Cấm vũ khí hạt nhân - được hay không?

Chủ Nhật, 16/07/2017, 08:36
Hơn 70 năm sau khi thế giới chứng kiến sức mạnh hủy diệt của vũ khí hạt nhân tại Nhật Bản, thế giới đạt được thỏa thuận về hiệp định cấm vũ khí hạt nhân toàn cầu tại hội nghị đàm phán kết thúc hôm 7-7 tại trụ sở Liên Hiệp Quốc.

Bản dự thảo hiệp định dài 10 trang đã được mang ra thảo luận lần cuối với 192 thành viên LHQ tham dự. Sau nhiều tháng đàm phán, điều chỉnh, đây là bản dự thảo hoàn chỉnh nhất, được nhiều quốc gia ủng hộ nhất. Kết quả bỏ phiếu hôm 7-7 có 122 quốc gia ủng hộ việc thông qua hiệp định, 9 quốc gia có sở hữu vũ khí hạt nhân không tham gia bỏ phiếu, trong đó có Mỹ, CHDCND Triều Tiên, và một bỏ phiếu chống (Hà Lan).

Theo kế hoạch, bản dự thảo hiệp định cấm vũ khí hạt nhân sẽ được mang ra trình tại hội nghị thường niên Đại hội đồng LHQ để các nước thành viên ký tên phê chuẩn hiệp định, bắt đầu từ ngày 20-9 tới. Tiếp đến, 90 ngày sau khi có từ 50 quốc gia trở lên phê chuẩn, Hiệp định sẽ chính thức có hiệu lực pháp lý.

Hội nghị của LHQ về hiệp định cấm vũ khí hạt nhân. Ảnh: AFP.

Sau khi cuộc bỏ phiếu thành công, cả hội trường vỡ òa vui mừng, vì rốt cuộc một bước đi hướng đến việc phi hạt nhân hóa toàn cầu cũng đã được thực hiện, dù đây chỉ mới là bước đi đầu tiên và vẫn còn lắm chông gai phía trước. Thực tế ngay khi hiệp định được các nước đồng thuận thông qua, nó đã bị nhiều nước, trong đó có Mỹ và các đồng minh thân cận, công khai bác bỏ, gọi đó một hành động sai trái, lừa dối.

Sau khi hiệp định được thông qua, Mỹ, Anh và Pháp đã đồng loạt tuyên bố “không bao giờ ký tên phê chuẩn hay tham gia hiệp định này. Trong tuyên bố chung, 3 cường quốc hạt nhân này cho rằng, “cấm vũ khí hạt nhân có chủ đích nhưng không đề cập rõ ràng những mối bận tâm về an ninh vốn là lý do cho sự cần thiết phải răn đe bằng vũ khí hạt nhân, thì không thể mang đến kết quả xóa bỏ vũ khí hạt nhân và cũng sẽ không đảm bảo an ninh cho bất kỳ quốc gia nào hay hòa bình, ổn định của thế giới”.

Elayne Whyte Gómez, chủ tịch hội nghị đàm phán thông qua hiệp định cấm vũ khí hạt nhân của LHQ, vui mừng sau khi hiệp định được thông qua.

Các nhóm vận động giải giáp vũ khí nhân hóa và ủng hộ hiệp định nói rằng họ không mong đợi các cường quốc hạt nhân tham gia phê chuẩn hiệp định, vì chắc chắn đây là điều họ không mong muốn. Nhưng người ta vẫn hy vọng sự đồng tình ủng hộ hiệp định rộng rãi sẽ tạo nên một sự lan tỏa để từng bước gia tăng áp lực của cộng đồng và việc bị xem là “mối đe dọa hạt nhân của thế giới” sẽ dần dần thuyết phục các cường quốc tham gia.

Một vấn đề không nhỏ cũng được đặt ra là liệu việc cấm vũ khí hạt nhân sau khi hiệp định được phê chuẩn và có hiệu lực có khả thi hay không. Thế giới cũng từng có những hiệp ước cấm vũ khí hóa học và vũ khí sinh học, mìn sát thương và bom chùm từng một thời được xem là hợp lý, được chấp nhận rộng rãi nhưng đến nay được xem như “lá bùa vô hiệu”, không thể ngăn được tình trạng sử dụng phổ biến các loại vũ khí này.

Thậm chí, mìn sát thương còn được sử dụng nhiều hơn tại các điểm nóng xung đột trên thế giới, và những đối tượng tham gia các cuộc xung đột đó không quan tâm có lệnh cấm hay không.

Các đại sứ Mỹ và Anh tại hội nghị, không tham gia bỏ phiếu.

Vũ khí hạt nhân là đối tượng phức tạp hơn nhiều so với các loại vũ khí nêu trên. Từng là đối tượng hạn chế, cấm phổ biến từ sau chiến tranh thế giới lần thứ II, sau khi Mỹ ném 2 quả bom hạt nhân xuống 2 thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản, cho đến nay thế giới vẫn chưa hề giảm đi sự hiện diện của vũ khí hạt nhân.

Sự hủy diệt khủng khiếp của 2 quả bom hạt nhân đó đã châm ngòi cho cuộc chạy đua vũ trang chế tạo bom hạt nhân chưa từng có trong lịch sử nhân loại suốt nhiều thập kỷ. Và từ năm 1998 thế giới đã chứng kiến sự xuất hiện thêm 3 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân mới là Israel, Ấn Độ và Pakistan. Iran có chương trình nghiên cứu hạt nhân chưa đạt đến mức độ sản xuất vũ khí đã phải dừng lại do sức ép của Mỹ và cộng đồng thế giới, còn CHDCND Triều Tiên thì đang trên đường hoàn thiện quả bom hạt nhân đầu tiên sau 6 lần nổ thử bất chấp áp lực của cộng đồng thế giới.

Song song với chạy đua vũ trang hạt nhân là những nỗ lực hạn chế, cắt giảm kho vũ khí hủy diệt hàng loạt của thế giới, nhưng những nỗ lực đó đến nay chỉ mang lại kết quả rất hạn chế, so với những gì thế giới vẫn đang phải canh cánh lo lắng.

Văn Trương (tổng hợp)
.
.