Bí mật khủng khiếp sau cánh cửa phòng mổ

Thứ Năm, 28/12/2017, 15:13
Những sơ suất chết người của bác sĩ như để quên kim tiêm, băng gạc và thậm chí là chiếc kéo sắc như dao lam bên trong cơ thể bệnh nhân sau khi phẫu thuật, dù thường được đánh giá là những trường hợp hy hữu trong y khoa nhưng thực tế thì chúng lại có tần suất xuất hiện khá cao.

Chỉ tính riêng trong toàn hệ thống các bệnh viện thuộc dịch vụ chăm sóc sức khỏe miễn phí của Vương quốc Anh (NHS) thì số trường hợp được thống kê trung bình là 5 vụ trong 1 tuần. Thậm chí, trong số liệu thống kê mới nhất từ NHS của riêng nước Anh thì trong 4 năm vừa qua tổ chức này đã ghi nhận được gần 1.200 bệnh nhân trên khắp nước này rơi vào những tình trạng "hy hữu" kể trên.

Chết người chỉ vì một mảnh gạc

Rời bệnh viện sau ca phẫu thuật cắt khối ung thư tuyến tiền liệt, Frank Hibbard và gia đình mang trong mình cảm giác nhẹ nhõm như vừa trút được một điều tồi tệ khỏi cuộc sống của mình. Frank Hibbard khi ấy 56 tuổi, đang sống bên vợ và 3 đứa con, được bác sĩ tư vấn rằng, phẫu thuật sẽ giúp ông loại bỏ hoàn toàn tế bào ung thư khỏi cơ thể.

Tin vui này đã khiến Frank trở nên lạc quan hơn từ sau khi nhận được tin mình bị ung thư tuyến tiền liệt. Tuy nhiên, cả gia đình ông không thể ngờ được rằng, từ khi họ rời khỏi Bệnh viện Luton và Dunstable (Anh) vào tháng 10-2001, Frank đã mang theo mình một "quả bom hẹn giờ" - Các phẫu thuật viên đã vô tình bỏ sót một mảnh gạc dài 8cm bên trong vùng xương chậu của Frank.

Sơ suất tưởng như vô hại này lại là nguyên nhân gây ra một loại ung thư mô mềm gọi là sarcoma mạch máu (angiosarcoma). Đến khi căn bệnh được phát hiện vào tháng 3-2014 thì tế bào ung thư đã phát triển quá rộng bên trong cơ thể của Frank và không còn khả năng chữa trị. Frank Hibbard mất ngay trong năm 2014 - ở tuổi 69.

Nếu như chỉ là một tình huống đơn lẻ cá biệt thì chúng ta sẽ dễ dàng kết luận đây là lỗi hiếm gặp trong phẫu thuật. Nhưng những trường hợp sai sót nghiêm trọng trong y khoa này lại xảy ra với tần suất đến 5 lần/ 1 tuần trong toàn hệ thống bệnh viện của NHS.

Quả thật, không khó để có thể liệt kê một số trường hợp sai lầm nghiêm trọng trong y khoa. Chẳng hạn như một người đàn ông cần phẫu thuật u nang, tỉnh dậy sau ca mổ thì phát hiện mình bị mất một bên tinh hoàn hay trường hợp một phụ nữ với bệnh lý ở buồng trứng lại bị mất một quả thận hoàn toàn khỏe mạnh - tất cả chỉ vì sai lầm ngớ ngẩn của phẫu thuật viên khi đọc bệnh án.

Christine và Frank Hibbard trước khi thực hiện phẫu thuật cắt bỏ ung thư tuyến tiền liệt.

Ở trường hợp của Frank, bệnh viện đã không chỉ bỏ quên một mảnh gạc bên trong cơ thể ông mà còn bỏ lỡ nhiều cơ hội để kiểm tra sai sót trong những năm sau đó. Trong những năm dài sau khi phẫu thuật, Frank đã nhiều lần thực hiện chụp cắt lớp - lần thứ nhất vào năm 2003, trước khi thực hiện xạ trị do tế bào ung thư phát triển trở lại và một lần vào năm 2004 khi ông cần phẫu thuật trị thoát vị.

Thật đáng ngạc nhiên khi trong cả hai lần thực hiện kiểm tra chuyên sâu, các bác sĩ vẫn bỏ sót một khối dị vật to bằng cả quả dưa - do lớp da được hình thành bao bọc lấy mảnh gạc - nằm bên cạnh trực tràng và được thể hiện rất rõ trong phim chụp CT của Frank.

Trước năm 2008, trong giai đoạn hưu trí, Frank bắt đầu phàn nàn về chứng đau lưng dữ dội. Đến trước năm 2013, chứng đau lưng trở nên trầm trọng đến mức Frank không thể đi lại và phải sử dụng đến miếng dán có chứa morphine. Các xét nghiệm máu và chụp hình xương đã tìm ra ung thư nhưng sau vài tháng Frank đã sụt cân trầm trọng trông thấy. Cuối cùng, đến tháng 3-2014 các bác sĩ mới phát hiện một khối dị vật khổng lồ trong bụng của Frank. Theo kế hoạch, khối dị vật sẽ được phẫu thuật cắt bỏ, song trong những tuần sau đó, Frank có hiện tượng xuất huyết ở đường trực tràng do khối u phát triển và chèn ép vào trực tràng.

Mảnh gạc bị bỏ quên được kết luận là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng của Frank Hibbard.

Từ đó, sức khỏe của Frank cũng suy giảm một cách nhanh chóng. Những kiểm tra sau đó đã phát hiện Frank mắc phải sarcoma mạch máu - một loại ung thư nguy hiểm và phát triển nhanh xuất hiện bên trong thành mạch máu. Và chỉ trong chưa đầy 4 tháng, Frank Hibbard, đã qua đời.

Vợ của Frank, Christine, một nhân viên thư ký pháp lý về hưu, không lâu sau cái chết của chồng đã vô cùng tức giận khi kết quả khám nghiệm cho biết nguyên nhân gây ra căn bệnh ung thư của Frank là do một mảnh gạc bị bỏ sót trong cuộc phẫu thuật ung thư tuyến tiền liệt cách đó hơn 10 năm.

Báo cáo của điều tra viên ghi nhận: "Có một vài nguyên nhân dẫn đến sự hình thành sarcoma mạch máu bao gồm cả việc mảnh vải y tế hay gạc nằm bên trong ổ bụng trong một khoảng thời gian dài".

Theo đó, mảnh gạc bị bỏ sót trong bụng Frank được xác định là yếu tố chính cho việc hình thành ung thư. Thật ra, nghiên cứu đã chứng minh dị vật từ bên ngoài cơ thể không gây ra ung thư mà do lớp da bao bọc bên quanh chúng tạo thành xơ nang - có chứa những tế bào trung mô có khả năng phát triển thành tế bào ung thư. Christine nghẹn ngào: "Một phần trong tôi như chết đi vào ngày hôm ấy".

Biện pháp ngăn chặn

Khoảng 1/3 những tình huống "tối kỵ" trong y khoa lại rơi vào trường hợp các y bác sĩ bỏ quên bông, gạc hay thậm chí cả dụng cụ phẫu thuật bên trong cơ thể bệnh nhân - nhiều trường hợp ghi nhận mũi khoan, dao mổ, kim tiêm và kéo được phát hiện sau vài tháng hay thậm chí vài năm. Những trường hợp sơ suất tối kỵ trong y khoa như thế này không phải là điều gì mới mẻ mặc dù chính phủ Anh đã có nhiều nỗ lực nhằm ngăn chặn vấn đề một cách triệt để nhất có thể. 

Cách hữu hiệu nhất để các y bác sĩ có thể ngăn chặn những sai lầm ngớ ngẩn này xảy ra là sử dụng một danh sách rà soát - trước và sau khi thực hiện ca mổ, ê kíp sẽ phải kiểm đếm số lượng dụng cụ, bông băng và những vật dụng khác nhằm đảm bảo không còn thứ gì bị bỏ sót trong cơ thể bệnh nhân. Tuy nhiên, dường như việc áp dụng cách thức có phần tỉ mỉ và thủ công này không được các bệnh viện áp dụng đầy đủ.

Điển hình, trước khi thực hiện bất kỳ ca phẫu thuật nào, phẫu thuật viên sẽ thăm khám từng bệnh nhân và đánh dấu vùng sẽ phẫu thuật bằng loại bút lông chuyên dụng với loại mực không dễ bị tẩy rửa.

Tuy nhiên, khảo sát của Tổ chức Nhân tố con người trong ngành y (CHFG) - tổ chức chuyên vận động nhằm hướng đến một dịch vụ chăm sóc sức khỏe an toàn bằng cách chuẩn hóa quy trình kiểm soát sai sót của các bệnh viện - đã phát hiện những khi gấp rút, bút bi thông thường cũng được bác sĩ sử dụng nếu như không có sẵn bút lông y khoa bên cạnh. Đây cũng chính là căn nguyên gây ra những sai lầm nghiêm trọng trong phẫu thuật vì mực bút bi thông thường không được sản xuất để viết lên da và sẽ dễ dàng bị trôi mất.

Từng là một phi công hàng không thương mại, Martin Bromiley, hiện là chủ tịch CHFG, đã trở thành một người đi đầu trong chiến dịch thay đổi cách quản lý rủi ro của NHS từ khi vợ ông, Elaine, qua đời do sai sót trong quá trình phẫu thuật điều trị viêm xoang. Bác sĩ gây mê đã không tuân thủ những quy trình khẩn cấp khi đối phó với tình trạng tắc nghẽn khí quản khiến Elaine tử vong chỉ sau vài giờ.

Một cuộc điều tra độc lập sau đó kết luận cái chết của Elaine là hoàn toàn có thể tránh khỏi. Từ đó, Martin bắt đầu buộc NHS phải chấp thuận áp dụng quy trình kiểm tra an toàn nghiêm ngặt như ngành hàng không. Tức phải dùng đến bảng kiểm đếm và thẳng thắn chấp nhận sai lầm như một lẽ đương nhiên, từ đó rút kinh nghiệm về sau thay vì cố gắng che đậy hay chỉ đơn thuần đưa ra các biện pháp trừng phạt.

Vào năm 2008, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra Bản danh sách An toàn trong Phẫu thuật với 19 điểm, hướng dẫn ê kíp phẫu thuật ngăn ngừa những trường hợp sai lầm không đáng có. Một nghiên cứu được công bố trong Tạp chí Y khoa New England vào năm 2009 đã kết luận phương pháp này đã cắt giảm số trường hợp xuống hơn 30%.

Bản danh sách này đã được Đại học Bác sĩ phẫu thuật Hoàng gia và Đại học Bác sĩ gây mê Hoàng gia của Anh xác nhận. Chỉ trong vòng vài tháng, Cục An toàn Bệnh nhân Quốc gia Anh đã đề nghị các bệnh viện của NHS thực hiện phương pháp này ngay lập tức.

Vẫn tiếp tục sai sót

Tuy nhiên, dường như những sai lầm ngớ ngẩn luôn là một phần của y khoa. Elise Cattle, một bảo mẫu 27 tuổi đến từ Hull - thành phố cảng ở miền đông bắc nước Anh, đã phải trải qua 5 tháng đau đớn và bị nhiễm trùng trước khi phát hiện được một mảnh gạc y tế bị bỏ sót trong ổ bụng từ lần sinh nở vào tháng 8-2012.

Ca đỡ đẻ được thực hiện tại Bệnh viện Bà mẹ và Trẻ em của Hull. Ngày hôm đó, Elise đã mất rất nhiều máu và các hộ sinh phải sử dụng rất nhiều gạc để cầm máu nhưng cuối cùng lại không lấy chúng ra hết.

Elise kể lại: "Tôi chẳng thể ngồi được trong nhiều ngày sau đó và cơn đau cứ thế ngày càng dữ dội hơn. Tôi chỉ biết nằm dài trên sofa trong suốt 5 tuần liền và để bố mẹ tất tả chăm lo mọi thứ. Tôi thậm chí chẳng thể đi đâu xa hơn ngoài cố gắng bước vào nhà vệ sinh". Elise đã tìm đến bác sĩ vài lần và đều được chỉ định thuốc kháng sinh do nghi ngờ nhiễm trùng vùng chậu.

Thống kê trong toàn hệ thống các bệnh viện của NHS, trung bình mỗi tuần có khoảng 5 trường hợp sai sót.

Cho đến lần phát hiện ra nguyên nhân, Elise chia sẻ: "Tôi nói với bác sĩ rằng mình cảm thấy có thứ gì đó muốn rơi ra từ bên trong bụng. Bác sĩ đã kiểm tra và lôi mảnh gạc ra từ bên trong cơ thể của tôi. Sau hàng tháng trời chịu đựng, cơn đau dường như biến mất ngay lập tức". Bệnh viện ngay sau đó thừa nhận sai sót và thỏa thuận một khoản bồi thường 7,500 euro. Tuy nhiên, về phía Elise, sự việc lần đó đã để lại không ít ám ảnh: "Tôi muốn sinh thêm con nhưng sự cố lần đó vẫn khiến tôi sợ hãi".

Năm 2015, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã công bố: Anh là quốc gia có số trường hợp bác sĩ bỏ quên y cụ trong cơ thể bệnh nhân nhiều nhất trong tất cả các quốc gia công nghiệp trên thế giới.

Tuy nhiên, đó cũng chỉ là những trường hợp đã được báo cáo và thống kê. NHS cho biết hằng năm vẫn còn một số lượng lớn những trường hợp tương tự bị che đậy. Vậy, chúng ta nên làm gì để tự bảo vệ mình trước những nguy cơ sai sót trong phẫu thuật có thể xảy ra. Mặc dù biết rằng chúng ta chắc chắn không thể can thiệp gì trong quá trình thực hiện phẫu thuật nhưng vẫn có những cách hữu hiệu có thể áp dụng.

Bác sĩ Anna-Maria Rollin, cố vấn gây mê và chất lượng điều trị tại Đại học Bác sĩ gây mê Hoàng gia, đã chia sẻ: "Hãy yêu cầu bác sĩ giải thích cặn kẽ những gì họ sẽ thực hiện. Chẳng hạn như, giả sử một ngày nào đó bác sĩ bỗng nhiên tiêm thuốc vào tĩnh mạch thay vì dùng thuốc theo đường uống như mọi khi, đừng ngần ngại mà hãy hỏi lại ngay về sự thay đổi này. Đó có thể là chủ ý của bác sĩ hoặc là chúng ta đã ngăn chặn được một sai lầm không đáng có”.

Diên San (tổng hợp)
.
.