Công nghệ "hack não" Neuralink đang bị thổi phồng?

Thứ Ba, 15/09/2020, 22:29
Neuralink là một kế hoạch cực kỳ tham vọng của tỷ phú Elon Musk nhằm liên kết não bộ của con người với máy tính. Mục đích ban đầu của dự án hướng tới mục đích chữa bệnh liên quan đến não bộ con người, lâu dài thì cho phép não người hợp nhất với trí thông minh nhân tạo. Tuy nhiên, một số chuyên gia không mấy ấn tượng và cho rằng dự án đang bị thổi phồng quá mức.


Cấy hệ thống kết nối não cho lợn

Neuralink Corporation - công ty khởi nghiệp thành lập vào tháng 7-2016 và có trụ sở tại vịnh San Francisco (Mỹ) - hướng đến việc cấy ghép các vi mạch máy tính không dây chứa hàng nghìn điện cực vào não - cơ quan phức tạp nhất của cơ thể con người để chữa các căn bệnh về thần kinh, bao gồm hội chứng mất trí nhớ Alzheimer, bệnh sa sút trí tuệ và tổn thương dây thần kinh.

Elon Musk giới thiệu hệ thống của Neuralink trong não con lợn Gertrude ở buổi phát sóng trực tiếp trên YouTube. Ảnh: Verge.

"Một thiết bị cấy ghép thực sự có thể giải quyết những vấn đề này" - tỉ phú Elon Musk tuyên bố vào ngày 28/8 và đề cập đến các bệnh mất trí nhớ, mất thính giác, trầm cảm, mất ngủ. Tuy nhiên, ông Musk không thông báo mốc thời gian đạt được các phương pháp chữa trị đó.

Đồng thời, tỉ phú Musk trình diễn hệ thống của mình với phiên bản "demo ba chú lợn con" và phát trực tuyến. Trong đó, hai con lợn đang được cấy chip máy tính có kích cỡ bằng đồng xu (23mm) vào não và một con từng được cấy chip. Theo ông, những con lợn được cấy ghép "khỏe mạnh, vui vẻ và không thể phân biệt được với một con lợn bình thường".

Theo video được livestream trên YouTube, con lợn có tên Gertrude đã được gắn hệ thống do Neuralink phát triển để ghi lại các tín hiệu liên kết từ một vùng não đến mõm. Việc cấy ghép được thực hiện cách đây hai tháng. Khi mõm của Gertrude chạm vào một đồ vật nào đó, một loạt dấu chấm và tiếng động xuất hiện trên màn hình, cho thấy các tế bào thần kinh đang hoạt động và được hệ thống ghi nhận. Lợn là loài có bộ não với phần lớn được dùng để điều khiển mõm - bộ phận chứa rất nhiều tế bào cảm nhận nhạy cảm.

Ông Musk thông tin rằng, công ty đã dự đoán trước chuyển động các chi của một con lợn trên máy chạy bộ với "độ chính xác cao" dựa vào dữ liệu cấy ghép.

Ông cũng mô tả cảm biến - nhỏ hơn đầu ngón tay - là "một Fitbit trong hộp sọ của bạn với những sợi dây nhỏ xíu". "Tôi có thể có một Neuralink ngay lúc này và các vị sẽ không hề biết. Có thể tôi có nó" - vị tỉ phú doanh nhân nói một cách đầy bí ẩn.

Mục tiêu đạt được sự "cộng sinh" với Trí tuệ nhân tạo (AI)

Công ty Neuralink đã xin phê chuẩn từ Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cho dự án này. Dự án là nơi các nhà khoa học phát triển một mô cấy siêu nhỏ với hơn 3.000 điện cực, được gắn vào các dây dẫn kích thước bằng 1/10 sợi tóc và có khả năng giám sát khoảng 1.000 tế bào thần kinh. Các nhà khoa học kỳ vọng dự án này có thể hướng tới việc tìm ra cách chữa trị các bệnh về thần kinh.

Hệ thống của Neuralink nay được thu gọn bằng đồng xu và kết nối với smartphone thông qua Bluetooth. Ảnh: Verge.

Hôm 28/8, Elon Musk nói rằng, thiết bị cấy ghép "có thể thực sự giải quyết những vấn đề này". Trong đó, ông có đề cập tới mất trí nhớ, mất thính lực, trầm cảm và mất ngủ. Cuối cùng, nó cũng có thể đạt được sự "cộng sinh" với trí tuệ nhân tạo (AI). Tức là một ngày nào đó, hệ thống có thể giúp con người tải lên, tải xuống các ý tưởng, dữ liệu và thông tin giống máy tính thông qua AI. Hệ thống vừa được thử nghiệm trên lợn là bước đi đầu tiên. "Thiết bị có thể nối với điện thoại di động thông minh thông qua Bluetooth năng lượng thấp và điều khiển bằng ứng dụng" - ông Musk nói.

Các thử nghiệm đầu tiên sẽ tập trung vào những bệnh nhân bị liệt hoặc liệt 2 chi dưới, bác sĩ phẫu thuật trưởng của Neuralink - Tiến sĩ Matthew MacDougall - cho biết. Song ông không nêu khi nào các thử nghiệm sẽ bắt đầu.

"Tương lai của thế giới sẽ được kiểm soát bởi sự tiếp thu nhanh của máy móc và trí tuệ con người. Đó rõ ràng sẽ là tương lai mà chúng ta muốn" - tỉ phú Musk cho hay.

Hiện thiết bị của Neuralink vẫn giới hạn ở bề mặt não, chủ yếu tác động đến hệ thống thần kinh điều khiển chuyển động, thị giác và thính giác, chưa thể đi vào các vùng sâu hơn trong não. Ngoài ra, thiết bị của Neuralink sẽ "khá đắt" khi ra mắt lần đầu tiên, nhưng có thể giảm xuống còn "vài nghìn USD" trong tương lai gần. Tuy nhiên, hệ thống đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đánh giá là thiết bị đột phá.

Tỉ phú điều hành Tesla và SpaceX còn cho biết, mục đích chính khi trình diễn hệ thống Neuralink là kêu gọi thêm các chuyên gia vào dự án của mình. Hiện nhóm nghiên cứu của Neuralink có khoảng 100 người. Công ty đang gấp rút tuyển dụng kỹ sư thuộc chuyên ngành, AI, robot, điện và phần mềm cho dự án.

Một cựu nhân viên từng làm việc trong Neuralink tiết lộ, các nhà nghiên cứu đang phải chịu áp lực rất lớn khi phải gấp rút thực hiện dự án, theo Stat News.

Mục tiêu quá tham vọng?

Hầu hết nghiên cứu tiên tiến về kết nối não bộ và máy tính được thực hiện trên động vật do những thách thức về an toàn và rào cản quy định ngăn cản các thử nghiệm lớn hơn trên người. Elon Musk cũng từng cảnh báo về những rủi ro của AI nhưng hôm 28/8, ông lại nói rằng, thiết bị cấy ghép sẽ "đảm bảo tương lai của nhân loại như một nền văn minh có liên quan tới AI".

Tiến độ của dự án được báo cáo trong buổi phát sóng trực tiếp. Ảnh: Neuralink/ BBC.

Năm 2019, tỉ phú Elon Musk nói rằng, ông hy vọng được cơ quan quản lý chấp thuận các thử nghiệm trên người vào cuối năm 2020. Theo nhiều nhà khoa học, việc đọc sách và kích thích hoạt động của não bộ ở con người là có thể thực hiện được nhưng họ cũng nhất trí rằng, lộ trình thời gian mà ông Elon Musk đưa ra là không thể, theo Sky News.

Và Neuralink không phải là doanh nghiệp đầu tiên có ý tưởng kết nối não người với máy tính. Dự án đầu tiên đã được thực hiện từ năm 2006. Đóng góp chính của công ty vào công nghệ này là các dây dẫn mỏng và linh hoạt, có thể kết nối với nhiều điện cực hơn để thu nhận hoạt động của não. Một trong những lo ngại về hệ thống do công ty của Elon Musk sáng tạo là khả năng bị lão hóa theo thời gian. Một thành viên nhóm nghiên cứu thừa nhận, đây chính là thách thức lớn đối với Neuralink.

Các nhà khoa học về thần kinh không liên quan đến Neuralink nhận định, việc tiết lộ chú heo Gertrude cho thấy, công ty của Elon Musk đã đạt được bước tiến lớn, nhưng vẫn cảnh báo Neuralink cần thêm các nghiên cứu dài hơn nữa. Nhà nghiên cứu khoa học thần kinh Graeme Moffat thuộc ĐH Toronto (Canada) nhìn nhận, những bước tiến của Neuralink là một "bước nhảy vọt" đối với khoa học hiện nay nhờ vào kích cỡ của con chip, tính di động, nguồn năng lượng và năng lực không dây. Nhà khoa học thần kinh Sergey Stavisky của Đại học Stanford (Mỹ) nhận định, Công ty Neuralink đã đạt được những tiến bộ đáng kể kể từ cuộc thử nghiệm ban đầu về một con chip hồi tháng 7/2019.

Cuộn dây dẫn dùng để nối các điện cực siêu nhỏ. Ảnh: CNN.

Tuy nhiên, một số chuyên gia về khoa học thần kinh khác không hoàn toàn ấn tượng với dự án này. "Tôi nghĩ không có điều gì mang tính cách mạng trong bài thuyết trình. Song họ đang vượt qua những thách thức kỹ thuật khi đặt được nhiều điện cực vào não. Về mặt công nghệ, 1.024 đường rãnh dẫn không phải là gì quá ấn tượng ở thời nay, nhưng thiết bị điện tử để chuyển tiếp chúng là đỉnh cao, hiện đại nhất và việc cấy ghép robot cũng rất tuyệt" - Giáo sư thần kinh học Andrew Jackson tại Đại học Newcastle (Anh) nhận xét.

"Thách thức lớn nhất là bạn sẽ làm gì với tất cả dữ liệu não này" - Giáo sư Jackson nói. Sau đó, ông đăng dòng tweet: "Đây là kỹ thuật vững chắc nhưng về khoa học thần kinh thì tầm thường".

Trong vài giờ, Musk đã tweet đáp lời: "Thật không may, nhiều người trong giới học thuật thường coi trọng giá trị của các ý tưởng và thiếu sức nặng để đưa chúng thành hiện thực. Ví dụ, ý tưởng lên mặt trăng là tầm thường, nhưng việc lên được mặt trăng mới khó". Nhiều người trong số 38 triệu người theo dõi Elon Musk bày tỏ đồng tình, nhiều người còn phản ứng hơi thái quá. "Chúng tôi vẫn sẽ chờ đợi sản phẩm", một người dùng Twitter viết.

Trước các lời lẽ kích động trên Twitter, Giáo sư Jackson cười và cho BBC hay, ông đang tham gia vào công tác nghiên cứu thực tiễn. Ông đã khám phá ra việc giúp đỡ những bệnh nhân bị chấn thương cột sống bằng cách thiết lập lại tín hiệu từ não của họ đến tủy sống để phục hồi một số cử động của cánh tay. Ông không mạnh miệng tuyên bố là đi đầu trong nghiên cứu giao diện máy tính - con người nhưng biết rõ về lĩnh vực này. Và ông có thể chỉ ra những học giả đã đạt được tiến bộ đáng kể mà không cần ầm ĩ kiểu của Musk. Ông nhấn mạnh rằng, ông không hề có ý chê bai, tiêu cực.

"Tất cả ai làm việc trong lĩnh vực này một thời gian đều hào hứng với những khả năng có thể xảy ra khi bạn được những công ty công nghệ lớn và những người nhiệt tình hỗ trợ tài chính" - Giáo sư Jackson cho biết.

Do đó, dù ấn tượng với công nghệ của Neuralink, giáo sư Jackson vẫn tỏ ra hoài nghi về việc nó có thể đọc, viết ra ký ức và tăng cường các chức năng của não. Ông giải thích rằng, trong khi các nhà khoa học thần kinh đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc hiểu cách não bộ điều khiển chuyển động, song cách nó xử lý suy nghĩ, ký ức vẫn còn là một ẩn số.

Đối với tất cả thành tựu của mình, Musk có xu hướng phóng đại công nghệ của mình sẽ phát triển nhanh như thế nào. Ví dụ, 4 năm trước, Musk nói với Giáo sư Jackson rằng, trong một vài năm tới, một chiếc Tesla sẽ có thể tự hành trên khắp nước Mỹ, dừng lại để tự nạp năng lượng trên đường đi. Song đến nay, điều đó vẫn chưa diễn ra. Và dự kiến Tesla sẽ có 1 triệu robot chạy trên đường vào năm 2020 dường như là chuyện viễn tưởng.

Sau tất cả, những người có tầm nhìn công nghệ thường nghĩ lớn. Nhưng nếu không có các nhà khoa học phản biện, giấc mơ cải tiến não bộ con người bằng giao diện kỹ thuật số của Musk khó có thể trở thành hiện thực, theo BBC.

Một bài viết trên trang Scientificamerican cũng cho rằng, từ việc cấy ghép chip vào não lợn của Elon Musk đến việc giải quyết được bệnh tê liệt về thần kinh vẫn còn là một chặng đường dài.

Huyền Anh (tổng hợp)
.
.