Yola - nữ chiến binh của Mossad

Thứ Ba, 01/03/2022, 12:31

Hoạt động dưới vỏ bọc là chủ một câu lạc bộ lặn ở Sudan, nữ điệp viên Yolanta Reitman của Cơ quan tình báo Israel (Mossad) đã đưa hàng nghìn người Do Thái thoát khỏi cuộc nội chiến ở Sudan…

Định mệnh bất ngờ

Khi còn là thiếu niên, Yolanta Reitman chưa bao giờ nghĩ rằng mình có thể trở thành điệp viên nổi tiếng như Mata Hari. Cô ước được như Vasco de Gama, nhà thám hiểm nổi tiếng của Bồ Đào Nha, lùng sục các vùng biển để tìm kiếm chân trời mới. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Yolanta Reitman thế chấp căn nhà của mình để mua một chiếc du thuyền. Sau đó, cô chuyển đến Eilat, một thành phố cảng trên Vịnh Aqaba và cung cấp dịch vụ cho thuê du thuyền cho khách du lịch.

Yolanta Reitman đam mê lặn biển. Cô đã thực hiện vài chuyến du ngoạn dưới biển nhờ sự hướng dẫn của một thầy giáo trẻ. Yolanta không ngờ rằng, thông qua thầy giáo này, Mossad đã tiếp cận được với cô. Vào một buổi sáng đẹp trời, thầy giáo giới thiệu cô với Daniel Limor, một đặc vụ Mossad, trực thuộc Bitzur (đơn vị chịu trách nhiệm về an ninh cho người Do Thái trên toàn cầu).

Ở thời điểm đó, kiến thức của Yolanta Reitman về gián điệp chỉ giới hạn trong các cuốn tiểu thuyết của tác giả John le Carré mà cô đọc ngấu nghiến, hay những chiến công lịch sử của Mossad như vụ bắt cóc trên đường phố ở Buenos Aires năm 1960.

“Tôi đã đọc ngấu nghiến những tình tiết về vụ bắt giữ một tội phạm chiến tranh đào thoát có cỡ như Adolf Eichmann tại một quốc gia khác rồi bí mật đưa về Israel để xét xử. Đây là chiến công lịch sử khiến Mossad trở nên nổi tiếng và trở thành huyền thoại”, Yolanta Reitman chia sẻ. 

Cô cũng cho biết rất ấn tượng với nữ điệp viên Dina Ron, người tham gia chiến dịch tìm kiếm Adolf Eichman. Dina đóng vai trò tình nhân của một điệp viên đã thuê căn hộ tại Argentina để giam giữ Eichman sau khi bị bắt cóc để chờ chuyển về Israel. Tuy vai trò của Dina chỉ là thụ động, nhưng ngoại hình và khả năng diễn xuất tuyệt vời của cô đã khiến cảnh sát Argentina không hề nghi ngờ gì khi kiểm tra căn nhà.

a1.1.jpg -0
Yolanta Reitman trong bộ đồ lặn. Ảnh: SIPA PRESS.

Thế nên, bản thân Yolanta Reitman khi đó không hề biết rằng cô đang nằm trong “tầm ngắm” của Mossad. Trong các cuộc gặp gỡ với Daniel Limor, Yolanta Reitman chủ yếu lắng nghe và ít khi đặt câu hỏi cho người đối diện. Một ngày, Daniel Limor đề nghị cô tham gia một chiến dịch bí mật và nói muốn đặt cho cô mật danh là “Yola”.

“Trong cuộc sống, khi cơ hội đến, hầu hết mọi người đều không nắm bắt được, một phần vì họ quá thận trọng, một phần họ sợ hãi trước những điều bất ngờ. Tôi thì hoàn toàn trái ngược. Tôi tò mò và tôi thích những điều bất ngờ”, Yolanta chia sẻ.

Đó là lý do mà cô gái 32 tuổi đã nhận lời làm việc cho Mossad mà không cần hỏi thêm câu nào. “Tôi biết anh ấy (Daniel Limor) sẽ không nói thêm. Tôi đã chấp nhận mà không do dự”, Yola giải thích, đồng thời khẳng định đây là cơ hội duy nhất để trải nghiệm mọi thứ cô muốn: Phiêu lưu và phục vụ tổ quốc.

Yola vào vai con của cặp vợ chồng người Do Thái Israel từng sống sót sau các cuộc tàn sát người Do Thái của Đức Quốc xã. Cô theo cha mẹ tới Đức khi mới 2 tuổi. “Kể từ khi Nhà nước Israel được thành lập, chúng tôi chấp nhận sống trong tình trạng chiến tranh. Quân đội, các vụ tấn công như một phần tất yếu của cuộc sống người dân Israel. Chúng tôi phải chiến đấu để bảo vệ tổ quốc”, người phụ nữ trẻ tóc vàng, nói tiếng Đức trôi chảy chia sẻ.

Chiến dịch “Operation Brothers”

Ban đầu, Mossad không muốn tuyển dụng phụ nữ tham gia hoạt động tình báo, một phần bởi lẽ mật vụ Israel không muốn các nữ nhân viên của mình gặp nguy hiểm. Nhưng từ những năm 60 trở đi, vai trò của người phụ nữ trong cơ quan tình báo Mossad đã được chú trọng hơn đáng kể. Một số còn lên được tới cương vị chỉ huy các phòng, ban. Họ cũng được tham gia các hoạt động nghiệp vụ phổ biến hơn.

Theo Yola, một quan chức của Mossad mà cô thường gọi là “Danny” đã thuyết phục Mossad rằng việc sử dụng các nữ điệp viên có thể tạo ra sự thay đổi chiến lược trong cuộc chiến vô cùng khốc liệt giữa các cơ quan tình báo. Chính Danny là người lấy uy tín của mình để chỉ huy cấp cao cho phép Yola tới Sudan, một quốc gia Hồi giáo được coi là kẻ thù của Israel thời điểm đó. “Họ nhanh chóng nhận ra rằng phụ nữ có khả năng làm mọi thứ mà đàn ông làm, trong khi điều ngược lại chưa chắc đã đúng”, Yola hài hước nói.

Nhiệm vụ của Yolanta Reitman là mở một câu lạc bộ lặn có thể dùng làm vỏ bọc để đưa người Do Thái từ nước láng giềng Ethiopia thoát khỏi khủng hoảng của cuộc nội chiến ở Sudan. Chiến dịch mang tên “Operation Brothers” là một trong những chiến dịch quan trọng nhất do cơ quan mật vụ Do Thái thực hiện. Để tránh việc băng qua sa mạc, Mossad đã mua lại một khu du lịch nhỏ bỏ hoang ở rìa Biển Đỏ. Từ đó, người di cư Do Thái có thể đi thuyền đến “miền đất hứa”. “8.000 người trong số họ sẽ đi theo con đường này”, Yola tự hào khẳng định.

a2.jpg -0
Các bungalow ở làng nghỉ dưỡng Arous, cách cảng Sudan không xa. Ảnh: SIPA PRESS.

Để trở thành một “lohemet” (chiến binh chìm), Yola đã trải qua quá trình đào tạo chuyên sâu. Cô học cách “bẻ đuôi”, luyện trí nhớ và các kỹ năng của điệp viên nằm vùng như: Luôn đi trước một bước, suy nghĩ thấu đáo, thường xuyên đề phòng. Tuy nhiên, Mossad không dạy cô sử dụng vũ khí.

Điều đó không gây khó khăn bởi cô đã được huấn luyện bắn súng trong quá trình thực hiện nghĩa vụ quân sự. Giải thích về điều này, Yola cho biết: “Nếu bị bắt vì sở hữu vũ khí, điều này không khác việc bạn ký vào án tử hình. Không vũ khí và không phô trương sự quyến rũ bởi một phụ nữ quá xinh đẹp nó sẽ thu hút sự chú ý. Chúng tôi tan vào đám đông”.

Hằng ngày, Yola tự ứng biến mình với tư cách là chủ câu lạc bộ lặn “Club Med”. Trong khi khách du lịch, các nhà ngoại giao phương Tây và quan chức cấp cao của Sudan đổ xô tới đây thì ở trong bóng tối, chiến dịch “Operation Brothers” hoạt động mạnh mẽ. Mỗi tháng một lần, vào những đêm không có trăng, trong khi du khách thưởng thức các món ăn được chế biến tinh tế và khiêu vũ dưới các vì sao, thì một đội tàu nhỏ lao vun vút trên biển, hướng về thủ đô Khartoum cách đó khoảng 500 km.

Các phương tiện trở về chở đầy người tị nạn Ethiopia, lên đến 200 đến 300 người mỗi chuyến và đưa họ lên một vịnh nhỏ trước khi chuyển tới con tàu lớn của quân đội Israel (Tsahal), đồn trú ngoài khơi. Yola nhớ tới gương mặt của những người tị nạn châu Phi, những người chưa bao giờ nhìn thấy biển, đã uống no nước biển khi được đưa vào vịnh.

Mùa du lịch qua đi, người phụ nữ trẻ lại tiếp tục cuộc sống thường nhật của mình như lặn biển, khảo sát sa mạc. Với tài ngoại giao, Yola dùng rượu whisky để đổi lấy thẻ kinh doanh và mối quan hệ với chính quyền địa phương và bộ tộc Bedouin. Cô trở nên nổi tiếng và được mệnh danh là “nữ hoàng sa mạc” hay “Golda” – cô gái có những lọn tóc vàng đáng yêu.

Một ngày nọ, thông qua mạng lưới tình báo của mình, Yola được biết quân đội Sudan chuẩn bị lục soát khu vực nơi cô sinh sống. Phải xóa dấu vết ngay lập tức là ý nghĩ xuất hiện đầu tiên trong đầu của Yola. “Dù sống ở một nơi thiên đàng hay thế nào đi chăng nữa, tôi không bao giờ quên nhiệm vụ của mình là cứu sống người tị nạn Do Thái và tôi không được phép có hành động sai lầm. Nếu tôi bỏ trốn, sẽ có nhiều rủi ro”, Yola kể lại. Chính sự tỉnh táo của cô đã giúp cô thoát khỏi sự lục soát của quân đội Sudan và tiếp tục nhiệm vụ của một điệp viên chìm ở quốc gia châu Phi này.

Trong suốt ba năm ở Sudan, Yolanta Reitman thường xuyên có các kỳ nghỉ ngắn ngày ở Israel. Người thân, bạn bè cô không hề biết Yola là một điệp viên nằm vùng cao cấp. “Vì làn da rám nắng của tôi nên những người xung quanh nghĩ rằng tôi có một người tình giàu có và anh ta đã đưa tôi đi du ngoạn tận cùng thế giới”, cô nói.

Để cứu bản thân không phải nói dối bạn bè, người thân, Yola chủ động tạo khoảng cách với họ. Nhưng cuộc sống hai mặt này luôn đè nặng lên cô: “Lẽ ra tôi có thể ở Sudan vô thời hạn nhưng tôi nghĩ một lúc nào đó, tôi cần trở lại là chính mình, một Yolanta Reitman đam mê với lặn biển”, nữ điệp viên chia sẻ.

a4.jpg -0
Du lịch bằng thuyền buồm sang trọng là cách để điệp viên Yolanta che giấu thân phận. Ảnh: SIPA PRESS.

Thoát xác

Một ngày, Yola nhận được lệnh sơ tán. Cô chạy trốn trong đêm, lao vào sa mạc nơi có một chiếc trực thăng đang đợi sẵn. Trở về Israel, cô quyết định rời Mossad. “Đáng lẽ tôi phải tiếp tục nhận mệnh lệnh của cấp trên nhưng tôi đã không làm điều đó. Ở Sudan, tôi hoạt động độc lập. Tôi thực hiện sứ mệnh của mình khi thấy phù hợp. Tôi vẫn muốn tự do”, Yolanta Reitman giải thích lý do rời khỏi Mossad.

Thoát khỏi vỏ bọc của một điệp viên, Yolanta Reitman quay trở lại với mối tình đầu của mình. Cô cùng chồng vượt đại dương trên một chiếc thuyền buồm và tiếp tục nghiên cứu về hóa sinh. Trong suốt 3 thập kỷ sau khi rời Mossad, Yola đã bảo vệ những bí mật của mình. Sau khi Mossad đồng ý cho phép giải mật một số hoạt động do các nữ điệp viên thực hiện, câu chuyện về điệp viên chìm Yola mới được tiết lộ trong cuốn “The amazons of Mossad”.

Cuốn sách này đề cập tới 30 nữ điệp viên đã hy sinh tuổi thanh xuân của mình cho tổ quốc. Có thể kể đến Cheryl Hanin, nữ điệp viên đã dùng mỹ nhân kế để nhử và bắt giữ Vanunu, kẻ tiết lộ thông tin về chương trình hạt nhân của Israel; Yolande Harmer, người được mệnh danh là “Mata Hari” của Israel; Amina al – Mufti, người được một số nguồn tin đánh giá là điệp viên giá trị nhất của tình báo Israel trong hàng ngũ những người Palestine; hay Ada Sereni, người đóng vai trò chủ chốt trong chiến dịch ngăn chặn vụ vận chuyển vũ khí tới Syria năm 1948. 

“Những nữ điệp viên đã làm rất nhiều việc có ích cho đất nước Israel. Họ bắt đầu từ việc phục vụ ở quán cà phê, đánh máy báo cáo. Ngày nay, phụ nữ chiếm gần một nửa quân số của Mossad”, nhà sử học người Israel, ông Michel Bar-Zohar, chủ biên cuốn “The amazons of the Mossad” cho hay.

Năm 2019, cựu điệp viên Yolanta Reitman thành lập tổ chức mới mang tên “Operation Soeurs” nhằm giúp đỡ các nữ nạn nhân của bạo lực gia đình. Ở tuổi 74, Yolanta Reitman hiện đang sống ở Kadima Zoran, một thị trấn nhỏ cách Tel Aviv khoảng 30km cùng với những người bạn đồng hành. Đó là cô con gái nuôi, 3 con chó và 6 con mèo. Với bà, cuộc sống của một cựu điệp viên như thế là có hậu và bà mãn nguyện vì điều đó.

Yên Bình
.
.