Gáo nước “hắt” vào những cái đầu nóng vì tiền ảo

Thứ Ba, 13/02/2018, 13:40
Ngày 26-1, Coincheck - một trong những sàn giao dịch tiền số lớn nhất Nhật Bản thông báo mất hơn 530 triệu đồng NEM, tổng trị giá trên 500 triệu USD. Vụ việc như gáo nước lạnh dội vào những cái đầu nóng muốn phát triển ồ ạt tiền ảo. Nhiều quốc gia đã ban hành lệnh cấm giao dịch tài chính với tiền ảo do những lo ngại an ninh tài chính, tội phạm khủng bố hay rửa tiền.

Thông điệp lạnh lùng

Hiện vẫn chưa rõ những đồng tiền số của Coincheck bị chuyển trái phép như thế nào và tài sản của các nhà đầu tư được đảm bảo ra sao. Theo một số phỏng đoán, có thể các hacker đã đánh cắp được mã bảo mật của ví nóng chứa NEM, từ đó chuyển toàn bộ số tiền ảo này sang các ví cá nhân nặc danh. Ngay sau khi bị rò rỉ tiền ảo, sàn Coincheck đã dừng mọi hoạt động rút tiền khỏi sàn để tránh thiệt hại thêm.

Vụ đánh cắp đồng NEM được coi là một trong những vụ mất trộm tài sản nhà đầu tư lớn nhất kể từ khi đồng tiền số Bitcoin ra đời vào năm 2009. Vụ trộm 530 triệu USD tiền ảo NEM - đồng tiền ảo lớn thứ 10 trên thế giới. Vụ này nghiêm trọng hơn cả vụ đánh cắp 480 triệu USD tiền ảo Bitcoin tại sàn giao dịch Mt. Gox hồi năm 2014.

Coincheck cho biết sẽ đền bù cho các khách hàng với tỷ giá 88,549 yên/1 NEM cho toàn bộ 260.000 khách hàng bị ảnh hưởng trong vụ việc, tương đương khoảng 430 triệu USD.

Nhiều nước đã coi giao dịch tiền ảo là bất hợp pháp. Ảnh: WION.

Theo thống kê từ trang mạng theo dõi tiền ảo jpbitcoin.com, Nhật Bản là một trong những thị trường tiền ảo lớn nhất thế giới, với khoảng 30% giao dịch bitcoin toàn cầu trong tháng 12-2017 là chuyển từ đồng yên. Ước tính có khoảng 10.000 doanh nghiệp tại Nhật Bản chấp nhận bitcoin. Hồi tháng 11/2017, bitFlyer, sàn giao dịch bitcoin lớn nhất Nhật Bản, thông báo cán mốc 1 triệu người tham gia.

Nhật Bản là một trong những thị trường tiền ảo lớn nhất thế giới. Các nhà hoạch định chính sách nước này đã đưa ra một hệ thống cấp phép để tăng cường kiểm soát các sàn trong nước, nhằm tránh lặp lại sự kiện năm 2014 - khi sàn Mt.Gox sụp đổ gây lao đao thị trường tiền ảo thế giới.

Sau vụ việc, ngày 29/1, Nhật Bản thông báo sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt hành chính đối với sàn giao dịch tiền ảo Coincheck. Theo hãng tin Kyodo, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết Cơ quan Dịch vụ tài chính (FSA) sẽ đưa ra các biện pháp trừng phạt nhằm giúp nâng cao các hoạt động giao dịch và bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người dùng. FSA sẽ giám sát các hoạt động giao dịch tại Coincheck để đảm bảo các biện pháp này được triển khai đầy đủ. Bên cạnh đó, các bộ, ngành và cơ quan liên quan cũng được khuyến khích nghiên cứu và đưa ra thêm các đề xuất cần thiết.

Cụ thể, ngày 2-2, nhà chức trách Nhật Bản đã tiến hành khám xét sàn giao dịch tiền ảo Coincheck, một tuần sau khi sàn giao dịch đặt trụ sở tại Tokyo này bị đánh cắp. Bộ trưởng Tài chính Taro cho biết việc tiến hành thanh tra trụ sở Coincheck nhằm đảm bảo các tài sản của khách hàng sử dụng tiền điện tử được bảo vệ. FSA đã đặt thời hạn chót ngày 13- Coincheck phải điều tra nguyên nhân vụ việc và giải quyết thỏa đáng cho khách hàng, củng cố năng lực xử lý nguy cơ và có những biện pháp ngăn chặn cần thiết.

Kể từ tháng 4-2017, Nhật Bản đã công nhận Bitcoin như một đồng tiền hợp pháp. Tuy nhiên, vụ trộm tiền ảo đã làm gia tăng thêm lo lắng với tiền ảo, giới phân tích nói rằng những vấn đề trên vẫn chưa có hồi kết. Vụ trộm tiền ảo trị giá 530 triệu USD ở sàn giao dịch Coincheck ở Nhật Bản đã khiến Nhật Bản và nhiều quốc gia đặt ra quan ngại về tính chất không ổn định và rủi ro của tiền ảo.

Vụ trộm đúng vào thời điểm Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra những quy định yêu cầu các sàn giao dịch tiền ảo phải có giấy phép hoạt động do chính phủ cấp. Một lần nữa, vụ việc tại Coincheck đã làm phiền lòng giới chức Nhật Bản khi Bộ trưởng Tài chính Taro Aso tuần này thừa nhận rằng chính phủ "cần tăng cường công tác giám sát".

Phóng viên tới đưa tin vụ việc Coincheck ở Nhật bản. Ảnh: news4europe.

Cơn sốt “tẩy chay” tiền ảo

Các nhà chức trách ở Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và thậm chí ở Nga đã thực hiện các biện pháp khẩn cấp với việc đưa ra một dự thảo luật hồi tuần trước nhằm kiểm soát quá trình sinh sôi tiền ảo. Thậm chí Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Arun Jaitley ngày 2-2 cho biết, chính phủ nước này không coi tiền ảo là đồng tiền giao dịch hợp pháp và sẽ "thực hiện mọi biện pháp để xóa bỏ" việc sử dụng tiền ảo trong hệ thống thanh toán cũng như trong các hoạt động bất hợp pháp liên quan cấp vốn.

Ngay sau tuyên bố của ông Jaitley, các đồng tiền ảo đã mất giá trên thị trường Ấn Độ cũng như quốc tế. Giám đốc sàn giao dịch tiền ảo Coinsecure Anshul Vashist có trụ sở ở New Delhi cho biết tuyên bố của ông Jaitley đã làm cho các nhà đầu tư hoảng sợ dẫn tới một số vụ bán tháo đồng Bitcoin.

Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, các nhà quản lý Ấn Độ cảm thấy bất an về đồng tiền ảo do giá trị dao động quá lớn và nguy cơ liên quan đến các hoạt động đáng ngờ. Hồi tháng trước, trả lời chất vấn của các nghị sỹ, ông Jaitley cũng từng tuyên bố tiền ảo không phải là tiền tệ hợp pháp.

Indonesia cũng thắt chặt kiểm soát việc sử dụng tiền ảo khi cho điều tra việc sử dụng tiền ảo Bitcoin tại hòn đảo nghỉ dưỡng Bali của nước này, sau khi Ngân hàng Trung ương Indonesia lên tiếng cảnh báo về những rủi ro từ tiền ảo khi trên mạng xã hội có các thông tin về việc Bali trở thành một "thiên đường giao dịch đồng Bitcoin" và vào khoảng cuối năm 2017, cảnh sát cùng nhân viên của Ngân hàng Trung ương Indonesia đã tới Bali để điều tra hàng loạt doanh nghiệp ở đây.

Giữa tháng 1-2018, Bộ trưởng Tư pháp Hàn Quốc Park Sang-ki cho biết chính phủ nước này đang chuẩn bị một dự luật cấm giao dịch tiền ảo, động thái được cho sẽ gây rối loạn thị trường tiền ảo trong bối cảnh cảnh sát và giới chức thuế quan Hàn Quốc tiến hành khám xét bất ngờ các sàn giao dịch tiền ảo liên quan cáo buộc trốn thuế.

Cảnh sát và lực lượng thuế quan Hàn Quốc đã "sờ gáy" các sàn giao dịch tiền ảo lớn nhất tại nước này như Coinone hay Bithumb vì liên quan cáo buộc trốn thuế. Chiến dịch thanh tra diễn ra sau hàng loạt động thái của Bộ Tài chính nhằm xác định cách thức đánh thuế đối với thị trường tiền ảo hiện có khối lượng giao dịch lớn tương đương khối lượng giao dịch hằng ngày của chỉ số chứng khoán Kosdaq.

Trước đó, giới chức tài chính Hàn Quốc cho biết đang kiểm tra 6 ngân hàng nội địa lập các tài khoản tiền ảo cho các thể chế trong bối cảnh có những quan ngại về việc sử dụng loại tiền này làm gia tăng tội phạm.

Giới chức Mỹ ngày 6-2 cho hay Quốc hội Mỹ đang nghiên cứu xem liệu có cần tăng cường mức độ kiểm soát các nền tảng giao dịch tiền ảo. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin bày tỏ lo ngại về những rủi ro mà các đồng tiền ảo như Bitcoin có thể gây ra. Trả lời phỏng vấn tại Câu lạc bộ Kinh tế Washington, Bộ trưởng Mnuchin cho biết lo ngại lớn nhất của ông về các đồng tiền ảo là chúng có thể bị sử dụng cho các mục đích phi pháp như rửa tiền hoặc tài trợ cho các hoạt động bất hợp pháp và người tiêu dùng có thể bị phương hại từ việc đầu tư tích trữ đồng tiền ảo này.

Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Hội đồng Giám sát ổn định tài chính liên ngân hàng đã thành lập một nhóm có nhiệm vụ giám sát các đồng tiền ảo. Chủ tịch FED, bà Janet Yellen đã bác bỏ đề xuất về ban hành đồng tiền kỹ thuật số với lý do việc này sẽ mang lại ít lợi ích trong bối cảnh có ít nhu cầu về đồng tiền này trong khi mối lo ngại mà chúng gây ra thì rất lớn.

Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ (SEC) thậm chí đã đình chỉ giao dịch đối với chứng khoán đã niêm yết của Công ty The Crypto, một công ty chuyên tư vấn và cung cấp dịch vụ đầu tư tiền ảo Bitcoin có trụ sở tại bang California.

Tại Trung Quốc, các cơ quan chức năng Trung Quốc mới đây đã yêu cầu tạm ngừng hoạt động của tất cả các hệ thống tiền ảo ở nước này, đồng thời tăng cường kiểm soát các nguy cơ liên quan đến các loại tiền điện tử. Cơ quan chịu trách nhiệm giám sát các nguy cơ tài chính trực thuộc Quốc vụ viện (chính phủ) Trung Quốc đã yêu cầu tất cả các cơ quan quản lý ở cấp địa phương đóng cửa các sàn giao dịch chuyên mua bán các loại tiền tệ kỹ thuật số có liên quan tới đồng nhân dân tệ.

Những ngân hàng lớn như Lloyds Banking Group (LBG) của nước Anh ngày 4/2 cho biết họ sẽ cấm các khách hàng sử dụng thẻ tín dụng của ngân hàng này để mua bán Bitcoin và những đồng tiền "ảo" khác. Ngân hàng Trung ương Đức cũng bác bỏ khả năng phát hành “tiền ảo” của Eurozone.

Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới 2018, giới lãnh đạo toàn cầu cũng rất quan tâm đến việc áp đặt các quy định đối với tiền ảo khi Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond kêu gọi các chính phủ cần "thận trọng". Tập đoàn công nghệ khổng lồ Facebook đã "ra tay" bằng việc cấm tất cả hoạt động quảng cáo liên quan tiền ảo trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn những âm mưu lừa đảo.

Một “tín đồ” đào tiền ảo ở Nhật Bản. Ảnh: VOA News.

Bản chất và mặt trái của tiền ảo Bitcoin

Những ngày qua, giới truyền thông đề cập nhiều đến tiền ảo. Người ta chỉ biết đó là một đồng tiền ảo, tiền điện tử, nhưng không hiểu rõ lợi ích của đồng tiền này trong cuộc sống hằng ngày. Chỉ biết rằng bong bóng đầu cơ đồng tiền ảo này luôn có nguy cơ nổ tung. Bitcoin không phụ thuộc vào một quốc gia hay ngân hàng nào.

Cụ thể là có một thuật toán để tính toán việc phát hành Bitcoin và số tiền này sẽ giảm dần cho đến năm 2140. Như vậy, sẽ không bao giờ có quá 21 triệu Bitcoin được lưu hành. Trong khối lượng tiền ảo này, các Bitcoin không giống nhau, mỗi Bitcoin là duy nhất. Danh sách các chủ sở hữu của đồng tiền ảo được lưu giữ trong bộ nhớ và vô danh.

Đồng Bitcoin có thể được trao đổi tự do khắp nơi trên thế giới và không để lại vết tích gì, không có phí giao dịch ngân hàng... Chính vì vậy, các cơ quan quản lý quốc tế và quốc gia cần tiến hành một chính sách tạm gọi là “trấn áp” để đồng tiền ảo không trở thành bong bóng.

Trong khi đó nguy cơ tiền ảo trở thành công cụ để rửa tiền bẩn là có thật. Báo Le Monde phân tích, vào giữa thế kỷ 17, trong vòng 3 năm, làn sóng đầu cơ đã làm giá củ giống hoa tuy líp Semper Augustus tăng 5.900%. Cũng trong thời gian mấy năm, giá Bitcoin đã tăng 3.300% và có thể còn tăng nữa.

Theo Le Monde, không nên nhìn vào làn sóng đầu cơ hiện nay mà vội vã kết luận rằng Bitcoin sẽ trở thành đồng tiền thay thế. Bởi tiền ảo nếu không được quản lý sẽ bùng nổ và trở thành một dạng tài sản bị đầu cơ. Đã đến lúc chính quyền, ngân hàng trung ương các nước quan tâm đến đồng tiền ảo, nhất là việc tiền ảo có thể được sử dụng để rửa tiền bẩn.

Cần nhận rõ bản chất và mặt trái của tiền ảo Bitcoin. Làn sóng Bitcoin cũng được coi là nguyên nhân gây bất lợi cho thế giới này. Mặc dù là đồng tiền số nhưng Bitcoin tồn tại với nguồn cung có hạn và chúng cần được “đào” (giống như cách chúng ta đào vàng trên thực địa). Việc “đào Bitcoin” được thực hiện bằng cách xử lý nhiều vấn đề toán học cực kỳ phức tạp, vốn đòi hỏi sự phối hợp của nhiều hệ thống máy tính hữu hình và cấu hình cực mạnh, do đó, tốn rất nhiều điện năng.

Do vậy, càng “đào” được nhiều đồng Bitcoin, thì những vấn đề trên càng trở nên khó xử lý hơn. Cơn “cuồng si” các đồng tiền ảo dường như không có giới hạn. Giá trị của đồng tiền ảo Bitcoin so với với đồng USD đã được nhân lên 10 lần kể từ đầu năm nay và 30.000 lần tính từ ngày 1-1-2011.

Trong bài viết đăng trên tờ “The Financial Times", Giáo sư Jean Tirole, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của tổ chức tài trợ Jean-Jacques LAFFONT tại Trường Kinh tế Toulouse, đưa ra quan điểm rằng “blockchain”, nền tảng công nghệ truyền tải số liệu an toàn dựa trên hệ thống mã hóa phức tạp này có thể được coi là một sự đổi mới đáng hoan nghênh, với các ứng dụng hữu ích cho phép thực hiện các hợp đồng một cách nhanh chóng và tự động hóa.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nằm ở chính những đồng tiền ảo. Bitcoin đặt ra 2 vấn đề, một là tính bền vững của nó và khả năng đóng góp hay có lợi cho lợi ích chung.

Xét về mặt bền vững, Bitcoin là một “bong bóng” đơn thuần, một tài sản không có giá trị nội tại, bởi giá trị của nó sẽ về con số 0 một khi lòng tin không còn. Không ai dám chắc về sự sụp đổ của tiền ảo.

Nguyễn Hòa
.
.