Can thiệp thần kinh - Giải pháp hay cơn ác mộng đạo đức

Thứ Hai, 25/03/2019, 20:23
Con người đang sắp bước vào kỷ nguyên mới về can thiệp thần kinh. Liệu điều đó có giúp ích cho hệ thống tư pháp hình sự hay sẽ tạo ra một cơn ác mộng về đạo đức?

Một nhóm nhà khoa học ở Tây Ban Nha có kế hoạch bắt đầu một nghiên cứu liên quan tới việc đặt các điện cực lên trán tù nhân và đưa dòng điện vào não họ. Dòng điện sẽ nhằm vào vùng vỏ não trước trán - một khu vực đóng vai trò trong hành vi xã hội và ra quyết định. Các nhà khoa học cho rằng kích thích khu vực này hoạt động nhiều hơn có thể khiến các phạm nhân bớt hung hăng.

Kỹ thuật này được gọi là kích thích dòng điện trực tiếp xuyên sọ (tDCS). Đây là một hình thức can thiệp thần kinh, tức là nó tác động trực tiếp lên não. Sử dụng biện pháp can thiệp thần kinh trong hệ thống tư pháp hình sự rất gây tranh cãi. Trong những năm gần đây, các nhà khoa học và triết học đã tranh luận về điều kiện áp dụng biện pháp trên sao cho hợp đạo đức.

Sử dụng can thiệp thần kinh trong hệ thống tư pháp hình sự còn nhiều tranh cãi.

Nhóm nhà khoa học Tây Ban Nha là nhóm đầu tiên thử sử dụng biện pháp tDCS với tù nhân. Ông Andres Molero-Chamizo, một nhà tâm lý học tại Đại học Huel và là nhà nghiên cứu chính trong thí nghiệm hy vọng tDCS có thể khiến cuộc sống của tù nhân tốt hơn khi biện pháp này làm cho môi trường nhà tù ít bạo lực hơn với những người sống bên trong. Biện pháp cũng có thể là một phương pháp cải tạo giúp tù nhân sớm có thể được thả tự do.

Tuy nhiên, thử nghiệm những kỹ thuật như tDCS với tù nhân đặt ra quan ngại nghiêm trọng về đạo đức. Nhiều nhà triết học đã chỉ trích điều này. Trước đây, can thiệp y sinh học trong hệ thống tư pháp hình sự hầu như chỉ áp dụng với tù nhân phạm tội tình dục bằng cách thiến hóa học. Trong đó, thuốc giảm dục năng được sử dụng ở châu Âu và Mỹ.

Giả sử Bộ Nội vụ Tây Ban Nha lại cho phép thực hiện thí nghiệm, đây sẽ là các bước của nghiên cứu. Một nhà tâm lý học sẽ dùng dòng điện chạy vào não của tù nhân trong 15 phút mỗi ngày và liên tục trong ba ngày. Dòng điện này nhẹ, không đau và không gây tác dụng phụ, cảm giác chỉ như ngứa trên da.

Đối tượng nghiên cứu cũng sẽ gồm cả sinh viên tâm lý học. Như tù nhân, sinh viên sẽ được giải thích về quy trình và phải ký đơn đồng ý. Ông Molero-Chamizo cho biết những người này là tình nguyện viên không công, một số đang học trong lớp của ông và quan tâm tới quy trình hoạt động của tDCS.

Trước khi được chạy dòng điện, người tham gia sẽ điền bảng hỏi, trong đó yêu cầu họ trả lời xem có đồng ý với những câu có sẵn hay không. Ví dụ như: "Tôi đôi khi cảm thấy mình như thùng thuốc súng chực phát nổ". Cuối nghiên cứu, người tham gia sẽ điền bảng hỏi tương tự. Các nhà nghiên cứu sẽ phân tích sự khác biệt trong câu trả lời để tìm ra tác động của tDCS.

Nói cách khác, nhóm nhà khoa học sẽ không thể khẳng định can thiệp thần kinh làm giảm hành vi bạo lực với tù nhân hay không. Điều đó sẽ phụ thuộc vào mức độ hung hăng mà tù nhân tự nhận. Đây không phải là biện pháp lý tưởng mặc dù nó khá phổ biến trong bối cảnh nhiều khó khăn đạo đức và thực tiễn khi theo dõi hành vi bạo lực.

Ông Molero-Chamizo cũng hy vọng thu thập mẫu nước bọt của người tham gia để xem nồng độ cortisol của họ ra sao. Đây là chỉ số căng thẳng liên quan tới tình trạng hung hăng. Tuy nhiên, ông chưa được chấp nhận về mặt đạo đức để thực hiện phần này.

Thí nghiệm được đề xuất tương tự với nghiên cứu trước đó của ông Molero-Chamizo. Nghiên cứu này phát hiện ra kích thích bằng điện vào vỏ não trước trán trong 15 phút mỗi ngày và ba ngày liên tục làm giảm mức độ hung hăng theo ghi nhận của tù nhân. Người tham gia gồm 41 tù nhân nam, trong đó có 15 người bị kết án vì tội giết người. Sinh viên không tham gia nghiên cứu này. Nhóm kiểm soát gồm các tù nhân được gắn điện cực lên trán nhưng không có dòng điện. Thí nghiệm này cũng không thu mẫu nước bọt.

Ông Molero-Chamizo thiết kế nghiên cứu mới nhằm giải quyết hạn chế của nghiên cứu đầu tiên. Nghiên cứu đầu tiên chỉ xem điều gì xảy ra khi hoạt động vỏ não trước trán được tăng cường bằng kích thích điện. Nghiên cứu mới nhằm ghi lại điều gì xảy ra khi hoạt động ở khu vực não này cố tình bị giảm đi.

Ngoài vấn đề khoa học của các nghiên cứu, có một số vấn đề đạo đức cần phải cân nhắc nghiêm túc.

Vấn đề lớn nhất liên quan tới sự đồng ý tham gia nghiên cứu. Tù nhân bị giam giữ trái ý muốn và do đó việc họ tình nguyện tham gia chỉ mang tính tương đối. Ông Roland Nadler, một nhà đạo đức thần kinh tại Đại học Ottawa cho rằng khi các phạm nhân ký đơn đồng ý, họ có thể thực hiện dưới áp lực tâm lý nào đó.

Một quan ngại khác về phương pháp can thiệp thần kinh là nó đặt gánh nặng cải tạo hệ thống nhà tù còn nhiều lỗ hổng lên vai tù nhân. Tù nhân được kỳ vọng thay đổi não bộ trong khi chính hệ thống nhà tù mới là thứ cần thay đổi. Ông Nadler nói: "Với tôi, đây là một tình thế tiến thoái lưỡng nan liên quan tới đạo đức".

Ngoài ra, còn có ý kiến phản đối cho rằng can thiệp y sinh học có thể xóa bỏ ý chí tự do của con người. Nếu công cụ giúp con người có hành vi hợp đạo đức hơn trở nên phổ biến, con người có thể bị yêu cầu sử dụng chúng, khiến chúng ta cảm thấy bị áp lực tham gia các cuộc điều trị như vậy.

Tuy nhiên, một số nhà triết học cho rằng can thiệp thần kinh có thể là một công cụ căn bản để xóa bỏ tình trạng tống giam hàng loạt. Nếu nhiều tù nhân được chữa trị nhanh chóng cơn hung hăng thì rõ ràng sẽ không cần giam giữ quá nhiều người trong quá nhiều năm. Ông Molero-Chamizo nhấn mạnh biện pháp can thiệp thần kinh của ông chỉ xâm lấn ở mức tối thiểu, rất dễ làm, rẻ tiền, linh động.

Hơn nữa, nếu nghiên cứu trên được tiếp tục, ông Molero-Chamizo cho rằng có thể ứng dụng với người dân bình thường. Nếu tDCS được chứng minh có hiệu quả trong giảm hành vi phản xã hội và được pháp luật cho phép, người ta có thể thực hiện can thiệp thần kinh trong nhà tù, bệnh viện hoặc tại nhà riêng.

Một số nhà triết học cũng cho rằng chúng ta có nhiệm vụ phát triển công cụ mới để biến con người thành loài có đạo đức hơn. Nếu không, chúng ta có thể tự kích hoạt sự hủy diệt chính chúng ta qua biến đổi khí hậu và các rủi ro thảm họa toàn cầu khác.

Nhật Minh
.
.