Ca cấy ghép xương chậu nhân tạo đầu tiên
Êkíp phẫu thuật do Giáo sư bác sĩ Alessandro Massena đứng đầu, tiến hành ca mổ kéo dài gần 12 tiếng đồng hồ cho một bệnh nhân 18 tuổi người Turin, bị chứng ung thư xương chậu nan y đang đối mặt với nguy cơ tử vong, nếu không được phẫu thuật thay thế kịp thời phần xương bị hủy hoại, bởi sau 16 đợt hóa trị liên tục trong vòng một năm tại Bệnh viện Ung bướu Regina Margherita ở Florence, đoạn u xương ác tính vẫn "trơ lì" không thể triệt tiêu.
Ca phẫu thuật kéo dài suốt 12 giờ liền. |
Kích thước phần xương chậu thay thế được đo bằng kỹ thuật cộng hưởng từ hạt nhân, với độ chính xác tuyệt đối đến phần triệu milimét trước khi đem tạo khuôn, để đúc ra đoạn xương nhân tạo đáp ứng yêu cầu phẫu thuật. Thành phần chính của xương nhân tạo cấu thành từ chất liệu titanium siêu nhẹ, được bọc bằng vật liệu tantalum siêu bền do các nhà khoa học Mỹ ở tiểu bang California chế tạo.
Phát biểu của nữ Giáo sư Franca Fagioli, Giám đốc CTO nói trước báo giới sau khi ca phẫu thật nan giải kết thúc thành công, thì đúng ra ca mổ được tiến hành qua 2 giai đoạn liên tiếp.
Êkíp phẫu thuật đầu tiên được dẫn dắt bởi Tiến sĩ Y học Raimondo Piana, Trưởng Khoa Phẫu thuật ung thư thuộc CTO, tiến hành cắt bỏ đoạn u xương ác tính. Kế đến là nhiệm vụ của nhóm bác sĩ do Giáo sư A. Massena đứng đầu thực hiện việc cấy ghép đoạn xương chậu nhân tạo. Sau khi hồi tỉnh trong phòng hậu phẫu, bệnh nhân được đưa sang khu chăm sóc đặc biệt để theo dõi đề phòng các biến chứng có thể xảy ra.
Đoạn xương nhân tạo trước khi được cấy ghép. |
Theo tiên liệu của bà Fagioli: "Các kết quả nghiên cứu hậu phẫu chuyên sâu cho thấy, rằng bệnh nhân đã bắt đầu có cảm giác ở đoạn xương nhân tạo vừa được thay thế. Nếu không có gì thay đổi, sau khoảng một tháng nữa người bệnh có thể tự đi lại được, chấm dứt quá trình nằm bất động hàng năm trời trước đó".