Cuộc đua Nam Cực

Chủ Nhật, 06/06/2021, 14:03
Là một lục địa không chính phủ, Nam Cực có diện tích gấp đôi Australia, chứa nhiều tài nguyên thiên nhiên chưa được khai thác. Sự hiện hữu của con người ở nơi này được thể hiện bằng một văn phòng đặt tại Buenos Aires, Argentina, chỉ gồm 10 nhân viên, trước cửa có tấm bảng gỗ: "Ban Thư ký Hiệp ước Nam Cực". Văn phòng ấy đại diện cho 54 quốc gia đang cùng có mặt trên tảng băng lớn nhất hành tinh…


Vùng đất không chính phủ

Khác với Bắc Cực, nơi nhiều quốc gia trên thế giới đã xây dựng những căn cứ cho riêng mình để phục vụ một số lĩnh vực cả về khoa học, kinh tế lẫn quân sự thì với Nam Cực, đây vẫn là vùng đất không chính phủ mặc dù các quốc gia nằm gần nó nhất là Argentina, Nam Phi và Australia. Hàng năm, suốt mùa đông, Nam Cực không nhận được bất cứ ánh sáng mặt trời nào trong 6 tháng; còn về mùa hè, mặt trời luôn nằm ở đường chân trời.

Phần lớn ánh sáng mặt trời rọi xuống Nam Cực bị phản chiếu trở lại bởi mặt băng trắng xóa, dày trung bình 1,9km cộng với địa hình cao nhất thế giới (2.800m trên mực nước biển) đã khiến nơi này có khí hậu lạnh nhất địa cầu. Giữa mùa hè, khi mặt trời chiếu thẳng góc tại Nam chí tuyến, nhiệt độ trung bình ở Nam Cực là -25°C. Vào mùa đông, khi mặt trời di chuyển xuống Bắc bán cầu, Nam Cực lạnh đến -65°C và có nơi là -89,2°C.

Một tàu du lịch đưa khách tham quan Nam Cực

Thoạt đầu chỉ 7 quốc gia đưa ra tuyên bố về chủ quyền, gồm Argentina, Australia, Chile, Pháp, New Zealand, Anh, bằng cách thiết lập những cơ sở với danh nghĩa nghiên cứu khoa học. Một số quốc gia khác như Ấn Độ, Italy, Nga, Mỹ, Pakistan, Ucraina… tuy không tuyên bố chủ quyền nhưng cũng xây dựng các công trình mang tính lâu dài, bền vững.

Năm 1959, sau nhiều tranh cãi kéo dài, nhằm ngăn chặn những xung đột quân sự, Mỹ, Anh, Liên Xô và 9 quốc gia khác đã ký Hiệp ước Nam Cực mà nội dung chủ yếu là "gác lại các yêu sách lãnh thổ và chỉ sử dụng Nam Cực cho mục đích hòa bình". Jane Francis, người đứng đầu Cơ quan khảo sát Nam Cực, Anh, cho biết: "Năm 1980, có thêm 5 nước đưa ra tuyên bố về chủ quyền và hiện tại, 54 quốc gia đang hiện diện ở Nam Cực với 75 trạm nghiên cứu khoa học. Điều đó đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết, đó là biến đổi khí hậu, đánh bắt cá, du lịch, khai thác tài nguyên…".

Kết quả quan trắc suốt 50 năm cho thấy nhiệt độ ở một số khu vực của Nam Cực đang tăng nhanh hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu. Điều này dẫn đến các núi băng tan chảy và hệ quả là mực nước biển dâng cao. Nhà sinh vật học biển Damon Stanwell-Smith, người lần đầu tiên đến Nam Cực cách đây hơn 25 năm cho biết: "Mọi thứ đã thay đổi nhanh chóng và chúng ta có thể nhìn thấy rõ ràng. Mới chỉ 6 năm trước, có những khu vực không thể đi lại bằng thuyền trong mùa đông thì nay đã xuất hiện những dòng chảy lớn, cho phép các hãng lữ hành đưa khách du lịch đến tham quan Nam Cực".

Vẫn theo Damon Stanwell-Smith, tính từ tháng 11 năm ngoái đến tháng 4 vừa rồi, dù đại dịch COVID-19 đang hoành hành nhưng đã có 51.000 du khách đặt chân lên Nam Cực, tăng 17% so với năm trước và sẽ còn tiếp tục tăng thêm mặc dù giá tour từ 1.000USD đến 100.000USD mỗi người tùy theo khoảng cách địa lý.

Ông Damon nói: "Ngoài 33 tàu đã đăng ký với Ban Thư ký Hiệp ước Nam Cực, còn có 20 tàu khác đang được đóng mới, chưa kể những tour du lịch bằng thuyền kayak hoặc bằng máy bay khiến Nam Cực trở thành một sân chơi không kiểm soát…".

Chiếm đa số lượng khách du lịch Nam Cực là người Trung Quốc, chỉ đứng sau Mỹ trong bảng xếp hạng bởi lẽ Bắc Kinh đang đầu tư lớn vào lục địa này, là một phần trong kế hoạch trở thành "cường quốc vùng cực".

Nam Cực ra sao khi Hiệp ước Nam Cực không còn được áp dụng?

Nghị định thư về Bảo vệ môi trường đối với Hiệp ước Nam Cực được thông qua năm 1991. Nó có hiệu lực từ năm 1998 và là công cụ chính liên quan đến bảo tồn và quản lý đa dạng sinh học ở Nam Cực, trong đó có việc cấm khai thác tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên sau 50 năm, các quốc gia đã ký Hiệp ước Nam Cực có thể quyết định sửa đổi lệnh cấm khai thác với điều kiện ít nhất 3/4 các bên tham vấn hiện tại - gồm 29 quốc gia của Hiệp ước Nam Cực đồng ý khi thời hạn 50 năm sẽ kết thúc vào năm 2048.

Cá voi bị giết mổ tại một căn cứ hậu cần ở Nam Cực

Tuy nhiên, trước khi có Nghị định thư về Bảo vệ Môi trường đối với Hiệp ước Nam Cực, việc săn bắt hải cẩu ở Nam Cực đã được thực hiện ngay từ thế kỷ thứ 18 bởi người Anh, người Na Uy, người Argentina và người Chile. Trong khi đó, hoạt động săn bắt cá voi quy mô lớn ở vùng biển Nam Cực và cận Nam Cực đã tăng mạnh vào đầu thế kỷ 20, chủ yếu bởi các công ty của Na Uy và Anh. Các trạm hậu cần phục vụ cho nghề săn cá voi dựng lên ở Nam Cực được ngầm hiểu rằng nó là một phần lãnh thổ của quốc gia ấy vì theo luật pháp quốc tế, hoạt động của nhà nước là yếu tố chính của việc sở hữu lãnh thổ. Do vậy, chẳng có gì ngạc nhiên khi nó được tất cả những nước đã tuyên bố chủ quyền ở Nam Cực thể hiện dưới nhiều hình thức, từ những cơ sở nghiên cứu khoa học đến những khu nhà tập thể dành cho các chuyên gia, các trạm cứu hộ hoặc các văn phòng làm nhiệm vụ duy trì hàng hải, các sân bay, dịch vụ hậu cần, bến cảng, hải đăng, chưa kể đến việc một số chính phủ cấp giấy phép săn bắt cá voi, hải cẩu, thành lập các vườn quốc gia, phát hành tem bưu chính, lập bản đồ và đặt tên cho từng khu vực…, là minh chức cụ thể của cuộc đua sở hữu Nam Cực.

Theo tạp chí Địa lý Quốc gia (National Geographic), Anh Quốc, ngày càng có nhiều những hoạt động gây tổn hại cho Nam Cực, chẳng hạn như đánh bắt cá hợp pháp và bất hợp pháp, kể cả những loài nhuyễn thể mà nó là thức ăn chính cho cá voi. Arthur Devries, nhà sinh vật học về cá thuộc Đại học Illinois, Mỹ, cho biết từ năm 2003 đến nay, ông đã không còn tìm thấy một con cá răng trưởng thành nào ở Nam Cực trong lúc vào năm 1970, ông bắt được 500 con trong một mùa để nghiên cứu về một loại protein ở thân cá, giúp chế tạo loại thuốc chống đông máu.

Nhà môi trường học Huck Dulown thuộc Đại học Gundee, Anh nói ông đã từng thu thập được hàng trăm mét lưới hư hỏng do các tàu đánh cá bỏ lại, chưa kể đến dầu nhớt thải ra từ động cơ cũng như rác sinh hoạt của khách du lịch. Huck Dulown nói: "Có những nơi được gọi là "trạm nghiên cứu khoa học" nhưng biết đâu bên trong lại chẳng là những căn cứ quân sự và không loại trừ nó cất giấu tên lửa mang đầu đạn hạt nhân như đã từng xảy ra ở Bắc Cực. Nó đi ngược với Điều 1 của Hiệp ước Nam Cực: "Nam Cực sẽ chỉ được sử dụng cho các mục đích hòa bình. Bất kỳ biện pháp nào có tính quân sự, chẳng hạn như thiết lập các căn cứ quân sự, tiến hành các cuộc diễn tập quân sự, thử nghiệm bất kỳ loại vũ khí nào cũng đều bị cấm..".

Nam Cực là kho dự trữ hoang sơ cuối cùng của nhân loại. Dưới lớp băng của lục địa này là nguồn tài nguyên khoáng sản vô cùng to lớn gồm dầu mỏ, đồng, vàng, titan, uranium, đất hiếm…, còn các vùng biển xung quanh là nơi cư trú của nhiều loại sinh vật. Ngoài ra, các sông băng ở Nam Cực chứa 90% lượng nước ngọt trên thế giới nên Nam Phi chẳng hạn, đã dự định kéo một tảng băng về phục vụ cho tình trạng thiếu nước ngọt ở thành phố Cap Town.

Một trạm nghiên cứu khoa học ở Nam Cực

Và mặc dù bản thân Nam Cực là khu vực phi quân sự nhưng các cuộc xung đột vũ trang đã phát sinh ở một số vùng lân cận với nó, trong đó có Chile và Argentina về một hòn đảo gần Cape Horn, cũng như các yêu sách lãnh thổ chồng lấn của hai quốc gia này, hay như cuộc chiến giữa Argentina và nước Anh về quần đảo Falkland, là cửa ngõ trên đường đến Nam Cực.

Cuộc chiến tranh tuy đã chấm dứt từ lâu với phần thắng thuộc về nước Anh nhưng theo các nhà quan sát, rất có thể nó sẽ bùng phát trở lại. Jim Tymothy, giáo sư Khoa Địa chính trị, Đại học Yale, Mỹ nói: "Số phận các vùng lãnh thổ ở Nam Cực phụ thuộc vào việc phối hợp giữa các cường quốc. Nếu sự phối hợp không đạt được thì lục địa này sẽ bị chia năm sẻ bảy trong 20 đến 30 năm tới và điều đó có thể dẫn đến chiến tranh Nam Cực dựa trên những yếu tố: Sự xuất hiện của công nghệ cho phép cung cấp nhanh chóng và tiết kiệm nước ngọt từ các sông băng ở Nam Cực đến các vùng khô hạn, sự tăng giá dầu và nhu cầu dầu thô ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, thực phẩm cũng cần được khai thác nhiều hơn do dân số toàn cầu ngày càng tăng, đòi hỏi phải đánh bắt cá ở các vùng biển Nam Cực…".

Trong lúc này, chưa có sự hội tụ lợi ích nào như vậy nhưng hơn bao giờ hết, nó có khả năng sẽ hình thành bởi lẽ trong hơn 60 năm, tính đến thời điểm hiện tại đã có 54 nước tham gia Hiệp ước Nam Cực gồm 29 nước châu Âu, 9 nước châu Á, 8 nước Nam Mỹ, 4  ở Bắc và Trung Mỹ, 3 ở châu Đại Dương và 1 ở Châu Phi. Không những thế, số lượng các bên tham vấn của Hiệp ước có căn cứ đặt ở Nam Cực cũng không ngừng tăng lên: Australia, Argentina, Bỉ, Brazil, Bulgaria, Cộng hòa Séc, Chile, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Hàn Quốc, Ecuador, Phần Lan, Pháp, Đức, Nhật Bản, Anh, Ấn Độ, Ý, Na Uy, New Zealand, Hà Lan, Peru, Ba Lan, Nga, Tây Ban Nha, Nam Phi, Ukraine, Uruguay, Mỹ và Thụy Điển. 25 nước còn lại tham gia Hiệp ước Nam Cực với tư cách các bên không tham vấn nhưng vẫn có quyền tham dự các cuộc họp liên quan mà không được đưa vào quá trình ra quyết định.

Tuy nhiên, dù "không được đưa vào quá trình ra quyết định" nhưng 25 quốc gia này vẫn khẳng định vị trí của mình ở Nam Cực qua các trạm nghiên cứu khoa học, sân bay, bến cảng, cơ sở hậu cần… Vì thế cuộc đua Nam Cực có lẽ vẫn chưa dừng lại bởi lẽ không ai dám chắc rằng trong tương lai, sẽ không còn nước nào đưa người đến lục địa lạnh giá này…

Vũ Cao (Theo World Politics)
.
.