Bệnh sởi – Không thể coi thường
- Số ca virus cúm mùa, bệnh sởi gia tăng
- Khẩn trương vào cuộc để "hạ nhiệt" bệnh sởi và tay chân miệng
- Trẻ có nguy cơ mắc bệnh sởi, ho gà do tâm lý chờ tiêm vắc-xin dịch vụ
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dịch sởi hiện đang gia tăng trên toàn cầu. Từ cuối năm 2018 đến đầu năm 2019, đã có hơn 180 quốc gia xuất hiện bệnh sởi, trong đó 11 quốc gia ở khu vực Đông Nam Á. Thậm chí dịch sởi đã quay trở lại một số nước đã từng khống chế thành công hoặc triệt tiêu căn bệnh này như Italy, Ukraine…
Từng là đại dịch toàn cầu
Tại Mỹ, sau gần 20 năm công bố loại trừ bệnh sởi thì ngay từ những ngày đầu năm 2019, Cơ quan Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) đã ghi nhận các ổ dịch sởi ở một số thành phố mà nguyên nhân là tỷ lệ tiêm ngừa vaccine sởi không đạt yêu cầu nên đã hình thành những khoảng trống miễn dịch tại nhiều khu vực, cộng với sự gia tăng di chuyển của người dân giữa thành phố này và thành phố khác, quốc gia này với quốc gia khác, tạo điều kiện cho virus sởi phát tán.
Theo các tài liệu cổ còn lưu giữ, năm 804 sau Công nguyên, tại thành phố Mashsad, Vương quốc Ba Tư (Iran ngày nay) đã xảy ra một trận đại dịch sởi, giết chết gần 60.000 người.
Các tài liệu cổ viết: "Thoạt đầu, nó xuất hiện trong một gia đình nông dân ở phía bắc thành phố, người nhiễm bệnh là một đứa bé 6 tuổi. Chỉ sau vài ngày, tất cả những người trong gia đình ấy đều nhiễm rồi lây sang các nhà hàng xóm".
Hình ảnh mô tả bệnh sởi của bác sĩ Rhazes thế kỷ thứ 9. |
Một bác sĩ người Ba Tư thời điểm ấy là Muhammad ibn Zakariya al-Razi - hay còn gọi là Rhazes, đã có những ghi chép mô tả các triệu chứng của bệnh sởi với những dấu hiệu không khác gì ngày nay: Sốt cao, ho khan, chảy nước mũi, viêm kết mạc mắt rồi sau đó là phát ban trên da, thoạt đầu xuất hiện ở vùng chân tóc phía sau tai và lan dần xuống dưới. Rhazes cũng cho biết phần lớn những người chết đều có nguyên nhân từ phổi, một số ít từ não nhưng ông nhầm lẫn rằng sởi chỉ là một biến thể của bệnh đậu mùa.
Với người dân, đa số đều tin vào lời phán của các pháp sư rằng những ban đỏ xuất hiện khi lên sởi là do... kinh nguyệt của người mẹ nhiễm vào đứa trẻ khi còn ở giai đoạn bào thai(?!). Vì thế, những nốt sởi lại được coi là cách duy nhất để tống khứ cái loại máu độc ấy ra ngoài. Đó cũng là lý do mà suốt một thời gian dài ở Ba Tư, người ta cố ý để cho các em bé sơ sinh nhiễm sởi. Trong hơn 600 năm sau thời của Rhazes, hầu như không có nhiều những ghi chép về sởi mặc dù đó là khoảng thời gian mà bệnh sởi bùng phát dữ dội nhất.
Mãi đến năm 1757, Francis Home, bác sĩ người Scotland phát hiện bệnh sởi lây truyền do mầm bệnh, từ người này sang người khác qua những cơn ho, hắt hơi. Home đã thử tìm cách phân lập mầm bệnh để chế tạo thuốc chữa - là tiền thân của vaccine ngừa sởi ngày nay - nhưng thất bại. Cho đến lúc ấy, sởi vẫn là một trong những nguyên nhân giết người hàng đầu trên thế giới, chỉ đứng sau bệnh cúm mùa và bệnh dịch hạch.
Năm 1846, bác sĩ Peter Ludvig Panum, người Đan Mạch, khi được cử đến quần đảo Faroe để nghiên cứu đã hệ thống hóa 4 dấu hiệu đặc trưng của người bệnh mắc sởi: Ban đỏ nổi sau 12 đến 14 ngày kể từ khi tiếp xúc với mầm bệnh. Bệnh lây qua ho, hắt hơi. Khả năng lây bệnh cao nhất là từ 3 đến 4 ngày trước khi nổi ban. Người đã từng mắc sởi sẽ miễn dịch với bệnh này suốt đời.
Và bệnh sởi vẫn cứ tiếp tục hoành hành. Năm 1848, một đợt bùng phát sởi ở Hawaii đã giết chết 1/3 số người sống trên đảo. Năm 1875, dịch sởi xảy ra ở đảo quốc Fiji cũng đã quét sạch 1/3 dân số chỉ trong 4 tháng.
Năm 1916, tại nước Pháp có 12.000 người chết vì bệnh sởi và 3 trong số 4 người chết là trẻ em dưới 5 tuổi còn nếu kể thêm thì trong suốt cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất 1914-1918, đã có khoảng 48.000 binh lính của cả hai phía Đồng minh và Đức chết vì các biến chứng của sởi (nhưng được cho là sốt phát ban - hay còn gọi là bệnh chấy rận vì lúc ấy không ai tin rằng người lớn cũng có thể bị sởi). Cũng năm đó, một bác sĩ quân y Pháp đã tìm thấy kháng thể sởi trong máu bệnh nhân, là cơ sở đầu tiên chứng minh rằng nó có thể bảo vệ những người lành không bị lây nhiễm nếu họ được tiêm kháng thể vào người.
Năm 1951, dịch sởi tấn công đảo Greenland, Đan Mạch đã khiến trong số 4.262 cư dân, chỉ có 5 người thoát khỏi nhưng nhờ trận dịch này, các nhà khoa học đã thử áp dụng biện pháp tiêm gamma globulin - là một loại protien giàu kháng thể cho người bệnh. Kết quả là tỷ lệ tử vong vì những biến chứng của sởi giảm đáng kể nhưng làm thế nào để không bị nhiễm sởi thì vẫn chưa ai tìm ra.
Vào những năm 1951-1953, con số tử vong mỗi năm do bệnh sởi trên toàn thế giới đã giảm xuống chỉ còn 4.000 đến 5.000 người nhờ có thuốc kháng sinh và điều kiện sống được cải thiện. Cũng trong những năm này, nước Mỹ mỗi năm có 500 người chết, 48.000 người phải nhập viện do các biến chứng của sởi như nhiễm trùng tai, tiêu chảy, viêm kết mạc, viêm phổi và viêm não.
Bác sĩ Paul Offit, Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi đồng bang Philadelphia cho biết viêm phổi do vi khuẩn là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh sởi, và thuốc kháng sinh không thể tiêu diệt được sởi vì nguồn gốc bệnh gây ra bởi virus. Ngay cả khi sống sót, người bệnh cũng chưa chắc đã an toàn vì một biến chứng tuy rất hiếm gặp nhưng lại dẫn đến hiện tượng suy giảm nhận thức, suy giảm thể lực rồi cuối cùng là hôn mê và tử vong, xảy ra từ 10 đến 20 năm sau khi nhiễm sởi. Đó là bệnh viêm màng não bán cấp.
Vaccine ngừa sởi đầu tiên
Tháng 1-1954, khi dịch sởi tấn công trường trung học nội trú ở thành phố Boston, Mỹ, Enders- Giáo sư dịch tễ học đã gửi bác sĩ Thomas Peebles đến ngôi trường này để lấy mẫu máu. Lúc tiến hành lấy máu, Peebles nói với các học sinh: "Này các chàng trai, các bạn đang đứng trên biên giới của khoa học. Máu của các bạn sẽ được dùng để phát triển ra loại thuốc ngừa bệnh sởi và tên của các bạn sẽ đi vào biên niên sử của loài người trong việc chống lại dịch bệnh". Đó cũng là lần đầu tiên trên toàn thế giới, việc nghiên cứu kháng thể chống lại bệnh sởi được tiến hành một cách có hệ thống.
Trong gần 2 năm, với 200 mẫu máu lấy từ trường trung học nội trú Boston, Peebles đã phân lập được virus bệnh sởi từ máu của cậu học sinh David Edmonston, 13 tuổi bằng phương pháp nuôi cấy trong nước canh thịt. Đến năm 1958, nhóm nghiên cứu Peebles tiến hành tiêm vaccine sởi mà thành phần là virus sống để thử nghiệm cho những trẻ em tình nguyện tại Trường trung học Fernald và Trường trung học Willowbrook, nơi có các điều kiện thuận lợi cho việc lây nhiễm bệnh sởi. Tuy nhiên, do độc lực của virus trong vắc xin vẫn còn cao nên hầu hết học sinh tham gia thử nghiệm đều bị sốt và phát ban, tương tự như nhiễm sởi.
Maurice Ralph Hilleman (đứng giữa), người đã cứu nhiều mạng sống hơn bất kỳ một nhà khoa học nào ở thế kỷ 20. |
Kết quả thử nghiệm được Enders chia sẻ với nhà khoa học Maurice Ralph Hilleman, lúc ấy đang làm việc cho Công ty Sinh học Merck, trụ sở ở bang New Jersey. Ngay lập tức, Hilleman cùng với cộng sự là bác sĩ Offit chuyển đổi phương pháp nuôi cấy virus bằng cách dùng trứng thay vì nước canh thịt. Trong 2 năm 1961, 1962, Hilleman đã tiến hành thử nghiệm loại vaccine mới trên gần 20.000 người tình nguyện. Mỗi người đồng thời được tiêm 2 mũi, 1 mũi vaccine và 1 mũi kháng thể sởi nhằm làm giảm các tác dụng phụ như sốt, phát ban. Kết quả là không một ai trong số những người tham gia thử nghiệm mắc bệnh sởi dù họ sống ngay trong vùng dịch.
Ngày 21-3-1963, Cơ quan Dược phẩm và Thực phẩm liên bang Mỹ (FDA) cấp phép lưu hành cho vaccine sởi virus sống với tên gọi Merck's Rubeovax. Đó cũng là vaccine ngừa sởi đầu tiên trên thế giới được nhiều quốc gia tiến hành tiêm chủng rộng rãi. Đến năm 1968, Hilleman tinh chế Merck's Rubeovax thành một loại không có tác dụng phụ nghiêm trọng và không cần tiêm thêm kháng thể sởi, gọi là Attenuvax.
Maurice Ralph Hilleman cùng các cộng sự dùng trứng để nuôi cấy virus sởi, |
Năm 1971, Hilleman kết hợp vaccine sởi, quai bị và rubella thành một mũi tiêm duy nhất, gọi là MMR (Measles, Mumps, Rubella) hiện vẫn đang được sử dụng trên toàn thế giới. Cho đến khi mất (11-4-2005), Hilleman là tác giả của hơn 40 loại vaccine trong đó có 14 loại được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) áp dụng tiêm ngừa cho trẻ em toàn cầu, gồm vaccine sởi, quai bị, viêm gan A, B, thủy đậu, viêm màng não, viêm phổi... Ông được ghi nhận là "người đã cứu nhiều mạng sống hơn bất kỳ một nhà khoa học nào ở thế kỷ 20", và là "nhà vaccine học thành công nhất lịch sử".
Không thể coi thường
Trở lại dịch sởi đang bùng phát ở nước ta, chỉ mới 2 tháng đầu năm 2019, 43 tỉnh thành ở Việt Nam có 429 trường hợp dương tính với sởi và hầu hết đều rơi vào những người không tiêm ngừa.
Theo quy luật, sởi thường xuất hiện vào mùa xuân, đa số tại các thành phố lớn, nơi sự tiếp xúc, chung đụng giữa người lành và người bệnh diễn ra thường xuyên.
Bác sĩ Trần Ngọc Vinh, nguyên Trưởng Khoa Nội A Bệnh viên Nhiệt đới TP HCM nói: "Sởi là bệnh rất dễ lây lan. Nếu trong gia đình có 1 người nhiễm bệnh thì 90% các thành viên khác cũng sẽ nhiễm nếu họ chưa tiêm ngừa. Với trẻ sơ sinh, do được mẹ truyền các kháng thể miễn dịch thông qua nhau thai và kháng thể có thể tồn tại từ 4 đến 6 tháng nên trẻ ít khi mắc bệnh trong giai đoạn này. Tuy nhiên, nhiều bằng chứng cho thấy kháng thể từ mẹ có thể bảo vệ trẻ đến tháng thứ 9 sau khi sinh và đó cũng là lý do tiêm chủng ngừa sởi thường được thực hiện cho trẻ trước 12 tháng tuổi".
Thế nhưng, vẫn có những bậc cha mẹ không muốn đưa con mình đi tiêm ngừa sởi. Một vài trường hợp phản ứng với vaccine như sốt, quấy khóc được một số người thổi phồng trên mạng xã hội, dẫn đến tâm lý e dè, nghi ngại, chưa kể trào lưu "nói không với vaccine" bằng những lập luận phản khoa học. Hậu quả là khi trẻ nhiễm sởi rồi biến chứng viêm tai giữa khiến trẻ giảm thính lực hoặc điếc vĩnh viễn, loét giác mạc dẫn đến giảm thị lực hoặc mù, viêm phổi kẽ, viêm não - màng não rồi tử vong; còn nếu may mắn sống sót, việc điều trị thường phải kéo dài và rất tốn kém.
Theo bác sĩ Trần Ngọc Vinh, các bậc cha mẹ cũng cần phân biệt bệnh sởi với bệnh Rubella (hay còn gọi là bệnh sởi Đức). Ở bệnh Rubella, thời gian ủ bệnh khoảng từ 1 đến 2 ngày, bệnh nhân sốt nhẹ, viêm đường hô hấp nhẹ, dấu hiệu nhiễm độc không rõ, còn ở bệnh sởi, thời gian ủ bệnh từ 2 đến 4 ngày, sốt cao, triệu chứng viêm đường hô hấp từ trung bình đến nặng.
Ở bệnh Rubella, các nốt phát ban có màu đỏ tươi, mọc cùng một lúc, tồn tại khoảng 1, 2 ngày, khi lặn đi để lại vết thâm còn trong bệnh sởi, các nốt phát ban có màu đỏ sẫm hoặc màu nâu, bắt đầu mọc từ sau tai rồi lan xuống tay, chân và toàn thân. Ban tồn tại từ 3 đến 5 ngày trước khi mờ dần.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh sởi vẫn còn phổ biến ở nhiều nước đang phát triển, đặc biệt là ở châu Phi và châu Á. Hơn 95% trường hợp tử vong do sởi xảy ra ở các quốc gia có thu nhập bình quân đầu người thấp và cơ sở hạ tầng y tế yếu kém. Tại nước ta, những năm gần đây mạng lưới y tế cơ sở đã phủ đều khắp mọi miền nên để không nhiễm sởi, các bậc cha mẹ nên cho con đi tiêm phòng đúng lịch. Sự thờ ơ hoặc xem thường có thể sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường.