Bên trong “nhà máy muỗi” khổng lồ
- Cả làng đảo làm nghề nuôi muỗi
- Nghề nuôi… muỗi
- Tăng cường công tác phòng, chống sốt xuất huyết khu vực Tây Nguyên
"Muỗi tốt" chiến đấu với "muỗi xấu" trong môi trường tự nhiên
Virus Zika lây lan đến hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Phụ nữ mang thai là đối tượng gặp nguy cơ cao nhất bởi vì virus có thể làm sinh ra em bé đầu nhỏ cũng như những bệnh liên quan đến thần kinh.
Theo số liệu từ Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC), ước có khoảng 390 triệu trường hợp nhiễm sốt xuất huyết mỗi năm tại hơn 125 quốc gia trên thế giới. Năm 2014, giới chức tỉnh Quảng Đông báo cáo trận dịch bệnh sốt xuất huyết nghiêm trọng nhất trong nhiều thập niên, với kỷ lục 45.224 trường hợp.
Giáo sư Zhiyong Xi. |
Zhiyong Xi làm việc với chủng muỗi Aedes aegypti được cấy vi khuẩn Wolbachia từ năm 2005 và ông điều chỉnh phương pháp của mình khi nghiên cứu muỗi Aedes Albopictus (khá phổ biến ở vùng Đông Nam Á) ở Trung Quốc.
Trong phòng thí nghiệm của Xi, nhà nghiên cứu có hàng trăm chiếc khay trong đó mỗi khay chứa khoảng 6.000 ấu trùng muỗi (lăng quăng, bọ gậy) đang bơi ngoằn ngoèo. Những con "muỗi đực tốt" được cấy vi khuẩn Wolbachia khiến chúng trở nên vô sinh trước khi được thả vào môi trường tự nhiên tại một ngôi làng nằm trên đảo Shazai cách phòng thí nghiệm chừng 60km.
Sau khi giao phối với những con đực "tốt" này, muỗi cái đẻ ra trứng không nở được ấu trùng. Cây cầu dài 300 mét ngăn cách ngôi làng có 1.900 người cho phép cô lập những đàn "muỗi tốt" được mang đến thả bởi vì muỗi chỉ có thể bay xa nhất là từ 50-75 mét.
Zhiyong Xi hy vọng kỹ thuật này sẽ giúp giảm mạnh số lượng muỗi và coi đây là một trong những cách hiệu quả ngăn ngừa 2 loại bệnh phổ biến - sốt xuất huyết và Zika - lây truyền tác động đến hàng triệu người mỗi năm. Với khoản tài trợ 1 triệu USD từ USAID (Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ), Zhiyong Xi quyết định thành lập một "nhà máy muỗi" tương tự ở Mexico vào tháng 3-2017.
Một kỹ thuật viên đang kiểm tra những chiếc khay chứa lăng quăng (bọ gậy) trong "nhà máy muỗi" ở thành phố Quảng Châu, Trung Quốc. |
Nhưng Zhiyong Xi không phải là nhà nghiên cứu duy nhất nghiên cứu và làm việc theo chiều hướng này. Eliminate Dengue, một tổ chức hợp tác nghiên cứu phi lợi nhuận hoạt động ở Indonesia và Australia, nhận khoản tài trợ 18 triệu USD hồi tháng 10-2016 để tiến hành chương trình thả chủng muỗi Aedes aegypti cấy vi khuẩn Wolbachia vào môi trường tự nhiên ở Brazil và Colombia.
Cứ 4 tháng một lần, hàng ngàn con "muỗi tốt" được thả trong môi trường thành phố Rio de Janeiro. Các nhà khoa học Brazil hy vọng sau đó số lượng muỗi này sẽ được nhân lên nhiều lần giúp giảm tối đa những trường hợp nhiễm bệnh sốt xuất huyết nguy hiểm. Hay như công ty Oxitec của Anh được người dân ở quần đảo san hô Florida Keys miền nam nước Mỹ cho phép thả vào môi trường tự nhiên giống muỗi được biến đổi gene chống virus Zika vào đầu năm 2017.
Bệnh sốt xuất huyết bùng phát trở lại tại Brazil vào năm 1981 sau hơn 20 năm yên ắng. Theo số liệu thống kê, Brazil là quốc gia đứng đầu thế giới về số ca bệnh sốt xuất huyết với 800 vụ tử vong trong các năm 2009 - 2014.
Thực ra, bản thân muỗi Aedes aegypti không mang virus sốt xuất huyết một cách tự nhiên mà chúng chỉ nhiễm virus khi đốt người đang mang bệnh trong người. Khi đốt người bị bệnh, virus sẽ nhiễm vào tế bào muỗi. Trong thời gian ủ bệnh từ 8-10 ngày, virus sẽ nhân lên trong cơ thể muỗi và khi đã đạt được đủ số lượng thì chúng có khả năng truyền sang rất nhiều người khác trong cộng đồng qua vết đốt. Khi đó, virus sẽ truyền từ cơ thể muỗi qua tuyến nước bọt của muỗi vào máu của người bị đốt.
Một hộp chứa muỗi đực trưởng thành nhiễm khuẩn Wolbachia. |
Vòng đời của muỗi Aedes aegypti thường kéo dài từ khoảng 2 đến 4 tuần tùy thuộc vào yếu tố môi trường và điều kiện tự nhiên. Thực tế, muỗi lây truyền sốt xuất huyết nhìn bằng mắt thường cũng khá giống các loại muỗi khác và chỉ phân biệt rõ hơn nếu nhìn qua kính hiển vi.
Thông thường, nếu chúng ta tìm thấy muỗi trong nhà và chúng đốt vào ban ngày thì rất có thể là muỗi Aedes aegypti vì muỗi Aedes đặc biệt thích đốt người giữa ánh sáng ban ngày. Khoảng 2 giờ sau khi mặt trời lên và vài giờ trước khi mặt trời lặn là thời điểm đặc biệt ưa thích tấn công người của muỗi Aedes.
Quy trình nuôi dưỡng muỗi
"Nhà máy muỗi" của Xi nằm trong khu khoa học Đại học Quốc gia Tôn Trung Sơn (Sun Yat-Sen) cách trung tâm thành phố Quảng Châu náo nhiệt chừng 1 giờ đường ô tô. Trung tâm nghiên cứu muỗi của Zhiyong Xi có tên gọi khá dài là Trung tâm Kiểm soát Côn trùng Lây truyền Bệnh nhiệt đới, hợp tác giữa hai đại học bang Michigan và Tôn Trung Sơn. Tại đây, đội ngũ nhà khoa học nghiên cứu gây giống 5 triệu con muỗi Aedes albopictus (thường gọi là muỗi hổ châu Á) trong vòng 1 tuần.
Những chiếc hộp nhựa chứa "muỗi "tốt" sẵn sàng lên đường đến đảo Shazai. |
Đây là giống muỗi phổ biến ở châu Á lây truyền bệnh Zika và sốt xuất huyết. "Nhà máy muỗi" của Zhiyong Xi bao gồm đội ngũ chuyên gia giỏi trẻ tuổi thuộc nhiều lĩnh vực: công nghệ sinh học, côn trùng học và dược học. Nhà khoa học Chen Chunping cho biết ban đầu cô thấy sốc khi nhìn thấy không gian bên trong nhà máy giống như mê cung với rất nhiều phòng dành riêng cho nghiên cứu và sản xuất muỗi hàng loạt.
Công việc nuôi dưỡng hàng loạt muỗi không hề dễ dàng. Đầu tiên, đội ngũ nhà khoa học tiêm vi khuẩn Wolbachia vào trứng muỗi thông qua kính hiển vi để tạo ra thế hệ chủng "muỗi tốt" đầu tiên. Kế đến, chúng được gây giống để sản sinh ra thêm nhiều trứng hơn nữa và dần phát triển thành ấu trùng trong những chiếc khay đầy nước.
Trong giai đoạn tiếp theo, hàng ngày các nhà nghiên cứu sàng lọc ấu trùng đực và cái. Ấu trùng cái bị hủy và chỉ giữ lại giống đực để tiếp tục nuôi thành muỗi trong những chiếc hộp nhựa. Mỗi tuần 3 lần, đội chuyên viên kỹ thuật của Zhiyong Xi mang những hộp chứa muỗi đực đến đảo Shazai để thí nghiệm. Họ cũng sẽ ở lại đảo để giám sát đàn muỗi nhiễm khuẩn nhằm đánh giá sự thành công của chương trình.
Trong thí nghiệm của Xi, muỗi nhiễm khuẩn Wolbachia sẽ dần đông đúc lên, thay thế quần thể muỗi "xấu" trong tự nhiên. Tuy nhiên, vấn đề là thuyết phục người dân đảo ủng hộ cuộc nghiên cứu. Trước khi thả muỗi nhiễm khuẩn Wolbachia, Zhiyong Xi và đội của ông phải mất đến 1 năm nói chuyện với dân làng về lợi ích của chương trình nghiên cứu phòng chống bệnh sốt xuất huyết và virus Zika.
Vẫn còn mối nghi ngờ
Zhiyong Xi và đội ngũ nhà khoa học của ông tuyên bố 96% giống "muỗi xấu" trên đảo Shazai đã được thay thế bởi chủng "muỗi tốt". Nhưng cộng đồng khoa học trên thế giới có vẻ nghi ngờ tính hiệu quả của chương trình khi được triển khai tại những khu vực rộng lớn hơn nhiều.
Muỗi nhiễm khuẩn Wolbachia được thả tại đảo Shazai. |
Raman Velayudhan, chuyên gia bệnh nhiễm trùng tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng, mặc dù chương trình nghiên cứu của Zhiyong Xi đầy hứa hẹn song phải nhìn nhận thực tế rằng kỹ năng sống còn của chủng muỗi Aedes là hết sức ngoan cường cho nên "không dễ tiêu diệt sạch quần thể muỗi này".
Theo Velayudhan, giống muỗi Aedes có khả năng trong 3 ngày đẻ đến 150 trứng. Trong suốt vòng đời ngắn ngủi, một con muỗi cái đẻ 10 lần. Velayudhan cảnh báo số trứng này có thể vẫn sống đến 1 năm nơi khô ráo và sẽ nở nếu gặp nước. Thậm chí, trong một số trường hợp, dịch bệnh vẫn xảy ra bất chấp quần thể "muỗi xấu" có giảm sút nhiều. Với Velayudhan, "đây là một trong những thách thức lớn nhất của chúng ta trong thế giới khoa học".
Dù sao thì kỹ thuật của Zhiyong Xi cũng đã gây ấn tượng mạnh cho nhóm nhà nghiên cứu Mexico đến thăm "nhà máy muỗi" ở thành phố Quảng Châu. Pablo Manrique, nhà sinh học Đại học Tự trị Yucatan (Mexico), phát biểu: "Chúng tôi đã chứng kiến cách phản ứng của người dân ở Trung Quốc trước phương pháp của Xi. Chúng tôi hy vọng sẽ nhận được phản ứng tích cực tương tự ở Mexico".
Sắp tới, Zhiyong Xi có kế hoạch triển khai dự án nghiên cứu của mình đến những vùng đông đúc dân cư hơn, sử dụng máy bay điều khiển từ xa (drone) và máy bay trực thăng để thả muỗi nhiễm khuẩn Wolbachia xuống các thành phố mục tiêu.