Cấp cứu bằng… máy bay không người lái
- Xây kho chứa máy bay không người lái siêu hiện đại ở Nigeria để diệt khủng bố
- Sử dụng máy bay không người lái để buôn lậu
- Máy bay không người lái tự biến hình thoát thân
Tín hiệu di động yếu kém tại những vùng nông thôn có thể đe dọa tính mạng người dân trong những tình huống cấp cứu. Thời gian phản ứng cấp cứu chậm chạp có nghĩa là tỷ lệ tử vong sẽ tăng cao. Đó là lý do mà trong 2 năm qua, công ty công nghệ Phần Lan Nokia hợp tác với nhà mạng di động Anh EE Limited triển khai đội bay drone 4 cánh phát tín hiệu di động ở Scotland. Ý tưởng là chiếc drone nhỏ bé có thể bay lượn ngay bên trên khu vực thảm họa để cung cấp mạng di động 4G bao phủ bán kính 50km.
Drone hoạt động với mạng di động sẽ phục vụ cấp cứu hiệu quả hơn. |
Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất là những chiếc drone như thế chỉ có thể hoạt động trên không tối đa 30 phút. Do đó, công ty viễn thông khổng lồ Mỹ AT&T nghiên cứu phát triển loại drone lớn hơn giống như máy bay trực thăng gọi là "Flying COW" - rút gọn từ "Cell on Wings" (Pin trên những chiếc cánh). Drone được kết nối với mặt đất bằng sợi dây cáp để nạp điện. Nhờ đó, drone có thể hoạt động trên không suốt 24 giờ/ngày ở độ cao tối đa 168 mét.
Theo AT&T, loại drone "Flying COW" cung cấp mạng 4G cấp cứu cho vùng lãnh thổ Puerto Rico của Mỹ sau cơn bão kinh hoàng Maria hồi tháng 11-2017. Mỗi chiếc drone như thế có thể bao phủ diện tích 36 km vuông. Nokia đang cố gắng tiến bước xa hơn nữa trong nỗ lực biến ô tô tuần tra cảnh sát và xe cứu hỏa thành những trung tâm điều khiển giúp triển khai cấp cứu nhanh hơn. Cụ thể là những chiếc xe cứu hỏa đều được trang bị mạng 4G riêng với bán kính hoạt động là 50km.
Drone được lính cứu hỏa sử dụng. |
Từ trung tâm điều khiển, lính cứu hỏa phóng drone và sử dụng camera của chúng để điều tra hiện trường. Nokia hiện đang thử nghiệm công nghệ với công ty viễn thông Anh Vodafone và lực lượng cứu hỏa ở Dusseldorf (Đức).
Thorsten Robrecht, phó chủ tịch phụ trách những giải pháp mạng di động của Nokia, tuyên bố: "Chúng ta không cần thiết gửi lính cứu hỏa đến môi trường nguy hiểm mà vẫn điều tra được tình huống. Nhờ công nghệ drone, lính cứu hỏa cấp cứu nhanh hơn mà chi phí thấp hơn sử dụng máy bay trực thăng như hiện nay".
Công ty khởi nghiệp Anh Unmanned Life cũng đã phát triển phần mềm gúp drone thu thập thông tin trong thảm họa như là tòa nhà cao tầng đang cháy. Một chiếc drone phát 4G trong khi những chiếc khác bay lượn xung quanh tòa nhà để cung cấp video trong thời gian thực. Ngoài ra, một chiếc drone khác có nhiệm vụ tạo lập bản đồ nhiệt của tòa nhà đang cháy và một chiếc khác nữa sử dụng thiết bị định vị siêu âm để lập dữ liệu về sự thiệt hại.
Drone càng nhẹ thì càng chuyên chở hiệu quả hơn. Tháng 2-2018, công ty Thụy Điển Ericsson hợp tác với 2 nhà mạng BT (Anh) và Verizon (Mỹ) cũng như Đại học King's College ở London (Anh) thử nghiệm một chiếc drone hạng nhẹ tự động có thể chở đến 5kg sản phẩm y khoa từ nơi này đến nơi khác mà không cần đến sự can thiệp của con người.
Drone "Flying COW" của AT&T. |
Cuộc thử nghiệm cũng cho thấy mạng di động 5G đủ mạnh để truyền dữ liệu liên tục giữa drone và mặt đất đồng thời bảo đảm kết nối với drone không bao giờ bị sập. Tuy nhiên, những chiếc drone phục vụ giao hàng và cấp cứu chỉ có thể hữu dụng nếu chúng bay lượn tự động mà không có nguy cơ bị rơi xuống các tòa nhà, cây cối, cột điện cao thế hay va chạm lẫn nhau.
Hiện nay, nhiều công ty công nghệ và viễn thông trên thế giới đang chạy đua xây dựng hệ thống kiểm soát không lưu dành cho drone. Thorsten Robrecht cam kết: "Nokia có hệ thống hoạt động trên nền mạng 4G cho phép kết nối mọi chiếc drone với nhau và biết chúng đang ở đâu. Chúng tôi có mạng 4G thương mại trên không bao phủ toàn bộ vùng trời ở châu Âu để kết nối mọi thiết bị bay tự động".