Biến đổi khí hậu và câu chuyện sông Mekong

Thứ Sáu, 12/06/2020, 12:16
Châu Á là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. 7/10 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của hiện tượng thời tiết khắc nghiệt này trong giai đoạn 1999-2018 là ở châu Á. Tình trạng mất mùa, thiếu lương thực và thiếu nước chỉ là một vài trong số các tác động.

Tình hình trở nên trầm trọng hơn khi các con đập được xây dựng ở thượng nguồn sông Mekong thường sẽ dẫn đến xung đột địa phương và quốc tế. Bài phân tích của tiến sĩ Felix Heiduk và tác giả Andrea Frenzel trên trang của Viện Nghiên cứu quốc tế và an ninh Đức cho thấy cần thiết phải thiết lập một cơ chế quản lý nguồn nước xuyên quốc gia bền vững cho sông Mekong.

Thách thức biến đổi khí hậu

Hiện tượng thời tiết cực đoan hơn và thiên tai thường xuyên xảy ra ở Đông Nam Á gây thiệt hại đáng kể về sinh thái, con người và kinh tế, xét trong bối cảnh có nhiều thay đổi lớn hơn trong hệ thống sinh thái và xã hội. Một số thách thức đối với sự ổn định quốc gia và khu vực chẳng hạn có liên quan đến sự thay đổi khí hậu có thể được chứng minh.

Sông Mekong chảy qua 6 quốc gia, thông qua hoạt động trồng trọt và bắt cá, cung cấp lương thực cho hơn 65 triệu người ở hạ lưu. Lượng mưa giảm đáng kể trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 10-2019, đặc biệt là ở vùng hạ lưu sông Mekong, đã gây ra một đợt hạn hán kéo dài mà các chuyên gia dự kiến sẽ gây thiệt hại đáng kể cho mùa màng trong năm 2020, thậm chí còn lớn hơn so với mức thiệt hại trong năm 2016. Trước đó, một đợt hạn hán kéo dài do thiếu mưa đã ảnh hưởng đến mùa màng trên diện tích hàng trăm nghìn ha và gây tổn thất đánh giá ước tính hơn 380 triệu USD ở khu vực này.

Tác động tiêu cực của những hiện tượng thiên nhiên cực đoan như vậy càng gia tăng trước những biến động lớn về lượng mưa và sự xuất hiện của những cơn mưa kéo dài trong mùa mua dẫn đến các trận lũ lớn. Trong một thời gian dài, tình trạng này chủ yếu chỉ được xem là vấn đề môi trường. Mãi cho đến gần đây, câu hỏi về sự ổn định và an ninh trước sự xuất hiện của các hiện tượng thời tiết như vậy mới được xem xét một cách nghiêm túc.

Đập Đại Triều Sơn trên sông Lan Thương thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

Những ảnh hưởng của đợt hạn hán lịch sử hiện nay càng trở nên trầm trọng khi mực nước của sông Mekong liên tục giảm trong nhiều năm qua. Năm 2019 và 2020, đặc biệt là ở Đồng bằng sông Cửu Long, mực nước đã giảm xuống mức thấp nhất trong 100 năm trở lại đây. Lượng nước chảy vào đồng bằng ít đi trong khi mực nước biển lại dâng cao, làm tăng độ mặn của đất trồng trọt. Do đó, diện tích dành cho sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp.

Mực nước giảm không chỉ là kết quả của sự thay đổi khí hậu. Một mặt, sự gia tăng dân số và phát triển kinh tế ở khu vực sông Mekong đã khiến lượng nước tiêu thụ từ các nhánh của sông tăng nhanh. Mặt khác, mực nước giảm là do một số lượng lớn các đập được xây dựng ở thượng nguồn.

Trung Quốc, Lào, Campuchia đã xây dựng các nhà máy thủy điện trên sông Mekong và các nhánh của nó trong 20 năm qua để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của khu vực. Họ cho rằng đó là nguồn cung cấp năng lượng sạch. Tuy nhiên, việc xây dựng các đập ở thượng nguồn sông Mekong trên lãnh thổ Trung Quốc đã hạ thấp mực nước và làm thay đổi hệ sinh thái vốn nhạy cảm của khu vực hạ lưu.

Thách thức kinh tế

Tháng 3-2020, trong khi Campuchia công bố lệnh cấm xây dựng đập trên sông Mekong trong vòng 10 năm thì Trung Quốc vẫn tiếp tục thực hiện hoặc lên kế hoạch cho các dự án xây đập khác. Mực nước thấp chủ yếu là vấn đề đối với các quốc gia thuộc khu vực hạ lưu như Việt Nam và Campuchia. Mực nước thấp tác động tiêu cực đến các khu vực phát triển nông nghiệp, đặc biệt là các vùng trồng lúa. Hậu quả là năng suất lúa gạo của Đồng bằng sông Cửu Long giảm. Ngoài ra, mực nước thấp cũng ảnh hưởng đến hoạt động đánh bắt cá do nguồn cá sụt giảm.

Giới chuyên gia đánh giá rằng, các ưu đãi chính sách ngắn hạn trong lĩnh vực kinh tế và năng lượng liên quan đến các dự án xây đập sẽ gây ra hậu quả lớn trong các lĩnh vực chính sách khác, bởi an ninh lương thực và sinh kế của hơn 65 triệu người trong khu vực phụ thuộc trực tiếp vào sông Mekong. Chẳng hạn như việc đánh bắt cá trên sông Mekong đóng góp khoảng 10% tổng sản phẩm quốc dân của Campuchia. Ước tính một phần thu nhập của hơn 2 triệu người Campuchia là từ nghề cá.

Đánh bắt cá nước ngọt không chỉ là một hoạt động kinh tế quan trọng mà còn là yếu tố then chốt đảm bảo an ninh lương thực cho Campuchia. Phần lớn nền nông nghiệp Campuchia dựa vào sông Mekong vì con sông này phục vụ nhu cầu tưới tiêu của nhiều vùng đất và phù sa do sông mang lại có hàm lượng dinh dưỡng lớn nhờ sự lắng đọng trầm tích. Điều này cũng đúng với Lào, Việt Nam và Myanmar.

Khủng hoảng khí hậu và cơ chế quản lý nguồn nước

Những thách thức xuyên biên giới nói trên đòi hỏi sự hợp tác giữa các nước thuộc khu vực sông Mekong một cách chặt chẽ hơn nữa. Các dự án xây đập ở Lào và Trung Quốc đang ảnh hưởng đến nông nghiệp và ngư nghiệp của các nước khu vực hạ lưu. Đặc biệt, Trung Quốc từng bị chỉ trích vì áp dụng cơ chế quản lý nước ở thượng nguồn sông Mekong chỉ phục vụ lợi ích quốc gia của chính họ.

Các nhà phê bình chỉ trích Trung Quốc thu hẹp dòng chảy của sông Mekong thông qua các dự án xây đập và hồ chứa nước ở thượng nguồn. Điều này làm giảm mực nước ở vùng hạ lưu, ảnh hưởng xấu đến hoạt động trồng trọt và đánh bắt cá, đồng thời làm trầm trọng thêm những tác động tiêu cực của hạn hán. Các nhà quan sát cũng chỉ trích việc Trung Quốc tài trợ cho các dự án xây đập khổng lồ ở Lào, như một cách khiến cho nước này phụ thuộc vào Trung Quốc.

Do đó, theo các tác giả, việc quản lý nguồn nước xuyên quốc gia phải tính đến các quan điểm phát triển kinh tế, cũng như các hậu quả xã hội và sinh thái của sự phát triển này, đồng thời phải thỏa mãn các lợi ích vốn xung đột nhau của các chủ thể khác nhau trong khu vực. Những thay đổi lớn trong hệ sinh thái sông Mekong do biến đổi khí hậu được cho là đang làm tăng khả năng dễ bị tổn thương của khu vực và làm trầm trọng thêm các vấn đề kinh tế - xã hội như an ninh lương thực.

Huy Thông (Tổng hợp)
.
.