Vị đại sứ Mỹ từng cố gắng ngăn chặn vụ Trân Châu Cảng

Thứ Năm, 17/11/2022, 13:09

Một cuốn sách chưa từng công bố từ trước tới nay đã hé lộ những nỗ lực ngoại giao của ông Joseph Clark Grew, người đã được bổ nhiệm đến Tokyo trong vai trò đại sứ, hoạt động từ giữa năm 1932 và 1942. Tác giả bài viết, Steve Kemper, là cây bút nổi tiếng khi tham gia viết bài cho nhiều ấn phẩm quốc gia như Smithsonian, National Georaphic. Ông Steve sống ở tiểu bang Connecticut (Mỹ).

Huyền thoại của Bộ Ngoại giao Mỹ

Một sự khuấy động mờ nhạt nào đó đã khiến vị đại sứ đột nhiên tỉnh giấc. Đồng hồ mới 1 giờ sáng. Nửa tỉnh nửa mê, Joseph liếc ra cửa sổ nhìn về màu nước tối đen của vịnh Tokyo, xa xa là bóng dáng của Yokohama, những cảnh tượng đã quá quen thuộc sau một tuần gò bó trên bong tàu Asama Maru đang thả neo. Đột nhiên Joseph nhận ra tàu Asama Maru đang khởi hành.

Vị đại sứ Mỹ từng cố gắng ngăn chặn vụ Trân Châu Cảng -0
Tàu Asama Maru đến Los Angeles trong chặng hải hành năm 1929. Ảnh nguồn: Derbysulzers.

Sau 6 tháng rưỡi bị giam hãm tại Đại sứ quán Tokyo và một tuần lênh đênh trên con tàu, vị đại sứ cùng những người đồng hương của ông cuối cùng đã về nhà. Hành khách trên boong bao gồm những ký giả, các nhà truyền giáo, doanh nhân và các nhà ngoại giao, thêm vài phụ nữ và trẻ em – những người đã không được sơ tán trong những tháng căng thẳng trước khi xảy ra vụ tấn công bất ngờ vào Trân Châu Cảng của Nhật Bản.

Một số người không phải là nhà ngoại giao đã bị bắt giam, bị đánh đập và tệ hơn là bị trấn nước vì bị ngờ làm gián điệp. Một phóng viên bị cầm tù đã mất chân vì tê cóng và hoại tử. Một nhóm hành khách nói với Joseph rằng nếu công tác đàm phán để phóng thích họ mà bị thất bại thì họ thà tự sát còn hơn là quay lại đất liền. Nhưng người Nhật bỗng dưng im hơi khi họ bị đánh thức. Đó là ngày 26/6/1942, 10 năm 19 ngày sau khi ông Joseph Clark Grew đặt bước chân đầu tiên lên đất Nhật trong tư cách đại sứ.

Ông Joseph là huyền thoại của Bộ Ngoại giao Mỹ. Vào thời điểm lênh đênh trên tàu Asama Maru, ông Joseph đã làm việc ở nước ngoài gần 40 năm, đã kinh qua 14 địa điểm, bao gồm Cairo, Mexico City, St. Petersburg, Vienna và Berlin, nơi ông đóng cửa tòa Đại sứ quán Mỹ ngay trong Thế chiến I.

Vị đại sứ Mỹ từng cố gắng ngăn chặn vụ Trân Châu Cảng -0
Nhà ngoại giao Mỹ, Joseph Clark Grew. Ảnh nguồn: Fine Art America .

Năm 1927, ông Joseph nhận nhiệm vụ Đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ, một chức vụ nhọc nhằn. Đó là nơi mà vào đầu năm 1927, ông Joseph nhận được mật báo rằng Tổng thống Hoa Kỳ - Herbert Hoover - muốn ông đảm đương vai trò Đại sứ tại Nhật Bản. Phần lớn các đại sứ đều vô danh với công chúng Mỹ, nhưng Joseph thì lại khác, tên của ông nổi tiếng đến mức bất kỳ khi nào ông nghỉ phép về thăm nhà là nhiều người sẽ chặn ông trên phố. Lời nói và hình ảnh của Joseph liên tục xuất hiện trên báo và bản tin. Joseph khá điển trai và cao to (cao hơn 1,8m) với bộ ria chuẩn nam nhi, mái tóc muối tiêu vuốt ngược cùng hàng lông mày kiêu dũng phía trên đôi mắt sắc sảo. 

Joseph đã dành 10 năm cố gắng theo đuổi giải pháp hòa bình giữa các vụ ám sát, chủ nghĩa cuồng tín dân tộc, các âm mưu lật đổ chính phủ, cơn sốt chiến tranh gây ra bởi báo chí cuồng nhiệt, cùng các hành động khiêu khích quốc tế của quân phiệt Nhật Bản. Sau mỗi cơn bão lớn, Joseph cố gắng tìm ra một số cách để tái xây dựng quan hệ ngoại giao. Bây giờ trên đường về nhà, Joseph đang tự nhủ rằng bản thân chưa khi nào ngừng cố gắng ngăn chặn, hoặc chí ít là tốc độ tiến tới chiến tranh.

Những tài liệu tối mật bị phớt lờ

Chỉ vài giờ trước khi Nhật oanh tạc Trân Châu Cảng, ngay nửa đêm, Joseph đã lái xe đến nhà của Ngoại trưởng Nhật Bản khi đó kèm lời kêu gọi vào phút cuối của Tổng thống Franklin D. Roosevelt gửi cho Thiên hoàng Chiêu Hòa.

Trong suốt 6 tháng thực tập ở Tokyo, Joseph đã ôn lại một thập kỷ qua, đặc biệt là năm qua. Joseph soát xét lại nhật ký của mình cùng các công văn đến và đi của Bộ Ngoại giao Mỹ. Ông đọc lại thư từ đã gửi cho Roosevelt, vị tổng thống mà ông đã biết từ những ngày còn đi học ở Groton và sau đó là Harvard. Đôi khi Joseph đoán sai, đọc sai tình huống, phạm sai lầm, song luôn cầu kỳ sửa chữa những nhận thức sai lầm hoặc những giả định thiếu sót.

Một tập tài liệu dày cộp kể lại sự hiếu chiến hấp tấp của Nhật Bản và việc thay thế một chính phủ dân sự với tham vọng quân sự chi phối. Joseph lưu ý rằng lại một lần nữa việc xây dựng đồng bộ của một cỗ máy chiến tranh khổng lồ với chiến dịch tuyên truyền làm lóa mắt các quốc gia phương Tây, trong khi đó lại khuyến khích người Nhật hy sinh mọi thứ vì vinh quang của vị hoàng đế thần thánh của họ. Song người Nhật không phải là nguyên nhân duy nhất khiến tài liệu này thất vọng. Joseph đã lập danh mục những gì ông cho là sai lầm của Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao, mất cơ hội để tránh hoặc trì hoãn thảm kịch.

Vị đại sứ Mỹ từng cố gắng ngăn chặn vụ Trân Châu Cảng -0
Một cuốn sách do ông Joseph Clark Grew chấp bút viết. Ảnh nguồn: Amazon.

Bộ Ngoại giao Mỹ thường phớt lờ các báo cáo của Joseph cũng như các khuyến nghị của ông, đặc biệt là lời khẩn cầu của ông tới Tổng thống Roosevelt ngay mùa Thu năm 1941 chấp nhận mời Thủ tướng Nhật Bản Fumimaro Konoe hội đàm nhằm ngăn chặn chiến tranh. Ông Joseph trích dẫn các bức điện gửi cho Tổng thống Roosevelt và Ngoại trưởng Cordell Hull với lời cảnh báo rằng chính phủ Mỹ đã hiểu sai nghiêm trọng tình hình Nhật Bản.

5 tuần trước vụ tấn công Trân Châu Cảng, ông Joseph đã gửi đi một bức điện tối mật đề ngày 3/11 có nội dung: “Nhật Bản có thể dốc toàn lực cho một nỗ lực “Ra tay hay chết” thật sự có thể là nghi thức “mổ bụng tự sát” mang màu sắc dân túy của họ. Cuộc chiến tranh vũ trang với Mỹ sẽ diễn ra hết sức đột ngột và kịch tính”.

Ngày hôm sau, Joseph viết trong nhật ký của mình: “Bức điện quan trọng sẽ được lưu lại mọi thời đại”. Ngay cả khi tăng nghi ngờ về chính sách đối ngoại của Mỹ thì Joseph vẫn chuyển tải trung thực nhất chính sách đó với chính phủ Nhật Bản. Nhưng sau vụ Trân Châu Cảng, Joseph cảm thấy mình buộc phải viết một bản ghi chép để nói thật về mọi quan điểm của mình.

Khi viết xong, theo thông lệ của những công văn quan trọng, Joseph yêu cầu thuộc cấp trong sứ Bộ Ngoại giao cẩn thận đặt bút lục phê bình. Hầu hết đều tán thành với những phân tích của Joseph. Ông coi đây là bản báo cáo cuối cùng của mình từ Tokyo và dự định sẽ chuyển nó cho Roosevelt và Cordell Hull ngay khi ông về lại Mỹ.  Joseph đã viết thêm một lá thư dài 13 trang gửi cho Roosevelt với đại ý tóm tắt quan điểm của mình rằng chính phủ Mỹ đã thất bại trong việc làm mọi thứ để trì hoãn chiến tranh, một phần vì họ đã bỏ qua các báo cáo của Joseph về tình hình thực tế ở Nhật Bản.

Trong lá thư dài viết cho Roosevelt có đoạn: “Có một số thứ mà người ở đó có thể thấy được, trong khi người ở xa không thể cảm nhận được”. Vào ngày 25/8, 2 tháng sau khi những người bị giam giữ rời khỏi Nhật Bản, bức tượng Nữ thần Tự do đập vào mắt họ, rực rỡ trong ánh nắng ban mai. Joseph là hành khách đầu tiên bước xuống đất, vẫy tay chào và mỉm cười. Ông nói chuyện với một loạt phóng viên và nói vào micro cho một bản tin thời sự bằng chất giọng của người Boston ái quốc.

Kế đó, Joseph cùng thư ký riêng của mình là Robert Fearey lên một chiếc Limousine màu trắng chở họ đến một nhà ga, nơi họ lên tàu trực chỉ Washington, D.C. Sáng hôm sau họ lái xe từ nhà của ông Joseph ở Washington đến Bộ Ngoại giao, vị đại sứ mang theo bản báo cáo tuyệt mật của mình. Ông nhanh chóng đến gặp Cordell Hull, trong khi đó Robert Fearey thấp thỏm trong phòng chờ.

Ông Fearey sau này nhớ lại: “25 phút sau đó, Tennessee cao giọng xuyên qua cánh cửa bằng gỗ sồi. Tôi không biết ông ấy (Joseph) nói những gì. Nhưng chắc chắn cuộc họp đang diễn ra không mấy tốt đẹp” (Cordell Hull nổi tiếng bởi tính khí thất thường và màu mè sặc sỡ). Sau đó cánh cửa mở ra và Joseph xuất hiện có vẻ run rẩy, không thấy Hull ở đâu cả”. Joseph đề nghị ăn trưa sớm tại Câu lạc bộ Đô Thành độc quyền, nơi ông là hội viên.

Vị đại sứ Mỹ từng cố gắng ngăn chặn vụ Trân Châu Cảng -0
Ngoại trưởng Mỹ Cordell Hull tại văn phòng làm việc của ông. Ảnh: Collections Ushmm.

Khi đến Câu lạc bộ Đô Thành, Joseph mô tả cách ông trình bày ý chính của báo cáo, rồi yêu cầu giải thích về điều khiến ông bận tâm nhất: chính phủ bác đề xuất của Thủ tướng Konoe về một hội nghị thượng đỉnh hòa bình với Roosevelt. Cordell Hull nói với Joseph vẻ nghi ngờ: “Nếu ông nghĩ kỹ như vậy, tại sao không lên máy bay và sớm nói với chúng tôi?”.

Ông Joseph trả lời rằng mình đã gửi những bức điện khẩn về chủ đề này và thường tự nhủ liệu có bất kỳ ai đọc chúng không? Ông không trả lời về ý tưởng ngớ ngẩn rời bỏ chức vụ của mình trong cuộc khủng hoảng để đáp chuyến bay dài tới Washington và trở ngược lại. Khi Cordell Hull đọc lướt qua báo cáo, khuôn mặt của ông “căng cứng lại và đỏ bừng”, rồi đột ngột ném cả mớ giấy tờ lên mặt bàn và gằn giọng: “Ông đại sứ, hoặc là ông hứa hủy báo cáo này và mọi bản sao tùy ông được sở hữu, hoặc chúng tôi sẽ công bố nó để cho người dân Mỹ tự quyết định ai đúng ai sai?”.

Choáng váng, Joseph đáp nhanh việc hủy báo cáo sẽ vi phạm lương tâm của ông, hơn nữa nó còn là một hồ sơ lịch sử. Tuy nhiên, việc công bố nó ngay tại thời điểm đất nước có chiến tranh sẽ làm tổn hại lòng tin của công chúng đối với chính quyền, làm xúc phạm tinh thần ái quốc sâu sắc trong ông Joseph. Cordell Hull khẳng định với Joseph rằng sẽ có quyết định vào sáng mai lúc 10 giờ.

Sáng hôm sau, Joseph và Fearey lái xe quay lại Bộ Ngoại giao. Joseph biến mất sau cánh cửa gỗ sồi khổng lồ. Lúc này, Fearey không nghe tiếng la the thé của Hull nữa. 30 phút sau đó, hai người (Joseph và Hull) bước ra ngoài, mỉm cười và trao cho nhau lời tạm biệt thân tình. Nhiều năm sau, Joseph trao các tài liệu của mình cho ngôi trường cũ yêu quý Harvard. Kho lưu trữ của ông bao gồm hàng ngàn trang (gồm cả cuốn nhật ký được giữ từ năm 1911 với khoảng 6.000 trang được viết trong thời gian ông có mặt ở Tokyo), các lá thư, bài phát biểu, công văn, bản tóm tắt các cuộc trò chuyện quan trọng, cùng các mẫu tin tức.

Báo cáo cuối cùng của Joseph đã tăng lên 276 trang, nó được dán nhãn là “Công văn số 6018” với đường dữ liệu “Tokyo, 19/2/1942”. Nhưng tài liệu gốc bị thiếu. Một lưu ý đánh máy do ông Joseph chèn vào với lời giải thích sau: “Sau khi gửi công văn ở dạng cuối cùng thì các trang từ 13 đến 146 bị loại bỏ”.

Rõ ràng ông Joseph đã tuân lệnh của Hull khi hủy toàn bộ bản sao của báo cáo cuối cùng, nhưng phần đánh máy chèn vào cho thấy thái độ phản đối của Joseph. Bức thư giới thiệu gửi cho Roosevelt là riêng biệt về mặt kỹ thuật và vì thế không theo lệnh của Hull, lá thư này vẫn nằm trong kho lưu trữ. Tại thời điểm lá thư được kèm trong báo cáo cuối cùng, Joseph viết bên lề: “Hủy theo yêu cầu của ông Hull”. Joseph tuân lệnh cấp trên nhưng từ chối dọn dẹp hiện trường vụ án.

Nguyễn Thanh Hải  (Tổng hợp)
.
.