Cuộc đua mạng 5G đang nóng dần

Thứ Hai, 21/01/2019, 16:25
Hiện nay, có thể coi 5G là một trong những công nghệ kết nối không dây tinh vi nhất từng được phát triển, trở thành xu hướng công nghệ tương lai của hệ thống thông tin quốc tế.

5G được kỳ vọng sẽ tạo ra cuộc cách mạng về tốc độ, sự ổn định thiết bị di động, xóa bỏ khoảng cách giữa tốc độ băng thông không dây và cố định cũng như kích hoạt làn sóng công nghệ, hỗ trợ giải quyết các thách thức về kết nối tại đô thị lớn. nhưng Bất chấp cuộc đua 5G đang diễn ra rất sôi nổi, các thách thức cùng mối đe dọa an ninh mạng chắc chắn sẽ gia tăng khi tiến gần hơn đến một thế giới siêu kết nối với cơ sở hạ tầng 5G.

Tiềm năng và thách thức

Mạng 5G sẽ sử dụng bước sóng mm, quang phổ tín hiệu RF giữa các tần số siêu cao 20GHz và 300GHz, có thể truyền tải khối lượng lớn dữ liệu với tốc độ cao. 5G được miêu tả như bước đệm cho sự phát triển lớn mạnh của Internet vạn vật cũng như các thiết bị được tích hợp khả năng kết nối Internet, bởi mạng di động thế hệ 5 này dự kiến sẽ khắc phục triệt để những khiếm khuyết của 4G/LTE, đặc biệt là tốc độ truyền tải dữ liệu nhanh, đạt tới 20GPs (gấp 20 lần so với 4G). Nhờ đó, người dùng có thể xem trực tuyến video ở cấp độ 8K với định dạng 3D, kết nối thiết bị thực tế ảo gần như không có độ trễ.

Theo dự đoán, 5G sẽ là mảnh đất màu mỡ cho thực tế ảo, thực tế tăng cường, các ứng dụng theo thời gian thực. Với những ưu điểm nổi trội như vậy, công nghệ 5G hứa hẹn sẽ là một ngành kinh doanh đầy triển vọng. Dự báo tới năm 2020, toàn thế giới sẽ có khoảng 1,5 nghìn tỷ USD được đầu tư vào công nghệ này, trong khi đến năm 2035 thì công nghệ 5G có thể tạo ra 12.300 tỷ USD cho GDP toàn cầu. Hiện Liên minh viễn thông quốc tế đã đặt kế hoạch nghiên cứu về tiêu chuẩn công nghệ 5G và dự kiến sẽ thông qua tiêu chuẩn chính thức cho công nghệ này trong giai đoạn 2019-2020.

Mặc dù 5G hiện là từ khóa gây sốt thế nhưng giới quan sát dự báo công nghệ này sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong tương lai. Các mạng 5G ban đầu sẽ có vùng phủ sóng trên một khu vực hạn chế, trong khi các thiết bị sẽ không có hiệu năng pin hay dung lượng bộ nhớ hiệu quả như những mẫu 4G đã hoàn thiện. Vì vậy, những trải nghiệm đầu tiên mà người dùng sẽ nhận được từ công nghệ mới nóng bỏng tay là thời lượng pin cạn kiệt nhanh chóng trên một thiết bị mạnh hơn bình thường.

Đáng lo ngại hơn, mạng di động 5G có tốc độ siêu nhanh sẽ cho phép nhiều kết nối hơn nên khả năng thu hút sự chú ý từ tội phạm mạng sẽ tăng lên đáng kể. Các thiết bị Internet vạn vật sẽ dễ bị tấn công theo hai cách, do lỗ hổng trên chính các thiết bị, và do các mạng botnet vượt ra ngoài các thiết bị, ảnh hưởng đến cả các hệ thống điều khiển thông minh chứ không chỉ trộm cắp danh tính hay gian lận thẻ tín dụng.

Bởi vậy, giới quan sát cho rằng cần phải rất thận trọng trước bất cứ chính sách nóng vội nào liên quan đến 5G, yêu cầu các quốc gia phát triển các công cụ bảo vệ hợp lý, đồng thời thiết lập những nguyên tắc mới các nhà cung cấp viễn thông bổ sung nội dung về bảo mật và cảnh báo trong tương lai.

Cuộc đua gay cấn

Sự ra đời của mạng di động thế hệ thứ năm là bước ngoặt của thời đại mới, hứa hẹn mang lại thay đổi lớn tiếp theo. Công nghệ 5G hiện đang được các công ty viễn thông và chính phủ trên khắp thế giới coi như điều kiện tiên quyết phải tiến hành nếu muốn tăng tốc trong lĩnh vực công nghệ không dây. Thế nên, cuộc đua phủ sóng 5G của các nhà mạng, cũng như cuộc chiến sản xuất ra những thiết bị hỗ trợ công nghệ 5G, càng trở nên cam go hơn. Những quốc gia đi đầu về lĩnh vực này phải kể đến Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ và một số nước trong Liên minh châu Âu.

Lần ra mắt công khai và quan trọng nhất của mạng 5G cho đến nay chính là tại Thế vận hội mùa đông Pyeongchang diễn ra đầu năm 2018 tại Hàn Quốc. Tập đoàn viễn thông hàng đầu Korea Telecom tuyên bố số lượng trạm thu phát tín hiệu của mạng 5G ở nước này hiện đã tăng gấp bốn lần so các trạm thu phát công nghệ 4G.

Trong khi đó, Samsung đề ra mục tiêu kiểm soát 20% thị trường toàn cầu đối với mạng di động thế hệ năm vào năm 2020, biến 5G thành quân bài chủ chốt đối với ngành công nghiệp mạng toàn cầu. Chính phủ Hàn Quốc thậm chí tuyên bố đầu tư ít nhất 1,5 triệu USD để lắp đặt mạng 5G hoàn chỉnh, và kỳ vọng sẽ có thể được thương mại hóa vào cuối năm 2020.

Là đất nước đi đầu trong nhiều lĩnh vực công nghệ cao, hai nhà khai thác mạng lớn của Mỹ như AT&T và T-Mobile cũng đã nhanh chóng mua lại và phát triển công nghệ cho phép triển khai 5G quy mô nhỏ. Đầu năm nay, hãng AT&T đã mua lại một công ty chuyên nghiên cứu và thử nghiệm phát sóng vô tuyến ở dải tần thấp - điều kiện cần thiết để phát triển mạng 5G.

Một đại diện AT&T từng tuyên bố rằng, đến hết năm 2019, khoảng 10 thành phố của Mỹ sẽ được phủ sóng 5G. Nhiều công ty lớn khác như Qualcomm và Verizon đã công bố một loạt kế hoạch ra mắt thiết bị 5G trong năm 2019. Qualcomm Snapdragon X50 là modem 5G dự kiến sẽ xuất hiện bên trong Snapdragon 855, và sẽ là SoC 7nm FinFET đầu tiên của ông lớn này.

Tuy nhiên, cuộc đua thực sự nằm ở sự cạnh tranh chiếm lấy ngôi vị dẫn đầu công nghệ 5G giữa Mỹ và Trung Quốc. Hiện nay, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ nhờ khoản đầu tư 24 tỷ USD kể từ năm 2015 và xây dựng 350.000 trạm thu phát sóng điện thoại di động mới, vượt xa so con số khoảng 30.000 trạm ở Mỹ.

Giới quan sát cho rằng 5G là cốt lõi của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khi mà Bắc Kinh tỏ rõ tham vọng lớn trong chiến lược "Made in China 2025" và Washington với chiến lược "Nước Mỹ vĩ đại trở lại". Cả hai đối thủ đều muốn lãnh đạo thế giới bằng sức mạnh công nghệ tiên tiến nhất, thế nên câu trả lời ai thắng ai trong cuộc chiến 5G vẫn chưa thể xác định.

Nam Hồng
.
.