Để hiện trường “nói thật”

Thứ Bảy, 22/06/2019, 15:18
Hiện trường - một không gian xác định, luôn là nơi đầu tiên chứa đựng những "dữ kiện đầu bài", giúp lực lượng điều tra xác định bản chất sự việc. Trong công tác điều tra vụ án hình sự, tính nguyên vẹn của hiện trường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với hoạt động truy xét hung thủ gây án.

Đáng tiếc là trên thực tế, nhiều người do vô tình hay cố ý đã xâm phạm, làm xáo trộn hiện trường, gây khó khăn cho hoạt động nghiệp vụ của cơ quan chức năng.

Phóng viên chuyên đề An ninh thế giới đã có cuộc trao đổi với các Điều tra viên, chuyên gia pháp lý về tầm quan trọng của hiện trường và công tác bảo vệ hiện trường vụ án hình sự, những hiểu biết cần thiết để không làm hiện trường phản ánh sai về sự việc đã xảy ra.

Câu trả lời ngay trên mặt đất

Vụ xô xát trên cầu Nhật Tân giữa phóng viên với một số chiến sĩ đang làm nhiệm vụ xảy ra ngày 23-09-2016, vẫn được nhắc đến như một bài học "xương máu" đối với nhiều người, về ý thức bảo vệ hiện trường, tôn trọng cơ quan chức năng khi thực hiện nhiệm vụ tại hiện trường. Bởi vì, những hành động vô ý thức hoặc cố ý dẫn đến những xáo trộn, thay đổi tại hiện trường vụ án… vẫn đang diễn ra trong một số vụ án xảy ra gần đây.

Cảnh sát khám nghiệm hiện trường một vụ án.

Mới đây, vụ án chồng giết vợ rồi dựng hiện trường giả một vụ tai nạn giao thông xảy ra tại huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk đã được cơ quan điều tra làm rõ thông qua hoạt động khám nghiệm hiện trường.

Vào đêm 31-3-2019, người dân phát hiện bà Nguyễn Thị Xuân (47 tuổi) chết trên đường liên xã (đoạn qua Buôn Bling, xã Cư M'Gar), với nhiều vết máu trên đầu. Quá trình khám nghiệm hiện trường và tử thi, các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Đắk Lắk phát hiện tại hiện trường có nhiều dấu vết không giống một vụ tai nạn giao thông bình thường.

Giả thuyết nạn nhân bị giết ở nơi khác được đưa đến đây để ngụy tạo vụ tai nạn được đặt ra để tổ chức truy xét theo hướng này. Sau hơn 3 ngày tích cực điều tra, cơ quan chức năng đã làm rõ hung thủ chính là Mã Minh Thu - chồng của nạn nhân.

Tại cơ quan điều tra, Thu khai vào ngày 31-3, trong lúc cùng vợ làm rẫy, giữa 2 người đã xảy ra mâu thuẫn. Do tức giận, Thu đã lấy 1 cây gậy sắt đánh liên tiếp vào đầu vợ gây trọng thương. Trên đường chở vợ đi cấp cứu, thấy vợ đã chết, Thu đã để xác của vợ trên đường cùng chiếc xe máy để tạo dựng hiện trường giả tai nạn giao thông. Sau đó, Thu về chòi rẫy, thu dọn hiện trường, xóa dấu vết máu và chôn cây sắt hung khí gây án tại vườn.

Theo Thượng tá Ngô Minh Chính - nguyên giám định viên, Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an TP Hà Nội thì mọi sự việc, hiện tượng trong thế giới khách quan đều diễn ra trong một không gian và thời gian xác định, đồng thời để lại trong hiện thực những dấu vết, vật chứng, mà thông qua việc đánh giá chúng có thể nhận thức được về quá trình nào đó đã xảy ra.

Bảo vệ hiện trường vụ án.

Thuật ngữ "hiện trường" từ lâu đã dùng trong đời sống xã hội và đã trở thành một thuật ngữ khoa học. Khái niệm "hiện trường" trong khoa học điều tra hình sự được hiểu là "nơi xảy ra, nơi phát hiện các vụ phạm tội hoặc vụ việc có tính hình sự".

Đó là một không gian nhất định - nơi xảy ra quá trình gây án (nơi chuẩn bị, tiến hành, che giấu hành vi phạm tội), nơi tồn tại dấu vết vật chứng liên quan tội phạm, cần được phát hiện, thu thập, bảo quản để phục vụ cho công việc điều tra làm rõ nguyên nhân, quá trình diễn biến của vụ án hình sự.

Vẫn theo Thượng tá Chính, căn cứ  vào loại vụ việc, hiện trường thường được phân chia thành nhiều loại. Đặc biệt trong thực tế còn có loại "hiện trường giả". Đó là nơi thủ phạm cố ý sắp đặt tạo lập dấu vết để đánh lạc hướng điều tra của cơ quan điều tra nhằm che giấu hành vi phạm tội.

Hiện trường cần sự nguyên vẹn

Thiếu tá Lê Minh Hải, Đội trưởng Đội điều tra trọng án, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội) đã chủ trì nhiều cuộc khám nghiệm hiện trường các vụ trọng án.

Theo Thiếu tá Hải, những dấu vết, vật chứng, cảnh vật ở hiện trường, luôn đứng trước khả năng bị xáo trộn, bị thay đổi, bị hỏng, mất mát… do tác động của các yếu tố thiên nhiên, thời tiết, khí hậu như mưa nắng, không khí, nhiệt độ, gió…; tác động của con người (hành động xóa dấu vết của thủ phạm, hoặc tác động vô ý của người khác); tác động của súc vật, côn trùng và quá trình vận động nội tại của dấu vết tang vật. Để hạn chế đến mức thấp nhất sự biến đổi của dấu vết, vật chứng thì công tác bảo vệ hiện trường được đặt ra như một tất yếu.

Theo Thiếu tá Hải, hiện trường tồn tại những dấu vết, vật chứng phản ảnh sự tác động qua lại giữa nạn nhân với thủ phạm, giữa nạn nhân với môi trường xung quanh. Để hoạt động khám nghiệm thu được các dấu vết, vật chứng giúp truy nguyên thủ phạm, thì công tác bảo vệ hiện trường có vai trò hết sức quan trọng.

Bảo vệ hiện trường là việc sử dụng các lực lượng, biện pháp và các phương tiện phù hợp nhằm giữ nguyên trạng của hiện trường nói chung, dấu vết, vật chứng có ở hiện trường nói riêng, cũng như phát hiện, ghi nhận những thông tin, thay đổi ở hiện trường có liên quan đến vụ việc đã xảy ra.

Người dân thiếu ý thức đã xâm nhập hiện trường vụ việc.

Mục đích của việc bảo vệ hiện trường là nhằm đảm bảo cho hiện trường với những dấu vết vật chứng tồn tại trong đó, không bị tác động của một quá trình nào đó làm thay đổi, xáo trộn.

Bảo vệ hiện trường không chỉ là canh giữ đơn giản nơi xảy ra sự việc, mà là một quá trình trong đó người có trách nhiệm bảo vệ hiện trường phải thực hiện những công việc nhằm phòng ngừa những tác động làm thay đổi thực trạng vốn có của hiện trường nói chung, các dấu vết vật chứng nói riêng.

"Hoạt động bảo vệ hiện trường có nhiệm vụ bảo vệ dấu vết, vật chứng… không bị phá hỏng, xáo trộn; ghi nhận được những thay đổi, biến đổi trên hiện trường (do tác động của thời tiết); xác định nhân chứng và những người có thể cung cấp tài liệu về hiện trường, về thủ phạm; ghi nhận những tin tức có liên quan đến vụ việc đã xảy ra; cấp cứu nạn nhân; loại trừ sự nguy hiểm đang còn đe dọa cho cuộc sống, sức khỏe của con người; bảo vệ đồ vật, tài sản đang có nguy cơ bị thiệt hại xảy ra; bảo vệ an ninh khu vực hiện trường; truy bắt tội phạm (nếu có)" - Thiếu tá Hải cho biết thêm.

Mặc dù là bước đầu tiên cực kỳ quan trọng của công tác điều tra, nhưng trên thực tế công tác bảo vệ hiện trường ở nhiều địa phương thời gian qua, nhất là hiện trường các vụ tai nạn giao thông chưa tốt. Vì sự việc xảy ra trên tuyến giao thông, nên dễ kích thích sự hiếu kỳ của mọi người.

Hiện tượng khá phổ biến là người dân vây quanh nơi xảy ra sự việc, cố nhìn cho bằng được hay cố tìm hiểu xem chuyện gì, xảy ra như thế nào, có ai làm sao không, thậm chí có người còn lợi dụng để hôi của... Điều này vừa gây cản trở giao thông, mất an ninh, trật tự, vừa làm xáo trộn, xê dịch hiện trường.

Ở nhiều địa phương, do trang bị dụng cụ, phương tiện để bảo vệ hiện trường còn thiếu, dẫn đến hiện trường không được cô lập nên người dân, nhất là trẻ em cứ thản nhiên vào tận nơi quan sát, chỉ trỏ, bàn tán. Có những vụ xảy ra vào ban đêm, không có đèn đường soi sáng, không có điện…. lực lượng điều tra cũng không có đủ phương tiện như máy nổ, đèn công suất cao, dây căng chuyên dụng…

Do đó đã xảy ra tình huống các phương tiện giao thông khác đi trên đường vì không thấy rõ, đã va quệt vào những chiếc xe bị tai nạn đang nằm trên đường, tạo ra sự thay đổi, xáo trộn hoặc các dấu vết mới tại hiện trường, thậm chí gây tai nạn tiếp theo.

Trong khi đó, chỉ cần dịch chuyển, hoặc làm hỏng hay để mất những chi tiết, hiện vật tại hiện trường, sẽ gây khó khăn vô cùng lớn cho việc đánh giá chứng cứ sau này. Đồng thời, những sai sót từ giai đoạn này sẽ dẫn đến hàng loạt sai phạm khác trong việc điều tra, truy tố, xét xử. Nhất là dễ dẫn đến bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội mà xuất phát từ sự lỏng lẻo của việc bảo vệ hiện trường.

Bởi vậy người dân, nhất là những người biết việc vừa phải có ý thức tôn trọng pháp luật, vừa cần tinh thần cộng tác giúp đỡ cơ quan chức năng chủ động phòng ngừa, giải quyết tốt các vụ việc xảy ra.

Đào Trung Hiếu
.
.