Vì sao Giám đốc Cơ quan tình báo quốc phòng Đan Mạch bị bắt?
Ngày 9-12-2021, ông Lars Johan Findsen, Giám đốc Cơ quan tình báo quốc phòng Đan Mạch bị bắt cùng 3 người khác với tội danh tiết lộ những thông tin tuyệt mật. Nhưng mãi đến ngày 10-1-2022, tên ông mới được công bố công khai sau khi một tòa án ở Copenhagen dỡ bỏ lệnh cấm tiết lộ danh tính…
1. Sinh ngày 17-9-1964, Lars Johan Findsen tốt nghiệp khoa Luật, Đại học Copenhagen năm 1990. Sau đó, ông phụ trách khối văn thư thuộc Bộ Tư pháp. Trước khi là giám đốc Cơ quan Tình báo quốc phòng, ông là tư lệnh Cục Cảnh sát tình báo.
Được thành lập ngày 1-10-1967, khi Cục tình báo nằm trong Bộ Tham mưu quốc phòng Đan Mạch tách ra để trở thành Cơ quan Tình báo quốc phòng (DDIS), chịu trách nhiệm về tình báo đối ngoại. Chức năng của DDIS là thu thập, phân tích các thông tin liên quan đến quân đội Đan Mạch, nhất là những đơn vị được cử đi làm nhiệm vụ quốc tế. Bên cạnh đó, DDIS còn tìm hiểu những vấn đề chính trị, tài chính, khoa học kỹ thuật... Sự phối hợp chặt chẽ với Cơ quan An ninh và tình báo Đan Mạch, Cục Cảnh sát tình báo Đan Mạch, Cục Tình báo tín hiệu…, đã giúp cho tiếng nói của DDIS có trọng lượng trong những vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia.
Tháng 8-2020, ông Findsen tạm thời bị miễn nhiệm cùng với hai lãnh đạo cao cấp khác của DDIS sau khi Cơ quan Tình báo và an ninh Đan Mạch (PET) cho biết đã có “một cuộc điều tra rất lâu về tình trạng rò rỉ thông tin” bên trong DDIS. Theo PET, ông Findsen cùng vài cộng sự đã “đánh lừa bộ phận giám sát tình báo bằng cách không thông báo hoặc thông báo tin tức không chính xác, theo dõi công dân Đan Mạch từ năm 2015 đến 2020. Không điều tra hoạt động gián điệp trong các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, che giấu hành vi phạm tội…”.
Một nguồn tin khác cho biết ông Findsen đã chia sẻ dữ liệu với Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ NSA, tạo điều kiện cho NSA truy cập thông tin cá nhân và những liên lạc riêng tư của nhiều người ở nhiều quốc gia, mà cụ thể là tháng 5-2021, DDIS đã phối hợp với NSA để nghe lén các cuộc trò chuyện của các thành viên và một số nhà lãnh đạo trong khối EU.
Trong số những người bị DDIS và NSA nghe lén, có cả Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier và lãnh đạo phe đối lập lúc bấy giờ là ông Peer Steinbruck bằng cách cài đặt thiết bị vào mạng cáp quang. Do Đan Mạch là điểm tập trung nhiều trạm cáp quang đặt ngầm dưới đáy biển, kết nối với những quốc gia như Đức, Pháp, Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển ..., nên NSA hoàn toàn có thể truy cập nội dung tin nhắn văn bản, những cuộc điện đàm của những người mà họ muốn theo dõi.
Gần đây nhất, tháng 11-2020, NSA cũng đã được DDIS tạo điều kiện sử dụng hệ thống cáp mạng Đan Mạch để do thám ngành công nghiệp quốc phòng của một số quốc gia châu Âu. Thông tin ấy đã dẫn đến những phản ứng dữ dội của khối EU, yêu cầu chính phủ Đan Mạch và Mỹ phải giải thích. Ngay cả giới lãnh đạo tài chính ở Đan Mạch cũng là đối tượng theo dõi của NSA với sự hỗ trợ của DDIS. Tuy nhiên Văn phòng công tố Đan Mạch đã từ chối bình luận về việc này.
Sự việc càng trở nên rõ ràng hơn khi xuất hiện những tố giác của những người làm việc trong DDIS, liên quan đến một thỏa thuận thu thập thông tin tình báo bí mật được ký kết giữa DDIS và NSA. Thỏa thuận này được cụ thể hóa bằng việc xây dựng một trung tâm xử lý dữ liệu nằm trên đảo Amager, Đan Mạch, phía Nam thủ đô Copenhagen.
Theo lời khai của những người tố giác với Cơ quan giám sát các hoạt động tình báo Đan Mạch thì Trung tâm xử lý dữ liệu Amager được NSA sử dụng để nghe lén vì phần lớn lưu lượng thông tin từ Nga và bán đảo Scandinavia đều đi qua mạng cáp Đan Mạch. Nước Đức cũng thế, rất nhiều người Đức kết nối các dịch vụ của Facebook và Google qua ngả Đan Mạch bởi lẽ Facebook và Google đều có các trung tâm dữ liệu lớn đặt ở Bắc Âu, lưu lượng truyền tải chủ yếu thông qua cổng Đan Mạch.
Các thông tin tố giác cho thấy vào giữa những năm 1990, DDIS cùng NSA bắt đầu khai thác một tuyến cáp xương sống dẫn truyền liên lạc từ các nước như Trung Quốc và Nga. Những cuộc liên lạc nhạy cảm được trích xuất từ cáp ở Copenhagen rồi sau đó gửi đến khu phức hợp Sandagergard trên đảo Amager. Khu phức hợp này được các chuyên viên của NSA xây dựng. Trái tim của nó là hệ thống xử lý và lọc dữ liệu internet, gọi là XKEYSCORE, được NSA và DDIS sử dụng với thỏa thuận “Mỹ không dùng XKEYSCORE để chống công dân Đan Mạch và ngược lại”.
2. Ngày 9-12-2021, ông Findsen bị bắt cùng với 3 người khác cũng thuộc DDIS. Cả 3 người này đã từng công tác tại Cơ quan Tình báo Cảnh sát (PET) trước khi về làm việc cho DDIS, Theo PET, ông Findsen bị cáo buộc theo Điều 109 của Bộ Luật hình sự Đan Mạch liên quan đến an ninh quốc gia, trong đó quy định án tù tối đa là 12 năm.
Chuyện này khá bất ngờ vì Điều 109 chỉ được Đan Mạch áp dụng duy nhất một lần trước đây vì nó dành cho các trường hợp phản quốc và gián điệp, còn việc cố tình làm rò rỉ thông tin của nhân viên chính phủ thường bị buộc tội theo một luật ít nghiêm khắc hơn, án tù tối đa chỉ 2 năm.
Vài ngày sau cả 3 thuộc cấp của ông Findsen được tạm tha, chỉ còn mình ông là vẫn bị giam giữ. Trong một thông cáo báo chí, PET nói rõ: “Vào tháng 11-2019, một số người tố giác đã cung cấp cho Ban giám sát tình báo một lượng tài liệu đáng kể liên quan đến DDIS mà Ban giám sát đến nay vẫn chưa biết hoặc không thể biết được. Với tính chất quan trọng của tài liệu nên lãnh đạo PET đã quyết định tập trung nhiệm vụ của mình vào DDIS để tiến hành một cuộc điều tra sâu rộng…”.
Tiếp theo, thông cáo báo khái quát những điểm chính về những sai phạm của DDIS: “Kể từ khi thành lập Ban lãnh đạo DDIS cho đến mùa hè năm 2020, nhiều lần người đứng đầu DDIS đã giữ lại những thông tin quan trọng mà không cung cấp cho Ban giám sát, hoặc cung cấp những thông tin không chính xác liên quan đến việc thu thập và tiết lộ thông tin. Không thành công trong việc điều tra các dấu hiệu gián điệp ở Bộ Quốc phòng…”.
Xuất hiện trong buổi điều trần tại tòa án ở thủ đô Copenhagen, Đan Mạch, hôm 10-1-2022, ông Findsen vẫn khẳng định rằng mình vô tội. Ông nói: “Tôi không có tội trước những lý lẽ được phía công tố nêu ra. Điều này là hoàn toàn điên rồ”; trong lúc cáo buộc của Cơ quan giám sát tình báo cho thấy Findsen đã đóng một vai trò tích cực trong việc che giấu thông tin, thậm chí cố tình cung cấp thông tin giả cho cơ quan giám sát. Bà Trine Bramsen, Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch nói một cuộc điều tra đang được tiến hành nhằm làm rõ hành vi của ông Findsen: “Việc điều tra nhằm mục đích khám phá xem vụ bê bối đã xảy ra như thế nào và nó đã diễn ra trong bao lâu”.
Theo ông Clement Beaune, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề EU của Pháp thì: “Vấn đề này cực kỳ nghiêm trọng. Chúng ta cần kiểm tra xem liệu đối tác trong Liên minh châu Âu là Đan Mạch có sai lầm khi hợp tác với tình báo Mỹ hay không? Mặc dù giữa các quốc gia đồng minh với nhau thì phải có sự tin tưởng, nhưng đây không phải là điều có thể bỏ qua”.
Ông Steffen Seibert, người phát ngôn Chính phủ Đức tuyên bố Berlin đã liên hệ với tất cả những nước có liên quan để làm rõ vấn đề này, nhưng: “Theo nguyên tắc, xin hiểu rằng chính quyền liên bang sẽ không bình luận công khai về những hoạt động trong lĩnh vực tình báo”.
Riêng ông Peer Steinbruck, lãnh đạo phe đối lập Đức thì cho rằng: “Trên phương diện chính trị, đây là một vụ bê bối khó có thể tưởng tượng ra được”. Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Peter Hultqvist nói: “Việc đầu tiên là chúng ta cần phải được biết đầy đủ các vấn đề liên quan đến công dân và quốc gia của chúng ta. Sau đó là câu trả lời của Đan Mạch”, trong lúc Jens Holm, thành viên Quốc hội Thụy Điển cho rằng cần làm rõ những chính trị gia nào bị NSA theo dõi.
Với ông Frank Bakke -Jensen, Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy cũng tuyên bố Na Uy sẽ xem xét nghiêm túc việc này, đồng thời cáo buộc người đồng cấp Đan Mạch đã không thông báo cho các nước đồng minh láng giềng.
3. Trong một diễn biến khác, hôm thứ Sáu 14-1-2022, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Claus Hjort Frederiksen cho biết ông đã bị buộc tội cũng theo Điều 109 của Bộ Luật hình sự Đan Mạch vì đã “vi phạm quyền tự do ngôn luận”.
Trong một tuyên bố, ông Frederiksen nói: “Tôi đã lên tiếng với tư cách là thành viên quốc hội về một vấn đề chính trị và hiện tại tôi không có gì để bổ sung thêm. Nhưng tôi không bao giờ làm bất cứ điều gì có thể gây hại cho Đan Mạch hoặc lợi ích của Đan Mạch”.
Hiện vẫn chưa rõ tội danh mà ông Frederiksen bị cáo buộc có liên quan đến vụ rò rỉ thông tin tuyệt mật của Findsen, người đứng đầu DDIS hay không. Tuy nhiên với tư cách là thành viên quốc hội, ông Frederiksen có quyền miễn trừ, ngoại trừ Quốc hội Đan Mạch có đủ chứng cứ chống lại ông.
Trước đó, ngày 28-2-2019, lúc nghe được những thông tin bất lợi về Findsen, ông Frederiksen đã sắp xếp một cuộc họp với Ban giám sát tình báo để thuyết phục họ từ bỏ cuộc điều tra DDIS với lý do “không gây nguy hiểm cho việc hợp tác với NSA”. Cuộc họp nhanh chóng biến thành cuộc tranh cãi về vai trò độc lập của Ban giám sát tình báo. Cuối cùng, cuộc điều tra vẫn được Ban giám sát tiến hành, dẫn đến việc bắt giam Findsen cũng như châm ngòi cho cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện nay.
Tháng 12-2021, vài ngày sau khi Findsen bị bắt, ông Frederiksen trong hai cuộc phỏng vấn với hai kênh truyền hình Deadline và Lippert, đã nói rất nhiều về sự hợp tác hiệu quả giữa DDIS và NSA, nhưng ông cũng biểu lộ sự tức giận về cách mà người kế nhiệm ông là Bộ trưởng Quốc phòng Trine Bramsen, đã xử lý vụ việc bằng hình thức đình chỉ chức vụ của Findsen và một số quan chức khác, bao gồm cả một vị tướng chịu trách nhiệm về quan hệ với người Mỹ.
Gần đây nhất, ngày 4-2-2022, Frederiksen viết trên trang Facebook rằng những cáo buộc chống lại ông chỉ dựa trên các bài báo và các ý kiến sau lưng. Theo ông Frederiksen, DDIS không làm gì sai vì việc theo dõi các nước châu Âu là thông lệ và điều đó nhằm để bảo vệ công dân Đan Mạch. Bên cạnh đó, ông Frederiksen còn tỏ ra đặc biệt lo lắng về mối quan hệ giữa các cơ quan tình báo Đan Mạch với NSA vì trong những năm gần đây, Đan Mạch đã đạt đến mức gần như đối tác chiến lược với NSA, một thành tựu mà người kế nhiệm ông là bà Trine Bramsen, Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch sẽ phải đối mặt trước nguy cơ liên minh tan rã.
Hiện tại, việc bắt giữ ông Findsen đã tạo ra những cuộc thảo luận sóng gió ở những quốc gia bị nghe lén. Một số tổ chức chính trị, xã hội ở Đan Mạch đang kêu gọi Bộ trưởng Quốc phòng Trine Bramsen công bố cho công chúng biết về kết quả điều tra cụ thể của Ban giám sát tình báo về sự hợp tác giữa DDIS và NSA bởi lẽ theo họ, biết đâu tên họ lại nằm trong danh sách những người bị nghe lén.