Bí ẩn hang mặt trăng ở Slovakia

Thứ Tư, 19/08/2020, 22:41
Cuối thu năm 1944, Antonín Horák, viên chỉ huy quân sự người Slovakia đang cố gắng chống lại lực lượng quân Đức Quốc xã (ĐQX) đang chiếm đóng và đuổi chúng ra khỏi biên cương. Lực lượng vũ trang quân đội ĐQX (Wehrmacht) đang tuần tra các vùng hoang dã, và vì thế đơn vị của Antonin Horák đã bị phục kích khi họ đang ẩn náu trong chiến hào.

Gần như toàn bộ đồng đội của Horák đã bị sát hại, bản thân ông bị bắn trọng thương và bị bỏ mặc cho chết. Sự kiện này cũng vô tình dọn đường cho một khám phá sửng sốt ở nơi hoang dã Slovakia, nó đã thu hút vô số sự tưởng tượng và đầu cơ phỏng đoán kể từ thời điểm đó.

Lúc tỉnh dậy, Antonin Horák thấy mình đang nằm trong một ao bùn, nước bùn và cả máu ông vấy khắp người, xung quanh là la liệt xác đồng đội đã tử trận. Cảm xúc lúc ban đầu Horák nghĩ rằng có lẽ mình là người sống sót duy nhất, và may phước là nhờ có hai dân làng tình cờ đi ngang qua đó mà ông đã không nằm lại với các đồng đội của mình.

Cuốn sách “Bí ẩn hang mặt trăng” về câu chuyện thần bí và khó hiểu xoay quanh địa điểm hang mặt trăng và cấu trúc lạ bên trong nó.

Hai người làng đã khiêng Horák trên chiếc cáng tạm thời, và kỳ lạ là còn có hai chiến sĩ Slovakia khác cũng còn sống tại chiến trường, mặc dù cả hai đều bị thương nặng và nằm bất động. Những người làng nói với mấy người lính rằng họ sẽ khiêng đến một cái hang bí mật, nơi đây những người lính tha hồ ẩn náu và dần dần hồi phục. Tuy nhiên, khi vừa chạm tới cái hang, Horák bỗng ngợ ra khi cảm nhận rằng nó không phải là hang động bình thường.

Sở dĩ Horák lấy làm nghi hoặc là khi những người cứu hộ khuyên rằng chớ nên đi sâu vào trong các hốc hang, vì cái hang bị cho là "hang ma" và có nhiều dốc dựng đứng bên trong. Có vẻ như người làng đang giấu giếm cái gì đó và Horák tự nhủ khi có cơ hội nhất định phải đi sâu vào để khám phá xem trong đó có cái gì.

Cơ hội đã đến với Horák vào buổi sáng ngày hôm sau khi vị tù trưởng tên là Slávek nói với những người hành lễ trong lúc xoay mặt về hướng lòng hang, và rồi báo với mấy người lính rằng ông ta sẽ quay trở lại vào buổi chiều.

Khi vị tù trưởng vừa dợm chân đi khỏi, cơn tò mò trong người Horák bỗng nổi lên và thôi thúc ông phải tiến sâu vào bên trong hang. Mới hơi khỏi bệnh nên thể trạng còn yếu và chân đi không vững, nhưng Horák vẫn quyết đứng lên và tập tễnh bước, sử dụng một cây đuốc nhỏ để xuyên màn đêm của hang động.

Không như mong đợi, rõ ràng là các bức tường của hang động không phải là thứ đá thô ráp như thường thấy mà là thứ đá được đánh bóng nhẵn thín như gương soi, như thể nó là một loại kính nào đó có thứ màu xanh nhạt quái dị. Horák bèn quyết định chui sâu hơn nữa vào lòng hang, trong khoảng 90 phút đi lại trong hang, đột nhiên Horák dòm thấy một cái lỗ thông hơi nhỏ trên nền hang.

Men theo cái lỗ thông hơi này đã đưa Horák lọt vào trong một cái buồng khổng lồ, nơi có một hang động với nhiều nhũ đá màu trắng bao phủ lên một loại chất kỳ lạ giống như men, và đứng giữa cái hang động này quả thực là một trải nghiệm lạ thường không sao tả xiết.

Giữa hang là một thứ đồ vật hay một cái trục gì đó khổng lồ được dựng ngay giữa khối đá, nó như thể các vách tường hang động bằng kim loại có màu tối, và còn có những biểu tượng kỳ lạ như một dạng chữ tượng hình được khắc trên bề mặt tường.

Horák tỏ ra rất thận trọng khi tiếp cận cấu trúc dị thường, ông dùng cái guốc bổ vào một bên của cấu trúc và nó phát ra một tiếng vang nhẹ như thể bên trong là rỗng ruột. Chất liệu của cấu trúc lạ như một kiểu mã não được mài sáng bóng, nhưng khi dùng cái cuốc để cố gắng xoay thử nghiệm cấu trúc lạ thì lạ chưa, Horák sửng sốt khi thấy không hề có vết xước hay mẩu sứt mẻ nào trên bề mặt bức tường.

Một số báo cáo còn nói rằng Antonin Horák đã tạo ra lửa bằng khẩu súng lục, nhưng cấu trúc lạ vẫn không suy suyển. Làm hết cách vẫn không khám phá ra cấu trúc lạ là gì, Horák quyết định bò trở lại khu vực cửa hang để lấy một số thứ mà ông cho rằng chúng có thể làm thỏa mãn trí tò mò của mình.

Horák không hé môi với các đồng đội về thứ kỳ lạ mà ông đã thấy sâu trong hang, nhưng ngay khi ấy thời tiết ngày một xấu, đồng nghĩa dân làng cũng không quay lại hang. Horák mượn các đồng đội mấy cái dây nịt và một số dây thừng nhằm mục đích bẫy thú làm thức ăn.

Cùng với các thiết bị mới này, trong những ngày sau đó Horák đã một mình tìm đến cái chỗ có cấu trúc kỳ lạ, và dùng dây nịt cùng dây thừng ông đã leo lên cấu trúc lạ khi chui qua một vết nứt lớn có hình viên kim cương. Bên trong cấu trúc lạ là một cái gì đó như thể đất sét và đá vôi, và âm thanh vang vọng bên trong nó là một cơ chế khuếch đại hết sức bất thường.

Toàn bộ cấu trúc lạ có hình dáng như một mặt trăng lưỡi liềm, và trong lúc tìm tòi khám phá, Horák đã nhìn thấy xác của một con gấu hang động có lẽ là một loài đã bị tuyệt chủng từ lâu, và con gấu đã chết khi vô tình rơi xuống cấu trúc lạ. Sau đó, Horák đã bắn súng vào các bức tường và nó cũng chỉ phát ra những tia lửa xanh kèm khói. Ông cũng tìm thấy một số rãnh ngang trên các bức tường của cái buồng hình trụ, nó có vẻ ấm khi sờ vào. Không có lối vào khác trong hang lạ, và vì vậy Horák quyết định ghi dấu địa điểm và che luôn cái lỗ thông hơi dẫn đến nơi lạ.

Đêm đó dân làng quay trở lại, và các đồng nghiệp cũng thảnh thơi tay chân, điều đó khiến cho Horák không còn cơ hội để khám phá thêm trong cái hang bí ẩn, nhưng ông đã viết về nó cũng như phác thảo tỉ mỉ những cảnh tượng đã thấy trong nhật ký của mình. Cuối cùng, Horák được cứu thoát và quay trở lại quê nhà, nhưng hang động lạ và cấu trúc hình trụ vẫn không phai mờ trong tâm trí ông.

Cho mãi tới tận năm 1965 thì Horák mới quyết định công bố một số phần về các phát hiện lạ thường trong cuốn nhật ký của mình cho tờ Báo hiệp hội hang động học quốc gia (National Speleological Society News), và cái hang lạ mà ông đã nhìn thấy thì được ông đặt tên là "Trục mặt trăng" hoặc "Hang trăng". Việc công bố liền lập tức thu hút nhiều trí tưởng tượng từ các nhà thám hiểm, nhà địa chất học, cùng những người tìm kiếm sự bí ẩn từ khắp thế giới.

Khó khăn cho việc chứng minh hư thực lại nằm ở chỗ bối cảnh chính trị của Tiệp Khắc khi đó đã không tạo thuận lợi cho công tác thám hiểm và bản thân khu vực hang động bị xem là ngoài giới hạn. Còn bản thân ông Antonin Horák (người đã di cư từ Tiệp Khắc sang Mỹ) thường xuyên được mời phỏng vấn với các nhà nghiên cứu. Dù đã từng có nhiều đoàn thám hiểm cất công xác định tọa độ của hang động bí ẩn, nhưng không ai thành công.

Cho đến ngày hôm nay thi thoảng vẫn rộ lên tin đồn đã tìm thấy hang động, nhưng không có bằng chứng thuyết phục. Bí mật về cấu trúc lạ trong hang động đã chìm vào màn sương huyền bí sau khi Antonin Horák qua đời.

Nguyễn Thanh Hải (tổng hợp)
.
.