“Thế giới ngầm” của hooligan bóng đá Ý

Thứ Năm, 23/06/2022, 15:02

Huấn luyện viên nổi tiếng người Ý Fabio Capello từng phàn nàn trong một cuộc họp báo diễn ra vào năm 2009 rằng: “Bóng đá Ý bị điều khiển bởi ultra”. “Ultra” là tên gọi chung các nhóm cổ động viên quá khích tại Châu Âu.

Nước Ý là “ngôi nhà” của những nhóm ultra đông đảo và manh động nhất lục địa già. Quyền lực của ultra Ý không chỉ gói gọn trong bóng đá mà còn lấn sang nhiều mặt khác của xã hội nước này.

Máu trên sân cỏ

Theo ước tính không chính thức của cảnh sát Ý, quốc gia này hiện có khoảng 4.000 thành viên các nhóm ultra khác nhau. Con số này đã tăng mạnh trong vài năm gần đây. Nhưng với nhiều người nước ngoài, “ultra” vẫn còn là một khái niệm xa lạ. Chúng ta nên hiểu về những tổ chức này như thế nào?

Ông Luis Carrilho, cố vấn  cho Liên hiệp quốc về các vấn đề liên quan tới cảnh sát, giải thích: “Ultra thực chất là những nhóm côn đồ “đội lốt” hội cổ động viên câu lạc bộ bóng đá. Hầu hết các nhóm ultra đều mang tư tưởng cực hữu và có quan hệ với mafia”.

Nhà báo người Anh Tobias Jones, một chuyên gia về ultra Ý nhận xét: “Khác với hooligan Anh, bóng đá không hẳn là điều quan trọng nhất đối với ultra Ý. Hãy cứ nhìn vào cách hành xử của các nhóm ultra trong trận đấu. Họ không hề để tâm đến các cầu thủ trên sân mà chỉ cố tỏ ra thật ồn ào và hung tợn. Đối với một tên ultra, điều quan trọng là được trở thành thành viên của một tổ chức mang hơi hướm quân đội mà không cần phải nhập ngũ”.

Từ “ultra” được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1970 của thế kỷ trước  sau vụ một nhóm cổ động viên Inter Milan quá khích đuổi đánh trọng tài suốt từ sân vận động đến sân bay. Những đối tượng này đi đến đâu là hàng quán ở đấy bị đập phá, cướp bóc. Một nhà báo Ý dùng chữ “ultra” để chỉ nhóm cổ động viên đó, sau đó từ này đi vào cuộc sống hằng ngày.

“Thế giới ngầm” của hooligan bóng đá Ý -0
Các nhóm ultra Ý có quan hệ cả với tội phạm và những tổ chức chính trị cực hữu ở nước này.

Các nhóm ultra sẵn sàng liều chết để chiến đấu bảo vệ địa bàn của mình. Bao giờ khi ra sân vận động, ultra cũng giấu trong người những đủ thứ dao, rìu, đục, sợi xích, súng pháo sáng, v.v… Những thứ vũ khí này đều được dùng để họ đánh nhau với các nhóm ultra đối địch. Có những trường hợp trước khi trận đấu diễn ra một, hai ngày, hai nhóm ultra thỏa thuận với nhau sẽ chọn địa điểm nào để tổ chức đánh lộn tập thể.

Nếu nói riêng ở Ý, những nhóm ultra đầu tiên xuất hiện vào đầu thập niên 1960. Nhà báo Tobias giải thích: “Có hai từ báo chí Ý thường dùng để nói về ultra là “topophilia” và “campanilismo”. Hai từ này chỉ chung khái niệm “tình yêu dành cho nơi mình sinh ra”. Những nhóm ultra đầu tiên được lập ra bởi những thanh niên sống cùng ở một ngôi làng, thị trấn, hay thậm chí chỉ là một quận thành phố. Họ muốn cảm thấy tự hào về quê hương của mình, và cách tốt nhất để bày tỏ sự tự hào đấy là trở nên quá khích trong và ngoài sân vận động”.

Mọi chuyện thay đổi khi mafia và các tổ chức chính trị bắt đầu dính dáng tới thế giới ultra. Ngày nay không khó để bắt gặp tin tức thành viên các nhóm ultra bị bắt giữ vì có liên quan tới tội phạm có tổ chức. Irriducibili là nhóm ultra của câu lạc bộ Lazio. Cách đây hơn ba năm, lãnh đạo tối cao của Irriucibili là Fabrizio Piscitelli bị cảnh sát bắt giữ vì tham gia đường dây vận chuyển 1.500 kg ma túy từ Nam Mỹ. Không lâu sau đó, năm thành viên khác của nhóm này phải nhận án tù do buôn lậu một quả tên lửa Matra Super 530 F. Mẫu tên lửa đất-đối-không này được Pháp sản xuất và bán cho Qatar. Không rõ bằng cách nào mà quả tên lửa bị lấy cắp khỏi kho của quân đội Qatar.

“Thế giới ngầm” của hooligan bóng đá Ý -0
Cảnh hỗn loạn trong một trận đấu giữa Inter Milan và AC Milan.

Ngay cả những sân vận động cũng nằm trong tay các nhóm ultra. Một cổ động viên Juventus trả lời tờ The Guardian: “Băng Droogs nắm giữ tất cả các quầy bán vé quanh sân Allianz. Chỉ có thành viên trong nhóm mới được mua vé đúng giá, còn những người ngoài đều phải trả thêm từ 5 đến 10%. Các ông chủ sân biết điều này nhưng vẫn để cho ultra làm vậy để họ không làm loạn khi trận đấu diễn ra”. Hiện chưa ai thống kê chính xác nguồn tiền mafia thu được từ việc bán vé xem bóng đá thông qua những nhóm ultra “tay chân” của họ, nhưng con số này chắc chắn không dưới 30 triệu USD.

Mối hoạ lâu dài

Ciccio Conforti đã là ultra suốt mấy chục năm. Thời còn trẻ, Ciccio là một trong những ông trùm lãnh đạo nhóm ultra của câu lạc bộ Cosenza Calcio. Ciccio kể lại: “Khi đó người ta gọi tôi là “chú Ciccio” cho nó gần gũi. Sân vận động San Vito-Gigi Marulla có sức chứa 12.000 thì toàn bộ thành viên trong nhóm chiếm tới 1/6 chỗ ngồi. Tôi đứng ở hàng ghế dưới cùng làm công việc “nhạc trưởng” cho các cổ động viên hô khẩu hiệu”.

“Ultra không chỉ là một tổ chức. Ultra là một cách sống. Nếu anh bạn trẻ cảm thấy lạc lõng trong cuộc sống, chúng tôi cho anh ta một chỗ để trở thành đàn ông. Gia nhập một nhóm ultra nghĩa rằng bạn là kẻ nổi loạn đang đi tìm con đường riêng cho mình”, Ciccio giải thích.

Cosenza từ trước đến nay luôn là thành phố của những người lao động. Người di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ và Bắc Phi đổ đến nơi đây mong cầu cuộc sống mới đầy đủ hơn, nhưng phần lớn trong số họ sẽ phải chịu cảnh sống bần cùng. Nhóm ultra Cosenza không chỉ đi đánh lộn mà còn làm từ thiện nữa. Họ tổ chức nấu ăn, khám bệnh miễn phí cho người vô gia cư, hoặc đánh đuổi đám côn đồ mafia khỏi những tòa nhà cũ để lấy chỗ ở tạm cho dân tị nạn. Đến nay Ciccio vẫn còn nhớ những trận đánh lộn giữa ultra và mafia. Ông kể lại mình từng “đứng chung chiến tuyến” với một thầy tu dòng đi đánh nhau với mafia vì thương con chiên không có nổi mái nhà che mưa che nắng.

“Thế giới ngầm” của hooligan bóng đá Ý -0
Chuyện các nhóm ultra tổ chức đánh nhau trước giờ bóng lăn không phải là hiếm.

Ciccio nhìn vào các nhóm ultra ngày nay mà không giấu nổi lòng đau xót: “Tôi cũng không hiểu chuyện gì đã diễn ra nữa. Trước đây chúng tôi có đánh nhau, nhưng chỉ khi nào thực sự cần thiết. Đám ultra ngày nay đánh lộn vì họ thích thế. Chúng tôi chỉ đánh đến khi nào một trong hai bên chịu đầu hàng. Bây giờ họ sẵn sàng bám theo bạn đến tận nhà chỉ để đâm một nhát dao vào lưng bạn”.

Cái mà Ciccio nhắc đến là “passeggiata”, một từ mang nghĩa “cuộc đi dạo” trong tiếng Ý. Thói thường của các sân vận động Ý là cứ đến 15 phút cuối trận là mở cửa để những người không có vé tự do vào. Còn các đối tượng ultra sẽ lợi dụng cơ hội này rời sân vận động để đi “săn” đối thủ. Trước khi trận đấu diễn ra, họ sẽ tìm cách “đánh dấu” thành viên của nhóm ultra đối địch bằng cách dính một mảnh giấy hay bôi sơn lên áo. Các đối tượng ultra chờ đến khi đối thủ tách nhóm và ra về một mình mới bám theo để đâm chém. Sau nhiều vụ việc như vậy, các nhóm ultra hình thành thói quen thuê hẳn xe buýt để đưa đón hội cổ động viên.

Những nhóm ultra hiện đại manh động hơn trước rất nhiều. Tất nhiên là mafia có dính dáng đến việc này, nhưng theo nhiều chuyên gia, không thể không nhắc đến vai trò của những nhóm phát-xít. Không khó để thấy lá cờ phát-xít Ý hay băng rôn viết những câu mang tính phân biệt chủng tộc trong tay các ultra xuất hiện trên sân.

Trận đấu nào có cầu thủ nước ngoài tham gia thì người đó bao giờ cũng bị ultra chửi bới, ném chai lọ. Tiền đạo Romelu Lukaku khi còn chơi cho Inter Milan luôn phải nghe những tiếng chửi “Đồ con vượn” trong suốt trận đấu. Theo thông tin ngoài lề thì đây là một trong nhiều lý do Lukaku chịu “dứt áo” Inter Milan để trở lại câu lạc bộ cũ Chelsea. 

Blood & Honour nằm trong số những đảng phái tân phát-xít nguy hiểm nhất Tây Âu. Tiền thân của Blood & Honour là một tổ chức được lập ra bởi ca sỹ Ian Stuart Donaldson của ban nhạc Anh Skrewdriver. Tên của tổ chức bắt nguồn từ câu khẩu hiệu “Blut und Ehre” của Đoàn thiếu niên Hitler thuộc đảng Quốc xã Đức. Dù Donaldson đã chết trong một vụ tai nạn năm 1993, Blood & Honour vẫn tiếp tục phát triển và thành lập chi nhánh trên khắp châu Âu.

“Thế giới ngầm” của hooligan bóng đá Ý -0
Không ai ngờ rằng một hội cổ động viên lại có liên quan đên việc buôn lậu tên lửa đất-đối-không.

Ở Ý, Blood & Honour có quan hệ gần gũi với nhóm ultra Inters Boys SAN của câu lạc bộ Inter Milan. Theo thông tin của cảnh sát, Blood & Honour sử dụng SAN như một kênh tuyển mộ và huấn luyện thanh niên trở thành phát-xít. Một số đối tượng thành viên người Ý của Blood & Honour mới đây đã bị bắt giữ ở biên giới Đức – Ba Lan khi đang mang vũ khí trong người. Chúng dự định sang Ukraine để chiến đấu trong hàng ngũ quân đoàn tình nguyện trực thuộc quân đội nước này.

Ngược lại, ban lãnh đạo của SAN hầu hết đều từng tham gia Blood & Honour. Những đối tượng này đã được đào tạo kỹ năng gây bạo loạn để sau đó đem áp dụng ngay vào cuộc sống. Chỉ huy tối cao của SAN được gọi bằng mật danh “Il Rosso” (nghĩa là “quý ngài Đỏ”). Hắn ta được cho là đã chỉ đạo không ít vụ giết người, bắt cóc, ăn cướp ngân hàng ngay giữa thanh thiên bạch nhật.

Trong một vụ tấn công vào xe bus đang chở nhóm ultra của câu lạc bộ Napoli, Il Rosso đã giết chết một cổ động viên Napoli. Cảnh sát Ý sau đó điều tra ra rằng nạn nhân cũng là thành viên của Blood & Honour như Il Rosso, và hai bên từng có mâu thuẫn từ trước. Rất có thể Il Rosso tổ chức cuộc tấn công chỉ để “ngụy trang” cho vụ giết người trả thù riêng.

Tại sao cảnh sát Ý lại không thể giải quyết tận gốc vấn đề ultra? Ông Luis Carrilho giải thích: “Mafia, ultra, các đảng phái chính trị ở Ý kết nối với nhau tạo thành một thứ “mạng nhện”. Cảnh sát có thể ra quân bắt giữ những cổ động viên quá khích, nhưng khi mà quyền lực đứng đằng sau chúng vẫn chưa bị dẹp bỏ, các nhóm ultra vẫn sẽ luôn tồn tại”.

Lê Công Vũ (Tổng hợp)
.
.