Cảnh sát các nước với công nghệ nhận diện tội phạm

Thứ Hai, 13/04/2015, 14:15
Theo một báo cáo được Cảnh sát New York cung cấp hôm 1/4, hệ thống cảm biến âm thanh để phát hiện tiếng súng trong thành phố đã giúp cảnh sát chỉ trong vòng nửa tháng, đã phát hiện ra 55 trường hợp bắn súng. Đáng chú ý là chỉ có 12 trong số các trường hợp này được báo cáo với cảnh sát hoặc gọi đến số khẩn cấp 911. Số vụ còn lại, thủ phạm và thậm chí các nạn nhân đã giấu kín. Và đây chỉ là một trong vô số các phương cách nhận diện tội phạm của cảnh sát các nước được xây dựng dựa trên sự tiến bộ của công nghệ số và khoa học kỹ thuật hình sự.

Cảm biến âm thanh phát hiện tiếng súng

Là sản phẩm do Hãng ShotSpotter, hệ thống cảm biến âm thanh phát hiện tiếng súng đang được Cảnh sát New York (Mỹ) thử nghiệm tại khu vực Bronx và Brooklyn.

Hệ thống tự động ghi lại hình ảnh trong khu vực phát ra tiếng súng ở vị trí cách xa khoảng 25m và sau đó gửi thông tin về cho cảnh sát.

Các cảm biến khi nghe được tiếng súng còn có thể kết hợp lại với nhau theo kiểu 3 cảm biến hình thành một vùng tam giác để xác định chính xác vị trí của âm thanh phát ra, số cảm biến càng nhiều thì độ chính xác càng cao.

Nếu cùng một lúc có tới 10 cảm biến phát hiện được tiếng súng thì hệ thống có thể chỉ định đúng vị trí tiếng súng phát ra với độ sai lệch chỉ có 0,6m.

Từ đó, cảnh sát có thể triển khai lực lượng đến ngay hiện trường và có những bằng chứng về các vụ nổ súng trong đó có nhiều vụ mà nạn nhân không hề báo với nhà chức trách.

Đo chỉ số cơ thể để phác họa chân dung nghi phạm. Ảnh: University of Adelaide.

Một quan chức Cảnh sát New York cho hay, đây là biện pháp nhằm hạn chế tình trạng bắn súng bừa bãi và giúp nhanh chóng tìm ra thủ phạm của các vụ nổ súng trên đường phố.

Hiện Cảnh sát New York đã lên kế hoạch lắp đặt hệ thống này trên các mái nhà trong thành phố với tầm bao phủ rộng 50km2.

Camera dò tìm tội phạm

Cách đây 3 năm, Hãng BRS Labs có trụ sở chính tại bang Texas (Mỹ) đã cho ra đời một thế hệ camera phối hợp với máy tính mới có thể phân tích để xem đối tượng đang được nhận diện có là tội phạm hay không.

Các thiết bị được cài đặt tại những nơi công cộng, cao ốc, nhà ga… sẽ liên tục quét qua khách bộ hành và đối chiếu với dữ liệu của máy tính. Nếu phát hiện trường hợp đáng ngờ nó sẽ gửi tin nhắn hoặc gọi điện đến nhân viên an ninh trong ca trực.

Đến nay, với sự phát triển của công nghệ hình ảnh 3D, 4D, thậm chí là 5D, việc nhận diện tội phạm bằng máy tính hiện mới bắt đầu được ưa chuộng tại Anh, Mỹ và khoảng 30 quốc gia khác.

Công nghệ hình ảnh 3D, 4D, thậm chí là 5D giúp nhận diện tội phạm. Ảnh: Cylab.

Công nghệ nhận diện tội phạm bằng phần mềm máy tính có bước đột phá từ sau khi nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Sinh trắc học CyLab, Đại học Carnegie Mellon (Mỹ) công bố hệ thống chuyển đổi ảnh bình thường thành ảnh 3D, cho phép tái tạo gương mặt nghi phạm ở nhiều góc độ nhằm nâng cao khả năng nhận diện và giúp cảnh sát khoanh vùng nghi phạm nhanh hơn.

Nghĩa là khác với cách thông thường là ghép từng bộ phận của khuôn mặt, công nghệ mới này cho phép nạn nhân và nhân chứng sàng lọc nhanh khuôn mặt giống với nghi phạm (được tạo ra trên máy tính) rồi từ đó tạo ra khuôn mặt thật của nghi phạm.

Nhận thấy đây là một phương cách làm việc hợp lý, đỡ tốn thời gian và công sức của cơ quan điều tra, mới đây, FBI đã tạo lập một dự án phân tích sinh trắc học trị giá 1 tỉ USD có tên gọi "Hệ thống nhận dạng thế hệ mới" (NGI) trong đó bao gồm cả việc nhận dạng giọng nói và phân tích ADN để nhận diện hình dạng khuôn mặt nghi phạm.

Nhận dạng tội phạm bằng chỉ số cơ thể

Công trình nghiên cứu của Đại học Adelaide (Australia) vừa được giới thiệu cho cảnh sát nước này hồi cuối tháng 1 vừa qua.

Theo đó, chỉ cần xác định được 8 loại số đo cần thiết là có thể khắc họa được chân dung của nghi phạm, bao gồm: chiều cao cơ thể, chiều dài từ xương hông đến bàn chân, chiều dài của cổ tay đến khuỷu tay, quai hàm, xương chậu, chiều rộng ngực, chiều rộng của khuôn mặt và hộp sọ.

Các chỉ số khác cũng giúp quá trình xây dựng chân dung đối tượng chính xác hơn như chiều rộng của dạ dày, cánh tay và bắp chân hoặc những bộ phận cơ thể khác bị ảnh hưởng trực tiếp từ sự tăng hay giảm cân. Tuy nhiên, việc xác định các loại số đo này lại phụ thuộc vào cơ sở dữ liệu được ghi lại qua camera.

Một quan chức cảnh sát New York đang giới thiệu về hệ thống cảm biến âm thanh phát hiện tiếng súng. Ảnh: AP.

Nhà nghiên cứu Teghan Lucas nói: "Trong các video an ninh, các đối tượng thường bịt mặt và luôn di chuyển. Nhưng sự chuyển động đó không ảnh hưởng đến các chỉ số cơ thể. Với công nghệ hiện đại, chúng ta hoàn toàn có được số đo tổng thể về đối tượng, qua đó, xây dựng được chân dung đối tượng với độ chính xác cao.

Điều tra tội phạm qua dấu tích mồ hôi

Trong khi đó tại Nga, các nhà khoa học hình sự đã nghiên cứu thành công phương pháp xác định vết tích hơi người. Và dù tội phạm có dùng những chất gây mùi đặc biệt để ngụy trang thì cũng không thể đánh lạc được hướng điều tra.

Hãng Itar Tass (Nga) cho hay, mỗi người từ khi sinh ra đến khi từ giã cõi đời đều có một mùi đặc trưng của cơ thể. Dựa vào điều này, các chuyên gia của Trung tâm Chuyên môn pháp y Bộ Nội vụ Nga đã sử dụng biện pháp khứu giác cho phép nhận dạng chủ thể qua dấu tích mồ hôi. Kỹ thuật này mang đến độ chính xác khá cao khoảng 80%. Hiện nhiều quốc gia cũng đang phát triển và sử dụng phương pháp này.

Nhận diện tội phạm qua ánh mắt nạn nhân

Phương pháp này được các giáo sư thuộc Trường đại học Glasgow, Scotland nghiên cứu thành công từ tháng 1/2014. Đến nay, Cảnh sát Anh và Cảnh sát Scotland đều đang áp dụng việc nhận diện tội phạm qua ánh mắt nạn nhân đối với các vụ án liên quan đến bắt cóc và thủ phạm chụp ảnh nạn nhân rồi gửi về cho gia đình để làm bằng cớ tống tiền.

Biện pháp phác họa chân dung tội phạm vẫn đang được cảnh sát nhiều nước sử dụng. Ảnh: aaronleetw.

Theo đó, bằng cách phóng to vào phần ánh mắt của người được chụp trong bức ảnh, người ta có thể thu được hình ảnh khuôn mặt của người đứng đằng sau camera, giúp các nhà điều tra tội phạm có thêm thông tin để phá án.

Những bức ảnh được chụp bằng chiếc Hasselblad H2D39 megapixel, với ánh sáng đầy đủ và vật thể cách máy 1m đã giúp phát hiện và phân tích các phản chiếu trong mắt của những người bị chụp ảnh.

Ngoài ảnh của người đối diện, các phản chiếu cũng có thể thu lại được hình ảnh của quang cảnh xung quanh, giúp các nhà điều tra xác định vị trí nơi xảy ra sự vụ.

Công nghệ nhận dạng ADN trong 90 phút

Từ đầu năm nay, Mỹ đã đưa vào sử dụng máy xét nghiệm ADN có khả năng mang lại kết quả nhận diện tội phạm chỉ trong 90 phút đồng hồ.

Mang tên RapidHIT, chiếc máy xét nghiệm này lần đầu tiên được sử dụng tại bang Arizona để hỗ trợ điều tra một vụ án giết người. Sau đó, RapidHIT nhanh chóng được các quốc gia khác chú ý mặc dù giá của nó không hề rẻ (hơn 250.000USD).

Hệ thống RapidHIT giúp tạo hồ sơ đầy đủ, thành công từ mọi vật dụng đa dạng của vụ án, như răng, cổ chai, tàn thuốc lá, quần áo và các bệnh phẩm. Sau đó, nó có thể tiến hành xét nghiệm ADN và cho ra kết quả nhanh hơn mọi hệ thống xét nghiệm ADN hiện đại khác đang dùng hiện nay.

Điều quan trọng hơn, nó không yêu cầu người dùng phải có bất cứ kiến thức chuyên môn nào. Tất cả những gì nó yêu cầu là một người nhập mẫu ADN vào và sau đó nó sẽ tiến hành so sánh mẫu đó với cơ sở dữ liệu ADN.

Cũng là công nghệ ADN, Cảnh sát Mỹ còn có một loại súng ADN giúp nhận diện tội phạm trong những trường hợp hỗn loạn. Nghĩa là, súng này được bắn vào những nghi phạm đang bỏ trốn với tầm bắn chính xác lên đến 50m.

Những viên đạn tròn nhỏ xíu sẽ dính vào quần áo hoặc da của kẻ tình nghi trong vài tuần và trong khoảng thời gian đó, cảnh sát sẽ sử dụng thiết bị phát ra ánh sáng UV để giúp truy tìm nghi phạm.

Phác họa chân dung nghi phạm

Bên cạnh những công nghệ hiện đại giúp điều tra và nhận diện tội phạm, cho đến nay, hầu hết cảnh sát các nước vẫn duy trì với tần suất cao phương cách phác họa chân dung nghi phạm.

Thực chất, phác họa chân dung nghi phạm là một chuyên ngành của môn Nhân trắc hình sự ra đời từ cuối thế kỷ XIV. Những họa sĩ vẽ chân dung nghi phạm thường được gọi là họa sĩ pháp y.

Theo BBC, kỹ thuật vẽ pháp y gồm rất nhiều hoạt động như phác thảo chân dung qua lời kể nhân chứng, vẽ hiện trường vụ án, chỉnh sửa hoặc nhận dạng hình ảnh, vẽ tại tòa án, mô tả bằng chứng hoặc hỗ trợ pháp y nhận diện khuôn mặt, trong đó nổi bật nhất là hoạt động xây dựng chân dung tội phạm qua lời kể nhân chứng.

Nữ họa sĩ pháp y thành công nhất thế giới, từng được ghi danh vào kỷ lục Guinness thế giới Lois Gibson cho biết, ngày nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ, người ta có thể vẽ chân dung nghi phạm trên máy tính.

Tuy nhiên, những nét vẽ bằng máy đó hầu như không có thần thái và khó có thể mô tả chân thực hình ảnh của nghi phạm với những nét nổi bật bề ngoài dễ nhận biết như hình xăm, vết sẹo…

Vì thế, bà Lois Gibson và nhiều đồng nghiệp khác vẫn có thói quen dùng bút chì màu đen và giấy để phác họa phần mặt, đầu của nghi phạm.

Và với "thói quen khó bỏ" này,  bà Lois Gibson đã giúp Cảnh sát Mỹ, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) phát hiện nhiều tên tội phạm nguy hiểm, cả những nghi phạm khủng bố quốc tế.

Châu Anh (tổng hợp)
.
.