SRR - trung đoàn trinh sát đặc biệt của Anh

Chủ Nhật, 16/06/2024, 14:04

Trung đoàn trinh sát đặc biệt (SRR) là đơn vị trinh sát đặc biệt cấp 1 của quân đội Anh chuyên thực hiện một loạt các hoạt động trinh sát và giám sát mật cho Đặc nhiệm Vương quốc Anh (UKSF). Nhiều thông tin về SRR mang tính bảo mật cao. SRR được thành lập vào ngày 6/4/2005, đặt dưới quyền chỉ huy của Giám đốc đặc nhiệm (DSF) và là một phần của UKSF.

Mũ Corinthian trên thanh gươm Excalibur

Biểu tượng của SRR bao gồm một chiếc mũ bảo hiểm kiểu Corinthian (Argos) đặt trên một lưỡi dao tượng trưng cho thanh gươm truyền thuyết Excalibur. Bên dưới là dòng chữ “Trinh sát” trên cuộn giấy. Lịch sử thành lập cũng khá ly kỳ. Trước nhất là nói về việc thành lập ra Đặc nhiệm Vương quốc Anh (UKSF). Theo đó, năm 1987, Bộ Tư lệnh Anh tạo ra UKSF khi chức vụ Giám đốc SAS trở thành Giám đốc đặc nhiệm (DFS). UKSF chào đời khi MoD giao trọng trách cho DSF kiểm soát cả SAS lẫn Phi đội thuyền đặc biệt của Hải quân Anh (và sau đó đổi tên thành SBS). Năm 2001, họ thành lập Cánh hàng không đặc nhiệm chung (JSFAW) chuyên thâm nhập và rút lui từ các chiến trường bí mật. Lực lượng này bao gồm Phi đội 7 (Không lực hoàng gia Anh - RAF) và Phi đội 658 (Lục quân không quân).

1.jpg -0
Lính SRR được trang bị súng máy đa năng tham gia huấn luyện ở Brecon Beacons, miền Nam xứ Wales (Vương quốc Anh).

Ngày 6/4/2005, DSF thành lập Trung đoàn trinh sát đặc biệt (SRR) nhằm hỗ trợ SAS và SBS trong các nhiệm vụ trinh sát và giám sát. Cùng năm đó, MoD cũng thành lập Trung đoàn tín hiệu số 18. Năm 2006, MoD mở rộng Ban giám đốc nhóm hỗ trợ đặc nhiệm (SFSG). SFSG đóng vai trò lực lượng phản ứng nhanh nhằm hỗ trợ các nhiệm vụ đặc biệt. Các trung đoàn đặc nhiệm Anh được thiết kế nhằm tiếp sức trong “chiến đấu trường kỳ” và bất đối xứng với các đơn vị nhỏ được hỗ trợ tốt, huấn luyện bài bản. SRR là một sự kết hợp giữa SAS và bộ binh thông thường. SRR cùng với SAS đóng tại Doanh trại Stirling Lines ở Herefordshire (Anh). SRR ra đời nhằm phản ứng với sự kiện 11/9, cốt lõi của lực lượng này là từ Đại đội tình báo 14 (được sáng lập năm 1973, nhằm chống lại lực lượng Quân đội cộng hòa Ireland lâm thời ở Bắc Ireland trong cuộc Xung đột vũ trang ở Bắc Ireland.

SRR được triển khai nhằm hỗ trợ cả đặc nhiệm và các lực lượng thông thường trong nhiều hoạt động tác chiến quân sự đa dạng. Những nhiệm vụ chính của lực lượng này bao gồm: Tình báo, giám sát, thu thập mục tiêu, và trinh sát (ISTAR); Tình báo tín hiệu (Sigint); Hỗ trợ và gây ảnh hưởng (SI); Hành động tấn công (OA); Hành động mật (CA); Chống khủng bố (CT); Chống nổi dậy (CI). Ngày nay, hầu hết chức năng giám sát và trinh sát của UKSF rơi vào tay SRR. Điều này là do việc sa thải 22 đơn vị SAS, SBS và SFSG để tập trung vào hành động tấn công cùng với tạo ảnh hưởng và yểm trợ. Phối hợp với các thành viên của Trung đoàn tín hiệu số 18 (UKSF), SRR cũng cung cấp tình báo tín hiệu chiến thuật (Sigint) cho các nhiệm vụ tác chiến đặc biệt, và tập trung vào cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu.

2.jpg -0
Mũ nồi của lính SRR được trưng bày tại Bảo tàng quân đội quốc gia ở Chelsea, Vương quốc Anh.

Huấn luyện gian khổ

Đơn vị bí mật và chuyên môn cao đã tiến hành một số nhiệm vụ thách thức và nguy hiểm nhất thế giới. SRR được thành lập dựa trên Đại đội trinh sát trung đoàn trực thuộc Trung đoàn biệt động quân số 75 (Bộ tư lệnh hành động đặc biệt chung Mỹ - JSOC). SRR cũng thực hiện các nhiệm vụ cho UKSF tương tự như Hoạt động hỗ trợ tình báo của JSOC. Tại thời điểm mới thành lập, MoD loan tin rằng SRR có quân số dao động từ 500 đến 600 cán bộ. Cơ quan nắm vai trò tuyển chọn nhân sự là Tuyển chọn đặc nhiệm chung Anh (UKSFS) thực hiện hoạt động tuyển lựa và huấn luyện tân binh cho Đặc nhiệm Anh, bao gồm SAS, SBS và SRR. Nhân viên SAS và SBS trải qua quá trình tuyển chọn chung bao gồm việc trao giải một chiếc mũ nồi cát cho nhân sự của SAS. Các tân binh của SBS trải qua quá trình tuyển chọn xa hơn cho danh hiệu Tay bơi lội ca nô, còn nhân sự của SAS được đào tạo bổ sung chuyên môn. Các ứng viên SRR trải qua giai đoạn năng khiếu trước khi bước vào huấn luyện đặc biệt về trinh sát mật.

Tất cả các thành viên hiện tại của Các lực lượng vũ trang Anh đều đủ tiêu chuẩn để đứng chân vào lực lượng đặc nhiệm. Tuy nhiên xuất thân của đa số ứng viên SRR lại đến từ Thủy quân lục chiến hoàng gia hoặc Trung đoàn Dù. Khâu tuyển tân binh là 2 lần mỗi năm, 1 lần là vào mùa Hè và lần còn lại là mùa Đông.  Để đủ điều kiện tuyển chọn, ứng viên ít nhất phải 32 tuổi (đối với sĩ quan là 30). Họ phải phục vụ trong quân đội ít nhất 2 năm. Họ cũng phải phụng sự trong UKSF do sĩ quan chỉ huy khuyến nghị. Quá trình đào tạo và tuyển chọn tân binh kéo dài xấp xỉ 32 tuần (6 tháng). Sau khi hoàn thành khóa huấn luyện ban đầu, các ứng viên gia nhập trung đoàn với tư cách quân nhân. Tại đây họ được đào tạo căn bản bổ sung liên quan đến chuyên môn của mình. Toàn bộ quá trình huấn luyện cho nhân sự UKSF có thể kéo dài 3 năm, vậy nhưng điều này còn lệ thuộc vào sự sẵn sàng của các chương trình đào tạo chuyên ngành.

Về khóa đánh giá ngắn (BAC). Chương trình này sẽ kéo dài 5 ngày nhằm kiểm tra thể lực và các kỹ năng căn bản như bơi lội và đọc bản đồ. Bài thi bơi lội bao gồm phần thi ở vùng nước cao  (10m) và phần đạp nước dài 9 phút. Tiếp theo là bơi 500m tính giờ và bơi dưới nước 10m để vớt một vật nhỏ dưới đáy. Kế đó từng ứng viên sẽ được phỏng vấn riêng về động lực gia nhập UKSF. Giai đoạn huấn luyện thứ 2 sẽ liên quan đến sức bền (thể lực) và điều hướng. Giai đoạn này sẽ kéo dài 4 tuần và diễn ra tại 2 địa điểm Brecon Beacons và Black Hills ở miền Nam xứ Wales. Các ứng viên sẽ thực hiện những cuộc hành quân có độ khó ngày càng cao, điều hướng giữa các trạm kiểm soát chỉ bằng cái la bàn và tấm bản đồ phác họa được vẽ tay. Để vượt qua giai đoạn này, sự quyết tâm và tự tin cao độ là rất quan trọng. Giai đoạn sức bền lên đến đỉnh điểm ở đoạn “trường chinh” dài tới 40 dặm (64 km) khi đeo chiếc ba lô nặng 25 kg. Giai đoạn này phải bắt buộc hoàn thành trong chưa đầy 20 hoặc 24 giờ. Các tân binh không được đi tắt hoặc đường mòn.

Sau giai đoạn này, các ứng viên SRR sẽ trải qua quá trình đào tạo và tuyển chọn hết sức gian khổ. Giai đoạn đó kéo dài 8 tuần, họ được đào tạo về nhiều kỹ năng của đặc nhiệm như kỹ năng chống thẩm vấn và trốn thoát (SERE), cận chiến (CQB), nhảy dù ở độ cao mở thấp (HALO) và độ cao mở cao (HAHO). Khâu đào tạo này mang tính độc lập nhưng dựa trên sự tuyển chọn của SAS và SBS. Sau khi vượt qua giai đoạn tuyển chọn này, chuyên môn của tân binh SRR hơn hẳn với các đồng đội từ những đơn vị khác, chủ yếu liên quan đến thu thập tình báo. Do tầm quan trọng của việc chụp ảnh trong giám sát nên các ứng viên sẽ học những kỹ năng căn bản về chụp ảnh ban đêm bằng tia hồng ngoại. Họ cũng học cách giấu thiết bị ghi hình bên trong quần áo. Các ứng viên học về nhiều phương thức giám sát khác nhau, bao gồm ngụy trang và che giấu,  giám sát bí mật các mục tiêu khi đi bộ và dò xét phương tiện...

Họ học cách cài thiết bị theo dõi trong phương tiện, kho vũ khí và trên người. Họ học cách chọn ổ khóa và sao chép chìa khóa nhằm đột nhập vào các tư gia và cơ sở thương mại mà từ đó có thể đặt thiết bị nghe lén mà không bị phát hiện. Ngoài ra, họ cũng học những kỹ năng ngoại ngữ phù hợp nhất với từng khu vực hoạt động của mình. Sau giai đoạn tuyển chọn, thông thường chỉ có 10% ứng viên đủ điều kiện qua lọt giai đoạn sàng lọc UKSP ban đầu. Từ xấp xỉ 200 ứng viên ban đầu, số lượng rơi rụng vài ngày sau đó và không đầy 30 người đặt chân đến khâu cuối cùng. Nhân sự SRR giữ nguyên đồng phục của tổ chức và bổ sung một chiếc mũ nồi xanh “xám ngọc lục bảo” cùng phù hiệu trên mũ SRR.

Trang thiết bị và khí tài

Không mấy người biết lính SRR dùng gì. Năm 2005, một phát ngôn viên tuyên bố rằng MoD không bình luận về ngân sách SRR vì lý do an ninh. Tuy vậy, rất có thể ngoài loại vũ khí mà quân đội Anh sử dụng thì các thành viên của SRR có thể tiếp cận một loạt hỏa khí và các loại vũ khí khác so với binh lính Anh thông thường. Những loại vũ khí này tương tự như những gì đã trang bị cho SAS và SBS. Chúng gồm: Súng ngắn bán tự động Glock 17(T) /19; gồm 2 loại là L131A1/L132A1 và L137A1; Súng trường gồm các loại        C8 Carbine; L119A1/A2; KS-1 Carbine; L403A1 (Thủy quân hoàng gia); SA80 A2 L85 (súng trường tiêu chuẩn của Các lực lượng vũ trang Anh); M6A2 UCIW; HK G3, HK 33/53, HK G63. Và còn có các loại vũ khí khác như: Arwen 37 (súng phóng hơi cay); Flash-Bang (lựu đạn gây choáng); ACOG Sights (ống ngắm súng trường); Đài phát thanh dùng cho cá nhân (PRR); Kính ngắm nhiệt FIST.

Thêm nữa, SRR còn dùng đa dạng những thiết bị điện tử, bao gồm các loại camera chất lượng cao và thiết bị nghe lén, cũng như máy đo khoảng cách và máy chỉ định laser nhằm xác định vị trí chính xác của mục tiêu. Chúng cũng được trang bị những biện pháp đối phó điện tử và kỹ thuật, chẳng hạn như cơ chế truyền liên tục giúp giảm nguy cơ bị định vị. Mặt khác về thiết bị cá nhân, cần biết rằng lực lượng Đặc nhiệm Anh (UKSF) sử dụng mũ bảo hộ công nghệ vỏ tấn công tương lai (FAST), hay gọi chung là mũ bảo hộ FAST. Họ sử dụng loại giáp chiến đấu đạn đạo tiêu chuẩn Thủy quân lục chiến hoàng gia, đó là C2R CBAV (Áo vest giáp đạn đạo biệt kích), chúng tạo thành cốt lõi của Hệ tống tấn công biệt kích mođun. Chưa hết, lính thủy quân lục chiến hoàng gia Anh còn dùng Mặt nạ phòng độc dịch vụ tổng hợp (GSR) nhằm thay thế cho loại mặt nạ cũ S10.

Những chiến dịch nổi tiếng 

Suốt thập kỷ qua, SRR và các lực lượng đặc biệt khác của Anh đã tham gia vào nhiều hoạt động mật ở 19 quốc gia. Do bản chất bí mật của các nhiệm vụ mà các hoạt động nội bộ và bên ngoài nước Anh của SRR hiếm khi được công khai. Tuy vậy cũng có thể kể ra một số hoạt động quốc tế nổi tiếng như Chiến tranh Afghanistan  (2001-2014). SRR đã vài lần được triển khai đến Afghanistan nhằm yểm trợ cho SAS và SBS trong việc theo đuổi các mục tiêu lãnh đạo Taliban có giá trị cao. Hay vào ngày 27/6/2006, một đơn vị gồm 16 quân nhân được thành lập bởi Phi đội C của SAS, SBS và SRR đã thực hiện Chiến dịch Iiois nhằm bắt giữ các thủ lĩnh Taliban tại các khu phức hợp nằm bên ngoài Sangin, tỉnh Helmand (Afghanistan). Và trong giai đoạn chiến tranh Iraq (2003-2011), SRR là một phần của Đặc nhiệm Black/Knight cùng với SAS và SBS cũng như với các lực lượng Delta của Mỹ và DEVGRU (Mỹ). Hay trong cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo ở Anh năm 2005 cũng có sự tham gia của SRR.

Sau vụ đánh bom ở London vào ngày 21/7/2005, mỗi thành viên của SRR đã cộng tác với những nhóm giám sát của Cục cảnh sát Đô Thành nhằm cung cấp khả năng yểm trợ bổ sung cho SO12 (Nhánh cảnh sát Đô Thành đặc biệt). Và trong chiến dịch chống các phần tử phản động của Cộng hòa Ireland năm 2009 cũng có bàn tay của SRR. Tháng 3/2009, Cảnh sát trưởng Sir Hugh Orde đã mật báo cho Ban cảnh sát Bắc Ireland rằng ông đã thường xuyên triển khai SRR đến Bắc Ireland nhằm hỗ trợ cho Cục cảnh sát Bắc Ireland (PSNI) thu thập thông tin tình báo từ các thành viên Cộng hòa bất đồng chính kiến. Tháng 4/2011, báo Telegraph đưa tin rằng một nhóm giám sát SRR đã mất 3 tuần theo dõi một nhóm 4 người của Óglaigh na hÉireann (ONH, nhóm bán quân sự người Ireland bất đồng chính kiến đang hoạt động ở Bắc Ireland) và một số thành viên đã tách khỏi Real IRA. Các thành viên của SRR đã hợp tác với Bộ Tư lệnh chống khủng bố của Cảnh sát London.

Năm 2011, SRR cũng hiện diện trong cuộc Nội chiến Lybia lần thứ nhất. Cuối tháng 7/2011, một nhóm chung gồm 24 quân nhân từ Phi đội D của SAS (22 người) và 2 lính SRR đã được triển khai đến Libya để đào tạo và hỗ trợ cho các nhóm chống nhà độc tài Gaddafi trong suốt cuộc Nội chiến Libya. Hay vào tháng 4/2016, có thông tin cho rằng lính SRR đã được biệt phái cho MI6 ở Yemen nhằm huấn luyện cho các lực lượng Yemen chống Al-Qaeda cũng như nhận diện các mục tiêu cho những cuộc tấn công bằng máy bay không người lái. Cùng với SAS, SRR đóng vai trò tương tự ở Somalia. Trong một thế giới trỗi dậy nhiều thù địch, cũng như việc tiếp tục ứng phó với các mối đe dọa, SRR ngày càng đóng vai trò hỗ trợ quan trọng tại bất kỳ nơi nào có lợi ích của Anh và đồng minh.

Văn Chương (Tổng hợp)
.
.