Vật vã ở mỏ thiếc Huanani

Thứ Ba, 19/11/2024, 08:15

Ở Bolivia, thị trấn Huanani, tỉnh Oruro là nơi có nhiều mỏ thiếc nhất so với cả nước. Nó thu hút 155.000 lao động làm việc chính thức nhưng bên cạnh đó lại có đến 100.000 người, phần lớn là phụ nữ, kiếm sống bằng cách lẻn vào các mỏ lúc nửa đêm để lấy cắp quặng thiếc bán ra thị trường chợ đen. Những người này không ngần ngại khi nói rằng “chúng tôi ăn cắp để tồn tại…”.

1. Đó là một đêm không trăng, Sandra, 47 tuổi cùng 5 phụ nữ khác lầm lũi trong bóng tối tiến về mỏ thiếc Huanani nằm cách thành phố Oruro 60km về phía Nam. Cô nói: “Từ đây đến mỏ, chúng tôi phải đi bộ hơn 2 tiếng, mất thêm 3 tiếng để thu nhặt quặng thiếc rồi quay về…”. Và bởi vì khi quay về, mỗi người đều cõng trên mình khoảng 30 đến 35 ký quặng nên khi vào thị trấn Huanani, trời đã bắt đầu sáng. Tại đây, luôn có sẵn những nhóm thu mua và cứ mỗi chuyến trộm cắp, mỗi người trong nhóm Sandra kiếm được từ 1.800 đến 3.000 Bolivianos (đơn vị tiền tệ Bolivia, tương đương 220 đến 300 USD) nhưng để tránh bị bắt, họ chỉ dám đi mỗi tuần 1 hoặc 2 lần.

Vật vã ở mỏ thiếc Huanani -0
Mỏ thiếc này nhìn rất tồi tàn nhưng lại là mục tiêu trộm cắp vì trữ lượng lớn.

Vẫn theo Sandra, nếu không phải là thợ mỏ thì rất khó biết cái mê cung chằng chịt như mạng nhện dưới lòng đất chỗ nào nhiều quặng, đi vào theo lối nào, thoát ra bằng đường  nào để tránh bị lạc. Cô nói: “May là trong số chị em chúng tôi nhiều người có chồng là thợ mỏ. Chính họ đã chỉ cho chúng tôi cách ăn cắp!”. Một thợ mỏ giấu tên nói với trang tin Latin America Today: “Sau khi khoan các vỉa đá có quặng thiếc, chúng tôi chọn những khối lớn, chất lên các xe goòng rồi đẩy ra ngoài theo đường ray. Các mảnh nhỏ hơn sẽ thu lượm sau nhưng trước khi thu lượm, thợ mỏ báo cho vợ mình vị trí để họ vào lấy…”.

Một nghiên cứu được thực hiện bởi Solidaridad - là tổ chức xã hội dân sự quốc tế ở Mỹ Latinh, thực hiện năm 2023 cho thấy 1/10 phụ nữ trong “đội quân trộm quặng” ở độ tuổi trên 60, 1/3 tuổi từ 41 đến 50, số còn lại dưới 40, hơn một nửa mù chữ hoặc chưa học hết bậc tiểu học, nhiều người đã li dị, góa chồng hoặc là mẹ đơn thân không nghề nghiệp.

Ở Bolivia, khai thác mỏ là một phần quan trọng của nền kinh tế, chiếm khoảng 6% GDP. Ngoài quặng thiếc với trữ lượng lớn nhất, đất nước này còn có bạc, vàng, kẽm và đồng nhưng theo “đội quân trộm quặng”, các mỏ này ngày cũng như đêm được canh phòng rất kỹ nên rất khó vào. Tuy nhiên vẫn có người vào được nếu họ đồng ý quan hệ tình dục với bảo vệ mỏ. Ông Héctor Córdov, cựu Thứ trưởng Bộ Khai thác mỏ Bolivia cho biết làm việc trong các mỏ là khoảng 150.000 người đăng ký hợp pháp nhưng bên cạnh đó, cũng có khoảng 100.000 người, phần lớn là phụ nữ tìm nhiều cách để lấy cắp quặng, chủ yếu là thiếc vì việc bảo vệ mỏ thiếc có phần lỏng lẻo hơn so với vàng, bạc hoặc đồng.

Ông nói: “20 năm trước, hầu hết cư dân Huanuni đều là công nhân mỏ nhưng từ khi nó được quốc hữu hóa hồi năm 2007, máy móc đã thay thế những việc nặng nhọc nhất, dẫn đến nhiều thợ mỏ thất nghiệp. Và bởi vì các thợ mỏ thất nghiệp đều đã có thời gian dài chui rúc dưới lòng đất nên họ rất thông thạo địa hình, từ đó hình thành những nhóm trộm cắp…”.

Với Maria Reymaga, 45 tuổi, sinh ra ở Huanuni, cha cô là thợ mỏ nhưng đã quá già nên ông “truyền nghề” cho cô. Maria nói: “Cha tôi dạy cho tôi cách phân biệt những mẩu quặng có thiếc chỉ với một cái đèn pin đội đầu”. Mỗi tuần 2 lần, cô cùng hơn chục người bạn ra đi vào lúc xẩm tối. Sau 3 tiếng, họ đến mỏ. Lúc này tất cả những người canh gác đã rút về lán trại để ăn uống, nhậu và đánh bài vì họ tin rằng những kẻ trộm quặng không thể biết dưới lòng đất có bao nhiêu đường chính, đường ngách, có đường dài đến 2km. Thợ mỏ Rodiguez nói “ngay như tôi, vào làm đã hơn 3 tuần mà tôi vẫn đi lạc. Nếu không có bạn bè đồng nghiệp, chưa chắc tôi đã tìm được lối ra…”.

Khi đã đến được cửa mỏ, nhóm của Maria thận trọng tiến vào và chỉ khi đã vào sâu hơn 50m, họ mới bật đèn pin đội đầu lên. Tiếp theo, họ chia nhau ra từng ngách dựa trên sự chỉ dẫn của chồng họ hoặc những thợ mỏ thân tình với họ. Maria nói: “Những ngách này là những chỗ mới được khoan sáng nay nên vẫn còn sót lại khá nhiều quặng”. Dưới ánh đèn pin và với kinh nghiệm, chỉ cần nhìn qua là Maria biết mẩu đá cô cầm trên tay có thiếc hay không, nhiều hay ít. Thỉnh thoảng cô lại ngước lên nhìn vào các ngách khác, thấy có ánh đèn pin lấp loáng là cô yên lòng.

Vật vã ở mỏ thiếc Huanani -0
Đội quân trộm quặng thu nhặt từng mẩu quặng.

2. Theo bảng tóm tắt trữ lượng khoáng sản của Cục Khảo sát địa chất Mỹ (USGS), 3 quốc gia Nam Mỹ đứng đầu trong việc khai thác thiếc toàn cầu thời điểm 2023 là Peru với 26.995 tấn thiếc tinh khiết/năm, tiếp theo là Brazil với 22.000 tấn/năm và thứ ba là Bolivia với 18.000 tấn/năm nhưng so với Peru và Brazil, chất lượng quặng thiếc của Bolivia đứng đầu bảng bởi lẽ trong một mét khối đá, có đến 48% thiếc nên vì vậy, thị trường mua bán quặng thiếc trộm cắp rất nhộn nhịp. Ông Héctor Córdov, cựu Thứ trưởng Bộ Khai thác mỏ Bolivia cho biết thiếc Bolivia xuất khẩu sang Hà Lan chiếm tỉ lệ 34%, Mỹ 33%, Anh quốc 26%, đa số xuất xứ từ Potosi, La Paz và Oruro nhưng “không ai tính được trong số đó, bao nhiêu là thiếc trộm cắp”.

Vẫn theo ông Héctor Córdov, tuổi thọ của thợ mỏ ở Bolivia rất thấp, nhiều người chết ở tuổi 40 vì bệnh bụi phổi silic, một căn bệnh đau đớn dẫn đến tử vong do khó thở trong nhiều năm. Một số khác chết vì tai nạn như sập hầm, ngộ độc khí mê tan, bị quặng đá rơi trúng khi khoan hoặc nổ mìn còn với phụ nữ trong “đội quân trộm cắp”, phần lớn họ chết vì không tìm được lối ra khi vào các đường hầm. Garcia, 36 tuổi kể: “Hôm ấy tụi tôi gồm 6 người vào mỏ. Nhặt xong quặng, lúc quay ra thì không thấy Lidia nhưng chẳng ai dám vào tìm vì trời đã gần sáng. Hôm sau rồi hôm sau nữa, vẫn chẳng thấy cô ấy về. Tôi biết Lidia đã bị lạc nên chỉ còn hy vọng thợ mỏ sẽ cứu được cô ấy. Lidia sẽ bị bắt, bị phạt tù nhưng dẫu sao vẫn còn sống…”.

Gần 1 tuần trôi qua, một thợ mỏ là Sanchez khi vào mỏ thì phát hiện mùi hôi. Lần theo các đường ngách, anh thấy giữa đống đất đá ngổn ngang, xác Lidia đã bắt đầu phân hủy. Kết quả khám nghiệm tử thi sau đó không phát hiện thương tích nên cảnh sát chỉ kết luận “chết đói vì đi lạc”. Garcia nói: “Cô ấy chết đi, để lại người chồng nghiện rượu và đàn con 4 đứa, đứa lớn nhất mới 12 tuổi. Chẳng biết rồi chúng sẽ sống như thế nào…”.

Báo cáo của cảnh sát Oruro cho thấy chỉ từ tháng 6/2023 đến tháng 6/2024, đã có 57 phụ nữ chết trong các đường hầm ở 6 mỏ thiếc thuộc tỉnh Oruro, trong đó 56 người chết vì không tìm được lối ra mặc dù theo thợ mỏ Leguzamo “có người chết cách chỗ chúng tôi làm chỉ hơn 100m. Hẳn là khi nạn nhân nghe thấy tiếng máy khoan, tiếng chúng tôi trò chuyện thì thay vì gặp chúng tôi, họ lại ở yên tại chỗ do sợ bị bắt. Lúc hết ca làm việc, đợi chúng tôi về thì nạn nhân mới ra nhưng vẫn không tìm được đường tới cửa hầm. Tôi chắc rằng những giờ phút cuối cùng của nạn nhân sẽ bi thảm lắm…”.

Vật vã ở mỏ thiếc Huanani -0
Hình ảnh hiếm hoi của một jukus được đưa lên mạng.

3. Bên cạnh những “đội quân trộm quặng” tự phát, thì ở Oruro cũng không thiếu những băng nhóm sẵn sàng ứng trước cho những phụ nữ để họ lấy quặng về. Bà Marta, 57 tuổi cho biết bà thường nhận 1.000 Bolivianos tiền ứng của một băng nhóm rồi sau đó, tùy vào lượng quặng mà bà lấy được, băng nhóm sẽ trả thêm cho bà số tiền chênh lệch, hoặc họ ghi nợ với lãi suất 1%/ngày. Bà nói: “Theo tôi biết, có khoảng hơn 200 phụ nữ cũng ứng tiền như tôi, hầu hết đều trả được. Chỉ một số ít vì nhiều lý do nên lãi mẹ đẻ lãi con, chẳng biết bao giờ mới xóa nợ”.

Ông Mendras, quan chức thuộc Tập đoàn khai thác mỏ Bolivia (Corporación Minera de Bolivia - viết tắt là COMIBOL) cho biết thậm chí nhiều băng nhóm còn trả tiền cho một số thợ mỏ để họ lấy cắp quặng thiếc của tập đoàn. Ông nói: “Những thợ mỏ ấy được gọi là “jukus”, tiếng địa phương nghĩa là “kẻ trộm thiếc”. Họ hình thành từng nhóm, mỗi nhóm 20 hoặc 30 người, phân chia lãnh địa làm ăn rõ rệt. Cứ 100kg quặng, họ được trả 300USD nhưng trên thị trường chợ đen, băng nhóm bán cho những kẻ thu mua mỗi kg là 30USD…”.

Một “jukus” giấu tên nói với Latin America Today rằng mỗi tháng, anh ta kiếm được 1.700USD mà chỉ cần “đi làm” 3 đêm, cộng với 22 ngày làm cho COMIBOL, lương tháng 1.500USD thì cả gia đình anh sống khỏe!

Theo Công tố viên Orlando Zapata Sánchez thuộc Văn phòng Công tố thành phố Oruro, những băng nhóm nêu trên đã lập ra ít nhất 20 công ty bình phong để rửa số tiền thu được sau khi bán quặng thiếc trộm cắp. Ông nói: “Những vụ trộm ấy đã khiến COMIBOL thiệt hại ít nhất 4 triệu Bolivianos mỗi tháng (tương đương 580.000USD) còn nếu tính cả những công ty tư nhân trúng thầu khai thác mỏ thì con số này lên đến hơn 6 triệu USD. Ông nói: “Vấn đề trộm quặng còn do một khía cạnh văn hóa. Bolivia có khoảng 4 triệu người bản địa, chiếm hơn 1/3 dân số. Nhiều người trong số này coi tài nguyên thiên nhiên là của riêng họ chứ không phải của các công ty khai thác. Vì thế, mỗi khi tôi ký lệnh truy tố, họ đã trả lời rằng “chúng tôi không ăn cắp vì quặng thiếc nằm trên đất của chúng tôi. Ai lại đi ăn cắp tài sản của chính mình bao giờ”.

Và mặc dù một số người bản địa đã giữ những vị trí quan trọng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, kể cả ở COMIBOL nhưng Công tố viên Orlando Zapata Sánchez cho biết, chỉ riêng ở tỉnh Oruro và Potosí đã có 35 nhóm “junku” hoạt động, mỗi nhóm sử dụng từ 20 đến 50 thợ mỏ. Gàn đây nhất, hồi tháng 3 đã xảy ra một cuộc đụng độ vũ trang giữa những người trộm quặng và lực lượng bảo vệ mỏ khiến 4 người thiệt mạng, chưa kể thợ mỏ làm việc chính thức ở Potosi đã cho nổ mìn khi phát hiện nhóm trộm quặng xâm nhập mỏ, dẫn đến cái chết của 10 người.

Theo đánh giá của Cục Khảo sát địa chất Mỹ (USGS), ngành khai khoáng của Bolivia đang bị tổn thương bởi những hoạt động bất hợp pháp, kể cả trộm cắp lẫn mua bán chợ đen, có sự tiếp tay của một số quan chức tham nhũng mặc dù giá thiếc tinh khiết đã lên đến 35.500USD/tấn ở thời điểm hiện tại. Hệ quả là một số công ty khai thác tư nhân ngừng hoạt động sau khi kết thúc hợp đồng.

Ông Irberto, chủ một mỏ tư nhân ở Oruro nói: “Trong hơn 600 thợ mỏ làm việc ở chỗ chúng tôi, ít nhất 100 người liên quan đến những vấn đề trộm cắp nhưng bắt quả tang rất khó bởi lẽ dù có ba đầu sáu tay, chúng tôi cũng không thể biết trong mỗi phiên làm việc, kíp thợ ở đường ngách A hoặc B khoan được bao nhiêu tấn quặng. Chúng tôi chỉ có thể tính toán dựa trên khối lượng vận chuyển ra ngoài. Nhiều lần chúng tôi chất vấn họ là theo kết quả khảo sát địa chất, đường hầm khu vực B có trữ lượng 30 tấn nhưng tại sao sau khi khai thác xong, lượng quặng thu về chỉ là 25 tấn thì họ trả lời “khảo sát là một chuyện còn thực tế lại là nguyện khác. Nếu ông không tin thì ông cứ tự mình vào làm đi…”.

Vũ Cao (Theo Latin America Today)
.
.