Cách chống bệnh dịch thời xưa

Thứ Sáu, 21/08/2020, 20:45
Cách đây vài trăm năm, từ lúc loài người chưa tìm ra vaccine, khi bệnh dịch xuất hiện đã có nhiều phương pháp phòng bệnh lây lan là tiền đề cho ứng dụng hiện nay: rửa tay, cách ly xã hội, đeo khẩu trang… Những biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả rõ rệt.


Rửa tay

Rửa tay nhằm giảm sự lây lan của dịch bệnh là một biện pháp vệ sinh phổ biến ngày nay nhưng việc rửa tay thường xuyên vẫn là một khái niệm mới mẻ vào đầu thế kỷ 20. Để khuyến khích hành động này, các phòng vệ sinh dành riêng cho khách đã được lắp đặt ở tầng trệt của mỗi ngôi nhà như một cách để bảo vệ gia đình khỏi các loại vi khuẩn từ những vị khách hoặc những người chuyển phát đồ. Trước đó, những vị khách thường đi thẳng vào nhà và đem theo các loại vi khuẩn từ bên ngoài.

Lý thuyết về vi khuẩn là một khái niệm tương đối mới khi các nhà khoa học như Louis Pasteur, Joseph Lister và Robert Koch đưa ra vào giữa những năm 1800 rằng, dịch bệnh gây nên từ những vi khuẩn không thể nhìn bằng mắt thường. Đặt nhà vệ sinh ở tầng dưới là một biện pháp hữu hiệu khuyến khích mọi người dễ dàng rửa tay trước khi vào nhà.

Đeo khẩu trang mùi hương

Các bác sĩ điều trị cho bệnh nhân trong đại dịch hạch thường phải đeo những chiếc khẩu trang trông giống mỏ chim dài. Họ đã có một ý tưởng phù hợp bởi những "chiếc mỏ chim dài" này có thể tạo ra sự giãn cách xã hội giữa bác sĩ và bệnh nhân, cũng như phần nào che phủ miệng và mũi của họ. 

Tuy nhiên, họ đã sai về mặt khoa học khi cho rằng dịch bệnh lây lan là do những mùi khó chịu trong không khí và những chiếc mỏ này thường được nhồi các loại cỏ có mùi hương bên trong với niềm tin là việc này sẽ ngăn được bệnh tật.

Đeo khẩu trang phòng dịch. Ảnh GM.

Trong đại dịch cúm năm 1918, những chiếc khẩu trang trở thành phương tiện hiệu quả nhất để ngăn dịch bệnh lây lan. Việc đeo khẩu trang là quy định bắt buộc tại San Francisco, Mỹ vào tháng 9/1918 và những người không tuân theo quy định này sẽ bị nộp phạt, bỏ tù hoặc bị nêu tên trên các tờ báo. 

Tuy nhiên, báo chí không chỉ nêu tên những người này mà còn đưa ra các chỉ dẫn về cách đeo khẩu trang tại nhà. Mọi người thậm chí đã có những sáng tạo độc đáo với những chiếc khẩu trang và trang Seattle Daily Times thậm chí còn có một bài báo với tiêu đề: "Bộ sưu tập thời trang khăn che mặt phòng cúm" vào tháng 10/1918.

Lớp học ngoài trời

Trong khi câu hỏi liệu có nên hay không nên quay lại trường học là một chủ đề phức tạp trong đại dịch COVID-19 thì đây không phải lần đầu tiên các trường học phải đau đầu trước vấn đề này.

Lớp học cách ly tại Đức năm 1939. Ảnh GM.

Mặc dù khuyến khích hoạt động ngoài trời không phải lúc nào cũng là một ý tưởng hay nhưng biện pháp này từng giúp kiềm chế sự lây lan bệnh lao phổi vào đầu những năm 1900, dịch bệnh từng cướp đi sinh mạng của 450 người Mỹ/ngày với phần lớn là trẻ em. Đức đã tiên phong trong việc tổ chức các lớp học ngoài trời và vào năm 1918, hơn 130 thành phố ở Mỹ cũng tổ chức học tập theo hình thức này.

Cách ly khi mua bán

Đại dịch COVID-19 không phải là đại dịch đầu tiên bùng phát ở Italy. Trong đại dịch hạch ở Italy (1629 - 1631), các cư dân vùng Tuscany đã nghĩ ra một cách sáng tạo để bán được rượu mà không cần rời khỏi nhà gọi là "cửa sổ rượu" (buchette del vino).

Những ô cửa sổ hẹp khi đó đã được thiết kế trên tường nhằm giúp người bán chuyển các món hàng của họ cho các khách hàng đang đứng chờ. Những người bán rượu vào thế kỷ 17 thậm chí đã sử dụng dấm để khử trùng khi nhận tiền từ khách hàng. Có khoảng hơn 150 cửa sổ rượu ở thành phố Florence, và 400 năm sau đại dịch hạch, chúng một lần nữa lại được sử dụng để phục vụ cho các khách hàng mua mọi thứ từ rượu, cà phê cho tới kem trong đại dịch COVID-19 ở Italy.

Cách ly

Lần đầu tiên biện pháp cách ly được thông qua để trở thành luật tại thành phố cảng Ragusa (ngày nay là Dubrovnik ở Croatia) là vào ngày 27/7/1377 trong Đại dịch hạch, hay còn gọi là Cái chết Đen. Luật này quy định: "Những người đến từ các khu vực có dịch hạch sẽ không được vào thành phố Ragusa trừ khi dành 1 tháng cách ly trên đảo Mrkan hoặc tại thị trấn Cavtat vì mục đích tránh lây nhiễm". 

Vào thời điểm đó, các bác sĩ nhận thấy sự lan rộng của Cái chết Đen đã chậm lại qua việc cách ly các cá nhân này.

Cách ly cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đối phó với dịch cúm năm 1918, hay còn gọi là cúm Tây Ban Nha tại các thành phố của Mỹ vào thế kỷ 20 sau khi những người lính trở về từ Thế chiến I. Tại San Francisco, những người đến đây bằng đường biển đều bị cách ly trước khi vào thành phố. 

San Francisco và St. Louis cũng cấm tụ tập đông người cũng như yêu cầu các trường học và rạp chiếu phim đóng cửa. Philadelphia là một minh chứng cho thấy việc không cách ly sẽ gây ra hậu quả như thế nào khi 72 giờ sau một cuộc biểu tình trên quy mô lớn, 31 bệnh viện của thành phố này đều hết sức chứa.

Nguyễn Hoàng (theo History)
.
.