Từ vụ một bệnh nhân tử vong ở Hải Dương:

Cảnh giác với bệnh não mô cầu

Thứ Hai, 29/02/2016, 19:00
Em Đỗ Thị Xuyến (SN 1998, học sinh lớp 12 Trường Lương Thế Vinh, trú tại khu Thượng Đạt, phường Tứ Minh, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương), xuất hiện sốt nhẹ, đau đầu vào ngày 20-2. Khoảng 19 giờ cùng ngày, em bị ngã khi đi vệ sinh nên gia đình đưa đến khám và điều trị tại Bệnh viện (BV) đa khoa Hải Dương.

Tại đây, bệnh nhân Xuyến xuất hiện các ban xuất huyết dưới da nên BV hội chẩn và chuyển lên BV Trung ương Quân đội 108. Khoảng 1 giờ ngày 21-2, bệnh nhân vào Khoa Hồi sức cấp cứu Viện 108 với  tình trạng sốc nhiễm trùng, suy hô hấp, rối loạn đông máu. Sau khi cấy máu, xét nghiệm dịch não tủy và dịch họng xác định bệnh nhân viêm màng não mủ do vi khuẩn não mô cầu (NMC) và đã nhiễm khuẩn máu. Đến 10 giờ ngày 22-2, bệnh nhân tử vong...

Bệnh nhân mắc bệnh não mô cầu tại Viện nhiệt đới Trung ương, Hà Nội.

Bác sĩ Bùi Huy Nhanh, Giám đốc trung tâm Y tế dự phòng Hải Dương, cho biết, hiện có gần 50 người thân và học sinh cùng lớp tiếp xúc với bệnh nhân được theo dõi sức khỏe, giám sát tại gia đình để sớm phát hiện dấu hiệu phát bệnh do NMC; tất cả đều được hướng dẫn thực hiện tốt vệ sinh cá nhân như rửa tay bằng xà phòng, dùng nước súc miệng, họng; vệ sinh nơi ở; công tác khử khuẩn lớp học, gia đình và các hộ lân cận được tiến hành khẩn trương để ngăn chặn mầm bệnh phát tán diện rộng. Đây là trường hợp tử vong do NMC sau hơn 10 năm ở Hải Dương không xảy ra ca nào.

Ngay chiều 24-2, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã chỉ đạo Sở Y tế Hải Dương nhanh chóng xử lý, ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch NMC nguy hiểm. Tuy bệnh do NMC chủ yếu là dịch tản phát (rải rác trong các vùng dân cư, số lượng người mắc không nhiều) gây bệnh lẻ tẻ (1 - 10 ca/100.000 dân), ít thành dịch lớn (10 - 1.000/100.000 dân) nhưng tỉ lệ tử vong đến 50%, ngay cả khi được điều trị, tỉ lệ tử vong vẫn khoảng 15%.

Bệnh có các triệu chứng sốt cao đột ngột (có thể rét run), ho, đau họng, mệt mỏi, nhức đầu. Nếu là viêm màng não mủ sẽ xuất hiện đau đầu dữ đội, cứng gáy, buồn nôn và nôn, rối loạn ý thức, li bì hoặc vật vã, kích thích…; tỉ lệ tử vong 30 - 40% nếu không điều trị kịp thời. Ở thể nhiễm khuẩn máu tối cấp thường thấy sốt cao, lạnh run đột ngột trên một người hoàn toàn khỏe mạnh; sớm kích động hay hôn mê; sốc xảy ra sớm và tái lại nhiều lần; ban xuất huyết dưới da xuất hiện sớm, lan rộng nhanh chóng.

Đây là hậu quả của độc tố vi khuẩn trong máu, nhanh chóng dẫn đến suy đa tạng; tỉ lệ tử vong 60 - 70% nếu không điều trị kịp thời, có thể xảy ra trong vòng vài giờ hoặc các triệu chứng nặng xuất hiện ồ ạt, đầy đủ trong khoảng 12 - 15 giờ và tử vong trong vòng 24 giờ. Bệnh mắc ở nhiều độ tuổi nhưng nhóm nguy cơ mắc bệnh cao nhất từ 16 - 21 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi. Nếu may mắn sống sót thì hầu như tàn phế do nhiều tổn thương não với các di chứng thần kinh, tâm thần trầm trọng, giảm thính lực, tổn thương thận; một số trường hợp phải cắt bỏ chi, các ngón tay, ngón chân...

Về dịch tễ, vi khuẩn lây truyền mạnh nhất qua dịch tiết đường mũi, họng (ho, hắt hơi, hôn); ngoài ra qua tiếp xúc da như điện thoại, dụng cụ cầm tay; ly, tách; bàn ghế, tay vịn cầu thang. Những nơi tập trung đông người như trường học, khu cắm trại, ký túc xá, lễ hội... hoặc nơi ở chật chội có nguy cơ lây nhiễm cao. Khoảng 10% người lành mang vi khuẩn này ở vùng hầu họng (nơi ở chật chội có thể đến 30% dân số). Người trẻ tuổi cũng là nhóm người lành mang vi khuẩn nhiều nhất.

Vi khuẩn gây bệnh là Neisseria Meningitidis có 13 chủng; ở Đông Nam Á, chủng A là tác nhân gây bệnh phổ biến nhất. Ở Việt Nam, ngoài chủng A, một số ca bệnh do chủng B, C đã được phát hiện và mỗi năm có hàng trăm người mắc bệnh NMC. Bệnh có các thể viêm họng đơn thuần; vi khuẩn có thể xâm nhập máu gây ra thể nhiễm khuẩn huyết đơn thuần (10 - 30%) và viêm màng não mủ (55%).

Vi khuẩn đột ngột vào máu (bình thường máu hoàn toàn vô khuẩn) thường thấy ở những người hoàn toàn khỏe mạnh vì thế không nên chủ quan khi xuất hiện các triệu chứng viêm họng ở một người trước đây vẫn khỏe mạnh. Nếu đã có ca bệnh được xác định thì phòng ngừa bằng thuốc cần được tiến hành ngay cho những người tiếp xúc với bệnh nhân trong vòng vài ngày đầu phát bệnh. Dùng một liều bằng kháng sinh Ciprofloxacine 500mg x 2 viên đối với người lớn hoặc Azithromycine 20mg/kg  cho trẻ em và phụ nữ có thai. Phương pháp này chỉ có hiệu quả trong những ngày đầu bị phơi nhiễm. Sau 14 ngày, phòng ngừa bằng kháng sinh không còn, hiệu quả.

Trước đây, chỉ có văcxin (VX) đơn giá (ngừa một chủng vi khuẩn, không có tác dụng phòng ngừa chéo đối với các chủng NMC khác) nên VX chủng nào chỉ phòng được chủng đó (tác dụng tốt 85 - 90% số người nhiễm chủng vi khuẩn đó trong 3 năm). Hiện nay đã có VX 2 trong 1 (Mevac AC) phòng 2 chủng A và C; 3 trong 1 (MenHibrix) phòng chủng C, Y và HIB (Haemophilus influenzae typ B, như có trong VX Quinvaxem và Pentaxim); hoặc loại 4 trong 1 (Menactra, Menveo) phòng 4 chủng A, C, Y và W-135. Gần đây, VX phòng chủng B mới được đưa vào sử dụng.

Ở Việt Nam đã có VX 2 trong 1 (gọi là VA-Mengoc BC) phòng hai chủng B và C, đó là VX Trumenba được FDA (Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ) cấp phép tháng 10-2014 và Bexsero cấp phép tháng 1-2015. Để phòng được cả ba chủng A, B, C, phải tiêm cả hai loại VX VA Mengoc BC và VX AC. VX AC nằm trong Chương trình tiêm chủng quốc gia nhưng thuộc nhóm không bắt buộc và có thể phải trả thêm chi phí. Tiêm chủng lúc 18 tháng tuổi và 3 năm sau tiêm nhắc lại. Tiêm chủng có thể áp dụng cho cả trẻ em lẫn người lớn.

Tuy đơn giản nhưng các biện pháp vệ sinh cá nhân rất hữu hiệu để phòng ngừa lây truyền (việc mà nhiều người thường bỏ qua) như: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sát khuẩn. Súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi, họng thông thường. Tránh chạm tay vào miệng, mũi và mắt. Tránh các tiếp xúc gần gũi với người khác, nếu có thể. Tránh ăn uống chung và sử dụng chung đồ dùng... 

Vi khuẩn NMC được coi là vi khuẩn “cổ điển” vì được mô tả lần đầu từ năm 1805 trong dịch viêm màng não ở Geneva và phân lập được năm 1882. Đây là loại vi khuẩn rất nhạy cảm (dễ bị diệt) bởi kháng sinh và hầu như chưa thấy biểu hiện kháng thuốc, tiêm chủng đạt tỉ lệ miễn dịch cao. Tuy nhiên do thời gian gây bệnh, dẫn đến tử vong quá ngắn, tỉ lệ tử vong rất cao vì thế phát hiện để chẩn đoán sớm là cần thiết số một. Khi đã xuất hiện những triệu chứng điển hình như ban xuất huyết hay cứng gáy là quá chậm. Vì thế cần hết sức cảnh giác trước một hiện tượng viêm họng vẫn được cho là bình thường.

BS. Trần Kiên
.
.