Cuộc săn lùng "loại Tamiflu" đặc trị COVID-19

Thứ Tư, 28/07/2021, 11:18
Các nhà khoa học trên khắp thế giới đang nỗ lực tìm kiếm và phát triển các phương pháp điều trị COVID-19 - căn bệnh gây ra đại dịch trên toàn thế giới này.

Một số thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn vẫn đang được tiến hành trên toàn cầu để đánh giá và xác định các loại thuốc hứa hẹn nhất có thể được sử dụng để điều trị COVID-19 ngay cả khi hầu hết mọi người đã được tiêm chủng đầy đủ.

Tại sao cần điều trị?

Tiêm phòng vẫn là ưu tiên hàng đầu cho nhiều quốc gia trong việc quản lý và mở cửa trở lại sau đại dịch, nhưng các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tin rằng, phương pháp điều trị COVID-19 hiệu quả vẫn sẽ cần thiết cho những bệnh nhân bị nhiễm SARS-CoV-2. Những người này sẽ bao gồm những người không đủ điều kiện hoặc không muốn chủng ngừa COVID-19.

Giáo sư Dale Fisher - chuyên gia về bệnh truyền nhiễm từ Trường Y Yong Loo Lin thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS) - cho biết, điều trị COVID-19 là rất quan trọng vì vaccine không phải là hiệu quả 100%. 

“Một số người sẽ luôn từ chối tiêm chủng và đôi khi, một người được tiêm chủng vẫn có thể mắc bệnh. Đó là dự kiến, vì vậy, chúng tôi muốn các tùy chọn tốt nhất tìm thấy được và có sẵn” - Giáo sư Fisher nói.

Thử nghiệm thuốc  phòng COVID-19

Thử nghiệm lớn nhất với hơn 12.000 bệnh nhân, đang được tiến hành tại Đại học Oxford. Kể từ tháng 3-2020, thử nghiệm phục hồi đã nghiên cứu một số hiệu quả về các loại thuốc trong điều trị bệnh nhân COVID-19.

Một số loại thuốc đã được chứng minh là không hiệu quả, chẳng hạn như thuốc chống sốt rét hydroxychloro quine - vốn được cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump quảng cáo là phương pháp điều trị tiềm năng. 

Tuy nhiên, những loại khác như steroid dexamethasone rẻ tiền và thuốc trị viêm khớp tocilizumab đã có hiệu quả trong việc điều trị bệnh nhân và đã cứu sống được nhiều người khi nước Anh chiến đấu với các đợt bùng phát dịch lớn.

Ở Singapore, Tổ chức Khoa học Sức khoẻ thuộc Bộ Y tế Singapore hồi đầu tháng 7 đã cấp phép tạm thời cho thuốc kháng thể sotrovimab, do Công ty Dược phẩm GlaxoSmithKline và Công ty Vir Biotechnology phát triển, được sử dụng để điều trị bệnh nhân từ 18 tuổi trở lên mắc COVID-19 ở mức độ nhẹ hoặc trung bình. Những bệnh nhân này không cần trợ thở ôxy nhưng có nguy cơ phát triển các triệu chứng nghiêm trọng hơn.

Bộ Y tế Singapore cho biết, loại thuốc này sẽ có mặt tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe vào tháng 9, trừ trường hợp có sự chậm trễ không lường trước được. Thuốc dựa trên các kháng thể đơn dòng, là các protein được tạo ra trong phòng thí nghiệm, bắt chước khả năng của hệ thống miễn dịch để ngăn chặn các kháng nguyên có hại như virus.

Singapore cũng đang xem xét một phương pháp điều trị bằng kháng thể đơn dòng khác của Regeneron Pharmaceutical, Trung tâm Quốc gia về Các bệnh Truyền nhiễm (NCID) cho The Straits Times hay. 

Loại phương pháp "cocktail kháng thể" này được sử dụng để điều trị cho Tổng thống Trump sau khi ông có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 vào tháng 10 năm ngoái và cũng đã được các nhà khoa học Anh tiến hành thử nghiệm phục hồi chấp thuận.

Vaccine hiện là phương pháp đánh chặn tốt nhất đối với dịch bệnh COVID-19. Trong ảnh: Một y tá chuẩn bị liều tiêm vaccine Pfizer-BioNtech Ảnh: AFP.

Chuyên gia nói gì?

Các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm cho hay, đã có nhiều tiến bộ kể từ khi đại dịch bắt đầu mà chưa có phương pháp điều trị hiệu quả nào cho những người mắc bệnh. 

Phó Giáo sư Sophia Archuleta - một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore - nói rằng, các bác sĩ không còn hoạt động trong “khoảng trống bằng chứng”, khi các loại thuốc được lựa chọn dựa trên lợi ích lý thuyết.

Bà Sophia trích dẫn hydroxychloroquine và các loại thuốc kháng retrovirus như lopinavir-ritonavir - thường được sử dụng để điều trị HIV. Cả hai phương pháp điều trị đều không mang lại lợi ích trong quá trình thử nghiệm lâm sàng, theo bà Archuleta.

Giáo sư Hsu Li Yang - người đứng đầu chương trình các bệnh truyền nhiễm tại Trường Y tế Cộng đồng Saw Swee Hock thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS) cho biết, tiến bộ này có được nhờ các thử nghiệm nền tảng lớn, đơn lẻ và đa quốc gia như thử nghiệm phục hồi của Vương quốc Anh và Tổ chức Y tế Thế giới hợp tác thử nghiệm.

Những thử nghiệm này, trong đó nhiều phương pháp điều trị được so sánh đồng thời bằng cách sử dụng một quy trình chuẩn hóa, đã cho phép thử nghiệm nhanh hơn và nghiêm ngặt hơn đối với các loại thuốc đã được phát triển hoặc sử dụng lại, giúp loại bỏ các loại thuốc sau đó được phát hiện là kém hiệu quả hơn.

Bà Archuleta cho hay, các liệu pháp COVID-19 hiện có chia thành hai loại: Những liệu pháp nhắm mục tiêu vào chính virus (bao gồm thuốc kháng virus và kháng thể đơn dòng) và những liệu pháp điều trị phản ứng viêm của cơ thể (bao gồm cả điều trị steroid và điều hoà miễn dịch).

Theo giáo sư Fisher từ NUS, corticosteroid - thuốc chống viêm - đã tạo ra kết quả tốt nhất trong việc cải thiện kết quả lâm sàng bằng cách ngăn ngừa tử vong và sự tiến triển nặng của bệnh. Ông cho biết thêm rằng, các loại thuốc kháng thể đơn dòng, chẳng hạn như sotromivab, đã nổi lên là phương pháp điều trị hữu ích cho những bệnh nhân mắc COVID-19 nhẹ nhưng có nguy cơ phát triển các triệu chứng nghiêm trọng hơn.

Các bệnh viện ở Singapore đang làm gì?

NCID đã ra bản hướng dẫn điều trị COVID-19, áp dụng cho tất cả bệnh viện ở Singapore. Tài liệu đưa ra các khuyến nghị về quản lý điều trị bệnh nhân COVID-19 ở Singapore. Bác sĩ Shawn Vasoo từ NCID cho hay, trước tiên các bác sĩ sẽ xem xét liệu bệnh nhân có các triệu chứng COVID-19 nghiêm trọng hay không.

Bác sĩ Raymond Fong - Trưởng khoa và cố vấn cao cấp của Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa Changi - cho rằng, những bệnh nhân được chẩn đoán mắc COVID-19 được đánh giá và phân loại thành bốn loại mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Bác sĩ Vasoo nói rằng, đối với những bệnh nhân được sàng lọc trong tuần đầu tiên bị bệnh nhưng có nguy cơ tiến triển nặng, thuốc kháng virus remdesivir có thể được sử dụng để tăng tốc độ hồi phục. Một số bệnh nhân có nguy cơ cao chưa cần oxy hỗ trợ và vẫn còn trong giai đoạn đầu của bệnh cũng có thể được dùng remdesivir.

Khi có sẵn, các kháng thể đơn dòng cũng sẽ tạo thành một phần của các phương pháp điều trị được khuyến nghị đối với COVID-19 giai đoạn sớm và không nghiêm trọng ở những bệnh nhân có nguy cơ cao, theo bác sĩ Vasoo. Đối với bệnh nhân mắc COVID-19 nặng, dòng corticosteroid như dexamethasone đã được sử dụng. 

Lý do là vì những bệnh nhân này - những người cần trợ thở ôxy - thường bị viêm siêu vi, nơi phản ứng miễn dịch tích cực với virus có thể làm tổn thương các cơ quan, đặc biệt là phổi. Các loại thuốc chống viêm khác - chẳng hạn như tocilizumab và baricitinib (được sử dụng để điều trị viêm khớp dạng thấp) - thường được dùng ngoài corticosteroid.

Những loại thuốc này được sử dụng để hỗ trợ hệ thống miễn dịch bằng cách điều chỉnh phản ứng của nó đối với mối đe dọa, chẳng hạn như virus SARS-CoV-2 trong trường hợp mắc COVID-19, bác sĩ Fong từ Bệnh viện Đa khoa Changi cho biết.

Các loại thuốc mà NCID không khuyến nghị để điều trị cho bệnh nhân COVID-19 bao gồm hydroxychloroquine, thuốc điều trị HIV lopinavir-ritonavir và thuốc chống ký sinh trùng ivermectin.

Nhân viên y tế tiêm vaccine AstraZeneca COVID-19 cho một người đàn ông ở thành phố Quezon, Philippines ngày 17-5-2021 Ảnh: AP/Newscientist.

Loại nào sẽ là Tamiflu tiếp theo?

Bác sĩ Vasoo nói rằng, các phương pháp điều trị cùng với chăm sóc hỗ trợ đã góp phần giảm tỉ lệ tử vong ở Singapore. Tuy nhiên, ông cho hay, những kết quả này không phải là một phần của thử nghiệm lâm sàng, nơi tác động của phương pháp điều trị COVID-19 cụ thể trên bệnh nhân có thể được so sánh định lượng với những người không được điều trị.

Theo bác sĩ Fisher, nguyên nhân lớn nhất dẫn đến kết quả tồi tệ trên toàn cầu là do các bệnh viện quá tải không có đủ giường, máy thở và ôxy.

WHO trong tháng 7 cũng đã khuyến nghị sử dụng thuốc trị viêm khớp Actemra của Hãng dược phẩm Roche (Thụy Sĩ) và thuốc Kevzara của Hãng dược Sanofi (Pháp) cho bệnh nhân COVID-19 thể nặng. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) thì cho hay, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) đã thông qua sử dụng thuốc Remdesivir (Veklury) để điều trị bệnh nhân COVID-19 từ 12 tuổi trở lên và nặng tối thiểu 40kg. Liên minh Châu Âu (EU) cũng cấp phép lưu hành một cách có điều kiện Remdesivir để điều trị cho bệnh nhân COVID-19 cần trợ thở.

Hầu hết bệnh nhân mắc COVID-19 nhập viện đều nhận được thuốc chống đông máu để giúp ngăn ngừa cục máu đông. Các bác sĩ thường kê heparin hoặc enoxaparin liều thấp.

Dexamethasone là thuốc chống viêm mạnh, luôn có sẵn và không đắt. Nhiều bác sĩ, bao gồm cả ở Mỹ, đã điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng bằng thuốc kháng viêm kể từ khi đại dịch bắt đầu. Loại thuốc này thường được sử dụng đối với những bệnh nhân COVID-19 đã phát triển hội chứng cơn bão cytokine-hệ miễn dịch phản ứng quá mức với các tác nhân xâm nhập như virus SARS-CoV-2. 

Khi điều trị bằng loại thuốc này, bệnh nhân có ít có nguy cơ tử vong trong vòng 28 ngày hơn những người được chăm sóc tiêu chuẩn. Ngoài Mỹ, Nhật Bản từ năm 2020 đã cho phép sử dụng Dexamethasone để điều trị bệnh nhân COVID-19.

Thuốc Favipiravir có cơ chế tương tự như Remdesivir. Từ năm 2020, Trung Quốc là nước đầu tiên cấp phép sử dụng Favipiravir để điều trị COVID-19. Sau đó, các nước như Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Italy… cũng lần lượt có quyết định tương tự.

Cũng trong tháng 7 này, Hãng dược phẩm Merck (Mỹ) và Công ty Ridgeback Biotherapeutics (Đức) thông báo thuốc uống Molnupiravir điều trị COVID-19 cho bệnh nhân từ nhẹ đến trung bình cho kết quả hứa hẹn trong quá trình thử nghiệm giai đoạn 3. 

Thuốc Molnupiravir đã hoàn tất 2 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, đạt hiệu quả 100% đối với tất cả bệnh nhân COVID-19. Molnupiravir khiến virus không nhân lên và bị đào thải rất nhanh, giúp bệnh nhân khỏi bệnh. Đặc biệt, thuốc có ít tác dụng phụ.

Vào tháng 6, các nhà khoa học của Viện Hóa học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam công bố nghiên cứu thành công phương pháp mới giúp cải tiến và rút gọn quy trình tổng hợp thuốc Favipiravir trong phòng thí nghiệm. Đây được coi là bước tiến trong tự chủ nguồn nguyên liệu thuốc điều trị COVID-19 tại Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Ngày 28-5, Tập đoàn Công nghệ sinh học Bonus BioGroup của Israel thông báo họ đã thử nghiệm lâm sàng thành công thuốc Mesencure điều trị tình trạng suy hô hấp đối với bệnh nhân COVID-19. Bonus Biogroup cho biết, Mesencure có thể giảm tình trạng viêm nhiễm trong mô phổi và hỗ trợ quá trình bình phục của bệnh nhân.

Một cuộc thử nghiệm lâm sàng tại Canada cho kết quả loại thuốc kháng viêm có giá thành thấp tên là colchicine có thể giảm đáng kể nguy cơ biến chứng và tử vong do COVID-19. Khi điều trị cho những người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, thuốc giúp giảm 25% số ca nhập viện, 50% số ca phải dùng máy thở và 44% số ca tử vong.

Tuy nhiên, chưa loại thuốc nào thành công trong quá trình thử nghiệm lâm sàng nghiêm ngặt. Vậy, bao lâu nữa chúng ta có phương pháp chữa trị hiệu quả nhất? Vẫn chưa biết được. Nhưng rõ ràng, việc điều trị sẽ giúp cứu mạng sống và cũng có thể giúp một số biện pháp phong tỏa được dỡ bỏ. 

Về mặt điều trị hiệu quả, xét bản chất là sẽ khiến virus SARS-CoV-2 trở thành một bệnh nhẹ hơn. Giống như Tamiflu được khuyên dùng cho những người bị cúm không quá hai ngày và đã được chứng minh là có thể rút ngắn thời gian của các triệu chứng cúm.

“Tất cả chúng tôi đang săn lùng (loại) Tamiflu tiếp theo” - tiến sĩ, bác sĩ Merdad Parsey, Giám đốc Y tế của Công ty Công nghệ sinh học Gilead, nói.

Huyền Anh
.
.