mới tốt nghiệp học viện.
Ở Tổng cục Tình báo, Ilychyov phải làm công tác chính trị, nhưng theo quy định hiện hành lúc bấy giờ, chính ủy buộc phải am hiểu ít nhiều đặc thù của đơn vị quân đội nơi mình phục vụ. Ilychyov không hiểu biết gì về hoạt động tình báo, nhưng trong một chừng mực nào đó, ông là người may mắn: số phận đã cho ông gặp Pavel Fitin, người phụ trách Cục Đối ngoại của Bộ Dân ủy Nội vụ Liên Xô từ năm 1939, vốn cũng không có nhiều kinh nghiệm hoạt động tình báo. Vào thời điểm đó, Fitin mới phục vụ trong Bộ Dân ủy Nội vụ được một năm. Là người đứng đầu Cục Đối ngoại, Fitin tỏ ra hết sức trung thành với Lavrenty Beria: bởi, chính ông ta đã đề bạt chàng cán bộ trẻ Pavel Fitin giữ một chức vụ quan trọng như vậy.
Lý do của Beria cũng rất dễ hiểu: ông khẩn trương loại bỏ các cán bộ cũ thời Yezhov và đề bạt hàng loạt cán bộ trẻ vào các chức vụ để trống. Thời kỳ đó, ở châu Âu, hầu như không cơ quan tình báo đối ngoại nào của Liên Xô còn hoạt động, quan hệ với nhiều điệp viên có giá trị bị cắt đứt và không có ai phục hồi các mối quan hệ này.
Khi nhận ra tình trạng tồi tệ của các cơ quan tình báo, Beria cho phép Fitin toàn quyền thực hiện bất kỳ hành động nào. Những cán bộ cũ bắt đầu trở lại các cơ quan tình báo, một số trong đó Fitin đưa về từ trại giam. Sự hỗn loạn và tàn phá ngự trị trong các cơ quan tình báo. Đồng thời, Fitin đã tìm cách sáp nhập hai bộ phận khác nhau (Bộ Dân ủy Nội vụ và Tổng cục Tình báo Quân đội).
Các nhà lãnh đạo tình báo nghiệp dư
Thật khó hình dung những nỗ lực hai cơ quan này đã bỏ ra để làm việc cùng nhau mà không giấu diếm bí mật. Fitin thường xuyên đến thăm Tổng cục Tình báo Quân đội. Xin nhắc lại, vào thời kỳ đó, (từ tháng 4/1939 đến tháng 7/1940), Ivan Proskurov là người đứng đầu tình báo quân đội. Là một phi công nổi tiếng, từng được phong Anh hùng Liên Xô, nhưng Ivan Proskurov lại không hiểu gì về hoạt động tình báo.
Bằng nỗ lực chung Bộ Dân ủy Nội vụ và Tổng cục Tình báo Quân đội đã kịp thời nối lại một số quan hệ đã mất ở nước ngoài. Chính lúc bấy giờ, Ivan Ilychyov đã học được ở Fitin cái gọi là năng lực tổ chức.
Thông thường, nếu bản thân anh không am hiểu lắm công việc được giao, thì hãy thu hút các chuyên gia đích thực tham gia công việc và anh chỉ việc giám sát quy trình. Cách tiếp cận đó của Fitin đã mang lại kết quả tốt đẹp và Ilychyov được tận mắt chứng kiến những thành công của đồng nghiệp.
Tuy nhiên, tháng 7/1940, nguyên soái Liên Xô tương lai Filipp Golikov được bổ nhiệm chức Tổng cục trưởng Tổng Cục Tình báo Quân đội, và hoạt động tình báo quân đội lại tiếp tục thay đổi.
Khi cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại bắt đầu, Golikov bị cách chức Cục trưởng Cục Tình báo Quân đội. Người thay ông là Tướng Aleksey Panfilov từ Binh chủng Thiết giáp sang, cũng là dân nghiệp dư trong hoạt động tình báo như người tiền nhiệm.
Có hai giả thuyết về việc Panfilov bị cách chức Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Quân đội. Giả thuyết chính thức như sau: Panfilov có liên quan tới việc thành lập quân đoàn Ba Lan như một bộ phận của Hồng quân (quân đoàn Ba Lan chủ yếu được thành lập từ những công dân Ba Lan từng bị giam giữ trong các nhà tù của Liên Xô; năm 1942, đơn vị này đồn trú ở Iran, và trở thành một phần của lực lượng vũ trang Anh), còn khi quân đoàn Ba Lan từ chối chiến đấu trong hàng ngũ Hồng quân, Panfilov bị giáng chức và điều ra mặt trận (là phó chỉ huy Tập đoàn quân thiết giáp số 3).
Giả thuyết thứ hai được đưa ra sau khi xuất hiện thông tin về thất bại của mạng lưới tình báo Liên Xô hoạt động ở Đức với tên gọi “Dàn đồng ca Đỏ”.
Xin nhắc lại rằng năm 1941, giới lãnh đạo tình báo Liên Xô đã đi một bước rất mạo hiểm: để khôi phục các mối quan hệ bị mất ở châu Âu, họ đã gửi một bản mật mã cho nhóm tình báo “Dora” từng giữ liên hệ trước đây, thông báo chi tiết về các điệp viên Liên Xô ở châu Âu.
Bản mật mã này đã bị chặn, và năm 1942 bị Đức Quốc Xã giải mã, kết quả là hàng chục điệp viên Liên Xô trên khắp châu Âu bị bắt. Theo một số nguồn tin, đích thân Panfilov đã ra lệnh gửi bản mật mã này.
Không biết thực hư thế nào, nhưng từ tháng 8/1942, Ivan Ilychyov trở thành Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Quân đội. Theo tin đồn, việc bổ nhiệm này được sự “chống lưng” của Fitin, người lúc đó rất được lòng của Stalin. Lãnh tụ không quên Fitin là sĩ quan tình báo cao cấp duy nhất khẳng định rằng phát xít Đức chuẩn bị chiến tranh với Liên Xô, và thậm chí nêu chính xác ngày tấn công.
Đứng đầu Tổng cục Tình báo Quân đội
Rất có thể việc bổ nhiệm Ilychyov có liên quan đến một bản điều trần ông viết cho Ủy ban Quốc phòng Nhà nước vào tháng 2/1942.
Vào thời điểm đó, Ilychyov đã hoàn toàn nắm vững công việc của Tổng cục Tình báo Quân đội và có thể rút ra một số kết luận về việc cải tổ hoạt động tình báo quân đội. Cụ thể, Ilychyov đề nghị tách biệt chức năng của tình báo quân đội và tình báo đối ngoại.
Panfilov không hài lòng với việc cải tổ này, nhưng sau khi ông bị điều ra mặt trận, bản điều trần vẫn nằm trên bàn của Tổng tư lệnh Tối cao. Và Stalin đã nhận thấy hạt nhân hợp lý trong đó.
Dưới sự lãnh đạo của Ivan Ilychyov, Tổng cục Tình báo Quân đội hoạt động hiệu quả bất ngờ: sau khi tập trung vào công tác tình báo đối ngoại thuần túy, “đẩy” tình báo quân đội sang bộ phận khác, Tổng cục có cơ hội làm việc với các điệp viên ở nước ngoài một cách thận trọng và chín chắn hơn.
Ngay lập tức điều đó mang lại kết quả. Chẳng hạn, không phải các nhân viên của Bộ Dân ủy Nội vụ phát hiện việc Mỹ chế tạo bom nguyên tử, mà là các nhân viên tình báo quân đội.
Đồng thời, thông tin của Tổng cục Tình báo Quân đội được đánh giá cao; chẳng hạn, chính các cán bộ của Ilychyov là những người đầu tiên nhận được thông tin về chiến dịch “Thành cổ”, cuộc tấn công vào Bắc Kavkaz, các cuộc hội đàm riêng rẽ giữa Đức và Mỹ...
Uy tín của Ivan Ilychyov bị ảnh hưởng nặng nề khi Igor Guzenko, trưởng phòng mật mã của Cơ quan tình báo đối ngoại Liên Xô ở Canada, chạy trốn sang các nước đồng minh (mang theo rất nhiều tài liệu mật). Đây là một thất bại không thể chối cãi.
Kết quả là nhiều nhân viên tình báo Liên Xô buộc phải khẩn trương rời khỏi các nước ngoài. Một số nhà ngoại giao Liên Xô bị tuyên bố là nhân vật không được hoan nghênh, một số điệp viên bị bắt và vào tù.
Sau thất bại đó, Ilychyov bị cách chức Cục trưởng Cục Tình báo Quân đội và chuyển sang làm công tác ngoại giao. Trước khi nghỉ hưu, ông giữ chức trưởng phái đoàn ngoại giao tại CHDC Đức và đại sứ tại Áo và Đan Mạch. Trong hồi ức của mình, một người cháu của Ivan Ilychyov kể rằng gia đình không biết ông làm gì trong chiến tranh. Chỉ đến những năm 90 của thế kỷ trước, khi mở kho lưu trữ, các thành viên gia đình mới biết Ivan Ilychyov từng phụ trách Tổng cục Tình báo Quân đội khét tiếng và có liên quan trực tiếp đến hầu hết các hoạt động tình báo thời kỳ chiến tranh ở Liên Xô.