Cảnh báo Windows 10 vi phạm quyền riêng tư
Hàng trăm bình luận xuất hiện rầm rộ trên các trang như Hacker News và Reddit chỉ trích thẳng thắn những cài đặt mặc định tự động gửi thông tin cá nhân người dùng đến hệ thống máy chủ của Microsoft, sử dụng băng thông để upload dữ liệu đến các máy tính khác đang chạy hệ điều hành của công ty, chia sẻ mật khẩu wifi với các bạn bè trực tuyến và gỡ bỏ khả năng chọn bản cập nhật bảo mật. Nhiều người dùng còn than phiền về các quảng cáo được cá nhân hóa tích hợp sẵn trong Window10.
Khi hệ điều hành được cài đặt, Microsoft tự động gán cho người dùng một mã ID quảng cáo duy nhất liên kết với địa chỉ email đăng ký với công ty. Địa chỉ email này cũng kết hợp với một lượng lớn các dịch vụ khác - như các sản phẩm và chương trình truyền thông của công ty, cũng như ứng dụng download và upload sử dụng dịch vụ lưu trữ đám mây. Khi sử dụng thông tin này, Microsoft dễ dàng dội mưa bom quảng cáo được cá nhân hóa đến người dùng khi họ đang truy cập Internet và sử dụng các ứng dụng mới được tải từ Windows Store.
Ước tính có hơn 14 triệu thiết bị đang chạy Windows 10 sau khi Microsoft phát hành. |
Hơn nữa, Microsoft cũng có thể thay đổi phiên bản game đánh bài mặc định Solitaire (có từ năm 1990 với phiên bản hệ điều hành Windows 3.0) thành game gọi là freemium (vừa miễn phí tải xuống vừa phải bỏ tiền ra mua item) "đính kèm" theo hàng loạt quảng cáo gây khó chịu cho người dùng nhưng không thể vô hiệu hóa các quảng cáo trên. Ngoài ra, Windows 10 cũng thu thập thông tin người dùng để cài đặt công cụ trợ lý ảo với giọng nói Cortana - ứng dụng của Microsoft cạnh tranh với Siri của Apple.
Theo Microsoft, Cortana thu thập và sử dụng đủ mọi loại dữ liệu người dùng - như là vị trí thiết bị, lịch sinh hoạt, ứng dụng được sử dụng, email và tin nhắn văn bản, cuộc gọi đi và tương tác giữa các máy.
Người dùng cũng chỉ trích các điều khoản sử dụng Windows 10 dài đến 45 trang với 13 màn hình khác nhau, giúp cho Microsoft có nhiều quyền thu thập thông tin cá nhân. Microsoft cho biết, chính sách của họ là thu thập thông tin người dùng để giúp cải thiện và cung cấp dịch vụ cá nhân hóa được tốt hơn. Sự can thiệp vào quyền riêng tư người dùng của Micrsoft được phơi bày khi vào năm 2014 công ty xâm nhập tài khoản hotmail của một blogger do nghi ngờ đối tượng liên quan đến sự rò rỉ phiên bản đầu tiên của Windows 10.
Sau khi hứng chịu nhiều chỉ trích về sự lạm quyền, Microsoft bắt đầu thắt chặt chính sách về quyền riêng tư của công ty đồng thời hứa hẹn xem xét tính pháp lý trong những quy định nội bộ trước khi thực hiện những việc làm tương tự trong tương lai. Đối với 45 trang quy định điều khoản sử dụng Windows 10, Tổ chức về Quyền kỹ thuật số châu Âu (EDRi) nhận định: "Về cơ bản, Microsoft tự cho mình có quyền hạn rất rộng để thu thập mọi thứ mà người dùng nói, viết hay thực hiện trên máy tính để sau đó bán cho công ty quảng cáo hay dữ liệu người dùng cho bên thứ 3".
Phát biểu trên tờ The Times, EDRi cũng cho rằng chính sách của Microsoft "không chỉ là tin xấu cho sự riêng tư của người dùng mà quyền tự do ngôn luận cũng có thể bị vi phạm trên cơ sở không theo thể thức nào". Còn Giám đốc Điều hành EDRi Kirsten Fiedler nhận định: "Không giống như hứa hẹn của Microsoft, 45 trang điều khoản sử dụng dịch vụ của công ty không hoàn toàn trung thực. Các công ty trực tuyến cũng nên bắt đầu giải thích các điều khoản của họ một cách dễ hiểu để chúng ta có thể lựa chọn các dịch vụ muốn sử dụng".
Công ty Microsoft ở Redmond, Washington (Mỹ). |
Emma Carr, Giám đốc Tổ chức Giám sát quyền riêng tư Big Brother Watch (BBW) của Anh lập luận: "Với chính sách riêng tư của Wondows 10 quá rộng, người dùng lo ngại về việc dữ liệu của họ bị thu thập. Do đó, việc bảo đảm người dùng kiểm soát được dữ liệu của mình là yếu tố cơ bản. Để trấn an người dùng, Microsoft nên có những bước tiếp theo để bảo đảm người dùng được cảnh báo hoàn toàn đầy đủ về dữ liệu cá nhân nào bị thu thập và cách để kiểm soát hành vi thu thập dữ liệu".
Về phần mình, người phát ngôn của Microsoft cho biết: "Windows không thu thập thông tin cá nhân nếu không có sự đồng ý từ người dùng. Để cung cấp cho khách hàng ứng dụng Windows hiệu quả, Microsoft thu thập một số thông tin về sự sử dụng để giúp cho hệ điều hành và các ứng dụng hoạt động ổn định. Microsoft sử dụng thông tin từ người dùng để xác định các vấn đề và phát triển bản sửa lỗi. Microsoft cũng biện minh rằng động thái của công ty có thể bị coi là táo bạo đối với một số người, song nó cũng không khác biệt với chính sách của các công ty công nghệ lớn khác.
Ví dụ, các điều khoản riêng tư của Google cho phép công ty phân tích email người dùng để cải thiện sản phẩm của họ. Trong khi đó, Siri và Google Now đều tùy thuộc khả năng sử dụng thông tin cá nhân người dùng để đáp ứng yêu cầu cá nhân.