Bệnh sởi và mối đe dọa của phong trào chống tiêm chủng

Thứ Tư, 17/04/2019, 14:19
Sự gia tăng các ca mắc sởi được thúc đẩy một phần bởi phong trào chống vaccine đang diễn ra trên toàn thế giới. Những bậc phụ huynh không cho con mình đi tiêm chủng đầy đủ vì nghi ngờ vaccine MMR (phòng sởi, quai bị, rubella) gây ra bệnh tự kỷ, mặc dù thông tin này đã bị bác bỏ.

Theo WHO, bệnh sởi đang gia tăng ở 98 quốc gia trên toàn cầu, số ca mắc sởi trên toàn cầu đã tăng 30% kể từ năm 2016, với sự bùng phát kéo dài từ các vùng của Bắc Mỹ đến Đông Nam Á. Bệnh này rất dễ lây lan cho trẻ nhỏ nên đây là đối tượng dễ bị tổn thương nhất với căn bệnh này, cũng như người lớn nhưng có hệ miễn dịch yếu.

Dịch sởi bùng phát ở nhiều nơi trên thế giới đang khiến các cơ quan y tế đau đầu và nêu rõ những nguy cơ của phong trào chống vaccine. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) còn cho rằng sự do dự không tiêm vaccine cho trẻ là mối đe dọa hàng đầu vào năm 2019, do đó hiện một số quốc gia đang hành động để thắt chặt việc tiêm chủng cho trẻ.

Một gia đình ở Madagascar có con tử vong vì bệnh sởi.

Trong tháng 1-2019, Washington đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp khi số ca mắc sởi tiếp tục gia tăng và thậm chí bắt đầu lan sang các khu vực lân cận khác. Theo quan sát của cơ quan chức năng, những đứa trẻ bị bệnh sởi là do cha mẹ đã chọn không cho con họ tiêm phòng. Dịch sởi lần này cũng khiến các nhà làm luật tại Mỹ soạn một bộ luật mới, bắt buộc tất cả trẻ sơ sinh phải được tiêm chủng đầy đủ.

Ở Châu Mỹ, tám tiểu bang của Hoa Kỳ đã phải hứng chịu những đợt bùng phát lớn trong những năm gần đây, bao gồm New York, từ đầu năm 2019 đến nay có hơn 275 trường hợp mắc bệnh sởi, còn tại Washington có hơn bảy mươi trường hợp mắc bệnh sởi. Ở Venezuela có một ổ dịch đã khiến các nước láng giềng đau đầu để ngăn chặn căn bệnh này, vào tháng 6 - 2017, có gần 6.500 trường hợp ở Venezuela bị bệnh sởi và đã có ít nhất 76 người đã chết; ở Brazil có hơn 10.000 trường hợp bị sởi và 12 trường hợp tử vong.

Nhiều người cho rằng, vấn đề cốt lõi mà bệnh sởi bắt đầu lây lan nhanh chóng là những người mà luật pháp địa phương cho phép cha mẹ từ chối tiêm chủng cho con cái của họ. Theo WHO, các chiến dịch tiêm chủng đã giúp giảm 80% số ca tử vong do bệnh sởi trên toàn thế giới từ năm 2000 đến năm 2017. Đến nay, chỉ có 85% trẻ sơ sinh trên thế giới nhận được liều điều trị đầu tiên, và thậm chí có ít hơn số trên nhận được liều thứ hai. Điều này cũng chưa đủ so với tỷ lệ tiêm chủng mà WHO cho là cần thiết để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát phải đạt 95%.

Nếu phong trào chống vaccine tiếp tục tăng lên, có thể có nhiều ổ dịch ở những nơi như Hoa Kỳ, nơi bệnh sởi đã được coi là không xảy ra trong gần hai thập kỷ qua.

Chỉ có hơn 1/3 trẻ em trên hòn đảo rất ít trẻ em Madagascar ở châu Phi được tiêm vaccine bảo vệ.

Năm 2018 số bệnh nhân sởi ở châu Âu tăng kỷ lục, cao nhất trong vòng 10 năm. Trong hơn 82.000 ca bệnh được ghi nhận, 72 người đã tử vong, gần gấp đôi năm 2017. Tại Pháp, Đức, Ý và Vương quốc Anh đều báo cáo dịch sởi lan rộng. 

Năm ngoái, Vương quốc Anh ghi nhận hơn 900 trường hợp mắc sởi, chủ yếu ở trẻ em và thanh thiếu niên chưa được tiêm phòng. Con số này ở Pháp còn cao hơn nhiều, 2.913 ca. Còn tại Ukraine, nơi tỷ lệ tiêm chủng vaccine sởi đã giảm mạnh xuống mức thấp nhất thế giới, nên năm 2018 đã xảy ra một đợt dịch sởi tăng vọt, hơn 53.218  người đã bị nhiễm bệnh sởi.

Sự sụt giảm thảm khốc trên toàn quốc trong phạm vi tiêm chủng khiến cho số trẻ em ở Ukraine ngày càng dễ mắc các bệnh nguy hiểm, những bệnh này có thể phòng ngừa được nếu tiêm chủng đầy đủ.

Còn ở Lục địa đen thì Madagascar, một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới đang ở giữa một trong những đợt bùng phát bệnh sởi tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, vì cơ sở hạ tầng y tế yếu và chi phí mua vaccine tương đối cao đang khiến việc tiêm vaccine nằm ngoài tầm với của nhiều người dân. 

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 14-2 cho biết, ít nhất 922 trẻ em và thanh niên Madagascar tử vong do bệnh sởi kể từ tháng 10 năm ngoái tới nay. Tuy nhiên, đây có thể mới là con số chưa đầy đủ bởi tổng số ca nhiễm bệnh hiện tại ở quốc đảo này đã là 66.000 người.

Vào năm 2018, một chiến dịch tiêm chủng hàng loạt ở Pakistan đã làm chấm dứt một đợt dịch bùng phát, khi số ca mắc bệnh tăng vọt lên hơn 30 ngàn người. 

Còn ở Philippines, đầu năm 2019, các quan chức y tế tuyên bố một ổ dịch ở Manila đã gây nên sự hoảng loạn đối với người dân; đến cuối tháng 2-2019, dịch bệnh đã lan sang một số vùng khác của đất nước này, làm trên 8.400 trường hợp mắc sởi phải nhập viện và 200 người tử vong, tỷ lệ nhiễm sởi ở thủ đô Manila đã tăng hơn 1.000% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Trong vòng 6 tuần đầu năm nay, Nhật Bản cũng báo cáo 167 người nhiễm sởi - tỷ lệ cao nhất trong hơn một thập kỷ trở lại đây.

Ngày 15-02-2019, trực tiếp Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cũng đã trực tiếp cảnh báo người dân về sự nguy hiểm của bệnh sởi và thúc giục các cha mẹ đưa trẻ đi tiêm phòng sởi cho trẻ.

Theo các nhà khoa học, việc dịch sởi bùng phát tại một số nước hiện nay là do tỷ lệ tiêm vaccine phòng sởi không đạt yêu cầu tại nhiều nước và sẽ để lại hậu quả lớn cho sức khỏe người dân cũng như tăng chi phí điều trị so với việc chỉ phải tiêm vaccine sởi thông thường. 

Theo Tổ chức Y tế thế giới, việc không tiêm phòng vaccine sởi, các cuộc xung đột, đói nghèo là nguyên nhân chính làm tăng tới gần gấp đôi số trường hợp mắc sởi trên phạm vi toàn cầu trong năm 2018 (so với năm 2017).

Nguyễn Cảnh
.
.