Truy tìm “kho báu” của IS ở Iraq

Thứ Tư, 01/02/2023, 21:27

Năm 2017, khi bị đánh bật khỏi thành phố Mosul và nhiều địa điểm chiến lược khác ở Iraq, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trong lúc tháo chạy đã chôn giấu những tài sản cướp được gồm USD, vàng, kim cương, cổ vật và đồ trang sức quý giá. Phần lớn tài sản ấy có nguồn gốc từ ngân hàng, đền thờ và các gia đình giàu có. Gần đây, Chính phủ Iraq đã tiến hành tìm kiếm và bước đầu đã thu được ít nhất 6,5  triệu USD tiền mặt cùng một số vàng…

“Kho báu” có thật

Đó là một buổi tối tháng 9/2019, Ayad, cựu sĩ quan quân đội Iraq nhận được cuộc gọi từ một đầu mối của ông, bí danh “người chăn cừu” ở thị trấn Baaj, Mosul. Khi IS còn nắm quyền kiểm soát thành phố này, “người chăn cừu” đã âm thầm cung cấp cho Ayad nhiều tin tức quan trọng nhưng từ khi Mosul được giải phóng, mọi sự liên lạc giữa Ayad với ông ta cũng chấm dứt.

Truy tìm “kho báu” của IS ở Iraq -0
Một tấm bia có phù điêu bằng vàng đã bị IS đục mất tại một nhà thờ ở Mosul.

Sau vài câu thăm hỏi, “người chăn cừu” cho Ayad biết khi những tay súng IS tháo chạy khỏi Mosul, họ đã chôn giấu nhiều tài sản cướp được, trong đó có một chỗ với ít nhất 3 triệu USD tiền mặt. Nếu Ayad có thể tìm cách lấy nó, số tiền sẽ chia đôi. Vẫn theo “người chăn cừu”, ông đang cần tiền để giúp đỡ cho bộ tộc của ông hiện rất khốn khó. Ayad kể: “Tôi hoàn toàn không nghi ngờ vì ngay trong những thời khắc nguy hiểm nhất, “người chăn cừu” đã chấp nhận đối đầu với cái chết để cung cấp những thông tin tình báo về IS cho tôi mà chẳng đòi hỏi bất cứ gì. Tuy nhiên tôi đã phải thất hứa…”.

Sự thất hứa của Ayad là sau cuộc nói chuyện với “người chăn cừu”, ông gọi cho người anh họ làm việc trong Cơ quan Tình báo quân đội Iraq vì ông nghĩ rằng với cương vị hiện tại của người anh, sẽ dễ dàng đi đến Mosul cũng như dễ dàng tìm kiếm “kho báu”. Ayad kể tiếp: “Nghe xong câu chuyện, anh họ tôi trả lời rằng anh ấy sẽ làm”.

Cuối năm 2019, Ayad và người anh họ đến Mosul. Điện thoại cho “người chăn cừu”, Ayad được hướng dẫn: “Vào thị trấn Baaj rồi hỏi thăm đường đến nông trại Kassim. Tiếp theo, đi dọc đường ống dẫn nước tưới của nông trại. Ở ngay đoạn cuối đường ống, rẽ phải 6m, đào lên”.

Mọi việc diễn ra đúng như chỉ dẫn. Lúc đào sâu xuống hơn 2m, trước mắt anh em Ayad là 4 cái thùng chuyên dùng để đựng dưa chuột bằng nhựa màu xanh, nắp đậy kín. Mỗi thùng được bọc kín xung quanh bằng những tấm lưới. Ayad kể: “Cả tôi và anh họ tôi đều không biết phải làm gì. Với kinh nghiệm của một sĩ quan tình báo, anh họ tôi nói khả năng trong 4 cái thùng là mìn bẫy bởi có thể những phần tử IS vẫn còn nằm vùng ở Mosul đã phát hiện những hoạt động của “người chăn cừu” nên chúng dựng lên một kịch bản bằng cách ép buộc ông ta phải gọi cho tôi, bịa ra câu chuyện kho báu để dụ tôi đến. Nếu tôi mở thùng ra thì “bùm” một cái, đời chúng tôi coi như tàn”.

Cuối cùng, anh họ Ayad quyết định liên lạc với người đứng đầu lực lượng an ninh Iraq ở Mosul. Sau khi nghe câu chuyện, phía an ninh cử một đội tháo gỡ bom mìn đến. Kết quả là trong cả 4 thùng, chẳng thùng nào có mìn mà thay vào đó là các gói nylon bọc những tờ 100 USD, tổng cộng là 3 triệu. Ayad nói tiếp: “Tôi hy vọng “người chăn cừu” biết được thông tin về vụ này và ông ấy sẽ hiểu cho tôi. Tôi chẳng được một xu nào trong số tiền ấy. Tất cả đều được nộp về cho chính phủ…”.

Truy tìm “kho báu” của IS ở Iraq -0
3 triệu USD được tìm thấy trong số hàng trăm triệu mà IS chôn giấu.

Những cuộc săn tìm

Kể từ khi thành phố Mosul được quân đội Iraq giải phóng khỏi tay nhà nước Hồi giáo tự xưng, theo lời khai của những thành viên IS bị bắt thì trước khi tháo chạy, Abu Bakr al-Baghdadi, thủ lĩnh IS đã ra lệnh chôn giấu phần lớn những tài sản cướp được, trong đó khu vực xung quanh Đại thánh đường Hồi giáo al-Nutri là một trong những địa điểm có khả năng được dùng làm nơi cất giữ kho báu trước khi nó bị đánh sập hoàn toàn. Ngoài ra còn có những giếng nước, những cống rãnh cùng những ngôi nhà rất bình thường ở Mosul cũng như ở tỉnh Albar hoặc những hòn đảo lẻ loi, không người ở trên sông Euphrates. Tất cả được kết nối với nhau thành một “kho bạc” tạm thời mà chỉ những thành viên cao cấp IS mới biết chính xác vị trí của nó.

Tuy nhiên kể từ khi Abu Bakr al-Baghdadi bị giết rồi tiếp theo là những nhân vật quan trọng khác làm mồi cho máy bay không người lái Mỹ, thông tin về “kho báu” càng lúc càng mịt mù, dẫn đến việc săn tìm trở nên ráo riết, không chỉ với Chính phủ Iraq hay các nhóm tư nhân xin được giấy phép ăn chia mà ngay cả những bộ tộc đã từng có thời cộng tác chặt chẽ với IS hoặc chống IS cũng lao vào cuộc đua đào bới.

Cuối năm 2020, một sĩ quan cảnh sát cao cấp thuộc chính quyền Iraq đã tìm thấy một chiếc túi chứa 1,5 triệu USD dưới đống đổ nát trong ngôi nhà mà chính phủ cấp cho ông. Ông nói: “Tôi đã đếm số tiền ấy và quyết định trao nó cho chính phủ. Tôi nghĩ đó là trách nhiệm của mình nhưng bạn biết họ nói gì với tôi không? Họ hỏi: “Đã nộp hết chưa? Phần còn lại ở đâu?”.

Câu chuyện về sự trung thực của viên sĩ quan nêu trên được xem là “hàng hiếm” ở Iraq bởi lẽ những cuộc điều tra do cảnh sát thực hiện cho thấy một số người quản lý trại giam đã thỏa thuận trả tự do cho tù nhân IS để đổi lấy việc họ tiết lộ địa điểm chôn giấu kho báu. Khalid, 32 tuổi, sống ở phía Tây Mosul, nơi bị tàn phá nặng nề nhất kể lại: “Một tháng trước, cảnh sát dẫn một toán công nhân đến dọn dẹp đống đổ nát gần nhà tôi nhưng họ chỉ tập trung đào bới ở một chỗ. Sau hơn nửa tiếng, họ lấy lên những chiếc túi nhựa màu đen và một trong những túi ấy bị rách, lòi ra nhiều tờ USD. Sau đó, toàn bộ việc sửa chữa, xây dựng của người dân ở khu nhà tôi bị đình chỉ hoàn toàn, chắc là để họ tìm thêm tài sản nữa”.

6 tháng trước đó, cách nhà Khalid hơn 1km, một nhóm đào bới cũng đã phát hiện 1,6 triệu USD tiền mặt cùng các đồng xu bằng vàng và 1 thỏi vàng, tất cả giấu trong hai chiếc thùng bằng nhựa, chôn sâu 3m dưới đất. Cư dân sống trong khu vực này cho biết chính phủ đã gắn camera ở nhiều nơi, nhất là những căn nhà nằm gần ngôi biệt thự trước kia là Văn phòng của Cơ quan Văn hóa giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO). Khi IS chiếm Mosul, nơi này biến thành trụ sở của Tòa án Luật Sharia, nơi ra quyết định chặt tay những kẻ ăn cắp, ném đá đến chết phụ nữ ngoại tình, đánh roi phụ nữ ra đường mà không che mặt bằng khăn burqua và chặt đầu những người tình nghi chống IS. Một cư dân cho biết camera là để giám sát hành vi đào bới của người dân: “Chắc chắn nơi này vẫn còn “kho báu” nhưng vấn đề là chưa biết chính xác nó ở chỗ nào”.

Trong hơn 1.000 năm, Mosul từng là trung tâm thương mại lớn và là điểm giao thoa quốc tế, nơi sinh sống của người Arab, người Kurd, người Yazidis, người Turkoman cũng như các sắc tộc và các giáo phái.Tuy nhiên khi chiếm được Mosul, IS  đã chấm dứt sự đa dạng này và di sản độc hại của nó vẫn tiếp tục gây ra những hệ quả  làm suy yếu sự phục hồi về thể chất, xã hội và chính trị của thành phố đến tận ngày nay. Theo ước tính của Chính phủ Iraq, các ngân hàng nhà nước và ngân hàng thương mại tư nhân ở Mosul thời điểm đó còn cất giữ khoảng 900kg vàng, hơn 300 triệu USD cùng khoảng 6 tỉ tiền Iraq, chưa kể một lượng tài sản trong dân gồm vàng nữ trang, kim cương, đá quý. Ở các nhà thờ Cơ đốc giáo còn có nhiều đồ tế lễ, tranh tượng bằng vàng, tất cả hầu như đã bị IS cướp đoạt.

Truy tìm “kho báu” của IS ở Iraq -0
Quân đội Iraq đào bới một địa điểm nghi là nơi chôn giấu tài sản IS cướp được ở Mosul.

Sau khi IS bị đánh đuổi khỏi Mosul, sự nghi ngờ về kho báu của IS là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc chia rẽ giữa chính quyền và chức sắc tôn giáo, các thủ lĩnh bộ tộc và giới nhà giàu mất của. Bên cạnh đó, nó còn gây ra sự tranh cãi dữ dội về việc xây dựng lại Đại Thánh đường Hồi giáo Al-Nouri với ngọn tháp nghiêng, được gọi là Al-Hadba, vốn là những thánh tích mang tính biểu tượng của Mosul kể từ thế kỷ 12. Năm 2014, tại nhà thờ Hồi giáo al-Nouri, thủ lĩnh IS là Abu Bakr al-Baghdadi đã tuyên bố mình là “Tiểu vương Nhà nước Hồi giáo Iraq” sau khi các chiến binh của ông ta làm cả thế giới kinh ngạc lúc chiếm được nơi này. Ba năm sau, khi quân đội Iraq phản công dưới sự yểm trợ của quân Mỹ và Đồng minh, cũng chính Abu Bakr al-Baghdadi ra lệnh cho nổ tung nhà thờ cùng với việc chôn giấu tài sản cướp được.

Và không chỉ ở Mosul, xa hơn về phía Tây, gần biên giới Syria, lực lượng dân quân Shia cũng đang săn lùng kho báu.Các tù nhân IS bị giam giữ đã khai rằng một lượng lớn USD và vàng thỏi đã được cho vào một tủ lạnh rồi chôn tại một nơi nào đó ở thị trấn Al-Qaim, giáp với Syria.Một chỉ huy dân quân cho biết: “Chúng tôi vẫn chưa tìm thấy nó nhưng chắc chắn nó vẫn đang ở đâu đó ngoài kia”.

Ở phía Nam Al-Qaim, một kho dự trữ vàng và USD được xác nhận tổng trị giá khoảng 16 triệu USD vẫn nằm yên dưới một cái giếng kể từ khi nó bị chôn vùi vào cuối năm 2018. Lực lượng dân quân Shia, các bộ lạc và quan chức Iraq đều biết về vị trí này nhưng không bên nào dám lấy vì điều đó sẽ làm nổ ra cuộc chiến tương tàn giữa các “đồng minh” với nhau. Một nguồn tin thân cận với lãnh đạo lực lượng Hezbollah của Liban ở Iraq cho biết.“Nhiều thế lực đã dòm ngó kho báu ấy suốt thời gian dài nhưng nếu có phe nào đó muốn chiếm giữ, các phe khác sẽ phản ứng bằng súng đạn. Bạn có thể lấy nó nhưng đưa nó nơi an toàn là điều không thể”. Ở tỉnh Erbil về phía Bắc, một sĩ quan tình báo người Kurd thừa nhận anh ta đã nghe được khá nhiều thông tin từ những tù binh IS về các  kho báu được chôn giấu nhưng: “Chẳng gì có thể thực hiện một cách nhanh chóng về sự xác thực của những lời khai này. Không lẽ cứ nghe họ khai về điểm A, điểm B là chúng tôi cho quân đi đào ư? Đã từng có một nhóm trong quá trình đào bới thì vướng phải mìn, 2 người thiệt mạng, 3 bị thương. Đúng là có tiền thật nhưng chỉ là mấy đồng bạc lẻ…”.

Hiện tại, theo đánh giá của các tổ chức tình báo phương Tây và của Cơ quan an ninh Iraq, vẫn còn những phần tử ủng hộ IS hoặc đã từng chiến đấu trong hàng ngũ IS sống ở Mosul và trong số này, có thể có những kẻ biết về địa điểm chôn giấu kho báu. Ahmad, sĩ quan tình báo người Kurd nói: “Họ ẩn nhẫn chờ đến một ngày nào đó, khi có lệnh của cấp chỉ huy thì họ sẽ đào lên rồi giao cho IS để tổ chức này tiếp tục cuộc thánh chiến, hoặc nếu biết IS đã thất bại hoàn toàn, không còn khả năng trỗi dậy thì kho báu ấy sẽ là của họ”.

Vẫn theo các cơ quan tình báo, Iraq hiện còn khoảng 200 đến 300 tay súng IS hoạt động tản mát ở nhiều nơi, trong đó chủ yếu tập trung gần biên giới Syria, nơi có trại Al-Hol ở Đông Bắc Syria với khoảng 57.000 người và trại Rozh gần đó. Tổng số của cả 2 trại là hơn 100.000 người, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.  Cả 2 trại này được mệnh danh là “Quả bom hẹn giờ”, “Guantanamo ở Trung Đông”, “Đại học IS”…, để nói lên tính phức tạp của nó, nhất là nếu IS có điều kiện bổ sung nhân lực và nguồn lực bằng việc thu hồi những gì họ đã chôn đi…

Vũ Cao (Theo Inside Politics)
.
.