Tòa đại sứ mới của Mỹ ở Beirut, Lebanon
Trên các ngọn núi xoay mặt ra Beirut và biển Địa Trung Hải có một tòa đại sứ quán Mỹ mới toanh, siêu hiện đại, dự định sẽ khánh thành vào một ngày gần nhất. Nhưng thời điểm đi vào hoạt động lại trùng với cuộc chiến đang diễn ra giữa Israel và Hamas ở dải Gaza.
Các sĩ quan CIA tại tòa đại sứ mới ở Beirut đang gặp khó khăn trong việc thu thập thông tin tình báo thực địa một cách chính xác và kịp thời để giúp cho Tổng thống Joe Biden kịp ra những quyết sách đúng đắn.
Số phận thăng trầm của tòa đại sứ
Tòa đại sứ quán Mỹ mới toanh dự định sẽ khai trương khi lực lượng dân quân Hezbollah do Iran hậu thuẫn, nhằm bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với phong trào Hamas suốt 3 tháng qua bằng việc thực hiện các cuộc đấu pháo với các lực lượng Israel ngay tại biên giới của họ.
Trải rộng trên diện tích 43 mẫu Anh trên một đỉnh đồi thuộc vùng ngoại ô Aoukar, phía Đông thủ đô Beirut, một nơi cách trung tâm thủ đô khoảng 13 dặm, tòa đại sứ quán biệt lập hao hao một phiên bản hiện đại của các pháo đài của quân Thập Tự Chinh vốn tô điểm phong cảnh Levantine. Phức hợp các tòa nhà nhiều tầng của tòa đại sứ bao gồm cả phòng đại sứ và lãnh sự quán, cũng như các tòa nhà dân cư với các khu ăn uống ngoài trời, những khu vườn rợp mát cho nhân viên tòa đại sứ.
Khu phức hợp khép kín có ăng ten liên lạc cùng các thiết bị tình báo tín hiệu, bao quanh là một bức tường cao chống nổ nhằm ngăn ngừa bất kỳ sự tái diễn nào từ vụ đánh bom xe tải do Hezbollah thực hiện năm 1983 đã phá sập tòa đại sứ Mỹ ban đầu nằm trên con đường ven biển thời thượng một thời ở phía Tây Beirut, vụ đó khiến 63 người thiệt mạng bao gồm cả điệp viên CIA Robert Ames và 7 sĩ quan tình báo khác. Hay vụ nổ thứ 2 cũng do Hezbollah thực hiện đã đánh sập khu doanh trại 3 tầng vốn dùng làm nơi ở cho lực lượng gìn giữ hòa bình của Thủy quân lục chiến Mỹ, tổng cộng 241 quân nhân Mỹ đã chết. Và vụ đánh bom thứ 3 do Hezbollah gây ra vào năm 1984 đã phá hủy “khu vực sáp nhập” của Mỹ ở Đông Beirut, buộc các hoạt động của đại sứ quán phải dời đi nơi khác, vụ đánh bom tước đi sinh mạng của 23 người bao gồm 2 người Mỹ.
Năm 1997, Mỹ đã liệt kê Hezbollah là tổ chức khủng bố nước ngoài. Ông Jeffrey Feltman, một nhà ngoại giao Mỹ đã nghỉ hưu, người từng phục vụ trong vai trò đại sứ Mỹ ở Lebanon giai đoạn 2004-2008, phát biểu: “Rõ ràng Beirut là một nơi có mức độ rủi ro cao nếu không quý vị không cần cho nhân viên ngụ trong tòa nhà này (ý nói tòa đại sứ quán mới). Vì vậy việc có một ngôi nhà an toàn và khép kín cũng đồng thời thừa nhận có rủi ro cao cho người Mỹ ở Lebanon”.
Ông Feltman nhấn mạnh: “Đó là một mối nguy hại thực sự đang diễn ra”. Ngoài vị trí biệt lập của tòa đại sứ mới, những thiết lập an ninh đã ngăn cản việc đi lại của cả các nhà ngoại giao lẫn sĩ quan CIA, cản trở họ phát triển các mối liên hệ trước đây và người cung cấp thông tin mật, cũng như việc thu thập tình báo kịp thời về các chuyển động mới của Hezbollah.
Ví dụ kể từ vụ đánh bom tòa đại sứ lần đầu tiên vào năm 1983 và sau đó là việc Hezbollah tiến hành bắt giữ các con tin nước ngoài bao gồm cả giám đốc trạm Beirut của CIA là ông William Buckley, ông bị lực lượng dân quân này tra tấn đến chết trong năm 1985 khiến bộ ngoại giao Mỹ đã loại trừ các nhà ngoại giao Mỹ đến thung lũng Beqaa (Đông Lebanon) và người Shiite đông đảo ở phía Nam đất nước, cả 2 nơi này đều do Hezbollah nắm quyền kiểm soát. Các quan chức Mỹ đi lại ngay trong đất nước Lebanon vẫn bị hạn chế tại những vùng có đông dân chúng theo đạo Thiên Chúa thân phương Tây (Đông Beirut và các vùng ngoại ô), vùng núi Lebanon liền kề và các thành phố Zahle và Jezzine nơi có số đông dân số Sunni thống trị. Đối với những cuộc họp thường lệ với các thành viên chính phủ Lebanon, các quan chức Mỹ thường phải vượt qua cái gọi là “Lằn ranh xanh” vốn đã chia cắt Tây Moslem và Công giáo Đông Beirut kể từ lúc bùng nổ cuộc Nội chiến Lebanon vào năm 1975.
Các nhà ngoại giao Mỹ có thể gặp đối tác người Lebanon của họ tại một số vị trí giao cắt của Lằn Ranh Xanh và hộ tống họ quay lại tòa đại sứ để họp hành, nhưng họ không thể rời tòa đại sứ để đi lại như vậy trừ khi họ ngự trong xe bọc thép với vệ sĩ có vũ trang. Anh Robert Baer, 21 tuổi, một cựu binh CIA từng có thời gian phục vụ ở Trung Đông bao gồm các trạm ở Beirut và Damamas, nhớ lại: “Các sĩ quan CIA đi lại bằng xe thuê, họ thuê chúng bằng tên giả và mỗi tuần lại sơn một màu khác nhau nhằm đánh bại đôi mắt cú vọ của Hezbollah. Chúng tôi đem theo vũ khí. Thà bị phát hiện mang một khẩu súng lục 9mm hơn là không có gì tại một nơi như Lebanon”.
“Khu vực cấm”
Không có khu vực nào của Lebanon nằm ngoài tầm giới hạn cho cả các nhà ngoại giao và điệp viên Mỹ bằng Dahiyeh, đó là khu dân cư người Shiite nghèo khổ nằm ở phía Nam Beirut nơi lực lượng Hezbollah đặt trụ sở chính. Ông Glenn Corn, nguyên cán bộ CIA từng phục vụ ở Trung Đông, giải thích: “Dahiyeh là một “Khu vực từ chối” các cơ quan tình báo nước ngoài hoạt động. Thực vậy, ngay cả bản thân các cơ quan tình báo và an ninh của chính phủ Lebanon cũng có rất ít quyền tiếp cận Dahiyeh, quyền kiểm soát nằm trong tay Hezbollah với mạng lưới an ninh và phản gián trải rộng. Các quan chức tình báo nước ngoài từng làm việc ở Lebanon biết rằng rất khó khăn để tiến hành các hoạt động tại Dahiyeh. Có nhiều chuyện về những người ngoại quốc ở đó, những người tìm cách lọt vào “lãnh địa” đều bị Hezbollah giam giữ hoặc trục xuất”.
Ông Jeffrey Feltman (hiện là thành viên thỉnh giảng về ngoại giao quốc tế tại Viện Brookings ở Washington) đã xác nhận đánh giá của ông Glenn Corn. Ông Feltman tiết lộ rằng trạm Beirut của CIA đang duy trì mối quan hệ liên lạc chặt chẽ với đơn vị tình báo quân sự B-2 của Không quân Lebanon - cơ quan chia sẻ tình báo đáng tin cậy về các nhóm dân quân người Sunni của Lebanon. Song chính ông Feltman cũng thừa nhận: “Mối quan hệ của B-2 rất hạn chế khi đề cập đến Hezbollah”.
Về phần mình, cựu binh CIA, Robert Baer, cho rằng có lời đồn rằng các đặc vụ Hezbollah từ lâu đã xâm nhập vào đơn vị B-2. Bản thân Baer cũng chắc rằng ngày nay có thể CIA có một số người báo tin cấp cao ngay bên trong Hezbollah để cung cấp cho cơ quan này những thông tin tình báo chiến lược. Robert Baer lý giải: “Người Hezbollah sẽ không nói chuyện với anh trừ phi anh từng có quan hệ với họ. CIA không thể nào cài người Mỹ theo đạo Hồi đến Beirut dưới dạng vỏ bọc nào đó”.
Rober Baer khẳng định: “Điều đó (xâm nhập) là hết sức nguy hiểm”. Một vài cựu đặc vụ của CIA từng phục vụ ở Beirut kể rằng trạm CIA (ở Beirut) có một số người cung cấp tin mức độ thấp tại Lebanon, song họ nhất trí rằng đại sứ quán lệ thuộc chủ yếu vào tình báo tín hiệu (giám sát các cuộc đàm thoại trên điện thoại di động) nhằm cố gắng tìm hiểu xem Hezbollah đang làm gì. Robert Baer cho rằng việc thu thập tình báo về Hezbollah tại tòa đại sứ quán mới cũng sẽ không khác biệt hay hiệu quả hơn là mấy: Hezbollah biết thừa việc Mỹ đang nghe lén. Baer trăn trở: “Hãy lưu ý rằng Hezbollah không huyên thuyên trên điện thoại. Họ biết rất tài. Còn chúng ta bị nhốt trong pháo đài”.
Hezbollah có thể tấn công ở Beirut?
Đang có luồng tranh luận giữa các quan chức tình báo hiện tại, các nhà ngoại giao và các chuyên gia ở Trung Đông rằng có hay không việc Hezbollah sẽ tấn công phủ đầu tòa đại sứ Mỹ mới ở Beirut hay các mục tiêu Mỹ khác ở Trung Đông? Gần đây tờ Politico đăng tin rằng các cơ quan tình báo Mỹ đã thu thập bằng chứng cho thấy Hezbollah đang xem xét tấn công cả các nhà ngoại giao lẫn binh lính Mỹ trong khu vực. Báo cáo còn nhấn mạnh rằng Hezbollah đang nuôi ý đồ tấn công ngay bên trong lục địa Mỹ. Những nhà quan sát lâu năm về Trung Đông cho rằng trong khi Hezbollah đang chuẩn bị tiếp tục các cuộc giao tranh mức độ thấp dọc theo biên giới phía Bắc Israel, thì tổ chức này có vẻ muốn leo thang nó thành cuộc chiến toàn diện và thu hút các lực lượng Mỹ.
Một cuộc tấn công của Hezbollah nhắm vào mục tiêu Mỹ ở Trung Đông hay ngay trên chính đất nước Mỹ sẽ buộc Mỹ không còn cách nào khác phải đưa chân vào tham chiến. Một nhóm tác chiến tàu sân bay hải quân Mỹ đã neo đậu ngoài khơi duyên hải Lebanon kể từ khi chiến sự Israel-Hamas bùng phát vào ngày 7/10/2023. Ngoài chiến cơ và tên lửa hành trình, nhóm tác chiến tàu sân bay này còn bao gồm 1.000 lính thủy đánh bộ Mỹ để giúp di tản nhân lực của tòa đại sứ Mỹ ở Beirut nếu cần thiết. Cựu ngoại giao Jeffrey Feltman chắc nịch: “Cuộc chiến ở Gaza đã diễn ra theo cái cách mà Hezbollah và Iran mong muốn: Israel đang là tâm điểm của sự phẫn nộ toàn cầu. Nếu Hezbollah bất thình lình phóng tên lửa vào tòa đại sứ quán mới ở Beirut, câu chuyện sẽ khác”.
Những nhà quan sát khác chỉ ra rằng Hezbollah ngoài cánh quân sự hùng mạnh thì họ còn có một đảng phái chính trị cần phải được xem xét rộng hơn những lợi ích quốc gia của Lebanon cũng như lợi ích khu vực bầu cử của người Shiite. Những lời buộc tội của người Lebanon chống lại Hezbollah (gồm cả nhiều người Shiite) đã gay gắt đến nỗi thủ lĩnh Hezbollah, Hassan Nasrallah, phải ra tuyên bố rằng ông biết phản ứng của người Israel sẽ tàn khốc đến thế nào, và ông không chấp nhận một cuộc đột kích xuyên biên giới.
Trong lần viếng thăm binh lính Israel ở biên giới Lebanon, Thủ tướng Benjamin Netanyahu cảnh báo: “Israel sẽ biến Beirut và Nam Lebanon thành Gaza và Khan Yunis nếu Hezbollah phát động chiến tranh tổng lực”. Mặt khác, ông Andrew Tabler (nguyên Cố vấn đối ngoại Arab tại Hội đồng An ninh quốc gia Hoa Kỳ) lưu ý rằng kho vũ khí của Hezbollah ước có 150.000 quả tên lửa và rocket, một số trong đó có khả năng dẫn đường chính xác và tầm xa đủ vươn tới bất kỳ mục tiêu nào bên trong lãnh thổ Israel, bao gồm lò phản ứng hạt nhân đóng vai trò ngăn chặn Israel tấn công Iran.
Trong một cuộc phỏng vấn, ông Andrew Tabler nhấn mạnh: “Tôi đang phân vân không nghĩ Hezbollah lại lãng phí kho vũ khí của mình trong việc kích động chiến tranh với Israel hoặc Mỹ ngay lúc này”. Tuy vậy cũng có nhiều nhà quan sát đánh giá rằng diễn biến cuộc chiến ở Trung Đông hiện nay rất khó lường. Lần gần đây, Iran đã phóng tên lửa và máy bay không người lái đánh bom xuống hàng loạt mục tiêu ở Iraq, Syria và Pakistan. Một tên lửa Iran đã phá hủy một tòa nhà tại thủ phủ Erbil của người Kurd mà chính quyền Tehran tuyên bố nó là căn cứ của các điệp viên Mossad. Cùng lúc, Iran cũng tấn công những mục tiêu của Nhà nước Hồi giáo ở miền Bắc Syria.
Theo truyền thông nhà nước Iran, sau cuộc họp nội các, bộ trưởng quốc phòng Iran, ông Mohammad Reza Ashtiani, tuyên bố với báo giới: “Chúng tôi là một cường quốc tên lửa trên thế giới. Bất kỳ ai đe dọa Cộng hòa Hồi giáo Iran, chúng tôi sẽ phản ứng, và phản ứng này chắc chắn sẽ tương xứng, cứng rắn, và dứt khoát”.