Thụy Điển xử trắng án doanh nhân Nga bị nghi làm gián điệp

Thứ Năm, 11/01/2024, 08:28

Một vụ bê bối gián điệp lớn bắt đầu ở Thụy Điển cách đây hơn một năm đã kết thúc. Cơ quan tình báo Thụy Điển cáo buộc doanh nhân Nga Sergey Skvortsov định cư ở nước này có liên hệ với tình báo quân đội Nga và tham gia các hoạt động bất hợp pháp. Tuy nhiên, gần đây, Sergey Skvortsov đã được Toà án Stockholm tuyên trắng án. Vậy Sergey Skvortsov làm cách nào để biện minh cho mình?

Bị bắt từ máy bay trực thăng

Giống như nhiều nước Liên minh châu Âu khác, thời gian gần đây, Thụy Điển ráo riết săn lùng và truy bắt gián điệp Nga. Nhiều người nói tiếng Nga thường trú ở các quốc gia này hoặc ghé thăm một thời gian đều rơi vào tầm ngắm của các cơ quan an ninh.

Tháng 11/2022, ông Sergey Skvortsov, 60 tuổi, cư dân Stockholm, gặp rắc rối. Sinh ra ở thành phố Perm, Liên bang Nga, ông Skvortsov sống ở Thụy Điển từ cuối những năm 1990 và kinh doanh trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Năm 1999, ông và bà vợ Elena Kulkova nhận được giấy phép cư trú ở Thụy Điển và năm 2013 - quốc tịch nước này. Cả hai đều  được đào tạo về lĩnh vực điện tử và kỹ thuật. Bà Elena Kulkova tốt nghiệp khoa Toán và Điều khiển học của Đại học Quốc gia Moscow, còn ông Skvortsov tốt nghiệp Đại học Năng lượng Moscow.

Thụy Điển xử trắng án doanh nhân Nga bị nghi làm gián điệp -0
Ông Sergey Skvertsov và vợ.

Chiến dịch bắt giữ doanh nhân Sergey Skvortsov diễn ra vào ngày 22/11/2022, được dàn dựng như một cảnh phim hành động. Hai chiếc trực thăng bất ngờ dừng lại phía trên nhà riêng của ông ở ngoại ô Stockholm, và những người lính đặc nhiệm tụt xuống từ máy bay theo thang dây đã trói người đàn ông Nga lớn tuổi và vợ ông ta. Một cư dân Stockholm tình cờ có mặt gần đó nói với các phóng viên: “Chiếc trực thăng đứng yên ngay trên ngôi nhà của họ, một toán lính đặc nhiệm lao xuống và đột nhập vào bên trong qua cửa sổ”. Theo người đứng đầu Cục tác chiến của Cơ quan Cảnh sát Thụy Điển, cần phải hành động khẩn trương để các nghi phạm không kịp “vứt tài liệu hoặc phá hủy máy tính”.

Trước khi xét xử, những người bị bắt được dẫn đến phòng tạm giam, nơi Skvortsov phải ngồi gần một năm. Vợ ông may mắn hơn - bà được thả mà không bị buộc tội gì.

Theo tuyên bố của Viện Công tố Thụy Điển, “Từ ngày 1/7/2014 đến tháng 11/2022, Skvortsov đã bí mật tiến hành các hoạt động vì lợi ích của nhà nước Nga nhằm thu thập thông tin gây tổn hại cho nền an ninh của Thụy Điển”. Người ta cho rằng email của Skvortsov có chứa những bức thư của ông gửi Bộ Quốc phòng Nga. Bản cáo trạng chỉ rõ  “hoạt động gián điệp” của Skvortsov chống lại cả Thụy Điển và Hoa Kỳ. Ông cũng bị cáo buộc đã xây dựng một nền tảng số “để mua bán bất hợp pháp các công nghệ phương Tây” (kể cả các linh kiện điện tử cho các loại thiết bị khác nhau) phục vụ nhu cầu của nhà nước Nga.

Báo chí Thụy Điển viết rằng Skvortsov giúp Liên bang Nga khai thác các công nghệ vũ khí, kể cả vũ khí hạt nhân. Phát biểu tại phiên tòa, công tố viên Henrik Ohlin nói: “Có cả một hệ thống mua sắm công nghệ bất hợp pháp. Tổ chức này tồn tại từ thời Xôviết. Công việc của nó cần các đại lý, các mắt xích trên toàn thế giới có thể giúp đỡ ngành công nghiệp quân sự trong việc mua sắm”. Ông ta cho rằng Skvortsov là một trong những mắt xích như vậy.

Còn Tổ chức điều tra Bellingcat nổi tiếng đã công bố kết quả điều tra của mình. Theo đó, bằng chứng chính là vào những năm 1990 ở Moscow, Sergey Skvortsov dường như là có quan hệ với một trong những nhân vật, theo Bellingcat, đã đầu độc Sergey Skripal, cựu đại tá tình báo quân đội Nga ở Anh, bằng chất độc “Novichok” năm 2018.

Thụy Điển xử trắng án doanh nhân Nga bị nghi làm gián điệp -0
Nhà riêng của Sergey Skvortsov ở Stockholm.

Được xử trắng án

Bản thân Sergey Skvortsov hoàn toàn phủ nhận tất cả những lời buộc tội chống lại ông. Ulrika Borg, luật sư bào chữa của ông, khẳng định rằng Skvortsov hoạt động kinh doanh hoàn toàn hợp pháp. Vụ án được xét xử bán công khai - người ta thông báo rằng điều này là cần thiết vì “mục đích an ninh quốc gia”. Trong số các nhân chứng có một điệp viên FBI của Mỹ và các đại diện của cơ quan tình báo Thụy Điển.

Viện công tố Thụy Điển đề nghị mức án 5 năm tù đối với Skvortsov. Điều này xem ra bất hợp lý, bởi vì những tội danh tương tự như Skvortsov đã vi phạm, theo thông lệ, bị trừng phạt nghiêm khắc hơn nhiều.

Trong những tháng qua, có rất ít tin tức về phiên tòa xét xử doanh nhân Nga - và điều này chứng tỏ rằng công việc của cơ quan công tố không được trôi chảy: nếu không báo chí sẽ thường xuyên cung cấp những thông tin mới về tội phạm của Skvortsov. Rốt cuộc, đến tháng 10/2023, có thông báo chính thức rằng cơ quan tình báo Thụy Điển không phát hiện ra những bằng chứng xác đáng, vì vậy, doanh nhân Nga Sergey Skvortsov được xử trắng án và trả tự do.

Quả thật, để làm dịu tình hình, bản án nêu rõ rằng hầu hết các điểm trong lời buộc tội đều được xác nhận. Người ta khẳng định rằng Skvortsov giao dịch với các công ty có quan hệ với tình báo quân đội Nga và sử dụng Thụy Điển làm quốc gia trung gian để xuất khẩu các linh kiện bị cấm vận sang Liên bang Nga. Tuy nhiên, tòa án Thụy Điển tuyên bố rằng công tố viên không thể chứng minh được vấn đề chính: bị cáo có thu thập những thông tin bí mật liên quan đến Thụy Điển và Hoa Kỳ hay không?

Hiện nay, Sergey Skvortsov có thể yêu cầu nhà nước Thụy Điển bồi thường số tiền hàng trăm nghìn krona. Theo luật sư của ông, hiện Skvortsov không gặp trở ngại nào trong việc tiếp tục công việc kinh doanh ở Thụy Điển.

Không phải trường hợp điển hình

Tuy nhiên, Sergey Skvortsov hoàn toàn không phải là trường hợp điển hình ở các nước phương Tây, nơi thời gian gần đây, chiến dịch bài Nga và săn lùng gián điệp Nga đã được phát động rầm rộ. Xin đơn cử một số ví dụ.

Cách đây không lâu, kênh truyền hình “TV4 Nyheterna” của Thụy Điển đưa tin rằng các nhân viên thực thi pháp luật Thụy Điển đã bắt giữ một nữ công dân Nga vì nghi ngờ hoạt động gián điệp công nghiệp. Bà bị bắt tại nhà máy lọc dầu Preem ở Gothenburg.

Theo thông tin của tờ “The Local”, tháng 11/2023, hai anh em người Thụy Điển, Peyman Kia, 42 tuổi, và Payam Kia, 35 tuổi, bị cáo buộc làm gián điệp cho Nga. Tòa án quận Stockholm đã kết án người anh lĩnh mức án chung thân, còn người em 10 năm tù. Tòa án xác nhận rằng những người này, trong gần mười năm, thay mặt Liên bang Nga và Tổng cục Tình báo Nga, đã nhận và cung cấp cho nước ngoài những thông tin mật có thể gây tổn hại đến an ninh của Thụy Điển.

Trước nữa, điệp viên nổi tiếng nhất trong lịch sử Thụy Điển, Stig Bergling, người làm việc cho Liên Xô trong những năm 1970, đã nhận bản án chung thân. Trong 30 tháng đầu tiên, ông bị biệt giam và thậm chí còn được đề nghị trao đổi với nhà ngoại giao Thụy Điển nổi tiếng Raoul Wallenberg, mà không hề biết rằng Wallenberg đã chết từ lâu.

Sau đó, Bergling được đối xử nhẹ nhàng hơn, ông được nghỉ phép để gặp vợ và cùng bà trốn sang Liên Xô an toàn thông qua lãnh sự quán Liên Xô trên quần đảo Aland. Năm 1990, ông quyết định trở về Thụy Điển và phải ngồi tù 3 năm.

Hiện nay, cả một chiến dịch cáo buộc Nga hoạt động gián điệp khoa học và kỹ thuật đã được phát động ở phương Tây. Gần đây, bốn điệp viên được cho là của Nga đã bị bắt ở Mỹ. Họ bị cáo buộc săn lùng những bí mật trong nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau.

Thụy Điển xử trắng án doanh nhân Nga bị nghi làm gián điệp -0
Ông Stig Bergling, điệp viên Thụy Điển từng làm việc cho Liên Xô.

“Đó là chuyện khác”

Gần đây, báo chí Thụy Điển rộ lên các phát hiện mới về hoạt động gián điệp của Liên bang Nga. Ví dụ, vài tháng trước, tờ “Expressen” đưa tin rằng trên nóc nhà Đại sứ quán Nga ở Stockholm, ngay từ thời Liên Xô, đã có một thiết bị dành cho tình báo điện tử.

Người đứng đầu cơ quan phản gián Thụy Điển, Daniel Stenling, thông báo: “Điều chúng tôi có thể tuyên bố công khai là họ có các điều kiện kỹ thuật để chuyển các thiết bị tình báo đến Thụy Điển. Nga liên tục thu thập thông tin tình báo về Thụy Điển”. Để làm bằng chứng, bạn đọc được cung cấp những bức ảnh vệ tinh cũng như những bức ảnh chụp từ văn phòng báo “Expressen”, nằm đối diện Đại sứ quán Nga. Theo các chuyên gia Thụy Điển, “thiết bị mà người Nga đang cố giấu dưới mái hiên trông đã cũ kỹ, tồi tàn và được lắp đặt cẩu thả - nhưng một số ăng-ten vẫn có thể chộp bắt được các cuộc trò chuyện vô tuyến ở Biển Baltic”. Cục An ninh Quốc gia Thụy Điển (SAPO) cho biết rằng cộng đồng người Nga sống ở Thụy Điển dường như được sử dụng tích cực vào các hoạt động gián điệp.

Đáng chú ý là cả các nhà báo Thụy Điển và chính trị gia Thụy Điển đều không chú ý đến tòa nhà Đại sứ quán Mỹ nằm ở phía đông Stockholm, cách tòa nhà Trung tâm Phát thanh và Truyền hình Kakn-stornet của Thụy Điển chưa đầy một km. Từ Đại sứ quán Mỹ có thể nhìn thẳng ra tháp truyền hình trung tâm. Còn trên nóc cơ quan đại diện ngoại giao Mỹ có một phòng “kỹ thuật” rất đáng ngờ.

Trước đó, xuất hiện thông tin về việc hơn 80 đại sứ quán Hoa Kỳ trên khắp thế giới thực hiện chức năng “Dịch vụ Thu thập Đặc biệt” (SCS). Tất cả chúng đều được trang bị các công trình giấu ăng-ten giám sát vô tuyến, cũng như thiết bị chộp bắt thông tin từ các khu vực của chính phủ. Nhưng tất nhiên, các đại diện của báo chí Thụy Điển không quan tâm đến những thông tin đó.

Ngoài ra, các nhà báo Thụy Điển cùng với các đồng nghiệp Đan Mạch, Na Uy và Phần Lan cũng viết về “những con tàu thủy Nga đáng ngờ” ở vùng biển Scandinavia. Người ta khẳng định rằng các “tàu gián điệp” của Nga núp dưới danh nghĩa tàu dân sự, tàu đánh cá, tàu chở hàng hoặc tàu nghiên cứu khoa học - và do đó có thể di chuyển tự do trong lãnh hải của các quốc gia khác và vào cảng của họ.

Theo các các kênh truyền hình Scandinavia SVT, DR, NRK và Yle, những con tàu này có thể bí mật mang theo máy bay không người lái gắn máy quay video cũng như chất nổ, thiết bị chộp bắt thông tin và các đơn vị biệt kích đặc biệt.

Nhưng việc thu thập thông tin được thực hiện gần như hằng ngày ngoài khơi tỉnh Kaliningrad bởi các máy bay do thám Thụy Điển - tất nhiên, như người ta nói, “đó là chuyện khác”. Cũng như việc chế tạo con tàu tình báo điện tử mới của Thụy Điển Artemis, con tàu mà Stockholm cho rằng sẽ trở thành “cơn ác mộng đối với quân đội Nga”. Dự kiến, chậm nhất là vào năm 2024, tàu do thám sẽ bắt đầu thực hiện nhiệm vụ trực chiến. Artemis, hay còn gọi là A202, sẽ thay thế Orion (A201), đã hoạt động từ năm 1984.

Trần Đình
.
.