Chạy thận nhân tạo ở... trạm Y tế phường!

Thứ Tư, 27/07/2016, 22:25
Sáng 20-7-2016, Bệnh viện (BV) quận Thủ Đức đã tiến hành triển khai kỹ thuật chạy thận nhân tạo tại Trạm Y tế phường Bình Chiểu. Đây là cơ sở y tế tuyến phường đầu tiên của TP HCM và của cả nước có thể chạy thận nhân tạo cho những bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối.

BS Nguyễn Minh Quân, Giám đốc BV cho biết: "Để có thể tiến hành phục vụ người bệnh, trong 3 tháng qua, BV đã tích cực chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực. Bằng việc đầu tư 2 máy lọc thận mới đặt tại trạm y tế phường, BV mong muốn đáp ứng nhu cầu chữa trị cho những người dân ngay tại nơi cư trú, giúp giảm thiểu thời gian và chi phí cho họ cũng như giảm lượng bệnh nhân phải chuyển lên tuyến trên. Để vận hành hiệu quả phòng chức năng này, BV sẽ định kỳ kiểm định mẫu nước nhằm đảm bảo chất lượng cho việc lọc thận…".

Người suy thận mãn phải chạy thận nhân tạo suốt đời.

Vẫn theo BS Quân, sau những thành công về mặt chuyên môn, thu hút được nhiều bệnh nhân mắc một số bệnh mạn tính cùng những bệnh thông thường đến chữa trị thay vì phải lên tuyến trên, BV quận Thủ Đức quyết định đầu tư phát triển Trạm Y tế phường Bình Chiểu thành Phòng khám đa khoa vệ tinh của BV, gồm các phòng cấp cứu, khám nội, ngoại, sản, nhi, tai mũi họng, răng hàm mặt, phục hồi chức năng, da liễu, siêu âm, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và bộ phận chạy thận nhân tạo.

Theo các BS chuyên khoa Niệu - Thận, thì chạy thận nhân tạo là biện pháp cuối cùng được thực hiện nhằm giúp những bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối có thể kéo dài cuộc sống. BS Trần Ngọc Vinh, Trưởng khoa Nội A - BV Nhiệt đới cho biết suy thận là trạng thái suy giảm chức năng của thận, bao gồm chức năng bài tiết lượng nước dư thừa và bài tiết chất độc trong cơ thể do quá trình trao đổi chất tạo ra. Bên cạnh đó, suy thận còn kéo theo hiện tượng suy giảm chức năng sản xuất một vài chất nội tiết (hormone) từ thận.

Người bị suy thận thường có những triệu chứng như đau đầu do cao huyết áp, phù mặt hoặc tay chân, hoặc bụng, hoặc phù toàn thân do ứ nước trong cơ thể, mệt mỏi, đắng miệng, chán ăn, buồn nôn, mờ mắt, giảm tập trung và giảm ham muốn tình dục, chóng mặt, da xanh, móng tay, móng chân, niêm mạc mắt nhợt nhạt do thiếu máu, đau nhức các khớp chân, tay - thường là từ đầu gối trở xuống. Ngoài ra còn có thể thấy môi thâm, răng xỉn, đau răng và chảy máu chân răng.

Các nguyên nhân dẫn đến suy thận gồm viêm cầu thận cấp và cao huyết áp. BS Vinh nói: "Khi huyết áp lên quá cao và thường xuyên, áp lực máu quá mạnh dần dà sẽ phá hủy cầu thận".

Bên cạnh đó, suy thận còn là hệ quả của bệnh tiểu đường, bệnh lý bàng quang thần kinh, dẫn đến việc người bệnh đi tiểu nhiều lần, không kiểm soát được, buồn tiểu liên tục nhưng tiểu bí, khó tiểu, tiểu nhỏ giọt do bàng quang hoạt động kém, không co lại để đẩy hết nước tiểu ra ngoài khiến nước tiểu bị ứ đọng trong bàng quang, lâu ngày sẽ dẫn đến nhiễm khuẩn đường tiểu, viêm thận, bể thận, sỏi tiết niệu, trào ngược nước tiểu từ bàng quang lên thận, gây suy thận.

Riêng với suy thận cấp, nguyên nhân là do người bệnh ăn hoặc uống mật cá, mật rắn, do bị ong đốt. Cũng có trường hợp suy thận cấp xảy ra sau khi bệnh nhân bị viêm họng 14 ngày.

BS Vinh nói tiếp: "Thông thường, nếu một bệnh nhân mà chức năng thận chỉ còn từ 10 đến 15% hoặc khi mức lọc của cầu thận giảm xuống dướI 29ml/phút thì phải tính đến phương pháp điều trị thay thế là chạy thận nhân tạo".

Để tiến hành chạy thận nhân tạo, BS sẽ đặt 2 cây kim vào mạch máu ở cẳng tay của cánh tay bệnh nhân. Mỗi kim được gắn vào một ống nhựa dẻo, kết nối với một hệ thống máy móc gọi là dialyzer. Máu đi qua dialyzer sẽ được lọc sạch các chất độc rồi trở lại cơ thể.

Nếu chạy thận nhân tạo thông thường thì cứ mỗi tuần, người bệnh phải làm 3 lần nhưng với những trường hợp nặng, có thể phải làm mỗi ngày 1 lần. Nếu bị suy thận đột ngột hoặc cấp tính, có thể chỉ phải chạy thận nhân tạo trong một thời gian ngắn cho đến khi thận phục hồi. Nhưng nếu đã là suy thận mãn thì phải chạy thận suốt đời trừ khi họ được ghép thận.

Trở lại với chuyện chạy thận nhân tạo ở Trạm Y tế phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, Tiến sĩ - Bác sĩ Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: "Đây là một sáng kiến rất quan trọng của BV quận Thủ Đức vì ngoài việc triển khai chạy thận nhân tạo tại trạm y tế phường, thì việc lập phòng khám đa khoa trực thuộc bệnh viện quận tại trạm y tế phường là những giải pháp giảm tải lần đầu tiên được triển khai trên cả nước”.

Hiện tại, trung bình mỗi ngày Bệnh viện quận Thủ Đức tiếp nhận khoảng 200 bệnh nhân chạy thận nhân tạo. Vì số lượng đông nên nhiều người phải đến từ rất sớm. Không riêng gì BV quận Thủ Đức mà hầu như tất cả mọi BV ở TP HCM đều có khoa chạy thận nhân tạo, và tất cả đều quá tải. Theo quy trình, mỗi máy lọc thận mỗi ngày chỉ thực hiện khoảng 2 ca, nhưng nhiều nơi lọc 5 ca/máy là chuyện… bình thường!

Một bác sĩ ở BV Bình Dân - là BV chuyên sâu về Niệu - Thận cho biết: "Hiện nay, mô hình khám chữa bệnh của Việt Nam giống như cái nón lá lật ngửa - nghĩa là phần chóp nón nằm dưới. Phần lớn bệnh nhân đều đổ dồn về các BV tuyến trên, còn các trạm y tế xã, phường chỉ có khoảng từ 4% đến 6% bệnh nhân đến khám và điều trị trong lúc khá nhiều bệnh tật hoàn toàn có thể giải quyết ngay từ những trạm y tế này".

Vì vậy, sự ra đời của mô hình chạy thận nhân tạo tại Trạm Y tế phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức là một bước đột phá vì ngoài việc giảm tải cho BV tuyến trên, còn tạo điều kiện cho các bác sĩ ở BV tuyến trên có thời gian nghiên cứu và thực hiện các kỹ thuật chuyên khoa sâu. Theo Tiến sĩ - Bác sĩ Tăng Chí Thượng, đây là một sáng kiến rất quan trọng của BV quận Thủ Đức. Ngoài việc triển khai chạy thận nhân tạo tại trạm y tế phường thì việc lập phòng khám đa khoa trực thuộc BV quận tại trạm y tế phường là biện pháp giảm tải lần đầu tiên được thực hiện trên cả nước. Sở Y tế sẽ từng bước nhân rộng ra các bệnh viện trong địa bàn.

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hương, cư dân phường Bình Chiểu không giấu được sự vui mừng. Bà cho biết trước đây, mỗi lần chạy thận bà phải lên BV quận từ sáng sớm và phải chờ đợi, mất khá nhiều thời gian nhưng bây giờ, theo lời bà thì "con trai tôi chở tôi bằng xe máy chừng 10 phút là tới".

Ông Trần Văn Út, cũng là một bệnh nhân suy thận mãn thì tin rằng cuộc sống và sức khỏe của ông sẽ cải thiện tốt hơn vì: "Trước đây tôi vẫn thường chạy thận ở BV Nguyễn Tri Phương. Bây giờ chỗ lọc thận nằm ở gần nhà, bác sĩ, điều dưỡng lại rất tận tình giải thích cho tôi biết về các thủ tục. Sắp tới, tôi sẽ xin chuyển về đây cho tiện".

Được biết, Trạm Y tế phường Bình Chiểu nằm khá xa BV quận Thủ Đức, giáp với tỉnh Bình Dương. Đây là nơi có mật độ dân cư đông đúc, nhiều người là lao động trong các khu công nghiệp. Theo BS Quân, nếu mô hình phòng khám đa khoa vệ tinh Bình Chiểu hoạt động hiệu quả thì BV quận Thủ Đức sẽ tiếp tục triển khai tại hai phường khác trong quận là Hiệp Bình Chánh và Linh Trung với đầy đủ các loại hình khám chuyên khoa, cũng như đảm bảo chất lượng ngang nhau giữa bệnh viện và trạm y tế.

Vũ Cao
.
.