Bò nhà lai bò tót: Nghiên cứu thất bại, nông dân thành công?
- Vì sao bò tót lai quý hiếm trở thành “xác sống”?
- Bàn giao bò tót “da bọc xương” cho VQG Phước Bình
- Giải cứu đàn bò tót lai "da bọc xương" ở Ninh Thuận
Trại chăn nuôi bò của ông Nguyễn Văn Chuẩn, 50 tuổi, thôn Bạc Rây, xã Phước Bình, Bác Ái, Ninh Thuận được ghi nhận có đến 9 con bò tót lai F1. Ông Chuẩn đã bán 4 con (2 đực, 2 cái) cho Vườn quốc gia Phước Bình, và 4 con (2 đực, 2 cái) cho người ngoài tỉnh với giá từ 30 - 60 triệu đồng một con. Hiện tại, ông Chuẩn đang giữ lại một con đực F1 để hy vọng có thể tiếp tục nhân giống.
Thực tế ghi nhận chưa phải là sự thật khoa học
Tương tự, rẫy kế bên của ông Nguyễn Đình Tích cũng có 6 con F1 khác. Đó là chưa kể số F1 mà một số hộ dân khác trong cùng làng đã bán đi các tỉnh, không đủ thông tin để khẳng định chúng có tiếp tục sinh sản hay không. Theo tài liệu đánh giá của Vườn Quốc gia Phước Bình, con bò tót đực đã thành tiêu bản đã để lại tổng cộng 34 bò lai F1. Con số có thể nhiều hơn, nếu được thống kê đầy đủ. 17 con trong số đó đã thành thương phẩm, đã được bán đi với giá cao gấp 5 lần bò nhà.
Đàn bò đã được Vườn Quốc gia Phước Bình tiếp nhận. |
Gần giống, 15 năm trước, trong quá trình khảo sát làm nhà máy điện hạt nhân Vĩnh Hy, giữa những lo lắng về dân sinh thì có sự phản biện từ các nhà khoa học về việc nguồn thủy sản bên bờ biển Ninh Thuận và ven Vườn Quốc gia Núi Chúa bị ảnh hưởng. Theo họ, nhiệt độ từ nguồn nước làm mát tổ máy đổ ra biển sẽ làm biến đổi nhiệt độ nước, một số loài hải sản sẽ không sinh trưởng một cách bình thường.
Khi dự án đường ven biển Vĩnh Hy - Bình Tiên được xúc tiến, các nhà khoa học và nhiều cán bộ ở Phòng Khoa học - Du lịch Vườn Quốc gia Núi Chúa (Ninh Hải - Ninh Thuận) cũng phản biện và phản đối khá gắt vì con đường này cắt ngang Vườn Quốc gia Núi Chúa. Con đường chỉ có bề ngang 10 mét, không chiếm quá nhiều diện tích nhưng hàng chục loài động vật đặc hữu ở Núi Chúa sẽ bị ngăn trở sinh sản theo tập tính. Bởi, kết quả nghiên cứu khoa học đã chứng minh, một số loài động vật đặc hữu ở đây chỉ bắt cặp giao phối khi cách xa tiếng động cơ 6km. Nếu không nó sẽ stress và không sinh sản.
Quay lại với bầy bò tót ở Vườn Quốc gia Phước Bình. Chúng ta thấy 10 con bò F1 được đưa vào nghiên cứu để sinh sản bảo tồn nguồn gene quý hiếm đều... không đẻ. Có 1 con sinh ra F2 là do tình cờ nó sổng chuồng ra ngoài bãi rừng giao phối với bò của dân. Nó hoàn toàn không phải thành tựu hay sản phẩm khoa học của nhóm nghiên cứu, trong khi báo chí đưa tin bầy bò tót lai của người dân chăn thả ven rừng đã đẻ ra 17 con F1, F2, F3 (?), không bệnh tật. Các chuyên gia cho biết câu chuyện trên có thể được giải thích như sau:
Cơ bản cho thấy khi bò lai bán hoang dã mà đem nuôi nhốt thì nó bị stress, rất khó động dục sinh sản như ngoài tự nhiên. Nhóm nghiên cứu của PGS.TS Lê Xuân Thám không hiểu vì sao đã bỏ qua sinh lý tập tính của đại gia súc nên đem nhốt các con lai vàochuồng nên chúng bị streess thì không động dục được. Không con nào sinh sản theo cách mà nhóm nghiên cứu muốn: nhốt, cho bắt cặp giao phối dưới sự giám sát. Nôm na, loài bò tót đòi "tình yêu" và sự rung động trong hoang dã, nhất định không chấp nhận bị... giám sát tình dục.
Cá là loài biến nhiệt, nghĩa là nhiệt độ có thể tăng hay giảm phụ thuộc vào nhiệt độ môi trường. Khi nhiệt độ môi trường tăng quá cao hay quá thấp sẽ ảnh hưởng đến sự sinh sản của cá. Bò là động vật đẳng nhiệt nên nhiệt độ môi trường không ảnh hưởng nhiệt độ cơ thể. Nhưng ánh sáng, tiếng ồn, tình trạng thiếu không gian (do nuôi nhốt)... lại có thể ảnh hưởng rất mạnh đến sinh lý bên trong làm nó cáu gắt hơn, tính khí bất thường hơn, mệt mỏi hơn, gây streess. Điều này làm ảnh hưởng ít nhiều đến sinh lý sinh sản của chúng.
Ngoài ra còn quan điểm về lai khác loài. Nếu cho rằng lai khác loài không tạo ra F3, như con La, thì sao bò nhà và bò rừng có thể tạo ra F3?
Có khả năng con bò tót cha ban đầu không phải là loài Bos garus như nhóm của PSG.TS Thám giám định Gene và Nhiễm sắc thể mà là loài khác. Loài gì thì không chắc, vẫn có thể giám định ADN bản lưu nhưng sẽ tốn kém và mất thời gian. Nhưng dù sao thì loài này phải có quan hệ rất gần với Bos taurus (bò nhà) mới có thể cho phép sinh sản.
Về vụ con bò lai, có thể hiểu thêm rằng bò lai do nông dân nuôi chúng nó cảm nhận cái tình cảm mà nông dân dành cho nên nó vui vẻ thoải mái, không stress, từ đó sinh sản tốt (dù về mặt lý thuyết khả năng thụ thai rất kém). Ngược lại 10 con bò nhóm nghiên cứu nuôi nhốt, chúng vừa bị tù túng về không gian sinh tồn, vừa luôn bị giám sát, thăm, đo, kiểm tra sinh ra stress và... tắt dục.
Vì tế nhị, hầu như các nhà khoa học, các cán bộ có trách nhiệm đều từ chối việc nêu tên khi được đề nghị nhận xét về công trình nghiên cứu lai bò tót của PGS.TS Lê Xuân Thám. Tuy nhiên, về khoa học, họ đều thống nhất: đó là một dự án nghiên cứu được lập và tiến hành khi chưa hội đủ dữ kiện nghiên cứu, chưa thuyết phục về mục đích và hướng nghiên cứu.
Trước hết, về nguyên tắc, các nhà khoa học đã giải thích vì sao con đực lai lại bất thụ, có thể hiểu là do sự bất tương hợp về nhiễm sắc thể nên bò đực lai đã không tạo được tinh trùng. Các ghi nhận cho thấy bò đực lai sau 24 tháng tuổi đã không tạo ra tinh trùng. Do vậy, các con cái lai đã được sử dụng để "làm giống" để cho phối tiếp tục với con đực nhà thuần khác.
Nhưng, nếu chúng ta có 1 con đực làm giống thì 1 mình con đực có thể phối hàng trăm, thậm chí hàng ngàn con cái, từ đó phát tán nguồn gien quý của nó. Còn khi dùng con cái lai làm giống thì nó chỉ sinh một số hạn chế con non, nghĩa là sự phát tán nguồn gien quý của con bò cái lai này cực kỳ hạn chế.
Điều này cũng nói lên rằng tại sao các chương trình cải tạo giống của các nước trên thế giới khi muốn bò rừng, bò hoang dã cho phối với bò nhà đều thất bại. Vì con đực lai bất thụ do đó chúng bị mổ làm thịt, còn con cái lai lại hạn chế trong việc phát nguồn gene quý mong đợi.
Nhiều vấn đề cần làm rõ về mặt khoa học
Thứ nhất là nhầm lẫn về nhận diện bò nhà nền. Bò nhà gồm bò vàng và bò Brahman mà đề tài sử dụng để phối giống với bò tót rừng lai là Bos indicus chứ không phải Bos taurus. Trong đó Bò Bos taurus sống ở vùng ôn đới, đặc điểm ngoài là không có u vai và không có yếm cổ. Ngược lại bò Bos indicus sống ở vùng ôn đới (trong đó có Việt Nam) có hình thái ngoài là có u vai và yếm cổ. Trong báo cáo đề tài của PGS.TS Lê Xuân Thám (dày hàng trăm trang), kể cả hình ảnh minh họa đều thể hiện rõ ràng bò Brahman có u vai và yếm cổ, đúng nhận dạng là Bos indicus. Đề tài khẳng định bò nền là Bos taurus là sai cơ bản.
Thứ hai là thiếu cơ sở khoa học khi xây dựng các sơ đồ phối giống.
Trong đề tài này, con bò tót đực Bos gaurus (ký hiệu T) phối con bò cái nhà vàng Bos indicus (ký hiệu V) cho ra 5 con đực lai quý hiếm (ký hiệu đực TV vì mang máu lai bò tót rừng và bò vàng nhà) và 5 con cái lai quý hiếm (ký hiệu cái TV). Như vậy 5 con đực lai quý hiếm F1 TV về mặt khoa học sẽ vô sinh. Vậy chỉ có khả năng dùng con cái lai quý hiếm F1 TV để "làm con giống".
Một con bò tót lai F1 do người dân chăn nuôi. (Ảnh: Nguyễn Thanh Sơn) |
Nhưng đề tài không kế thừa các nghiên cứu nước ngoài nên đã không cho kiểm tra sức khỏe sinh sản của con đực, con cái lai quý hiếm F1 TV. Không kiểm tra khả năng sinh tinh của con đực lai quý hiếm; khả năng sinh trứng, chu kỳ động dục... của con cái lai quý hiếm F1 TV. Đề tài cho đực lai quý hiếm F1 TV phối cái bò vàng nhà V cho ra 1 con bò cái lai TVV là một phát hiện "chấn động" đi ngược lại toàn bộ phát hiện của các nhà khoa học thế giới từ trước đến giờ.
Trong kết quả của PGS Thám, không có các minh chứng sức khỏe sinh sản của bò đực lai quý hiếm F1 TV; không phân tích huyết thống để chứng minh con lai này để tìm bò cha và bò mẹ thực sự là con nào. Thay vào đó PGS Lê Xuân Thám chỉ có phép phân tích nhiễm sắc thể là hoàn toàn không đủ để chứng minh về mặt huyết thống. Phép xét nghiệm nhiễm sắc thể chỉ có thể cho biết bò tót rừng hay bò vàng nhà hay con lai mà thôi. Do đó kết quả này không đáng tin cậy như đã nói.
Trở lại với kết quả của những người nông dân. Ghi nhận là 9 năm qua, con đực F1 trong đàn nhà ông Chuẩn đã phối với các bò cái nhà sinh ra được 7 con đực F2. Còn hai con cái F1, chưa rõ giao phối với bò đực bò nhà hay bò đực F1, đã sinh ra 3 con đực F2. Còn con cái F2 cũng sinh ra được 3 con đực F3.
Các kết quả này đều không có minh chứng rõ ràng, không có bất kỳ ghi chép về lịch phối giống, không có kiểm tra huyết thống để khẳng định quan hệ thật sự cha/mẹ/con. Do đó, thực tế chưa đủ để giải thích thành sự thật đáng tin cậy.
Thực tế con đực lai quý hiếm F1 TV vẫn có bản năng sinh dục là động dục nên nhà ông Chuẩn có thể thấy hiện tượng con đực lai quý hiếm F1 TV phối với các con cái trong bầy. Nhưng thực sự chúng không có tinh trùng nên không thể đậu thai. Bên cạnh đó con cái vừa được phối với con đực lai quý hiếm F1 TV nói trên vẫn có thể được một con đực khác phối tiếp.
Đàn bò của ông Chuẩn nhốt chung với nhau và hầu như không có sự nhốt riêng rẽ nghiêm ngặt như các khu chăn nuôi đúng chuẩn nên hiện tượng các con bò đực nhảy từ chuồng này sang chuồng khác để tạp giao là hoàn toàn có thể xảy ra. Một điều không thể không ghi nhận đó là bò F càng thấp thì giá càng cao nên khả năng "tình cờ nhầm lẫn" F của các con non để bán giá cao là có thể xảy ra.
Tín hiệu hồi sinh
Đáng mừng là từ ngày 5/10, 10 con bò tót F1 và 1 con F2 đã được Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng bàn giao cho Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phước Bình để tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo tồn và khai thác nguồn gien bò tót lai quý hiếm. Cùng Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Thuận đã trình UBND tỉnh Ninh Thuận phê duyệt "Đề án khung nhiệm vụ khoa học và công nghệ về quỹ gien cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025", trong đó có dự án "Bảo tồn, sử dụng bền vững nguồn gien bò tót lai F1 giai đoạn 2021-2025".
Ông Nguyễn Công Vân - Giám đốc Vườn quốc gia Phước Bình cho biết vườn đã nhanh chóng triển khai kế hoạch xây dựng đề án để hồi phục và tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo tồn và khai thác có hiệu quả nguồn gien bò tót lai quý hiếm này. Trước mắt, Vườn đã xin tạm ứng 100 triệu đồng từ UBND tỉnh để làm kinh phí chăm sóc đàn, nuôi dưỡng theo mô hình "bán tự nhiên" trên diện tích từ 5-10 ha.
Anh Võ Đăng Khiêm - cán bộ Vườn Quốc gia Phước Bình cho biết: "3 con bò đực và 1 con cái lai F1 thể trạng bình thường. 2 con đực, 2 con cái gầy yếu và 2 con cái F1 gầy yếu, suy dinh dưỡng nhất được nhốt riêng phía trong. Còn 1 con bò lai F2 vì đang mang thai, nên được thả ra cho ăn theo đàn bò người dân. Buổi sáng chúng được ăn cỏ tươi, sau đó được cho ăn cám và sinh khối bắp, chiều nhân viên cắt cỏ tươi cho ăn tại chuồng và chở thêm rơm khô cho chúng ăn dặm".
Với cách chăm sóc này, dự kiến để cho bò phục hồi như ban đầu, thời gian ít nhất cũng phải mất tới 3 tháng.