10 người định hình khoa học thế giới của năm 2021
Một nhà điều tra về biến chủng Omicron, một nhà thám hiểm sao Hỏa, và một nhà tiên phong về đạo đức trí tuệ nhân tạo (AI) là một trong số những người nổi bật nhất năm 2021. Tạp chí Nature tổng hợp danh sách 10 gương mặt tiêu biểu mà những khám phá đáng kinh ngạc của họ đã định hình nên khoa học thế giới trong năm nay.
Winnie Byanyima: Chiến binh vaccine
Trước khi tồn tại các loại vaccine COVID-19, bà Winnie Byanyima biết rõ có những thách thức trong việc phân bổ chúng. Đầu năm 2020, bà Byanyima là một trong số ít tiếng nói cảnh báo rằng những nước thu nhập thấp và trung bình không thể phụ thuộc vào khoản tài trợ tiêm vaccine cho người dân của mình, và chỉ có cách cứu sống nhiều người là giúp các công ty sản xuất vaccine càng nhiều càng tốt, đồng thời thành lập các hệ thống phân phối vaccine đến nơi cần. Nhưng các đại công ty sản xuất vaccine như Pfizer BioNTech và Moderna đã siết chặt quyền sở hữu trí tuệ (IP), còn các nước giàu thâu tóm phần lớn vaccine.
Bà Winnie Byanyima, người đứng đầu UNAIDS (cơ quan thuộc Liên hợp quốc (UN) trong việc giúp tiêu trừ bệnh AIDS trên thế giới) đã đồng sáng lập nên nhóm ủng hộ Liên minh vaccine nhân dân (PVA) nhằm thay đổi nhận thức. Tháng 5-2021, bà Byanyima và các đồng nghiệp đã ăn mừng khi Mỹ đã từ bỏ IP để tăng cường năng lực sản xuất vaccine.
Friederike Otto: Thám tử thời tiết
Friederike Otto mất 7 năm nghiên cứu về các sự kiện thời tiết cực đoan, thế rồi bản thân bà cũng choáng váng với đợt nhiệt nắng bất thường ở Canada và Tây Bắc Thái Bình Dương của Mỹ trong tháng 7-2021, nhiệt độ cao kỷ lục làm hàng trăm người chết. Người ta đang tự hỏi liệu biến đổi khí hậu có phải là nguyên nhân hay không? Đó cũng là câu hỏi trăn trở mà bà Otto cùng các cộng tác viên tại tổ chức Nhóm ghi nhận thời tiết thế giới (WWA) muốn nhanh chóng trả lời.
Bà Otto cùng nhóm của mình (bao gồm cựu đồng chủ tịch, một nhà lập mô hình khí hậu người Hà Lan tên là Geert Jan van Oldenborgh, người đã qua đời trong năm nay sau một thời gian bệnh nặng) đã xây dựng một chiến lược dùng các mô phỏng khí hậu từ khoảng 50 mô hình.
Zhang Rongqiao: Nhà thám hiểm sao Hỏa
Chuyện kể rằng vào ngày 15 tháng 3 năm 2021 vừa qua, ông Zhang Rongqiao đã lau nước mắt trong hạnh phúc bất tận khi tàu thăm dò sao Hỏa của Trung Quốc đổ bộ an toàn lên hành tinh đỏ, kết thúc chặng hành trình dài 475 triệu km mà bản thân ông Zhang và Cục vũ trụ quốc gia Trung Quốc (CNSA) hết sức kỳ vọng. Trung Quốc là nước thứ 2 sau Mỹ đặt tàu thám hiểm lên sao Hỏa, gần một nửa các sứ mạng đến hành tinh này đều thất bại. Với tư cách là thiết kế trưởng, ông Zhang điều hành một nhóm cộng sự gồm hàng vạn người tham gia vào sứ mạng sao Hỏa, hay nó được biết đến dưới cái tên Thiên Vấn 1.
Dự án bao gồm một tàu quỹ đạo, tàu đổ bộ và tàu thăm dò Chúc Dung. “Nhờ có Zhang mà kỳ tích đã được xác lập”, dẫn lời khen ngợi của ông David Flannery, nhà sinh vật học thiên văn tại Đại học công nghệ Queensland (Brisbane, Australia). Sứ mạng này là một trong số 3 sứ mạng đến sao Hỏa trong năm 2021 (2 trường hợp kia là tàu thăm dò Perseverance của NASA và tàu quỹ đạo do UAE chuyển giao).
Timnit Gebru: Câu chuyện đạo đức của trí tuệ nhân tạo
Timnit Gebru, một nhà nghiên cứu về đạo đức của trí tuệ nhân tạo (AI) nói rằng năm ngoái, 2020 là một năm kinh dị. Hồi tháng 12-2020, Gebru mất việc tại Google khi khám phá ra rằng ông trùm công nghệ khổng lồ đang xen ngang công việc của cô. Sự vụ bị phơi bày đã nhấn mạnh đến khía cạnh phân biệt đối xử với người da màu trong AI, cũng như những tác hại mà công nghệ này có thể gây tổn thương đối với những nhóm yếu thế trong xã hội. Năm 2018, Gebru gia nhập Google và ngay lập tức kết thân với trưởng nhóm đạo đức AI là Margaret Mitchell. Nhóm của hai người đã nghiên cứu nguy hại tiềm ẩn của AI, giúp cho các đội sản xuất của Google suy nghĩ thấu đáo hơn về những rủi ro công nghệ của họ đối với xã hội, và hỗ trợ đa dạng nguồn lực lao động.
Việc Gebru bị ngược đãi đã tạo nên giông tố: hơn 7.000 nhà nghiên cứu và các kỹ sư (bao gồm hơn 2.600 nhân viên của Google) đã ký đơn đề nghị hãng đại tu tính toàn vẹn trong nghiên cứu. Gebru nói rằng từ lâu mình đã nung nấu ý tưởng về việc tự thành lập một viện nghiên cứu nhằm xây dựng mô hình tích cực về cách AI làm việc. Và ước mơ đó đã biến thành sự thật khi một số tổ chức nhân đạo đã tài trợ số tiền 3,7 triệu USD giúp Gebru khởi nghiệp.
Tulio de Oliveira: Người theo dõi biến thể SARS-CoV-2
Ngày 25 tháng 11 năm 2021, Giáo sư Tulio de Oliveira loan báo về việc đã tìm thấy biến thể mới SARS-CoV-2. Theo đó biến thể Omicron được phát hiện trong các mẫu bệnh phẩm ở Botswana, Nam Phi và Hong Kong, sự việc khiến ông Oliveira và các nhà khoa học hàng đầu khác hết sức lo âu rằng đột biến sẽ giúp nó tránh miễn dịch hoặc vô hiệu hóa đợt chủng ngừa từ trước đó. Đối với GS Tulio de Oliveira (giám đốc của Nền tảng giải trình tự và đổi mới nghiên cứu KwaZulu-Natal (KRISP), Nam Phi) thì đó là một sự kiện đáng nhớ khi nhóm của ông đã tìm thấy một biến thể SARS-CoV-2 trong các mẫu ở Nam Phi từ năm trước đó.
Biến thể Beta khiến các chính phủ nước ngoài phải thắt chặt đi lại. GS Oliveira biết rằng việc báo cáo thêm một biến thể khác cũng là lúc những quốc gia Nam Phi phải hứng chịu các đòn trừng phạt về kinh tế.
John Jumper: Người dự đoán protein
Đầu năm 2021, ông John Jumper và các đồng nghiệp của mình ở DeepMind (London) đã tung ra công nghệ AlphaFold, trong đó dùng trí tuệ nhân tạo (AI) để dự đoán cấu trúc protein với độ chính xác kỳ diệu. Khi đó ông Jumper và nhóm của mình đã phát hành mã căn bản của mạng thần kinh, cũng như dự đoán chính xác cấu trúc của gần như tất cả protein trong cơ thể người cùng 20 loại protein khác trong các mô hình sinh vật khác, với tổng cộng là 250.000 cấu trúc, kết quả này có sự tham gia của Viện thông tin sinh học Châu Âu trực thuộc Phòng thí nghiệm sinh học phân tử Châu Âu (Hinxton, Anh). Họ có kế hoạch giải phóng cấu trúc của gần một nửa số protein được biết (tổng cộng 130 triệu cấu trúc) trong năm 2022.
Một trong những dự án mà TS Jumper hào hứng nhất là việc lập bản đồ phức hợp lõi hạt nhân, một cỗ máy phân tử khổng lồ đóng vai trò đứng gác cho bộ gene của các tế bào nhân thực. Công trình đã kết hợp các cấu trúc của AlphaFold và những dự đoán khác với các cấu trúc thử nghiệm bao gồm hơn 1.000 chuỗi protein đơn lẻ.
Victoria Tauli-Corpuz: Hậu vệ bản địa
Khi Hội nghị thượng đỉnh khí hậu của Liên hợp quốc (UN) lần thứ 26 (COP26) được tổ chức ở Glasgow (Anh), vài quốc gia giàu có đã đưa ra một cam kết chưa từng có, đó là cung cấp khoản ngân sách trị giá 1,7 tỷ USD để giúp các sắc dân bản địa trên thế giới bảo tồn rừng, bảo vệ đa dạng sinh thái và ngăn chặn Trái đất ấm lên bằng cách khóa carbon trong cây cối và đất đai. Kết quả đó có được là nhờ công lao làm việc suốt nhiều thập kỷ của bà Victoria Tauli-Corpuz, một lãnh đạo đến từ Philippines, người đã có 6 năm làm báo cáo viên đặc biệt của UN về quyền lợi của người bản địa. Suốt nhiều năm bà Tauli-Corpuz đã gặp gỡ nhiều chính phủ nhằm thuyết phục họ rằng dân bản địa bảo vệ rừng tốt nhất cùng các điểm nóng đa dạng sinh học khác.
Trong suốt 35 năm làm việc cho UN, bà Tauli-Corpuz cực lực chỉ trích cái gọi là “bảo tồn pháo đài”: một mô hình cho rằng thiên nhiên chỉ có thể được bảo tồn nếu nó tách biệt với thế giới loài người. Quyền của người bản địa đã được công nhận tại Hội nghị UN về đa dạng sinh học được tổ chức vào tháng 10-2021. Tháng 9 năm 2007, lần đầu tiên tại Đại hội đồng Liên hợp quốc (UNGA, New York City) đã tuyên bố thừa nhận quyền tập thể của người bản địa, quyền này cũng được thừa nhận trong Thỏa thuận Paris năm 2015. Tại COP26, quyền của người bản địa một lần nữa lại được công nhận trong một thỏa thuận về quản lý đối tác quốc tế và thị trường carbon.
Guillaume Cabanac: Soi các bài viết giả
Hàng ngày ông Guillaume Cabanac, một nhà khoa học máy tính công tác tại Đại học Toulouse (Pháp) thường xuyên khám phá ra những thuật ngữ kỳ quặc, chúng xuất hiện trong hàng ngàn bài báo khoa học. Và ông Cabanac đã xây dựng nên một trang web nhằm theo dõi hiện tượng này. Làm công tác chuyên phân tích các tài liệu học thuật, mỗi ngày ông Cabanac dành ra 2 tiếng để tìm kiếm những thuật ngữ khó hiểu.
Cuộc săn lùng các thuật ngữ lạ tai bắt đầu từ năm 2015 khi ông Cabanac hợp tác với Cyril Labbé, một nhà khoa học máy tính tại Đại học Grenoble Alpes (Pháp). Ông Labbé đã phát triển một chương trình để kịp thời phát hiện ra những bài báo khoa học máy tính vô nghĩa được tạo ra bằng cách dùng SCIgen (một phần mềm mà ban đầu được tạo ra để đùa cợt). Năm 2021 này, hai ông đã phát hiện ra hàng trăm bài báo có nội dung vô nghĩa được đăng trên các tạp chí và kỷ yếu hội nghị ở dạng bản in trước.
Ông Cabanac cũng tạo ra Problematic Papers Screener (PPS), một trang web có thể gắn cờ và báo cáo những bản thảo bị nghi giả tạo. Cho đến nay, ông Cabanac cùng các đồng nghiệp (và nhiều tình nguyện viên trên trang web PubPeer) đã chỉ ra gần 400 thuật ngữ vô nghĩa trong hơn 2.000 bài báo khoa học bao gồm cả các tạp chí nổi tiếng như Elsevier và Springer Nature.
Meaghan Kall: “Giao tiếp” với COVID-19
Buổi chiều ngày 8 tháng Giêng năm 2021, cô Meaghan Kall (một nhà dịch tễ học làm việc cho chính phủ Anh) đã đăng một tài liệu mô tả kỹ thuật về một biến thể SARS-CoV-2 lây lan ở Đông Nam nước Anh. Kall đang nhìn thấy ngày càng nhiều những sự thắc mắc và ngộ nhận về các dòng biến thể Coronavirus đăng trực tuyến, và muốn giải thích công khai dữ liệu của chính phủ. Thông qua các dòng tweet được đăng trên Twitter xoay quanh công việc thường nhật của mình mà Kall trở thành gương mặt đại diện cho một nhóm chuyên gia chính phủ chuyên trách cung cấp những câu trả lời đầu tiên trước các câu hỏi nóng hổi về COVID-19 trong năm 2021.
Nhờ việc sớm tung ra vaccine cũng như các phòng thí nghiệm bộ gene được trang bị tối tân, và sự đoàn kết của Dịch vụ y tế quốc gia (NHS) mà Vương quốc Anh nhanh chóng tạo ra dữ liệu chất lượng cao đối với Coronavirus (từ sự xuất hiện các biến thể mới cho đến tính hiệu quả của vaccine). Các nhà nghiên cứu Anh đã làm tốt việc truyền đạt dữ liệu đại dịch hơn so với những quốc gia tung vaccine sớm khác.
Janet Woodcock: Giám đốc thuốc
Tháng Giêng năm 2021, chỉ vài giờ sau khi trở thành Tổng thống Mỹ, ông Joe Biden đã bổ nhiệm bà Janet Woodcock thành quyền ủy viên Cục quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA). Trong nhiều thư chúc mừng bà Woodcock, cũng có một số thư của đại diện 31 tổ chức thúc giục thư ký của Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh Mỹ rút bớt thời gian tại chức FDA của bà. Nguyên là bác sĩ y khoa, bà Woodcock đã có 35 năm làm việc tại Trung tâm đánh giá và nghiên cứu thuốc của FDA, nơi chịu trách nhiệm đảm bảo thuốc an toàn và hiệu quả trước khi chúng được chấp thuận trên thị trường Mỹ.
Tháng 6-2021, triển vọng tiếp tục làm ủy viên của bà Woodcock đã mờ đi sau khi xảy ra quyết định gây tranh cãi của FDA trong việc phê chuẩn thuốc Aducanumab để điều trị bệnh Alzheimers. Thuốc này được chế bởi Công ty Biogen (Cambridge, Massachusetts, Mỹ) làm giảm các protein amyloid-a rối rắm trong não người mắc bệnh, nhưng lại không thấy cải thiện chức năng nhận thức hoặc các triệu chứng khác.