Vụ trốn trại lạ lùng
Bị bắt làm tù binh rồi âm mưu trốn trại, Felice Benuzzi, Giovanni và Vincenzo trốn thoát bằng cách vượt qua đỉnh núi Kenya cao 5.900m, là ngọn núi cao nhất trong dãy Kenya, châu Phi. Tuy nhiên lúc đã có thể tự do, họ lại quay về để… đầu thú.
Kế hoạch trốn trại
Felice Benuzzi sinh ngày 16-11-1910 ở Vienna, Áo. Năm 1938, sau khi tốt nghiệp khoa Luật tại Đại học Rome, Italia, ông gia nhập Bộ Thuộc địa Italia rồi lúc Thế chiến II bùng nổ, ông được cử đến Ethiopia, châu Phi với tư cách là viên chức điều hành các vấn đề thuộc địa.
Năm 1941, trong lúc làm việc tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia thì văn phòng của Felice bị người Anh tấn công. Felice bị bắt và giam giữ tại Trại 354 nằm trong vùng Nanyuki. Trong cuốn hồi ký “Thoát khỏi Kenya”, Felice viết: “Vì không phải là lính, chỉ phụ trách những vấn đề về dân sinh, xã hội ở Addis Ababa nên tôi và những người khác được quân đội Anh đối xử khá tử tế. Tuy nhiên tôi không biết bao giờ mình mới tự do vì tin tức nghe được từ lính canh cho thấy cuộc chiến ngày càng lan rộng và kéo dài…”.
Vì vậy, Felica quyết định trốn trại. Việc đầu tiên của ông là quan sát địa thế để tính toán đường đi. Ba mặt giáp với Trại 354 là những cánh đồng cỏ và những cụm rừng thưa, chỉ duy nhất ở mặt phía bắc là dãy núi Kenya sừng sững với 3 ngọn núi cao thấp khác nhau, quanh năm trên đỉnh tuyết phủ trắng xóa. Theo ước lượng của Felice, đỉnh cao nhất có lẽ phải đến 6.000m còn thấp nhất cũng gần 5.000m.
Thông thường, lính canh trại giam chỉ tuần tra ở ba mặt kia còn về phía núi thì hầu như họ bỏ trống. Trong hồi ký, Felice viết: “Tôi quyết định sẽ trốn trại theo hướng núi nhưng có 3 việc mà tôi cần chuẩn bị. Một là tôi phải có đủ quần áo ấm, hai là phải đủ thức ăn cùng một số dụng cụ mưu sinh và ba là phải có bạn đồng hành để giúp đỡ nhau những lúc cần thiết”.
Lợi dụng một số điều khoản trong Công ước Geneve về vấn đề tù binh, Felice viết thư về nhà ở Italia, xin gia đình gửi cho giày ủng, mũ, áo len. Bên cạnh đó, ông quyết định bỏ hút thuốc lá rồi dùng số thuốc ấy đổi lấy bánh quy, socola, nho khô từ những tù nhân khác mỗi khi họ nhận được quà thăm nuôi của gia đình, đồng thời âm thầm tìm kiếm trong thùng rác của lính canh để chọn ra những vật dụng hữu ích, chẳng hạn như vỏ đồ hộp mà sau này sẽ dùng để nấu nước hoặc cắt ra rồi mài thành lưỡi dao.
Riêng cái nhãn hộp, ông bóc nó rồi vẽ ở mặt sau tấm bản đồ dựa theo những gì ông quan sát được. Trong một lần xuống xưởng mộc, ông còn ăn cắp cái búa nhỏ đã gãy cán. Cái búa ấy được Felice biến thành cái móc, giúp ông và Giovani Balletto, người cùng trốn trại với ông vượt qua những sườn dốc phủ đầy băng tuyết trên đỉnh Kenya.
Chuẩn bị xong “đồ nghề”, Felice bắt đầu tìm bạn đồng hành. Người đầu tiên mà ông nhắm tới là bác sĩ Giovani Balletto, đã từng là vận động viên leo núi, còn người thứ hai là Vincenzo Barsotti, nổi tiếng là khéo tay.
Trong hồi ký, Felica viết: “Vì là bác sĩ nên lính canh ưu ái Giovani hơn những tù nhân khác. Anh ta được cấp một mảnh đất nhỏ trong trại để trồng rau, cà chua. Khi Giovani nhận lời trốn trại, chúng tôi dùng vườn rau để cất giấu những thứ cần thiết. Tôi, Giovani và Vincenzo quyết định sẽ thoát ra bằng lối này, nhưng điều khó nhất là muốn vào vườn thì phải đi qua một cánh cổng có khóa, và chỉ Giovani mới được phép, cũng như chỉ được vào lúc ban ngày”.
Vận may đến với họ khi một buổi trưa, Vincenzo nhìn thấy chiếc chìa khóa cổng vườn rau nằm hớ hênh trên bàn trong chòi gác, còn lính canh thì không biết đã đi đâu. Nhanh như chớp, anh ta bốc một nắm đất, bóp vụn và… đái vào, biến nó thành một thứ bột nhão để lấy dấu chìa khóa. Quả không hổ danh với hai chữ “khéo tay”, chỉ trong 3 ngày, Vincenzo đã làm xong chiếc chìa khóa từ một… mẩu sắt.
Vượt đỉnh Kenya
Nửa đêm 24-1-1943, gần 2 năm sau khi bị bắt, Felica, Giovanni và Vincenzo chui vào lỗ thông gió, bò ra khỏi buồng giam rồi nương theo bóng tối, chạy đến vườn rau nhưng khi Felica đưa chiếc chìa vào ổ khóa, nó không xoay được. Sau mấy lần thử đi thử lại mà ổ khóa vẫn chẳng nhúc nhích, Vincenzo nói: “Đưa cho tôi”.
Một lần nữa, sự khéo tay của anh ta đã mang lại kết quả. Ra khỏi vườn rau, con đường dẫn họ đến chân dãy núi Kenya lởm chởm đá và càng lúc càng dốc. Gần sáng, cả ba ẩn mình dưới những mô đá hộc. Trong hồi ký, Felica viết: “Chúng tôi ai nấy đều hồi hộp. Chỗ trốn quá trống trải. Nếu từ trại giam thì có thể lính canh không nhìn thấy, nhưng họ chỉ cần bước lên cao là bắt được chúng tôi”.
7 giờ sáng, sau khi điểm danh tù nhân, trại giam báo động bằng những hồi kẻng dài nhưng lính canh chỉ chia ra từng nhóm, tìm kiếm ở những vùng đất bằng phẳng và không một ai chú ý đến hướng núi. Chiều tối, họ thu quân về thì cũng là lúc Felica, Giovani và Vincenzo tiếp tục cuộc hành trình. Cuối ngày thứ 3, khi đã chạm chân núi, họ mới nhận ra rằng để sang được phía bên kia, họ phải vượt qua 3 ngọn núi mà về sau họ mới biết nó là Batian, Point Lenana và Kenya.
Sáng ngày thứ 4, Felica và Giovani quyết định lập một trại nhỏ ở độ cao 4.250m, nằm khuất dưới những tán cây mà họ đặt tên là “Trại căn cứ”. Sau đó, họ thuyết phục Vincenzo ở lại vì anh ta chưa quen với việc leo trèo trên sườn núi đầy băng tuyết.
Để trấn an, Felica chia số thực phẩm làm ba phần với lời hứa khi đã tìm đường lên được đỉnh núi, Felica hoặc Giovanni sẽ quay lại đón anh ta. Trong hồi ký, Felica viết: “Ngày 2-2, chúng tôi đến thung lũng Hausburg. Lúc ấy chúng tôi đang ở mặt phía Bắc của núi Batian nhưng không biết phải leo từ chỗ nào vì tất cả đều là những vách đá dựng đứng. Cuối cùng, chúng tôi đi vòng qua phía Nam rồi bắt đầu lên đỉnh Batian từ nơi này”.
Sau khi leo được hơn 15 tiếng, một trận bão tuyết với sức gió 80km/giờ bao vây họ nên cả hai phải quay xuống Trại căn cứ. Vincenzo vẫn ở đó nhưng anh ta hầu như không ăn một thứ gì trong số thực phẩm để dành cho anh ta. Theo Vincenzo, anh ta muốn tiết kiệm cho đến khi Felica và Giovani tìm được đường lên núi.
1 giờ 50 phút sáng ngày 6-2, Felica và Giovani quyết định thay đổi hướng đi. Lần này họ chọn đỉnh Point Lenana làm mục tiêu. Sử dụng cây búa đóng đinh, Felica bổ cái mũi nhọn của nó vào lớp băng làm điểm tựa rồi với đôi giày mà dưới đế được buộc một miếng thép có đóng đinh, Felica thận trọng tiến lên từng mét trong lúc Giovani bám sát theo sau. Trong hồi ký, Felica viết: “Đến trưa, chúng tôi đặt chân lên đỉnh núi. Và vì sườn núi Point Lenana liên kết với sườn núi Kenya nên việc lên đỉnh Kenya không còn khó khăn gì nhiều”.
Ngày 7-2, lúc 10 giờ sáng, Felica và Giovani đứng trên đỉnh Kenya cao 5.900m. Dưới chân họ là những cánh rừng nguyên sinh nhìn hút tầm mắt, kéo dài về phía Tây đến Uganda, phía Bắc đến Sudan, phía Nam đến Tanzania còn phía Đông là Somalia và Ấn Độ Dương. Trên đỉnh núi, họ lấy ra 3 mảnh vải trắng, xanh lục và đỏ mà họ đã chuẩn bị từ trước, ghép lại thành lá cờ Italia rồi buộc nó vào một hòn đá. Tiếp theo, Felica đặt xuống dưới chân hòn đá một chai thủy tinh, bên trong có cái nhãn dán ở lon đồ hộp, mặt sau viết tên 3 người: Felica, Giovani, Vincenzo.
Quay về
Lúc này, cả Felica lẫn Giovani đều cảm thấy phấn khích. Họ đã chinh phục được ngọn núi cao nhất Kenya trong những điều kiện khó tưởng tượng. Tuy nhiên chẳng hiểu sao cái ý tưởng chạy trốn lại chẳng còn trong đầu họ nữa.
Felica viết: “Không phải là chúng tôi sợ cánh rừng trước mặt vì chắc chắn nó sẽ cung cấp cho chúng tôi điều kiện sinh tồn nhiều hơn là trên núi chỉ có đá và tuyết. Nhưng trong thâm tâm tôi và Giovani, chúng tôi thấy mình đã đạt được mục đích trốn trại, vượt núi. Chúng tôi hài lòng với kết quả ấy nên tôi và Giovani quyết định quay về dù biết rằng sẽ bị trừng phạt”.
Ngày 10-2, Felica và Giovani xuống Trại căn cứ rồi sáng 11, cả ba quay lại trại giam 354. Đến đêm, họ lặng lẽ chui qua hàng rào trở về buồng giam. Sáng 12, cả ba xuất hiện trong buổi điểm danh hàng ngày như thường lệ đã khiến không chỉ lính canh mà hầu như tất cả mọi tù nhân trong trại đều sửng sốt.
Chỉ huy Trại 354 là đại úy Williams Cosney nói: “Thoạt đầu, tôi tưởng họ về trại sau 18 ngày bỏ trốn là vì họ không tìm được đường đi, không có thức ăn nhưng khi nghe họ kể, tôi tin rằng họ trở lại là vì họ muốn trở lại chứ không vì những lý do nào khác”.
Vẫn theo đại úy Williams Cosney, lẽ ra ông sẽ lập tòa án binh để xét xử Felica, Giovani và Vincenzo nhưng vì họ không phải là lính, hơn nữa họ lại tự đầu thú nên ông chỉ phạt biệt giam cả ba 28 ngày nhưng đến ngày thứ 7, một nhóm lính canh sau khi tiến hành kiểm tra thực tế con đường trốn trại của Felica, Giovani và Vincenzo, đã xác nhận rằng trên đỉnh núi, họ thấy lá cờ Italia cùng cái chai và họ đã mang về nên đại úy Williams Cosney ra lệnh tha họ. Cosney nói: “Tôi giảm thời gian hình phạt cho họ vì tôi tôn trọng ý chí họ. Họ đã thành công trong điều kiện bình thường, ít người dám làm”.
Năm 1946, Trại 354 giải tán, phần lớn tù nhân được phóng thích, trong đó có Felica. Năm 1948, ông thi vào ngành ngoại giao Italia rồi được bổ nhiệm là Phó tổng lãnh sự Italia tại Paris, Pháp. Đến năm 1951, ông chuyển sang công tác tại Đại sứ quán Italia ở thành phố Brisbane, Australia. Năm 1955, ông là Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Italia ở Karachi, Pakistan rồi từ 1956 đến 1959, ông là Ủy viên hội đồng Italia tại Canberra, Australia.
Từ đó cho đến năm 1976, là năm Felica nghỉ hưu, ông còn kinh qua nhiều chức vụ trong ngành ngoại giao như Tổng Lãnh sự tại Berlin, Cộng hòa liên bang Đức; Đại sứ tại Montevideo; Đại sứ tại Paraguay. Sau khi nghỉ hưu, Felica được Bộ Ngoại giao Italia ủy nhiệm tiến hành các cuộc đàm phán liên quan đến Nam Cực, đồng thời còn là một trong những người sáng lập tổ chức phi chính phủ Mountain Wilderness với mục đích bảo tồn những ngọn núi trên thế giới
Felica qua đời tại Rome, Italia năm 1988. Trước đó ông đã cho ra mắt cuốn hồi ký “Thoát khỏi Kenya”, kể lại về cuộc trốn trại của ông.
Còn hai người bạn đồng hành thì Vincenzo Barsotti, người đã ở lại Trại căn cứ, trở thành doanh nhân tại Đông Phi. Riêng bác sĩ Giovani Balletto, ông kết hôn với một phụ nữ người Kenya ở gần Trại 354. Cả hai có một con trai, đặt tên là John. Khoảng yên ngựa nằm giữa núi Point Lenana và núi Kenya hiện nay được đặt tên là Benuzzi Col để vinh danh Felica.
Theo giáo sư Malcom, chuyên gia tâm lý thuộc Đại học Yale, Mỹ, có thể cả Felica lẫn Giovani đã gặp phải “hội chứng Stockholm” - nghĩa là người bị tù hay bị bắt, sau một thời gian bỗng nảy sinh tình cảm quyến luyến với kẻ đã bắt mình hoặc nơi mình bị giam giữ. Ông Malcom nói: “Tôi nghĩ đó chính là lý do để họ quay về…”.