Chiếc vỏ hộp vạch mặt sát thủ khoác blouse trắng

Thứ Tư, 07/11/2018, 08:05
"Vâng, tôi đã giết 100 bệnh nhân…". Lời thú tội của Niels Hogel, cựu y tá của một bệnh viện khiến những người có mặt tại phiên tòa xét xử tại thành phố Oldenburg, phía Tây Bắc nước Đức bàng hoàng, ghê sợ trước hành động man rợ, vô nhân tính của y.


Giết người vì muốn làm… anh hùng

Sinh ngày 30-12-1976 tại Wilhelmshaven, bang Lower Saxony (Đức) trong một gia đình Công giáo, Niels Hogel là "một đứa trẻ được đánh giá cao, hài hước, thân thiện", "không tương ứng với khuôn mẫu của kẻ giết người hàng loạt, nhút nhát, thậm chí còn bị bạn bè bỏ rơi". Các thầy cô giáo và bạn học đều nhận xét, Niels Hogel "thân thiện, hữu ích, vui vẻ, một học sinh khá bình thường, chỉ thích chơi bóng đá hơn là học tập.

Năm 19 tuổi, do không đủ điểm vào học trường y để trở thành bác sĩ, cậu thanh niên Niels Hogel quyết định theo học để trở thành y tá, giống như cha mình. Là một học sinh có học lực trung bình, nhưng Niels Hogel vẫn tốt nghiệp ba năm sau và ở lại quê hương trong vài năm. Năm 1999, Niels Hogel được nhận vào làm việc ở bệnh viện Oldenburg tại bộ phận chăm sóc đặc biệt.

Oldenburg là một bệnh viện lớn có uy tín, song ở đây Niels Hogel lại cảm thấy mình lạc lõng. Anh ta bắt đầu uống rượu và ngày càng chìm trong hơi men. Khuynh hướng trầm cảm kết hợp với nỗi sợ hãi khủng khiếp về cái chết bắt đầu lớn dần trong con người của nam y tá trẻ. 

"Trong suốt ba năm Niels Hogel làm việc ở bệnh viện Oldenburg, số người chết trong phòng phẫu thuật tim tăng 58%", tờ Le Figaro cho hay. "Thậm chí, tên này còn tiêm thuốc độc vào người hai nạn nhân sau đó cố gắng tìm cách cứu họ để làm anh hùng. Anh ta muốn được tỏa sáng trước mặt đồng nghiệp", cáo trạng của tòa án nêu rõ.

Niels Hogel che mặt trong phiên tòa ở TP. Oldenburg - Đức vào ngày 30-10 vừa qua. Ảnh: Reuters.

Mối quan hệ với các đồng nghiệp của Niels Hogel ngày càng không tốt, nhất là khi vợ y - cũng là một nữ y tá - từ bỏ anh ta. Y buộc phải nghỉ làm ở bệnh viện Oldenburg. Đến năm 2003, Niels Hogel chuyển sang làm việc cho một bệnh viện ở thị trấn Delmenhorst gần đó. Đây cũng là nơi để tên này trút giận vô cớ xuống đầu 35 bệnh nhân vô tội, khiến họ chết một cách oan uổng.

Âm mưu giết hại bệnh nhân bị lật tẩy sau khi một đồng nghiệp phát hiện y tiêm thuốc độc vào người bệnh nhân tháng 6-2005. Ba năm sau, Niels bị kết án 7 năm tù giam về tội giết người có kế hoạch và mãi đến năm 2015, trong phiên xét xử thứ hai, Niels mới chính thức thú nhận là  thủ phạm của ít nhất 30 vụ giết người ở Delmenhorst. Các nhà điều tra sau đó mở rộng nghiên cứu của họ đến bệnh viện Oldenburg và phát hiện 62 bệnh nhân khác cũng trở thành nạn nhân của hắn.

Tại tòa, Niels Hogel khai, y ra tay giết các bệnh nhân trong độ tuổi từ 34 đến 96 tại 2 bệnh viện ở phía Bắc nước Đức trong giai đoạn 2000-2005. Thủ pháp gây án cho những vụ án này đều tương tự nhau. Ban đầu Niels Hogel sẽ tiêm vào người bệnh nhân thuốc Gilurytmal liều cao có thể gây rối loạn nhịp tim, làm cho tim đập nhanh hơn, sau đó cố gắng thực hiện hồi sức để cứu tỉnh bệnh nhân. Tên này cũng thú nhận, không có ưu tiên trong việc lựa chọn nạn nhân và hắn cảm thấy hưng phấn khi cứu sống thành công một bệnh nhân cũng như bất mãn khi thất bại. 

Tuy nhiên, cảnh sát cho biết con số nạn nhân chính xác có thể mãi là ẩn số vì một số người đã bị hỏa táng. "Chúng tôi không xác định cụ thể có bao nhiêu người là nạn nhân của tên tử thần này do nhiều người đã được hỏa táng. Nhưng chúng tôi đoán, con số nạn nhân có thể lên tới 200 người", Arne Schmidt, người đứng đầu ủy ban điều tra, cho biết. Trong một báo cáo dài 200 trang, bác sĩ tâm thần Konstantin Karyofilis xác nhận rằng Niels Hogel không nhận thức được bệnh nhân là "con người". 

Còn theo cảnh sát, tên Niels Hogel đã sử dụng 5 loại thuốc khác nhau để đầu độc nạn nhân. Những chiếc vỏ hộp thuốc được tìm thấy nhiều bất thường từ nơi ở của Niels Hogel đã góp phần giúp cơ quan điều tra tìm ra manh mối của vụ án.

Khi những tử thần khoác trên mình blouse trắng

Với 6 tội danh, bao gồm giết người và mưu sát, tên y tá máu lạnh Niels Hogel đối mặt với hàng loạt án chung thân. Y đã trở thành kẻ giết người hàng loạt nguy hiểm nhất nước Đức với số lượng lớn "200 nạn nhân" - theo như lời của các nhà điều tra.

Vụ án của Niels Hogel đã nối dài danh sách các y tá tử thần, gây khiếp sợ cho nhiều người. Từ Đức tới Mỹ, thông qua Pháp, Áo, Thụy Sĩ, Bỉ, Vương quốc Anh, và cả ở Brazil, đã từng có nhiều kẻ giết người khoác trên mình bộ blouse trắng. 

Dưới thời Thế chiến II, bác sĩ Josef Mengele được mệnh danh là "Thiên thần chết". Không chỉ là một bác sĩ đảng Quốc xã Đức trực tiếp giết hàng triệu tù nhân Đức Quốc xã, Mengele còn nổi tiếng bởi những màn thí nghiệm trên thân thể người cực kỳ quái đản. Tại Trại tập trung tù nhân Auschwitz, Mengele thường quan tâm cao độ tới các ca thử nghiệm tính di truyền trên cơ thể của các cặp sinh đôi và làm cách nào để xác định được họ. Mỗi đợt, hắn áp dụng từ 10 cặp song sinh bằng cách tiêm thuốc ngủ cho các nạn nhân rồi sử dụng chất gây mê để giết chết họ, sau đó tiến hành mổ xẻ thi thể các nạn nhân để so sánh với các cặp sinh đôi khác.

Năm 2011, ngành tư pháp Đức đã không thể hoàn thành công việc của mình đến cùng trong một vụ khác liên quan đến một bác sỹ điều trị. Tiến sĩ Mechthild Bach, một bác sĩ ung bướu làm việc ở Hanover, đã bị cáo buộc tiêm một lượng lớn morphine cho bệnh nhân của mình. Mechthild Bach bị nghi ngờ thực hiện 76 vụ giết người. Tuy  nhiên, trước tòa, Mechthild Bach chỉ thừa nhận thực hiện 13 vụ với lý do làm thế để giảm sự đau khổ của bệnh nhân. Mechthild Bach đã tự sát vào ngày 25-1-2011 khi quá trình điều tra vẫn còn đang diễn ra.

Tại Anh, bác sĩ Harold Frederick Shipman bị kết án tù chung thân vào tháng 1-2000 sau khi khai nhận thực hiện 15 vụ giết người, nhưng trên thực tế chứng minh được là 250 người. Harold Frederick Shipman được cho là một trong những kẻ giết người hàng loạt sung mãn nhất trong lịch sử. Phần lớn các nạn nhân là phụ nữ cao tuổi và trung tuổi. Hắn tự tử bằng cách treo cổ trong phòng giam vào tháng 1-2004.

Tại Pháp, nữ y tá Ludivine Chambet, 34 tuổi, đã bị kết án 25 năm tù vào năm ngoái. Ludivine Chambet bị truy tố vì đầu độc 13 người cao tuổi, trong đó 10 người đã chết, trong một trại dưỡng lão ở Chambéry.

Ngày 31-3-2016, cảnh sát Italy thông báo đã bắt nữ y tá Fausta Bonino bị tình nghi giết 13 bệnh nhân cao tuổi ở khu vực dành cho người bệnh được chăm sóc đặc biệt ở thị trấn Piombino thuộc vùng Tuscan. Bà Fausta Bonino bị phát hiện khi phát thuốc chống đông máu quá liều khiến bệnh nhân chảy máu trong dẫn tới tử vong.

Trước đó, tòa án ở Ravena (Italia) đã kết án tù chung thân đối với nữ y tá Daniella Poggiali về tội giết một bệnh nhân với một liều thuốc chết người. Kết quả kiểm nghiệm tử thi cho thấy, bệnh nhân bị tiêm kali clorua quá liều (chất có thể gây đau tim). Điều đáng nói là sau khi gây án, Daniella Poggiali đã selfie với thi thể và khi ấy đất nước Italy đã bị sốc khi nhìn thấy những bức ảnh này hồi hạ tuần tháng 10-2014. 

Cảnh sát Italy đã bắt Daniella Poggiali hồi tháng 10-2014, sau khi có những bằng chứng cho thấy, nữ "y tá tử thần" đã cố tình tiêm thuốc quá liều, dẫn đến cái chết của một nữ bệnh nhân cao tuổi ở thành phố Ravenna. Sau đó, Daniella Poggiali bị cáo buộc đã hại chết 38 bệnh nhân và hung thủ đã gây án chỉ vì cảm thấy họ và những người đến thăm làm nữ "y tá tử thần" khó chịu!

Bác sĩ Donald Harvey - người được mệnh danh "thiên thần cái chết". Ảnh: CNN.

Bác sĩ Donald Harvey, sinh năm 1952 tại quận Butler, bang Ohio, Mỹ được mệnh danh là "thiên thần cái chết". Ban đầu, Harvey thừa nhận rằng ông giết bệnh nhân hoàn toàn vì cảm giác đồng cảm, để giúp những người bị bệnh nan y thoát khỏi sự đau đớn về thể xác. Sau đó, ông ta bắt đầu cảm nhận được niềm vui từ việc giết người, và ngày càng lấn sâu vào con đường tội lỗi. 

Ông ta sử dụng rất nhiều phương pháp khác nhau để làm bệnh nhân sớm lên thiên đường, bao gồm việc dùng asen, xyanua, insulin, morphine, gây ngộ độc vào thức ăn, tiêm huyết thanh vào tĩnh mạch người bệnh. Harvey bị buộc tội giết chết 87 người, lĩnh 28 án tù chung thân với những tội danh của mình.

Cũng tại Mỹ, bác sĩ Machael Swango, sinh năm 1954, đã bị buộc tội gây ra cái chết cho khoảng 60 bệnh nhân và đồng nghiệp. Mọi chuyện bắt đầu khi Michael làm việc tại Trường đại học Y khoa Nam Illinois. Hắn có một sở thích bệnh hoạn là rất có cảm xúc với các nạn nhân đang hấp hối. 

Tại những nơi mà hắn xuất hiện, các nữ y tá đều không tìm ra nguyên nhân vì sao những bệnh nhân đang khỏe mạnh bỗng dưng chết đột ngột mà không có bất kì dấu hiệu gì trước đó. Michael Swango bị cảnh sát bắt giữ vì những bằng chứng cho thấy, hắn ta liên tục đầu độc các nạn nhân bằng chất độc thạch tín và nhiều loại chất độc khác.

Genene Jones, sinh năm 1950, là một nữ y tá người Mỹ, đã bị kết tội giết chết khoảng 40 trẻ em. Bà này đã tiêm chất độc phóng xạ dioxin, heparin và succinylcholine để gây ra cuộc khủng hoảng lớn trong y tế, với mục đích cố gắng cứu sống lại chúng để nhận được lời khen ngợi và sự chú ý. Các loại thuốc này được biết là gây tê liệt tim và các biến chứng khác khi bị tiêm quá liều. Nhiều trẻ em đã không thể vượt qua được. Sau khi được đưa ra xét xử, Jones đã bị kết án 99 năm tù giam.

Ngày 18-3-2012, dư luận Uruguay từng xôn xao khi cảnh sát bắt và 2 y tá thừa nhận đã sát hại khoảng 100 bệnh nhân trong 2 năm. Theo giới truyền thông, vụ việc bắt nguồn từ đơn thư tố giác về cái chết đáng nghi của một số bệnh nhân tại Bệnh viện Maciel và bệnh viện của Hội người Tây Ban Nha ở Thủ đô Montevideo. Và theo kết quả điều tra cho thấy, 2 y tá đã "giúp khoảng 100 bệnh nhân ra đi vì lý do nhân đạo". Theo tuyên bố của Thẩm phán Rolando Vomero, tất cả các bệnh nhân bị sát hại đều ở trong tình trạng nguy kịch, nhưng không thuộc diện hết phương chữa trị và họ đã chết bởi "y tá tử thần".

Cảnh sát lục soát nhà nghi phạm Ayumi Kuboki (ảnh nhỏ) ở thành phố Yokohama. Ảnh: Kyodo.

Mới đây nhất, tháng 7-2018, cảnh sát Nhật Bản đã bắt giữ một phụ nữ từng làm y tá ở thành phố Yokohama sau khi cô này khai đã giết nhiều bệnh nhân cao tuổi bằng cách tiêm hóa chất qua đường truyền tĩnh mạch.

Theo thông báo chính thức của cảnh sát, nghi phạm Ayumi Kuboki, 31 tuổi, đã bị bắt giữ liên quan tới cáo buộc sát hại một cụ ông 88 tuổi là bệnh nhân tại một bệnh viện ở ngoại ô Tokyo bằng cách cho thuốc sát trùng vào dịch truyền của bệnh nhân trên. Theo lời khai của Kuboki, y tá này không có thù hằn gì với các bệnh nhân, song không muốn có các ca tử vong xảy ra trong ca trực của mình nên đã tìm cách để kiểm soát thời điểm qua đời của các bệnh nhân. Hãng tin Jiji Press dẫn một nguồn tin cảnh sát giấu tên cho biết cựu y tá này khai rằng đã dùng cách thức tương tự đối với khoảng 20 nạn nhân.

Với người làm ngành y, bên cạnh những đòi hỏi chuyên môn, thì điều rất cần thiết là phải có sự đồng cảm với người bệnh. Và trên thực tế, họ được đào tạo cũng như được trả lương để làm việc ấy. Một loạt các vụ "tử thần khoác áo blouse trắng" cho thấy ở đâu đó vẫn còn có những tâm tưởng lệch lạc, bệnh hoạn bị đặt nhầm chỗ, để rồi gây ra những nỗi oan khuất không bao giờ có thể giãi bày lại được nữa.

Yên Bình (theo lci.fr, franceinfo.fr)
.
.