Tình báo Ba Lan trong Thế chiến II

Thứ Hai, 01/07/2024, 14:57

Cuộc họp tháng 3 là một trong những sự kiện nổi bật của ASJ, khi lượng tham gia lên tới 150 người, tập trung tại đại sảnh OAG House để tham dự Hiệp hội xúc tiến nghiên cứu và văn hóa Nhật Bản cho các diễn giả người Đức. Hiệp hội này được thành lập năm 1873 ở Nhật Bản với tên gọi chính thức là Trung tâm văn hóa Đức. Cuộc họp được đài truyền hình Áo đưa tin và có sự tham dự của nhân viên Tuần báo thời báo Nhật Bản.

Hoạt động bí mật 

Đề tài nghiên cứu của TS Rutkowska là hoạt động của tình báo Ba Lan và Nhật trong Thế chiến II. Vì các điệp viên không ghi chú nên việc tái tạo lại những hoạt động của họ sau này chắc chắn sẽ bị lỗi, và một số người trong số họ đã tuân thủ nguyên tắc giữ bí mật, không hé lộ danh tính ngay cả khi nhu cầu giữ bí mật đã qua từ lâu. Chưa hết, thông lệ nhà nước công bố tài liệu sau thời hiệu 50 năm không phải lúc nào cũng áp dụng đối với các tài liệu quân sự, đặc biệt là những tài liệu có liên quan đến những hoạt động tình báo. Thêm nữa, trong trường hợp Nhật Bản, chính quyền tuyên bố rằng các kho lưu trữ thời kỳ trước đã bị đốt hoặc chuyển sang Mỹ.

Năm 1936, Nhật ký Hiệp ước chống Quốc tế cộng sản với Đức và Ý. Ba năm sau đó, chính sách bành trướng của Adolf Hitler đã chuyển sang hướng chiến tranh và tín hiệu cuối cùng là việc ký kết Hiệp ước Ribbentrop - Molotov vào ngày 23/8/1939.

Tình báo Ba Lan trong Thế chiến II -0
Phó lãnh sự Nhật Bản, ông Chiune Sugihara ở Kaunas (Litva) - một mắt xích tình báo quan trọng trong hợp tác Ba Lan - Nhật thời Thế chiến II.

Nhật Bản coi đây là hành vi xé rào Hiệp ước chống Quốc tế cộng sản, đồng thời cảm thấy không còn đủ tin tưởng vào đồng minh của mình, nên quyết định thành lập một trạm quan sát ở cả Đức và Liên Xô dưới dạng tòa lãnh sự quán ở Kaunas (Litva). Tháng 9/1939, Ba Lan bị tấn công từ cả hai phía, và một số đơn vị quân đội Ba Lan ở phía Đông đã vượt biên Litva và bị giam giữ. Từ các trại tạm giam, một số người đã trốn thoát và thành lập mạng lưới đào tẩu, họ được hỗ trợ bởi người đứng đầu cơ quan tình báo Ba Lan ở Litva, là Ludwik Hryncewicz, người có mục đích chính là đưa các sĩ quan tình báo ra khỏi trại.

Một trong những sĩ quan tình báo đó là Trung úy Leszek Daszkiewicz, ông đã bắt liên lạc với Đại úy Alfons Jakubianiec ở Kaunas. Trong lúc đó, sau khi Đức hoàn tất việc chiếm đóng Ba Lan, hàng ngàn người tị nạn đã đổ xô vào Litva. Tuy vậy, quân đoàn Ba Lan ở Kaunas đã đóng cửa nhằm phản đối việc bàn giao lãnh thổ Ba Lan xung quanh Vilnius cho Litva, việc này được giao cho các đại diện của Anh, Pháp chăm sóc người tị nạn.

Trong cuộc khủng hoảng người tị nạn, quân đoàn Ba Lan đã được Cơ quan tình báo Ba Lan giúp đỡ, họ nhanh chóng mở rộng hợp tác của mình bằng việc mở một tòa lãnh sự Nhật Bản mới toanh ở Kaunas, và đặc biệt với ngài Phó lãnh sự Chiune Sugihara. Ông Sugihara là người thông thạo tiếng Nga, trước đây từng phục vụ ở Cáp Nhĩ Tân và Helsinki trước khi chuyển tới Kaunas. Sau đó ông Sugihara đã mô tả nhiệm vụ của mình ở Kaunas là khám phá thời điểm Đức có thể tấn công Nga nhất, do đó tạo điều kiện cho Nhật chuyển lực lượng từ biên giới Liên Xô - Mãn Châu tới Nam Thái Bình Dương.

Ông Ludwik Hryncewicz biết được những hoạt động tình báo của người Nhật khi nhờ người Ba Lan làm quản gia trong lãnh sự quán, và vì thế vào mùa Xuân 1940, đại úy Alfons Jakubianiec và trung úy Leszek Daszkiewicz đã bắt liên lạc với phó lãnh sự Chiune Sugihara bằng cách dùng các tên giả Kuncewicz và Perz. Được biết vào tháng 8/1939, khi lãnh sự quán Nhật đóng cửa, Sugihara đã cấp hộ chiếu công vụ Nhật Bản cho hai người này dưới tư cách là thư ký của tòa lãnh sự, và phái họ sang Đức bằng chiếc xe công vụ của Sugihara.

Ludwik Hryncewicz giải thích rằng ông chủ động trong vấn đề này vì Đại úy Alfons Jakubianiec đang gặp nguy hiểm; người ta cho rằng Sugihara sẽ đưa 2 sĩ quan này sang Đức cùng với mình, nơi họ có thể liên lạc với một điệp viên tên là Wierzba thông qua các thông tín viên Nhật Bản chuyên đưa tin ngoại giao hiện đang tác nghiệp giữa Berlin, Kaunas, Moscow và Tokyo, đồng thời Sugihara cũng sẽ giúp chuyển các gói hàng cho Thiếu tướng Michal Rybikowski ở Stockholm nhằm chuyển cho chính phủ Ba Lan lưu vong ở London.

Các báo cáo của Trung úy Leszek Daszkiewicz cho thấy rằng trong suốt năm 1940, ông đã chuyển cho Sugihara nhiều thông tin đắt giá về các hoạt động hành quân của Liên Xô, và rằng Sugihara biết rõ rằng bản thân mình và đại úy Alfons Jakubianiec có liên quan đến tình báo quân sự. Sugihara trao cho Alfons Jakubianiec một hộ chiếu Nhật Bản vào tháng 4/1939, nhưng lại chần chừ trao một cái tương tự cho Leszek Daszkiewicz, rồi cuối cùng cũng trao vào tháng 8/1939 song lại ghi lùi ngày.

Cấp thị thực cho người tị nạn

Leszek Daszkiewicz cũng báo cáo về việc phó lãnh sự Sugihara cấp thị thực cho người tị nạn Ba Lan. Daszkiewicz nói rằng Sugihara nghĩ ra ý tưởng gửi người tị nạn qua Nhật Bản đến một quốc đảo nhỏ nằm ở ngoài khơi duyên hải Nam Mỹ, và ông đã được lãnh sự danh dự của nước đó đồng ý cấp thị thực cư trú dù cả hai cùng biết rằng những người tị nạn một khi đã đến Nhật Bản sẽ đi nơi khác. Khi thời cơ đến, người Do Thái đến rất đông. Số lượng thị thực sẽ được cấp là 600, nhưng chúng được cấp nhiều hơn, lên tới 900 cái. Leszek Daszkiewicz cũng đề xuất làm ra một con tem cao su để quá trình cấp thị thực trở nên suôn sẻ, và Sugihara nhất trí. Họ đã làm con tem cho Daszkiewicz, cũng như bí mật làm một con tem khác cho chính họ, họ cấp thêm nhiều thị thực sau khi tòa lãnh sự ở Kaunas đóng cửa, ghi lùi ngày.

Về hoạt động cấp thị thực cho người tị nạn, có lời kể của phó lãnh sự Sugihara như sau: “Tháng 8/1939 (thật ra là từ trước đó, tháng 6/1939) lãnh sự quán bị bao vây bởi những người tị nạn muốn có thị thực quá cảnh. Họ có đủ điều kiện để nhận được nó nếu họ có thị thực để đến điểm đến cuối cùng, song phần lớn trong số họ thì không. Suốt 10 ngày, Sugihara đã gửi hàng loạt công văn không có kết quả đến Tokyo để hỏi xin chính quyền cấp thị thực cho bất kỳ trường hợp nào, rồi cuối cùng ông từ bỏ ý định và tự mình cấp thị thực, theo trí nhớ của ông là 3.500 người, và xác định rằng Liên Xô cũng sẽ cấp thị thực quá cảnh nếu người Nhật làm điều này trước tiên.

Trong cuộc trò chuyện thân mật với TS Rutkowska, bà vợ ông Sugihara kể thêm rằng những người di cư tìm đến vì lãnh sự quán Hà Lan ở Kaunas có ý tưởng cấp cho họ thị thực để nhập cảnh vào  Curacao ở Tây Ấn Hà Lan lúc bấy giờ, đó là cách duy nhất để sang Nhật. Vợ Sugihara nói rằng chồng bà có khả năng mất việc nếu bị phát giác, song ông vẫn quyết tâm làm tới cùng.

Suốt nhiều ngày, ông Sugihara làm việc từ sớm tinh mơ đến tối mịt không nghỉ ngày nào vì biết rằng tòa lãnh sự rất nhanh sẽ bị đóng cửa. Khi lãnh sự quán Nhật bị đóng cửa, ông Sugihara đốt toàn bộ tài liệu và chuyển đến sống ở khách sạn Metropolis. Mặc dầu con dấu lãnh sự đã bị đóng gói nhưng Sugihara vẫn cấp giấy thông hành tạm thời cho người tị nạn, viết những dòng cuối cùng trên cửa sổ chuyến tàu chở ông đến Berlin vào ngày 1/9/1939. Tại Berlin, Sugihara báo cáo những hành động của mình với ngài đại sứ Kurusu Saburo, người này thuộc phe thân Mỹ trong Bộ Ngoại giao Nhật, và không nói một lời. Chẳng mấy chốc sau đó, Sugihara được chuyển tới Prague với tư cách là tổng lãnh sự, và từ đây ông đã gửi những báo cáo của riêng mình cho Bộ Ngoại giao Nhật rằng chính tay ông đã cấp 2.092 thị thực. Vợ ông kể rằng chồng mình không đếm xuể khi đã ngừng viết số thị thực từ tháng 8/1939, và ước tính ngày nay số lượng người Do Thái trốn thoát qua ngả Nhật Bản dao động từ 5.000 đến 6.000 người.

Người chịu trách nhiệm tổ chức cho cuộc chiêu đãi của họ tại Nhật Bản là đại sứ Ba Lan ở Tokyo, ngài Tadeusz Romer, và những báo cáo chưa được công bố của ông gửi cho chính phủ Ba Lan lưu vong đã khiến độc giả hết sức thú vị. Ông Tadeusz Romer đã tổ chức một ủy ban cứu trợ nhằm gây quỹ từ những cộng đồng người Do Thái và Ba Lan và cũng từ những tổ chức người Do Thái ở Mỹ, và tìm kiếm chỗ ở ở Kobe. Đại sứ quán làm việc cật lực để xin thị thực đến nhiều quốc gia khác nhau, và khi nó đóng cửa vào cuối năm 1941, người Nhật đã chuyển số lượng người tị nạn còn lại với ước lượng 1.000 người đến Thượng Hải.

Nhiều năm sau chiến tranh, cựu đại sứ Tadeusz Romer đã kể với người nhà của mình (người đã cộng tác với TS Rutkowska để viết bài báo này) về một tình tiết hết sức thú vị: “Một ngày nọ, có 30 người từ Nakhodka đến Tsuruga bằng thị thực giả mạo, tất cả họ dùng chung cái tên Jakub Goldberg được viết bằng âm tiết katakana trong tiếng Nhật. Người Nhật rất tức giận và gửi họ trở lại Nakhodka, nơi họ không thể xuống tàu vì không còn thị thực để nhập cảnh vào Liên Xô. Suốt vài tuần họ đã vạ vật như thế cho đến khi ông Tadeusz Romer cuối cùng được giới chức Nhật Bản cho phép họ được nhập cảnh nhưng không được ở Nhật lâu quá 3 tuần, ông Romer đã sắp xếp với sự trợ giúp từ các đại sứ Hà Lan và Mỹ”.

Tình báo Ba Lan trong Thế chiến II -0
Lính Nhật trong chiến tranh Trung - Nhật.

Những tình tiết chưa từng được biết đến

Quay lại Châu Âu, từ Berlin, Jakubianiec và Daszkiewicz đến Stockholm, tại đó họ quyết định dùng các hộ chiếu công vụ Nhật Bản của mình để tiếp tục hoạt động tình báo ở Đức, Jakubianiec với tùy viên quân sự Nhật ở Berlin (chuyển toàn bộ thông tin từ đây đến Stockholm), còn Daszkiewicz với Sugihara ở Prague, và đến tháng 3/1941 là ở Konigsberg (Đông Phổ cũ), nơi ông Sugihara nhận lệnh của đại sứ Hiroshi Oshima đã mở tòa tổng lãnh sự cùng chung mục đích như tòa lãnh sự cũ ở Kaunas, là cung cấp thông tin về các đợt hành quân của lính Đức và Liên Xô. Một lần nữa Wierzba lại dàn xếp để có người Ba Lan làm việc trong nhà của Sugihara, và anh ta là đồng nghiệp đáng tin cậy nhất của Daszkiewicz. Khi Đức chuẩn bị cho cuộc chiến chống lại Liên Xô, họ khám phá ra rằng tòa lãnh sự đã bị theo dõi.

Cuối cùng Đức đã ép Bộ Ngoại giao Nhật Bản triệu hồi Sugihara dạng như “người không được chào đón”; tòa lãnh sự bị đóng cửa vào mùa Thu năm 1942, còn Sugihara bị chuyển tới Bucharest. Tháng 7/1941, tiền đồn tình báo Ba Lan ở Berlin đã bị cơ quan phản gián Đức phá hủy, bản thân Đại úy Alfons Jakubianiec bị bắt giữ và bị hành quyết ở Sachsenhausen vào năm 1945. Một lý do dẫn đến bi kịch này là do bởi Jakubianiec đã thiếu thận trọng trong những mối quan hệ cá nhân của mình, và một lý do khác là sự bất cẩn của các thành viên Warsaw trong mạng lưới tình báo. Với sự giúp đỡ của Sugihara, từ Konigsberg, Trung úy Leszek Daszkiewicz đã trốn thoát song đây cũng là sự chấm hết cho hợp tác tình báo giữa Ba Lan và Nhật Bản tại Đức (Đại sứ Hiroshi Oshima lo ngại mối quan hệ của họ với người Đức sẽ xấu đi), mặc dù nó vẫn tiếp tục ở Stockholm giữa tùy viên quân đội Nhật là Tướng Onodera Makoto và Thiếu tướng Michal Rybikowski.

Có một số tình tiết mà rất ít người biết đó là ngoài số lượng lớn tài liệu thời chiến của Nhật Bản bị đốt ra tro thì còn lại 85 tấn tài liệu thời tiền chiến đã được mang qua Mỹ trong giai đoạn 1946-1947 nhưng đem về Nhật vào năm 1958 sau khi khoảng 5% trong tổng số 85 tấn tài liệu sót lại được quay vi phim. Ngoài ra người ta nói rằng có một lượng đáng kể tài liệu đã bị giấu đâu đó ở Nhật Bản trong tháng 8/1945 và không bị phát giác hay thu hồi cho mãi đến giữa thập niên 1950 hay thậm chí sau đó. Có tài liệu cho thấy BKS (Văn học lịch sử chiến tranh Nhật Bản ở Tokyo) đã lưu giữ xấp xỉ 23.000 tài liệu từ thời Thế chiến II, không tính đến số lượng tài liệu vi phim. Đó là lý do giải thích vì sao bộ lịch sử chiến tranh Nhật Bản gồm 102 tập mang tên Senshi Sosho đã dựa rất nhiều vào hồi ký và nhật ký cá nhân.

Hay trước khi bùng nổ Thế chiến II, 3 sĩ quan Ba Lan đã được phái đến Đại quân Quan Đông với tư cách là các chuyên gia giải mã COMINT Liên Xô. Chính phủ Ba Lan lưu vong ở London để họ ở Mãn Châu để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình. Hoặc trong cuộc chiến tranh Nga - Nhật, các nhà lãnh đạo Ba Lan bao gồm cả Nguyên soái Józef Klemens Pilsudski đã thăm Nhật và đề xuất rằng họ đã chiêu nạp 1 vạn người Mỹ gốc Ba Lan làm tình nguyện viên và tham gia các trận đánh ở Mãn Châu. Nhật Bản đã khước từ lời gợi ý này bởi e ngại nó sẽ dính líu đến các đợt xung đột ở Âu Châu. 

Phan Bình (Tổng hợp)
.
.