Trụ sở Liên hợp Quốc: Mục tiêu của các cơ quan đặc biệt
Các nguyên thủ quốc gia từ khắp nơi trên thế giới đã lần lượt phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 78, tổ chức tại trụ sở Liên hợp Quốc ở New York hôm 19/9 vừa qua. Đây là nơi thu hút mọi sự chú ý nhưng cũng là nơi chứa đựng mọi nghi ngờ. Có lẽ vì có nhiều câu chuyện chiến lược được kể tại đây.
Những chiếc trực thăng bay thấp bằng một nửa chiều cao của các tòa nhà, những chiếc tàu cảnh sát biển chạy dọc sông East, hàng nghìn sĩ quan cảnh sát của Sở Cảnh sát Thành phố New York (NYPD) và cả cảnh sát Tư pháp Hoa Kỳ (USMS), lính bắn tỉa trên mái nhà, tình báo Mỹ, hàng chục tuyến đường xung quanh Đại lộ số 1 đã bị phong tỏa... trụ sở chính của Liên hợp quốc (LHQ) được bảo vệ tối cao trong thời gian diễn ra Đại hội đồng thường niên khóa 78, nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố hoặc những làn sóng biểu tình quy mô lớn và một phần ngăn chặn hoạt động gián điệp xâm nhập, tiếp cận thông tin thuộc diện không phổ biến.
Kể từ khi bắt đầu xây dựng trụ sở chính, cách đây đúng 70 năm trước, tòa nhà được khánh thành vào năm 1951 trên một khu đất trước đây là những lò mổ động vật, những cơ sở công nghiệp và những bến cảng, tọa lạc ở khu phố Turtle Bay, Manhattan. Tại đây, các nguyên thủ của nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đến để gặp nhau cũng như quyết định hướng đi của toàn cầu. Để tránh hoạt động gián điệp, LHQ đề nghị đối thoại trực tiếp tại 3 tòa nhà chính cao 39 tầng, Đại hội đồng và thư viện Dag Hammarskjold.
Mặc dù LHQ khẳng định rằng các hoạt động gián điệp trong tổ chức là bất hợp pháp theo một số hiệp ước quốc tế, bao gồm Công ước năm 1946 về đặc quyền và miễn trừ của LHQ, thỏa thuận năm 1947 giữa LHQ và Mỹ, hay Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao năm 1961. Trụ sở LHQ thường được các nhà ngoại giao mô tả là "ổ gián điệp", theo lời của kẻ đào tẩu Nga Sergei Tretykov.
Hoạt động khó đoán
Một số tin đồn đã trở thành hiện thực. "Cả Roosevelt và Truman đều muốn đặt trụ sở LHQ tại Hoa Kỳ, vì tin rằng điều này sẽ thúc đẩy người dân Mỹ và khuyến khích Thượng viện phê chuẩn hiến chương LHQ. Nhưng một khi các quốc gia thành viên LHQ đồng ý, Mỹ lại nhận ra rằng những đại diện từ các nước đối lập và thậm chí là cả các đồng minh, cũng sẽ đến đất Mỹ và trong số họ sẽ không thiếu gián điệp", theo lời kể của Loraine Sievers, một nhân viên của LHQ trong gần 40 năm và đã làm việc trong 3 bộ phận trước khi trở thành trưởng phòng của ban thư ký Hội đồng Bảo an.
"Vào thời điểm đó, Mỹ đã rất lo lắng, họ biết rằng việc lén lút chuyển giao tài liệu núp bóng hoạt động quốc tế rất dễ dàng. Vì vậy, Mỹ đã yêu cầu một số công dân làm việc và giám sát hành động của những đại diện của các quốc gia này". Loraine Sievers cũng giải thích vào thời điểm trụ sở chính của LHQ đặt tại Mỹ, Liên Xô đã thu thập thông tin về phương Tây. Đối với Mỹ, đây là cơ hội nhưng cũng là nguy cơ.
Giữa thời kỳ Chiến tranh Lạnh, các vụ gián điệp giữa Mỹ và Liên Xô tràn lan trong LHQ. Vào những năm 1970, vụ "Lemon Aid" đã nổ ra: FBI đã cử một điệp viên hai mang để đánh bật Liên Xô và học hỏi các kỹ thuật của họ. Vào thời điểm này, Mỹ nghi ngờ Liên Xô sử dụng văn phòng của họ tại Turtle Bay để do thám các hoạt động của thủy quân lục chiến Hoa Kỳ ở New York và New Jersey. Những giai thoại tương tự xảy ra rất nhiều. Bà Loraine Sievers, nhậm chức từ năm 1974 và hiện vẫn còn đào tạo cho các thành viên mới của Hội đồng Bảo an, đã biên soạn cuốn tiểu thuyết dài hơn 300 trang, có tựa đề “An Unwilling Spy: A Cold War Novel Set at the United Nations” (tạm dịch: Điệp viên bất đắc dĩ: Một cuốn tiểu thuyết về Chiến tranh Lạnh tại LHQ).
Một ngày nọ, Peggy, một người bạn của Anne, nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết, đang đi dạo ở Công viên Trung tâm, một nơi rất hẻo lánh, và tình cờ gặp hai người của LHQ đang trao đổi tài liệu. Peggy lo sợ rằng họ có thể đã nhìn thấy cô và cô đang gặp nguy hiểm. Peggy không nói cho Anne họ là ai. Anne hiểu rằng Peggy không ngạc nhiên khi thấy một người Liên Xô bí mật gặp mặt trong Chiến tranh Lạnh, nhưng điều khiến cô sợ hãi hẳn là danh tính của người đàn ông kia, bởi vì anh ta chắc chắn là người phương Tây và giờ Peggy biết rằng anh ta đã bắt đầu làm việc cho Nga.
"Trên thực tế, mọi thứ tương tự đang diễn ra bên trong LHQ, không ai đảm bảo về danh tính của đồng nghiệp", bà Loraine Sievers chia sẻ. Việc trao đổi tài liệu giữa các thành viên LHQ ở những địa điểm hẻo lánh như ở Công viên Trung tâm, hoặc một người từ CHDC Đức (cũ), thân cận với KGB, trong một buổi tối đã thừa nhận rằng bản thân được cử đến New York để quyến rũ một phụ nữ trẻ đến từ phương Tây, đang làm việc tại ban thư ký và đã xin lỗi về việc làm này.
Âm thầm và cả công khai
Chiến tranh Lạnh kết thúc nhưng hoạt động gián điệp vẫn chưa ngừng lại. "Ngay từ ngày đầu tiên gia nhập LHQ, tôi đã được nhắc nhở rằng phải cẩn trọng vì văn phòng bị cài đặt thiết bị nghe lén", cựu Tổng thư ký LHQ Boutros-Ghali từng chia sẻ với BBC năm 2004. "Có rất nhiều bằng chứng cho thấy chúng tôi bị theo dõi liên tục. Nếu có điều gì nhạy cảm cần thảo luận, tôi phải đi xuống quán cà phê ở tầng hầm của LHQ, nơi có rất nhiều tiếng ồn hoặc tôi sẽ đi dạo trong Công viên Trung tâm", Richard Butler, cựu trưởng nhóm thanh tra vũ khí ở Iraq, làm chứng trên cùng một kênh, trước đây ông này từng đảm nhiệm vị trí Trưởng thanh tra vũ khí ở Iraq.
Sau đó, với sự phát triển của công nghệ mới, những vụ việc tương tự xảy ra ngày càng nhiều. Trong số đó, có những tiết lộ vào năm 2003 của báo chí Mỹ về Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA), cơ quan đã tiến hành một hoạt động giám sát quyết liệt (chặn điện thoại cá nhân và công việc, email) của các đại biểu LHQ tại New York để cung cấp cho các quan chức Mỹ những thông tin mới nhất về ý định bỏ phiếu của các thành viên LHQ về vấn đề Iraq.
"Thời kỳ lấy dầu mỏ đổi thực phẩm (đổi dầu lấy lương thực) là một thời kỳ dài nghi ngờ nội bộ LHQ, một mặt là giữa Anh và Mỹ, mặt khác là giữa Nga, Pháp và Trung Quốc", bà Loraine Sievers nhớ lại. Những nghi ngờ nảy sinh vì các bên có những quan điểm rất khác nhau về cách thức hoạt động. Cho đến năm 2004, những tiết lộ bị lộ ra: chính Tổng thư ký LHQ, ông Kofi Annan, bị Vương quốc Anh nghe lén. Theo New York Times vào thời điểm đó, vấn đề nghe lén tại LHQ tồn tại lâu đời như chính tổ chức này.
Loraine Sievers nói: "Vào năm 2006, có hàng đống dây điện treo dưới bàn làm việc. Một kỹ thuật viên thường xuyên đến để kiểm tra xem có bức xạ hay không. Anh ấy nói với tôi rằng mọi thứ đều ổn nhưng khi đi đến cửa sổ, máy dò sóng phát tín hiệu liên hoàn! Anh ấy nói với tôi rằng đây là nguy cơ có thật, từ sáng đến tối, trụ sở này bị các cơ quan đặc biệt của các nước tấn công!".
Năm 2010, cơ quan tình báo Síp bị cáo buộc vì đã đánh cắp 6.500 tài liệu của LHQ chứa thông tin nhạy cảm về các cuộc đàm phán của họ với các nhà lãnh đạo Síp - Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 2012, Reuters tiết lộ báo cáo dài 28 trang của ông Ban Ki-moon về Tây Sahara. Tài liệu chứa một loạt lời chỉ trích nhằm vào Morocco, Tổng thư ký LHQ còn cho rằng Rabat đã do thám ít nhất một lần về Phái bộ Liên hợp quốc về việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý ở Tây Sahara (Minurso). Năm 2013, nhật báo Der Spiegel của Đức đã trích dẫn các tài liệu bí mật từ người tố giác Edward Snowden, tiết lộ rằng mùa hè năm 2012, các chuyên gia của NSA đã đột nhập thành công vào hệ thống hội nghị truyền hình của LHQ và phá mã của nó.
Tháng 3/2022, trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Nga liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine, Mỹ tuyên bố đã yêu cầu LHQ sa thải một "điệp viên tình báo Nga đang làm việc" tại ban thư ký của tổ chức. Vài ngày trước câu chuyện này, Mỹ đã quyết định trục xuất 12 thành viên của phái đoàn ngoại giao Nga tại LHQ vì tội gián điệp. "Đúng, hoạt động gián điệp vẫn còn tồn tại ở LHQ, nhưng thông qua các phương tiện khác nhau và cho các mục đích khác nhau, buộc chúng ta phải thay đổi một số thói quen nhất định”, bà Loraine Sievers cho biết. Trên thực tế, các nhà ngoại giao đang sử dụng ngày càng nhiều VPN hoặc phần mềm mã hóa để liên lạc với nhau tại LHQ do không tin tưởng nhau. Chỉ có điều, về vấn đề gián điệp, các quốc gia trong tổ chức không bị chia rẽ. Hiểu theo một cách đơn giản nhất, đó là vẫn cứ việc ai người nấy làm.