Cuộc chạy đua khám phá vùng tối Mặt Trăng

Thứ Ba, 19/02/2019, 20:00
Cách đây không lâu, vụ hạ cánh lịch sử của tàu vũ trụ Trung Quốc mang tên Hằng Nga 4 lên vùng tối của Mặt Trăng chưa từng được khám phá đã mở ra một chương mới trong cuộc thám hiểm Mặt Trăng của con người.

Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) phải nghiêng mình kính nể và gọi đây là một thành tựu ấn tượng khởi đầu cho nhân loại. "Bàn thắng" quá tuyệt vời của người Trung Quốc đánh dấu cuộc chạy đua vũ trụ đã trở lại. Cuộc đua vốn đã chững lại sau Chiến tranh Lạnh của "thỏ" Liên Xô và "rùa" Mỹ giờ đây xuất hiện thêm một nhân tố bí ẩn với năng lượng dồi dào của một siêu cường mới nổi.

Thành tựu và tranh cãi

Do đặc tính tự quay quanh trục của Mặt trăng, nên chỉ có một mặt hướng về phía Trái Đất, và vùng tối là mặt không bao giờ được nhìn thấy từ Trái Đất. Theo lý giải, cái tên "vùng tối" xuất phát từ một chương trình truyền hình đặc biệt của Walt Disney vào năm 1955, nói về việc phía bên kia của Mặt Trăng luôn tối và việc các phi hành gia tương lai thả pháo sáng. Song thuật ngữ "vùng tối" chỉ thực sự xuất hiện vào năm 1973 với album đầy mê hoặc của nhóm nhạc người Anh Pink Floyd với tựa đề "The Dark Side of the Moon" (Vùng tối của Mặt Trăng).

Việc tàu Hằng Nga 4 đáp xuống vùng tối của Mặt Trăng đưa Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên thám hiểm khu vực này. Hình ảnh do tàu thăm dò Hằng Nga 4 chụp lại cho thấy địa hình vùng tối là lớp đất đá màu xám bất tận, đầy hố thiên thạch và hoàn toàn không giống bất kì vùng đất nào trên Trái Đất. Tuy nhiên, nhiều nhà thiên văn học khẳng định, vùng tối của Mặt Trăng không phải lúc nào cũng tối, nhưng nó ở rất xa. Họ cho rằng, khu vực nơi tàu vũ trụ của Trung Quốc hạ cánh là ở phần xa, chứ không phải vùng tối.

Có ý kiến nhận định, Trung Quốc không phải là quốc gia đầu tiên cho cả thế giới quan sát vùng tối của Mặt Trăng. Những bức ảnh chân thật đầu tiên đến từ một tàu thủ công của Liên Xô cũ vào năm 1959. Các phi hành gia tàu Apollo 8 của NASA đã nhìn thấy nó lần đầu tiên trong một nhiệm vụ quay quanh Mặt Trăng 50 năm trước. Ngoài ra, Trung Quốc không hoàn toàn tự thực hiện nhiệm vụ Hằng Nga 4. Các nhà khoa học Hà Lan cũng đóng góp vào quá trình xây dựng thiết bị dò tín hiệu tần số thấp, trong khi phía Đức giúp sản xuất thiết bị đo phóng xạ trên bề mặt Mặt Trăng, còn Thụy Điển cung cấp máy dò nguyên tử.

Dù còn một số tranh cãi nhưng sự kiện Hằng Nga 4 là bước tiến kĩ thuật lớn bởi đòi hỏi các tín hiệu điều khiển từ mặt đất phải được vệ tinh chuyển tiếp tới tàu thăm dò, do phần lớn Mặt Trăng đã chắn hết sóng điện từ khi các tàu này tiến vào vùng tối. Khu vực mà tàu thăm dò Trung Quốc đáp xuống được cho là xa nhất và cổ xưa nhất trên Mặt Trăng.

Vì thế, những gì mà tàu thăm dò khám phá ra có thể giúp con người có cái nhìn sâu hơn về nguồn gốc và sự phát triển của Mặt Trăng. Giới quan sát cho rằng, vùng tối có thể giàu khoáng sản. Nếu bước tiếp theo trong phát triển vũ trụ là phát triển nguồn lực trên Mặt Trăng thì sứ mệnh Hằng Nga 4 có thể giúp Trung Quốc có vị thế tốt hơn các quốc gia khác.

Cuộc chạy đua mới

Mặc dù khám phá vũ trụ chậm vài chục năm nhưng Trung Quốc nhanh chóng bắt kịp và có thể thách thức vị thế vượt trội của Mỹ trong lĩnh vực này. 20 năm đầu thế kỷ 21, nỗ lực thám hiểm vũ trụ của Trung Quốc tiến bộ với tốc độ chóng mặt. Năm 2003, Trung Quốc trở thành một trong ba nước (sau Mỹ và Nga) phóng thành công tàu vũ trụ chở người. Trung Quốc tiếp tục gửi đi tàu không người lái thăm dò quỹ đạo Mặt Trăng vào năm 2007, rồi một robot thăm dò vào năm 2013. Năm 2018, Trung Quốc phóng nhiều tên lửa vào quỹ đạo nhất thế giới.

Cuộc đua mới trên đường đến Mặt Trăng liên quan đến những lợi ích cùng các cơ hội kinh doanh tiềm năng.

Điều nổi bật là các tham vọng khám phá Mặt Trăng và vũ trụ của Trung Quốc luôn luôn lớn dần theo thời gian. Ví dụ như tham vọng về một cơ sở nghiên cứu của Trung Quốc trên Mặt Trăng hay phát hiện hệ thống hỗ trợ sự sống bằng tái tạo sinh học để đảm bảo con người có thể sống và tồn tại trên Mặt Trăng. Trung Quốc còn có nhiều kế hoạch táo bạo hơn trong tương lai, như đưa phi hành gia lên Mặt Trăng vào năm 2030.

Với tham vọng hiện diện đầu tiên ở những khu vực giàu tài nguyên, năng lực đưa tàu đổ bộ thành công xuống vùng tối của Mặt Trăng sẽ cho phép Trung Quốc đặt ra luật chơi ngoài vũ trụ, đồng thời đánh dấu giai đoạn gay cấn mới của cuộc đua không gian giữa Bắc Kinh và Washington. Giới quan sát nhận định, cuộc đua mới giữa Mỹ và Trung Quốc trên đường đến Mặt Trăng phần lớn được thúc đẩy bởi chính trị, bởi động cơ thực sự liên quan đến những lợi ích từ vệ tinh này cùng các cơ hội kinh doanh tiềm năng.

Chính phủ Mỹ gần đây cũng công bố một kế hoạch đầy tham vọng muốn "chiếm đóng" Mặt Trăng. Giai đoạn đầu tiên sẽ bao gồm việc NASA xây dựng một trạm không gian LOP, nằm trong quỹ đạo Mặt Trăng, tạo tiền đề cho các dự án xây dựng cố định trong tương lai.

Chưa hết, Tổng thống Donald Trump đã ký vào một bản ghi nhớ ủy quyền cho Bộ Quốc phòng Mỹ thành lập Bộ chỉ huy Không gian Mỹ, nhằm phát triển học thuyết về không gian, chiến thuật, kỹ thuật và quy trình cho phép bảo vệ Mỹ trong kỷ nguyên mới. Việc thành lập Bộ chỉ huy Không gian được coi là thay đổi cách tiếp cận với cuộc chiến trong không gian của Bộ Quốc phòng Mỹ bằng việc tập trung các hoạt động trong không gian của quân đội Mỹ vào một nơi cố định để chống lại các mối đe dọa tiềm tàng tới từ Trung Quốc.

Hồng Hạnh (tổng hợp)
.
.