“Gã khổng lồ” Google vấp ngã
Tuy nhiên, tham vọng này cũng đi liền với bê bối khi Google liên tục nhận cáo buộc chơi xấu các đối thủ và tiến hành các hoạt động ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường công nghệ. Và “gã khổng lồ” đã phải nhận án phạt tổng cộng gần 8 tỷ USD từ Liên minh châu Âu do vi phạm quy định chống độc quyền.
Chiêu trò hạ bệ
Hiện nay, Google đã trở thành công ty quảng cáo trực tuyến hàng đầu thế giới nhờ vai trò trung tâm trên tất cả thiết bị chạy hệ điều hành Android. Nếu xét về doanh thu quảng cáo trực tuyến thì không một hãng nào có thể đọ lại được với công ty do Larry Page và Sergey Brin sáng lập này.
Số liệu thống kê vào tháng 6/2018 cho thấy, trên nền tảng desktop, Google Chrome không có đối thủ khi đạt thị phần 66,87%, còn Mozilla Firefox đứng thứ hai với 11,44% trong khi Microsoft Edge của Microsoft đứng thứ 5 với chỉ 4,16%.
Thậm chí, Google thể hiện vai trò vượt trội trong công nghệ khi đưa ra nhiều ý tưởng áp dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn (Big data) hay xử lý ngôn ngữ tự nhiên. Đây được coi như một quyền lực cực kỳ lớn của thời đại Internet mà không phải công ty nào cũng có thể nắm giữ. Tuy nhiên, theo báo cáo điều tra của Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ, Google được cho là đang thực hiện nhiều thủ thuật bị truyền thông coi là “chơi bẩn” với các đối thủ nhằm độc chiếm thị trường.
Kết quả báo cáo cho thấy “gã khổng lồ” đang thực hiện chiến lược nhằm từ chối hiển thị liên kết đến các trang web thương mại, thay đổi thuật toán tìm kiếm của mình để đem lại lợi ích riêng và ảnh hưởng tiêu cực đến các đối thủ cạnh tranh. Ngoài ra, Google đã thao túng thị trường tìm kiếm bằng cách ủng hộ các dịch vụ của chính Google, hay thậm chí “mượn” nội dung bất hợp pháp từ các đối thủ như Yelp và Amazon. Ví dụ, Ủy ban Thương mại Liên bang cho biết Google đã sử dụng xếp hạng doanh số bán hàng của Amazon để xếp hạng các doanh mục riêng cho mình.
Mới đây, công cụ tìm kiếm có tên DuckDuckGo đã lên tiếng chỉ trích Google “chơi xấu” chuyển người dùng tới tên miền google.com mỗi khi họ gõ Duck.com. Trên thực tế, tên miền Duck.com thuộc sở hữu của Google nhưng DuckDuckGo - công ty công cụ tìm kiếm thiên về bảo mật - cho biết hành động của Google gây nhầm lẫn rất nghiêm trọng cho người dùng.
DuckDuckGo từng nhiều lần khiếu nại về các hành vi Google đã tiến hành để “dìm” mình. Đó là việc người dùng không thể nào thêm DuckDuckGo vào Chrome trên Android. Ngoài ra, DuckDuckGo cũng khiếu nại rằng không thấy tên trong danh sách các lựa chọn công cụ tìm kiếm mặc định như trên trình duyệt Safari, ngay cả khi DuckDuckGo nằm trong top công cụ tìm kiếm được sử dụng nhiều nhất tại rất nhiều quốc gia.
Cáo buộc này đã tạo nên dư chấn trên mạng xã hội Twitter, người dùng đặt câu hỏi phía sau lý do thực sự của việc sở hữu tên miền Duck.com của Google, nếu không nhằm mục đích dùng tên miền đó để “dìm chết” một đối thủ thấp bé nhẹ cân hơn.
Google phải nhận án phạt lớn. |
Hình ảnh lu mờ
Cáo buộc từ DuckDuckGo đã thổi bùng ngọn lửa cáo buộc Google từ những công ty khác. Một cáo buộc rằng Google đã cố tình khiến YouTube trở nên chậm chạp hơn trên trình duyệt Microsoft Edge, Mozilla Firefox vừa mới được đưa ra. Theo đó, thiết kế Polymer mới của YouTube đã mang lại những cải thiện cho nền tảng chia sẻ video lớn nhất thế giới YouTube.
Tuy nhiên, thiết kế Polymer chủ yếu dựa vào API Shadow DOM v0 chỉ khả dụng trên trình duyệt Chrome. Điều này làm cho YouTube chậm hơn đến 5 lần khi hoạt động trên các trình duyệt Microsoft Edge và Mozilla Firefox. Phía Microsoft và Mozilla cũng nghi ngờ như vậy.
Theo giới quan sát, cách Google xử lý khủng hoảng cho thấy sự lúng túng nhất thời của “gã khổng lồ”. Khi các đối thủ của Google yêu cầu gã khổng lồ này ngừng sử dụng nội dung của họ, Google đe dọa sẽ loại bỏ trang web của đối thủ cạnh tranh ra khỏi kết quả tìm kiếm của mình. Ngoài ra, Google ngăn chặn các trang web sử dụng nền tảng tìm kiếm của nó trên các dịch vụ tìm kiếm của Bing và Yahoo.
Google cũng cấm các nhà quảng cáo sử dụng dữ liệu được tạo ra từ các chiến dịch quảng cáo của Google trên các nền tảng cạnh tranh khác. Nhiều ý kiến quan ngại những hành động của Google có thể gây hại cho người sử dụng, làm xáo trộn tìm kiếm trực tuyến cũng như thị trường quảng cáo trực tuyến.
Trong khi đó, cáo buộc của DuckDuckGo đã gây ra cuộc khủng hoảng trên mạng Twitter và Google không thể ngó lơ. Phó Giám đốc mảng truyền thông và xã hội của Google Rob Shilkin xác nhận Google đã thay đổi trang được chuyển hướng tới bằng một trang mới cho phép người dùng chọn truy cập vào DuckDuckGo hoặc Wikipedia để tìm hiểu thêm về... loài vịt.
Ông giải thích rằng Google mua lại tên miền Duck.com bởi đây là một phần của On2 (công ty có tên cũ là Duck Corporation) hồi năm 2010. Giải thích này bị cư dân mạng chỉ trích là không thỏa đáng.
Có vẻ như những hành vi cạnh tranh thiếu lành mạnh bằng cách lợi dụng thế độc tôn trên thị trường đã khiến “người khổng lồ” vấp ngã. Google phải chịu án phạt lên đến 5 tỷ USD từ Liên minh châu Âu vì tội lạm dụng thế lực của Android hòng củng cố vị thế thống trị của hãng này trên thị trường các công cụ tìm kiếm trong suốt nhiều năm.
Quyết định trên được đưa ra nhằm xử lý hành vi tự ý cài đặt sẵn các ứng dụng Google Search và Google Chrome trên những chiếc điện thoại của Google. Cùng với khoản tiền phạt này, Liên minh châu Âu yêu cầu Google phải thay đổi cách đặt ứng dụng tìm kiếm và trình duyệt web trên những chiếc điện thoại chạy hệ điều hành Android.
Nếu tính cả án phạt khoảng 2,8 tỷ USD hồi năm ngoái, Google sẽ phải trả số tiền phạt tổng cộng lên tới 7,8 tỷ USD cho Liên minh châu Âu. Giải thích về khoản tiền phạt khổng lồ này, EU cho rằng nó được tính toán dựa trên doanh thu khổng lồ của Google trong suốt một thời gian dài mắc phải những vi phạm cực kỳ nghiêm trọng.