Trường đào tạo tình báo đầu tiên ở Liên Xô
Danh tiếng của tình báo Liên Xô một thời lừng lẫy khắp thế giới: những cái tên như Nikolay Kuznetsov, Dmitry Medvedev, Richard Sorge, Yan Chernyak, Aleksandr Korotkov mãi mãi được ghi vào lịch sử nhân loại. Tưởng như mạng lưới tình báo rộng khắp ở Liên Xô đã hoạt động gần như ngay từ khi đất nước mới thành lập. Nhưng không phải thế. Ngôi trường đào tạo nhân viên tình báo đầu tiên ở Liên Xô chỉ xuất hiện vào năm 1938, được gọi là Trường Đặc nhiệm, viết tắt là SHON.
Từ các khoá học của Artuzov đến “Ngũ quái Cambridge”
Dĩ nhiên, tình báo Liên Xô hoạt động hiệu quả từ những năm 1920, nhưng lúc bấy giờ, các nguyên tắc hoạt động của nó hoàn toàn khác. Hoạt động tình báo cho nhà nước Liên Xô ở nước ngoài được thực hiện chủ yếu bởi các kiều dân Nga lưu vong và các đại diện của nhiều cơ quan nhà nước khác nhau. Ngoài ra còn có một mạng lưới tình báo rộng khắp ở Anh, Đức, Pháp và các nước châu Âu khác. Nhưng cả Trung tâm và các cơ sở tình báo đối ngoại đều thiếu nhân sự trầm trọng (toàn bộ máy chỉ có khoảng 100 người), cơ sở vật chất kỹ thuật còn yếu kém - đó là thời kỳ mà các hình thức và phương pháp hoạt động của tình báo đối ngoại Liên Xô mới bắt đầu hình thành.
Những cuộc cải cách lớn đầu tiên trong hệ thống tình báo Liên Xô gắn liền với tên tuổi của Artur Artuzov. Năm 1931, ông phụ trách Phòng Đối ngoại của Cục Chính trị quốc gia toàn liên bang (OGPU) Liên Xô. Ngay lúc bấy giờ, Artuzov đã tập trung toàn bộ sự chú ý vào nước Đức. Tư tưởng phát xít và đường lối quân phiệt công khai của Berlin đe dọa hòa bình ở châu Âu và sự tồn vong của Liên Xô. Do đó, năm 1932, Artuzov đề nghị cải cách toàn bộ hệ thống tình báo đối ngoại. Một trong những bước đi quan trọng nhất của cuộc cải cách là tổ chức các khóa học đặc biệt để đào tạo và đào tạo lại các điệp viên tình báo. Học viên được tuyển chọn trong số những cán bộ giỏi nhất của OGPU, ưu tiên những người biết ngoại ngữ và đã có kinh nghiệm điều hành công việc ở nước ngoài. Khóa học chỉ có 25 người.
Vào khoảng thời gian đó, việc tuyển mộ điệp viên trong số sinh viên các trường đại học nước ngoài, chủ yếu là ở châu Âu, bắt đầu diễn ra tích cực. Hy vọng được đặt vào những bạn trẻ có tham vọng, trí tuệ nhạy bén và sự sáng suốt, hứa hẹn một sự nghiệp rực rỡ trong chính phủ, lĩnh vực quân sự hoặc tình báo. Ví dụ nổi bật nhất về công việc đó là nhóm “Ngũ quái Cambridge” nổi tiếng. Hoạt động của “Ngũ quái Cambridge” được coi là một trong những thành tựu lớn nhất của cả tình báo Liên Xô và thế giới nói chung.
Tuy nhiên, tình trạng thiếu cán bộ có trình độ trong nước vẫn trầm trọng. Những thay đổi tiếp theo trong ngành tình báo diễn ra ngày 10/7/1934: vào ngày này, Bộ Dân ủy Nội vụ (NKVD) được thành lập, bao gồm một số đơn vị, trong đó có Tổng cục An ninh quốc gia (GUGB). Phòng Đối ngoại của OGPU đã trở thành bộ phận độc lập trong GUGB thuộc Bộ Dân ủy Nội vụ Liên Xô.
Công tác đào tạo nhân viên tình báo vẫn tiếp tục theo hình thức các khóa học, có điều hiện nay chúng được gọi là “các khóa học đặc nhiệm của Trường Trung ương thuộc Bộ Dân ủy Nội vụ”. Nhưng để hiểu được những vấn đề cơ bản của một nghề phức tạp như nhân viên tình báo thì ngần ấy rõ ràng vẫn chưa đủ. Khóa học chỉ kéo dài sáu tháng, trong thời gian này, các học viên chỉ có thể tiếp thu được những kiến thức chung, cải thiện chút ít ngoại ngữ, nhiều người phải hoàn thành việc học tập trong quá trình công tác, thậm chí ở nước ngoài.
“Thiên đường” ở ngoại ô Moscow
Mùa hè năm 1937, lãnh tụ Stalin mời các cán bộ lãnh đạo tình báo đối ngoại đến và đặt vấn đề xem xét lại hệ thống đào tạo tình báo. Mấy ngày sau, Tổng cục An ninh quốc gia thuộc Bộ Dân ủy Nội vụ đã đề nghị thành lập một cơ sở đào tạo đặc biệt phục vụ những mục đích này. Và ngày 3/10/1938, Ủy viên nhân dân Bộ Dân ủy Nội vụ Nikolay Yezhov ra lệnh thành lập Trường Đặc nhiệm, viết tắt là SHON.
Trường dành cho 30 học viên, thời gian đào tạo là một năm. Để thực hiện dự án này, giới lãnh đạo tình báo đã yêu cầu một số tiền khổng lồ vào thời điểm đó - 1,5 triệu rúp. Nhưng Điện Kremlin không tiết kiệm. Hơn nữa, lãnh tụ Stalin đích thân giám sát việc xây dựng trường. Chính Stalin xác định địa điểm xây dựng trường. “Việc đào tạo nhân viên tình báo phải được tổ chức bên ngoài Moscow” - ông viết. Nhà lãnh đạo Liên Xô yêu cầu địa điểm đào tạo “những người lính trên mặt trận vô hình” phải được bảo mật nghiêm ngặt, ngay cả những người thân của họ cũng không được biết điều đó.
SHON được sử dụng 5 tòa nhà, nằm ở Balashikha, một vùng xa xôi hẻo lánh của ngoại ô Moscow. Ở đây có một tòa nhà học, đồng thời là ký túc xá, nhà ăn và một số nhà phụ. Thoạt nhìn, đây là những căn nhà gỗ bình thường, nhưng nội thất của chúng rất đáng chú ý: những căn phòng được bài trí sang trọng với những tấm thảm đắt tiền, trên tường treo những bức tranh của các họa sĩ nổi tiếng.
Xin bạn đừng ngạc nhiên: đôi khi cả khóa học chỉ có khoảng chục người. Nhưng, tất nhiên, không phải vì không ai muốn học nghề tình báo, mà vì yêu cầu đặt ra đối với thí sinh rất cao. Nhà tình báo Liên Xô nổi tiếng Aleksandr Feklisov nhớ lại: những sinh viên tốt nghiệp các trường đại học kỹ thuật thường được ưu tiên, thế nhưng ở đây việc học ngoại ngữ không được quan tâm: người ta cho rằng chỉ cần siêng năng, trong vòng một năm, một sinh viên hoàn toàn có thể nắm được một số ngoại ngữ.
Các học viên được dạy gì?
Các cán bộ xuất sắc nhất của cơ quan tình báo đối ngoại trung ương được mời làm cán bộ giảng dạy. Đây là những điệp viên dày dạn kinh nghiệm, từng làm việc nhiều năm ở nước ngoài, và những kiến thức họ chia sẻ rất có giá trị đối với các học viên trẻ. Trong số các giáo viên có: Pavel Zhuravlev, Vasily Zarubin, Evgeny Mitskevich, Vasily Pudin, Pavel Sudoplatov và các chuyên gia giàu kinh nghiệm khác.
Về môn học, tất nhiên, đứng đầu là các môn chuyên ngành tình báo: kỹ thuật vô tuyến, mật mã học, tổ chức và duy trì liên lạc với các điệp viên. Nhưng trong thời khóa biểu cũng có các môn học phổ thông: tiếng Nga, văn học, địa lý do các giáo sư giỏi nhất của các trường đại học Moscow giảng dạy. Chẳng hạn, các bài giảng về quan hệ quốc tế được giảng dạy bởi tiến sĩ Boris Stein, nhà ngoại giao, nhà sử học Liên Xô. Các viện sĩ Aleksandr Guber, Abram Deborin, Ivan Maisky và các chuyên gia khác cũng thường xuyên đến giảng bài ở trường.
Việc học ngoại ngữ được đặc biệt chú trọng. Học viên được học với các giáo viên bản ngữ. Trường có hai bộ môn ngoại ngữ: “Tây” và “Đông”. Bộ môn thứ nhất dạy tiếng Anh, tiếng Đức, Tây Ban Nha, Pháp và Ý, bộ môn thứ hai dạy tiếng Nhật, tiếng Trung, tiếng Ba Tư và Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng chỉ ngoại ngữ thôi thì chưa đủ. Để có thể dễ dàng gia nhập vào xã hội thượng lưu ở nước ngoài, các điệp viên tình báo tương lai được dạy những vấn đề cơ bản về nghi thức ngoại giao, thị hiếu thẩm mỹ, cách giao tiếp và trang phục lịch sự. Như vậy, những sinh viên và công nhân hôm qua đã biến thành các nhà quý tộc theo đúng nghĩa đen của từ này.
Có một sự tình tiết thú vị: thời gian đầu, các học viên được phép về nhà vào những ngày nghỉ để gặp gỡ với người thân. Nhưng ai cũng phải cam kết giữ bí mật nghiêm ngặt tất cả những gì liên quan đến nhà trường. Ngoài ra, học viên được nhận một khoản học bổng khá hào phóng theo tiêu chuẩn thời bấy giờ (500 rúp/tháng) để chi tiêu cho việc đi nhà hàng, xem phim, đến nhà hát và triển lãm - nói tóm lại là nâng cao trình độ văn hóa nghệ thuật. Tuy nhiên, về sau thủ tục này bị hủy bỏ.
Muốn làm việc ở nước ngoài phải lấy vợ!
Đáng chú ý là không phải tất cả học viên Trường Đặc nhiệm cuối cùng đều được cử đi làm việc ở nước ngoài. Lấy ví dụ, hiệu trưởng đầu tiên của trường, Vladimir Sharmazanashvili: bản thân ông chưa bao giờ tham gia hoạt động tình báo ở nước ngoài, mặc dù ông thông thạo một số ngoại ngữ và có tài năng tổ chức. Theo hồi ức của Aleksandr Feklisov, trong số 10 bạn cùng lớp của ông, chỉ có 6 người được cử ra nước ngoài hoạt động tình báo, số còn lại trở thành cán bộ của cơ quan trung ương. Không ai biết chính xác các nhân viên tình báo tương lai được lựa chọn theo nguyên tắc nào?
Nhưng có một tiêu chuẩn bất di bất dịch và khá kỳ lạ - phải có vợ. Theo quy định thời bấy giờ, chỉ những điệp viên đã kết hôn mới được cử đi công tác nước ngoài. Lý do rất đơn giản: người ta cho rằng nhân viên tình báo độc thân dễ bị dụ dỗ hơn (mà trong tình báo những thủ đoạn như vậy thường được sử dụng). Cách duy nhất để lách quy định này là kiến nghị cá nhân của người đứng đầu cơ quan tình báo. Đôi khi người ta đề nghị nhân viên tình báo chọn vợ trong số các đồng nghiệp của mình. Có những trường hợp các điệp viên được cử đi công tác cùng với vợ. Người ta cho rằng những cặp đôi như vậy có nhiều lợi thế hơn so với các điệp viên đơn lẻ: họ luôn luôn che chở, nương tựa lẫn nhau.
Tên tuổi của nhiều học viên Trường Đặc nhiệm hiện nay được giảng dạy trong các trường phổ thông và đại học như những nhân vật kiệt xuất của ngành tình báo. Các điệp viên được đào tạo tại trường này đã bộc lộ tài năng và bản lĩnh của mình trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, trong Cuộc khủng hoảng ở biển Caribe và trong các giai đoạn lịch sử khó khăn của đất nước. Họ làm việc trong bộ máy nhà nước và các cơ quan tình báo của Đức, Anh, Pháp, Nhật Bản, Ý và nhiều nước khác.
Năm 1943, “lò đào tạo” nhân viên tình báo được đổi tên thành Trường Tình báo của Tổng cục 1 Bộ Dân ủy An ninh quốc gia Liên Xô, thời gian đào tạo được tăng lên hai năm. Mấy năm sau, trường được gọi là Trường Tình báo cao cấp, mặc dù vì mục đích bảo mật các học viên thường gọi là “Trường 101”, “Trường Rừng” v.v...
Mùa thu năm 1968, trường được cải tổ thành Trường Đại học của Ủy ban An ninh quốc gia với thời gian đào tạo 3 năm. Tháng 5/1984, trường đổi tên thành Trường Đại học của Ủy ban An ninh quốc gia mang tiên Andropov. Hiện nay, các cán bộ tình báo vẫn được đào tạo ở đây, còn trên tấm biển ghi “Học viện Tình báo Đối ngoại của Cục Tình báo Đối ngoại”. Và, cho dù phương pháp giảng dạy và công việc của các nhân viên tình báo đã có nhiều thay đổi, nhưng những nguyên tắc và lý tưởng ngự trị ở đây vẫn như cũ: danh dự của người sĩ quan và lòng trung thành với tổ quốc được đặt lên hàng đầu.