1001 công nghệ truy tìm dấu vết COVID-19

Thứ Năm, 04/06/2020, 11:33
Đại dịch COVID-19 đã giết chết gần 400.000 người và gây kinh tế suy thoái nghiêm trọng trên toàn cầu. Sau ít nhất 2 tháng thực hiện lệnh cách ly xã hội, nhiều quốc gia đang muốn mở cửa trở lại để người dân có cuộc sống bình thường.

Tuy nhiên, để tránh nguy cơ một làn sóng dịch bệnh mới bùng phát theo như khuyến cáo của tổ chức Y tế thế giới (WHO), các Chính phủ bắt đầu sử dụng công nghệ truy tìm, theo dõi virus SARS-CoV-2 để cảnh báo về những công dân đã nhiễm bệnh hoặc có thể bị nhiễm bệnh.

Khi công nghệ Mỹ lên tiếng

Theo thông tin được đăng tải trên trang web của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), các công ty công nghệ đã nhảy vào lĩnh vực này với nỗ lực cao nhất, trong đó đặc biệt có Apple và Google. Mới đây, Apple và Google đã cùng thực hiện phiên bản đầu tiên của hệ thống theo dõi liên lạc, theo dõi người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Hệ thống dùng công nghệ Bluetooth để tìm hiểu về những người mà bệnh nhân đã tiếp xúc rồi thông báo cho những người đó về nguy cơ bị phơi nhiễm. Giai đoạn phát triển thứ hai của ứng dụng này (dự kiến triển khai trong tháng 6) sẽ tích hợp sâu hơn với các hệ điều hành iOS của Apple và Android của Google để phụ thuộc ít hơn vào các ứng dụng.

Kiểm tra mã code QR đối với những người ra vào Vũ Hán (Trung Quốc) sau khi thành phố được mở cửa trở lại. Ảnh: Reuters.

Hồi đầu tháng 4, tại Mỹ, một Startup đã đăng ký một ứng dụng được sử dụng bởi những người hâm mộ bóng đá để bắt đầu theo dõi tình trạng lây lan COVID-19 ở Bắc Dakota và Nam Dakota. Ứng dụng này sử dụng dữ liệu vị trí để theo dõi mọi người đi đâu. Nếu ai đó kiểm tra dương tính với COVID-19, cơ quan y tế công cộng có thể sử dụng dữ liệu lịch sử để tìm ra những người khác có liên quan cần được xét nghiệm và cách ly.

Còn ứng dụng UtahT HealthyTogether sử dụng Bluetooth và dữ liệu vị trí để theo dõi mọi người về nơi ở và quay lại để xem ai có thể đã liên lạc với họ nếu họ nhiễm SARS-CoV-2. Ứng dụng này cũng cho phép mọi người nhập các triệu chứng của bản thân và kết nối chúng với một trung tâm thử nghiệm nếu họ thấy nguy cơ cao về việc mắc bệnh.

Thống đốc bang New York Andrew Cuomo cho biết chính quyền địa phương và chính quyền liên bang Mỹ đang chủ trương xây dựng một đội quân truy tìm để theo dõi nguồn gốc của các trường hợp nhiễm COVID-19 với mục tiêu chính là làm giảm sự lây lan của dịch bệnh. Riêng ở New York, cựu Thị trưởng thành phố New York Michael Bloomberg và hãng Bloomberg Philanthropies đã quyên góp 10,5 triệu USD cho kế hoạch này. Một số người dân New York đã bày tỏ sự phản ứng nhất là khi thành phố này dự định mở cửa trở lại vào ngày 9/6.

Tuy nhiên, chính quyền New York vẫn quyết tâm thực thi và đang đào tạo 30 "bộ theo dõi liên lạc" cho mỗi 100.000 người trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19.

Hệ thống theo dõi ở châu Á

Trong khi đó, tại châu Á, Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore đã dẫn đầu trong việc phát triển các hệ thống theo dõi liên lạc liên quan đến COVID-19. Một số chính phủ đã có sẵn các hệ thống được phát triển hoá từ các biện pháp đối phó với dịch SARS 15 năm trước. Cụ thể, đầu tháng 1, các tin tặc mũ trắng Hàn Quốc và các lập trình viên tự học đã nhảy vào phát triển các ứng dụng truy tìm, ngay cả trước khi bùng phát dịch.

Mang tên Coronamap.site, ứng dụng được tạo bởi một sinh viên đại học, thông báo cho người dùng về chuyển động của bệnh nhân được xác nhận và những nơi người nhiễm bệnh đã đi qua. Việc này giúp chính phủ Hàn Quốc theo dõi được người nhập cảnh. Nếu như người nhập cảnh dương tính với COVID-19 thì ngay lập tức, người ta dựa trên GPS đã được cài đặt sẵn trên smartphone để tìm được những vị trí mà người nhập cảnh đã đi qua và việc đó giúp khoanh vùng dịch rất đơn giản.

Hãng Yonhap cho biết thêm, nhờ sự trợ giúp của các công cụ trực tuyến như Corona Live, Corona Map và Corona Nearby, người dân Hàn Quốc đã có thể dễ dàng định vị những người nhiễm COVID-19 quanh nơi mình sinh sống và liên tục cập nhật tình hình mới nhất về dịch bệnh.

Sau đó, chính phủ Hàn Quốc đã phát triển một ứng dụng để thực thi các lệnh cách ly, sử dụng dữ liệu vị trí và theo dõi xem người dùng điện thoại thông minh có tắt GPS hay không. Khoảng 90% những người tự kiểm dịch đã cài đặt ứng dụng của chính phủ kể từ ngày 13-4.

Những "gã khổng lồ công nghệ" Trung Quốc cũng sớm tham gia giúp chính phủ ngăn chặn đại dịch. Tập đoàn Alibaba Group Ltd. Ltd. Alipay và Tencent Holdings Ltd., We Weat, kênh thanh toán kỹ thuật số chính của quốc gia đông dân nhất thế giới này đã theo dõi hoạt động tiêu dùng của hàng trăm triệu người dùng.

Trong khi dịch bệnh bùng phát, cả hai công ty đã phát hành hệ thống mã QR có thể đọc được bằng điện thoại thông minh và cho phép các cơ quan chức năng chỉ định những người gây rủi ro cho sức khỏe và cần phải cách ly và những người nào có thể sử dụng không gian công cộng hay phương tiện giao thông.

Hệ thống của tập đoàn Alibaba chỉ định cho mỗi người dùng một trong ba màu: xanh lá cây, vàng hoặc đỏ, dựa trên vị trí, thông tin sức khỏe và lịch sử du lịch của cá nhân. Màu xanh lá cây cho phép tự do di chuyển, trong khi màu vàng và màu đỏ cho thấy mọi người phải tự cách ly hoặc vào một cơ sở cách ly được giám sát.

Trong khi đó, Singapore là một trong những nơi đầu tiên tung ra ứng dụng theo dõi liên lạc TraceTogether (ra mắt vào ngày 20-3). Đến nay, gần 3/4 dân số quốc đảo này đã cài đặt ứng dụng. Hệ thống sử dụng Bluetooth và dữ liệu được bẻ khóa an toàn trên từng điện thoại cá nhân, khiến nó trở thành tiền thân cho kế hoạch của Apple và Google.

Tuy nhiên, Frederic Giron-chuyên gia phân tích của Forrester thì đánh giá rằng, giá trị của các ứng dụng như TraceTogether chưa rõ ràng và công nghệ này chỉ phát huy hiệu quả nếu đạt được số người dùng đủ lớn. Như ước tính của Đại học Oxford ước tính, lượng cài đặt phải ở mức 60% dân số trưởng thành mới đạt hiệu quả kiểm dịch tối ưu.

Tại Australia, hơn 2 triệu người dân cũng tải ứng dụng theo dõi liên lạc của chính phủ, sử dụng Bluetooth thay vì dữ liệu GPS...

Những cuộc tranh cãi ở châu Âu

Châu Âu, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 từ đầu tháng 4 cũng công bố các hướng dẫn về ứng dụng theo dõi liên lạc. Các yêu cầu chỉ ra rằng các ứng dụng nên tự nguyện, được các cơ quan y tế quốc gia phê duyệt, bảo vệ quyền riêng tư của người dùng và cần được gỡ bỏ ngay khi không còn cần thiết. Nhà chức trách Liên minh châu Âu (EU) khẳng định, khả năng tương tác là chìa khóa để việc truy tìm có thể tiếp tục ngay cả khi công dân tìm cách vượt biên.

Ứng dụng ở Iceland, được gọi là Rakning C-19, sử dụng dữ liệu vị trí của điện thoại thông minh, phải được bật mọi lúc để hoạt động. Sau khi thiết lập, ứng dụng chạy ẩn và lưu vị trí của điện thoại nhiều lần mỗi giờ, lưu trữ dữ liệu trên chính điện thoại và xóa nó sau 14 ngày. Sử dụng vị trí thay vì Bluetooth có thể cung cấp cho các cơ quan y tế dữ liệu phong phú hơn về sự lây lan của virus và giúp chính phủ dễ dàng theo dõi các cá nhân. 

Ứng dụng này được Iceland dùng trong vài tuần sau khi phát hiện lây nhiễm nhưng đến nay mới có 38% dân số tải xuống. Đáng chú ý là giới chức Iceland lại cho rằng, tác động thực sự của Rakning C-19 là rất nhỏ, so với các kỹ thuật truy tìm thủ công như qua các cuộc gọi điện thoại.  

Áo và Thụy Sĩ đang xây dựng các ứng dụng dựa trên cách tiếp cận có tên DP-3T, được các nhà nghiên cứu thiết kế hợp tác để bảo vệ quyền riêng tư của người dùng. Một số nguyên tắc của nó tương tự như cách tiếp cận của Google và Apple, và sử dụng Bluetooth theo cùng một cách.

Song hiện ứng dụng này đang phải đối mặt với sự chỉ trích trong một bức thư ngỏ được ký bởi 300 nhà khoa học rằng cách tiếp cận của nó "sẽ cho phép giám sát xã hội rộng lớn chưa từng thấy". Còn SAP SE và Deutsche Telekom đang hợp tác với Đức để xây dựng quốc gia ứng dụng theo dõi liên lạc của riêng mình.

Dữ liệu ban đầu được cho là được lưu trữ trên một máy chủ trung tâm, nhưng sau những chỉ trích về sự thiếu riêng tư, quốc gia này đã chọn cách tiếp cận phi tập trung, tuân theo các nguyên tắc được Apple và Google nêu ra. Tại Italy, từ tháng 3, nhà phát triển SoftMining đã giới thiệu một ứng dụng theo dõi liên lạc. Ngay sau đó, các nhóm tin tặc đã tung ra các bản hạ gục Android với mã độc có khả năng thâm nhập vào thiết bị cá nhân.

Hồi đầu tháng 5, Pháp vừa bật đèn xanh cho việc ra mắt ứng dụng "StopCovid" được xây dựng với tính năng theo dõi người dùng tiếp xúc gần với người khác trong vòng 2 tuần và cảnh báo khi phát hiện bất kỳ người nào mắc COVID-19. Ủy ban quốc gia về thông tin và quyền tự do (CNIL) của Pháp cho rằng ứng dụng này đáp ứng những yêu cầu pháp lý về bảo vệ quyền riêng tư, với những tính năng ngăn chặn việc lạm dụng.

Bên cạnh đó, CNIL cũng đưa ra một số khuyến cáo để việc sử dụng ứng dụng này an toàn hơn, bao gồm cải thiện chất lượng thông tin cung cấp cho người dùng, cho phép người dùng phản bác những thông tin được chia sẻ và cung cấp lựa chọn đối với việc xóa bỏ các dữ liệu được lưu trữ.

Tuy nhiên, bất chấp quyết tâm của Chính phủ bằng mọi cách kiểm soát nguy cơ tái bùng phát dịch và việc Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran khẳng định ứng dụng StopCovid là công cụ cần thiết cho giai đoạn dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa, đại diện một số đảng phái đối lập vẫn tiếp tục phản đối, cho rằng không có cơ sở chứng minh hiệu quả và xâm phạm quyền tự do cá nhân.

Lý do đưa ra là còn nhiều người, nhất là người có tuổi, không có điện thoại đời mới để cài đặt ứng dụng này. Đại diện đảng cánh tả Xã hội cho rằng giải pháp này có thể có ích nhưng không thiết yếu và "nguy hiểm" cho quyền tự do cá nhân. Còn đại diện đảng cánh hữu Những người Cộng hòa nhận định rằng, ứng dụng này khó có thể phát huy hiệu quả vì được đưa ra quá muộn.

Và những cách thức khác lạ

Cũng có một số quốc gia sử dụng cách thức khác để truy tìm dấu vết của người nhiễm COVID-19 cũng như đảm bảo giãn cách xã hội. Như Bỉ thì dùng hệ thống camera thông minh của công ty hạ tầng đường sắt Infrabel. Chuông cảnh báo sẽ vang lên nếu số người có mặt quá đông, hay có người không đeo khẩu trang hoặc đứng quá gần nhau.

Bên cạnh đó, để tận dụng sức lao động, đồng thời tạo công ăn việc làm cho các nhân viên tổng đài, Bộ Y tế Bỉ còn trưng dụng những người này theo dõi bệnh nhân COVID-19.

Quan điểm của chính phủ Bỉ là ứng dụng theo dõi là chưa đủ và thời gian nghiên cứu, triển khai còn chưa được thống nhất. Vậy nên tra vấn thông tin kiểu cổ điển, đó là gọi nói chuyện thẳng với người nhiễm và nghi nhiễm vẫn nhanh hơn. Nếu người có nguy cơ nhiễm không thể liên lạc được qua điện thoại, nhân viên y tế sẽ được cử tới tận nơi.

Riêng Anh thì quyết định đầu tư 500.000 bảng Anh để tạo ra một đội quân chó chuyên phát hiện ngước mắc COVID-19 trước khi họ xuất hiện các triệu chứng thông thường. Tờ The Guardian cho hay, Anh từng huấn luyện thành công chó phát hiện ra mùi của một số bệnh như ung thư, sốt rét và Parkinson.

Chó được huấn luyện để phát hiện người nhiễm COVID-19 ở Anh. Ảnh: Reuters.

Lần này, hai giống chó Cocker Spaniel and Labrador Retriever đã được lựa chọn để huấn luyện phát hiện COVID-19 trên người. Các nhà nghiên cứu tại Trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh London sẽ thực hiện giai đoạn thử nghiệm đầu tiên của dự án này với sự hợp tác từ Đại học Durham và tổ chức từ thiện Chó Nghiệp vụ Y tế.

Trước đó, nghiên cứu được thực hiện bởi tổ chức chó hỗ trợ y tế cũng cho thấy, mỗi chú chó trung bình có thể sàng lọc tới 250 người một giờ và có thể được huấn luyện để phát hiện mùi của một căn bệnh với "độ loãng" tương đương một muỗng cà phê đường pha trong hai bể nước có kích cỡ tiêu chuẩn Olympic.

Kiểu huấn luyện này cũng đang được thực hiện bởi trường huấn luyện chó SK9 ở thủ đô Tehran (Iran) với sự hợp tác của quân đội Iran và các cơ quan y tế. Các mẫu virus SARS-CoV-2 được lấy từ các bệnh viện khác nhau và được gửi đến trường để giúp các chú chó phân biệt thế nào là dương tính và âm tính.

Kết quả kiểm tra mới nhất hồi trung tuần tháng 5 dưới sự theo dõi sát sao của cả quân đội và cơ quan y tế cho thấy những con chó đã qua huấn luyện có thể phát hiện chính xác khoảng 65,4%  trường hợp dương tính và âm tính. Những giống chó được huấn luyện ở Iran gồm Golden Retrievers, Labradors và Border Collies.

Sông Thương (tổng hợp)
.
.