Carbon E7, Siêu xe cảnh sát hay giấc mơ hão huyền?

Thứ Ba, 04/05/2021, 09:06
Bất kỳ ai cũng sẽ có cảm giác vừa ghen tị, vừa thèm muốn khi ngắm nhìn những chiếc siêu xe của cảnh sát Dubai. Chỉ có một đất nước giàu có như Các Tiểu vương quốc ẢRập Thống nhất mới dám "chịu chơi" sắm cho lực lượng cảnh sát những mẫu xe như Ferrari FF và Lamborghini Aventador. Thế nhưng danh hiệu "mẫu xe cảnh sát ngầu nhất thế giới" đáng lẽ ra đã phải thuộc về một chiếc xe khác…


Giấc mơ siêu xe

Stacy Dean Stephens là một thiếu úy cảnh sát công tác tại Sở Cảnh sát Los Angeles, bang California, Mỹ. Trong khi đang ngồi trên ôtô đi tuần, Stacy bất ngờ bật ra câu hỏi: "Tại sao lại không có xe ôtô được thiết kế dành riêng cho cảnh sát trong khi lính cứu hỏa hay bệnh viện lại có?".

Ngoại trừ số ít các loại xe chuyên dụng, ôtô của cảnh sát Mỹ không khác gì nhiều những mẫu xe dân sự. Lấy ví dụ chiếc Ford Crown Victoria mà Stacy đang lái lúc đó. Sở Cảnh sát Los Angeles khi muốn mua xe sẽ gửi đơn hàng kèm danh sách những yêu cầu đến hãng Ford. Nhà sản xuất sẽ cứ theo bản danh sách này mà chỉnh sửa những chiếc Ford Crown Victoria bình thường thành loại xe mà Sở Cảnh sát Los Angeles muốn sở hữu.

Tuy tiết kiệm được chi phí nhưng cách làm này tiềm tàng một mối nguy hiểm: Các sở cảnh sát thường xuyên đem bán thanh lý xe cũ. Không khó để các đối tượng bất lương mua những chiếc xe này cùng với đồng phục cảnh sát giả để lợi dụng lòng tin của nhân dân mà đi lừa đảo. 

Để tránh hiện tượng trên, trước khi đem xe bán thanh lý, cảnh sát lại phải bỏ tiền ra thuê người xoá hết phù hiệu, nước sơn và tháo dỡ các thiết bị chuyên dụng trên ôtô như radio, bộ đàm...

Chiếc Carbon E7 là giấc mơ của bất kỳ sở cảnh sát nào.

Stacy muốn "đi ngược dòng" để tìm ra một hướng giải quyết mới. Ông nghĩ ra ý tưởng thiết kế một mẫu xe dành riêng cho cảnh sát được trang bị những công nghệ hiện đại nhất để thúc đẩy một cuộc "cách mạng" làm thay đổi cách các lực lượng hành pháp Mỹ hoạt động. 

Qua các quan hệ cá nhân của mình, Stacy làm quen được với William Stantana Li vốn là một quản lý cấp cao ở Tập đoàn Ford. William đồng ý trở thành người đồng sáng lập một công ty ôtô với mục tiêu biến giấc mơ của Stacy trở thành hiện thực.

Năm 2003, Tập đoàn xe hơi Carbon Motors Corporation (gọi tắt là CMC) được thành lập bởi Stacy và William. Sau nhiều năm làm việc thu hút nhà đầu tư và xây dựng phân xưởng sản xuất, CMC cho "ra lò" chiếc xe mơ ước của cựu sỹ quan Stacy mang tên gọi Carbon M7. 

Năm 2008, chiếc xe thử nghiệm đầu tiên được đem đi trưng bày trên khắp nước Mỹ. Khi đó thật không khó để bất kỳ ai ngắm nhìn chiếc Carbon E7 cũng nhận ra rằng họ đang đứng trước một mẫu siêu xe đúng nghĩa.

Chiếc xe Ford Police Interceptor Utility được cảnh sát Mỹ sử dụng.

Khó sánh nổi

Carbon E7 đặc biệt từ động cơ. Khác với những chiếc xe cảnh sát khác, Carbon E7 được trang bị động cơ diesel 6 xi-lanh do BMW sản xuất. Vào thời điểm năm 2008, cuộc khủng hoảng kinh tế vừa mới xảy ra khiến giá xăng tăng "phi mã". Sử dụng một mẫu xe chạy bằng diesel (đặc biệt là diesel sinh học) chắc chắn sẽ giúp cảnh sát Mỹ tiết kiệm được những khoản chi phí đáng kể. 

Chưa hết, động cơ có tốc độ tối đa 250km/h và tăng tốc từ 0 đến 96km trong vòng 6,5s. Đây là những con số hoàn toàn đáng nể nếu so với những chiếc xe "đàn anh" như Dodge Charger và Ford Crown Victoria.

Mẫu Carbon E7 được lắp ráp từ một bộ khung bằng nhôm và thân xe bằng nhựa nhiệt dẻo nhằm giảm trọng lượng của phương tiện. Kiểu thiết kế giống "bộ xương" này còn giúp cho việc tháo lắp và thay thế phần thân xe bị hỏng. Lợi ích thứ ba của nhựa nhiệt dẻo là bản thân nhựa đã có màu sẵn nên bên cảnh sát không cần phải tốn công sức sơn lại thân xe.

Nhằm bảo vệ người ngồi trong xe khỏi vũ khí, toàn bộ cửa kính của chiếc Carbon E7 đều được làm từ kính chống đạn. Một tấm kính như vậy có độ an toàn tương đương với áo giáp cấp độ NIJ Level III-A (đạn súng ngắn quân dụng không xuyên qua được). Trong trường hợp tội phạm sử dụng ôtô để đâm vào một chiếc Carbon E7, phần cửa và đuôi xe đã được gia cố chống biến dạng bởi chấn động.

Khó có sở cảnh sát nào chấp nhận được mức giá trên trời của chiếc Carbon E7.

"Ma thuật" của xe không dừng lại ở bên ngoài. Bên trong xe là những máy móc hiện đại nhất đương thời nhằm hỗ trợ cảnh sát. Ví dụ như cảm biến trong cốp xe nhằm nhận biết dấu vết của hoá chất như ma tuý và thuốc nổ. Hay là hệ thống camera đa dụng (ghi lại được cả ảnh hồng ngoại và ảnh nhiệt) giúp người lái có tầm nhìn 360° kể cả giữa đêm khuya.

Camera còn được kết nối với vệ tinh GPS nhằm tăng độ chính xác của hệ thống định vị và theo dõi toàn cầu. Tất cả những loại máy móc thiết bị hiện đại này đều được hệ thống Onboard Rapid Command Architecture (ORCA) điều khiển. Ngoài công dụng như một bảng điều khiển, ORCA còn giúp sỹ quan cảnh sát tra tìm các cơ sở dữ liệu tội phạm, truy nã, người mất tích… chỉ trong vài giây mà không phải bỏ lỡ đối tượng.

Cựu thiếu úy Stacy từng dành nhiều tiếng liên tục ngồi trong xe nên ông hiểu rất rõ "nỗi khổ" của những viên cảnh sát nhận nhiệm vụ tuần tra. Ghế xe được thiết kế bởi tập đoàn nội thất Lear Corporation nổi tiếng nhằm tạo tư thế ngồi thoải mái nhất cho lái xe, đồng thời giúp họ dễ dàng hơn trong việc rút đèn pin, còng tay hay súng đang treo trên thắt lưng. Dưới ghế là hệ thống sưởi/ làm mát hai chiều để cho dù có là mùa hè hay mùa đông thì người ngồi trong xe vẫn thoải mái.

Tan thành mây khói

CMC dự định chính thức bán chiếc Carbon E7 vào năm 2012. Họ có khoảng 4 năm để hoàn thành việc xây dựng nhà máy tại hạt Connersville, bang Indiana và bắt tay vào sản xuất. Vấn đề là CMC sắp cạn vốn. 

Họ tìm đến Bộ Năng lượng Mỹ với mục tiêu giành được một khoản vay ưu đãi được chính phủ cấp cho các công ty sản xuất phương tiện chạy bằng phương tiện tái tạo. Nhưng Bộ Năng lượng Mỹ đã từ chối đơn xin cho vay của CMC vì "không có cơ sở thị trường".

Nguyên mẫu Carbon E7 trong một lần xuất hiện trước công chúng.

Chiếc Carbon E7 hiện đại hơn tất cả những mẫu xe cảnh sát khác có trên thị trường khi đó, điều này không ai chối cãi được. Nhưng liệu bản thân lực lượng cảnh sát các địa phương có cần một chiếc xe hiện đại như thế? 

Từ trước đến nay họ vẫn có thể hoàn thành nhiệm vụ trong những mẫu xe ít tiên tiến và rẻ tiền hơn. Thứ hai, kể cả khi CMC có hoàn thành xây dựng nhà máy đi nữa, năng suất sản xuất của họ cũng không thể nào bằng được với các "ông lớn" như GM và Ford.

Giả dụ có một chiếc Carbon E7 bị hỏng, gần như chắc chắn rằng sẽ khó tìm bộ phận thay thế cho chiếc xe này hơn những mẫu ôtô khác. Các chuyên gia phân tích của Bộ Năng lượng Mỹ đã chỉ ra điều này và đưa ra nhận xét đúng đắn rằng sẽ có rất ít sở cảnh sát sẽ đặt mua xe Carbon E7.

Thiếu vốn, dự án xây dựng nhà máy ôtô bị đình trệ nhiều năm liền trước khi bị chính thức dừng lại vào năm 2013. CMC cũng tuyên bố phá sản không lâu sau đó. Ước tính công ty đã lỗ 21,7 triệu USD tiền đầu tư. Riêng chiếc xe nguyên mẫu được đem đi bán đấu giá cho một nhà sưu tầm giấu tên. 

Toàn bộ số tiền đấu giá được CMC dùng để trả các khoản nợ mà họ đã nhận từ chính quyền bang Indiana. Đây quả là cái kết buồn cho một giấc mơ táo bạo, nhưng cũng là bài học cho các nhà sản xuất xe hơi biết khách hàng của họ thật sự cần gì.

Công Vũ (Tổng hợp)
.
.