Giả bệnh thoái tội dưới góc nhìn khoa học pháp y

Thứ Ba, 16/07/2019, 12:38
Người giả bệnh có một mục đích rõ rệt và có thể nhận ra trong việc tạo ra triệu chứng. Họ tìm kiếm chỉ định nhập viện để yên tâm về việc trả nợ tài chính, tránh né cảnh sát, việc làm, hoặc chỉ đơn thuần là có được một nơi ngủ tự do, một đêm yên giấc, nhưng họ luôn có một số cách kết thúc giống nhau cho những hành vi của họ.

Hơn nữa, những người này thường ngưng tạo triệu chứng khi họ không đạt được lợi ích rõ rệt hoặc khi nguy cơ gia tăng quá mức. Do đó, chứng "malingering" - giả mạo bệnh tật vì một động cơ thầm kín - là điều phổ biến đáng ngạc nhiên.

Những trường hợp giả bệnh để thoát tội

Vincent Louis Gigante, còn gọi là "Chin" (cằm), là bố già gia đình tội phạm Genovese từ năm 1981 đến 2005 - một trong những trùm mafia Italy có ảnh hưởng nhất thời bấy giờ. Nhưng trong hơn ba thập niên, Vincent Gigante giả vờ điên loạn để tránh bị ngồi tù, lang thang quanh làng Greenwich trong chiếc áo choàng tắm và dép lê. 

Cháu gái của ông, Rita Gigante, sau này nhớ lại: "Ông đột ngột dừng lại, chỉ tay và bắt đầu lẩm bẩm. Nếu chắc chắn rằng đang bị cảnh sát ghi hình hoặc quay phim thì ông sẽ càng tỏ vẻ điên khùng hơn nữa".

Vincent Gigante, ông trùm gia đình tội phạm Genovese ở New York, giả vờ điên loạn để tránh ngồi tù.

Mỗi khi mang trát hầu tòa đến gặp Gigante, các đặc vụ Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) thường bắt gặp cảnh bố già đứng trần truồng trong một trận mưa rào, nắm chặt một chiếc ô đang mở bung. 

Nhưng, thực ra Gigante đang "giả bệnh" (malingering): một thuật ngữ mô tả sự cố ý tạo ra các triệu chứng không có thực, hoặc phóng đại quá mức những triệu chứng hiện có, thường nhằm mục đích lừa gạt - bao gồm nhận được bồi thường tài chính, nhà ở, hoặc ma túy, hoặc tránh làm việc, nghĩa vụ quân sự hoặc truy tố hình sự.

Hiện tượng "giả bệnh" như thế không có gì mới và thường rất phổ biến trong thế giới tội phạm. Trong một nghiên cứu đối với 879 người tham gia, 17,5% số người không đủ năng lực để chịu xét xử trước tòa án (và do đó được gửi đến một bệnh viện nhà nước chứ không phải nhà tù) nhưng sau đó được xác định là giả mạo các triệu chứng bệnh. 

James Lindsay - phạm nhân bị buộc tội sát hại cô gái Emma Thomson, 15 tuổi, vào ngày 30-9-1995 - giả vờ mắc chứng tâm thần phân liệt hoang tưởng, khi hắn bảo với các bác sĩ rằng ma quỷ đã xui khiến hắn giết một phụ nữ tóc đỏ.

Về sau, tòa án Scotland phát hiện mưu chước từ một lá thư mà hắn gửi cho một người bạn trong thời gian chờ xét xử với nội dung: "Tôi có một kế hoạch hoàn hảo để được đưa vào Bệnh viện Tâm thần Carstairs và sẽ được thả sau 8 năm. Nếu phải vào tù vì tội giết người, tôi sẽ mang án chung thân". 

Nhưng, cuối cùng Lindsay cũng bị kết án chung thân! Chứng "giả bệnh" nói chung là tương đối phổ biến. Nhưng xác định mưu chước này quả là rất khó khăn - bởi vì các triệu chứng giả vờ thường là những triệu chứng khó đánh giá nhất. Ví dụ, không có xét nghiệm máu hoặc quét não để xác nhận ảo giác của bệnh tâm thần phân liệt.

Tên giết người hàng loạt Kenneth Bianchi trong vụ án gọi là "Hillside Strangler" (sát nhân bên sườn đồi) giả vờ mắc chứng rối loạn đa nhân cách (hiện được gọi là rối loạn nhận dạng phân ly) và đổ lỗi cho nhân cách thứ 2 là "Steve" gây ra những vụ giết người. Nhưng cuối cùng cũng bị phát hiện. 

Tên giết người hàng loạt Kenneth Bianchi giả bệnh rối loạn nhận dạng phân ly, nhưng cuối cùng cũng bị kết án tù chung thân.

Việc dò tìm phát hiện chứng "giả bệnh" bắt đầu bằng việc tìm kiếm dấu hiệu của sự phóng đại quá mức và mâu thuẫn trong hành vi hay lời nói. Có một số khác biệt cho phép các bác sĩ phân biệt được tình trạng bệnh rối loạn tâm thần thực sự hay chỉ là giả mạo.

Ví dụ như vụ án giết chết con do trầm cảm sau sinh. Tháng 6-2001, một người mẹ dìm chết 5 đứa con từ 6 tháng tuổi đến 7 tuổi của mình trong chính bồn tắm trong nhà riêng ở khu ngoại ô Clear Lake City, thành phố Houston, bang Texas, Mỹ. 

Người mẹ tên là Andrea Yates, sau đó được kết luận là sát hại con trong tình trạng trầm cảm sau sinh kéo dài. Trong phiên toà sơ thẩm, người mẹ độc ác bị kết án chung thân vì tội giết người có chủ đích. Đến tháng 7-2006, Tòa tuyên Andrea Yates vô tội vì vào thời điểm xảy ra án mạng, cô ta bị tâm thần. Andrea được đưa tới bệnh viện để điều trị.

Cùng với các rối loạn sức khỏe tâm thần khác, Andrea Yates bị ảo giác rằng quỷ Satan bảo cô gây tội ác.

Trong rối loạn tâm thần (psychosis) thực sự, ảo giác thính giác thường không liên tục và đôi khi bệnh nhân có thể chống lại các mệnh lệnh nếu họ không hoàn toàn khỏe mạnh. Ngược lại, những kẻ giả bệnh báo cáo tình trạng ảo giác liên tục và nói rằng họ đã buộc phải tuân theo tất cả các hướng dẫn. 

Những người bị ảo giác thực sự thường báo cáo rằng giọng nói có đặc trưng lặp đi lặp lại và có thể nhận dạng được, giọng của cả nam và nữ (ở 3/4 bệnh nhân), phát âm cùng một ngôn ngữ với họ (ở 98% bệnh nhân) và bắt nguồn từ trong đầu của họ (ở 88% bệnh nhân).

Ngược lại, người giả bệnh cố chứng tỏ tình trạng ảo giác về giọng nói không điển hình: giọng nói không xác định được của chỉ một giới tính (hoặc giới tính thay đổi giữa câu), chỉ có giọng nói trẻ con, hoặc giọng nói phát ra giống như robot hoặc động vật. Những đặc điểm không điển hình này làm tăng sự nghi ngờ đối với chứng giả bệnh nhưng khó thể xác nhận điều đó. 

Báo cáo về ảo giác thị giác cũng tương tự như thế. Trong bệnh tâm thần phân liệt, các báo cáo thường bao hàm màu sắc và kích thước thật (nhân vật tôn giáo, thành viên gia đình, động vật) nhưng thay vào đó, những kẻ giả bệnh có xu hướng báo cáo các chi tiết phóng đại: "Tôi nhìn thấy con chim khổng lồ.... Nó cao đến gần 40m!".

Tuy nhiên, cũng có những trường hợp ngoại lệ. Bệnh nhân nghiện rượu hoặc bị thoái hóa điểm vàng hoặc tâm thần phân liệt có thể có ảo giác về các nhân vật Lilliputian (động vật hoặc người tí hon). 

Ví dụ như một mô tả từ một thanh niên 25 tuổi nghiện rượu: "Họ cao chưa đến 1m, với những bộ váy sặc sỡ, khuôn mặt kỳ lạ, mắt và miệng to đùng. Một số người cũng đeo kính". Vì vậy, ngay cả với những quy tắc chung này, việc xác định tâm lý thực sự vẫn còn nhiều thách thức. Do đó, một đặc điểm duy nhất chưa thể xác nhận chứng giả bệnh.

Thẩm định y khoa vào cuộc

Điều rất quan trọng là không để suy đoán sai lầm dẫn đến việc bỏ qua chứng bệnh rối loạn sức khỏe tâm thần thực sự - nhưng cũng không loại trừ đến việc cả hai có thể cùng tồn tại. Để chắc chắn nhất có thể, bước tiếp theo là kiểm tra tâm lý. Tuy nhiên, một số bài kiểm tra trí nhớ và khả năng nhận thức rất dễ vượt qua nếu người thẩm tra kém năng lực. 

Các tuyên bố về chứng mất trí nhớ tương đối phổ biến trong thế giới tội phạm. Chứng mất trí nhớ được tuyên bố bởi tới 45% người phạm tội trong các vụ án giết người và khoảng 8% thủ phạm của các tội phạm bạo lực khác.

Trong phần lớn các phiên tòa, tên tội phạm chiến tranh phát xít Rudolf Hess tuyên bố bị mất trí nhớ, nhưng sau đó thừa nhận rằng đây là một mưu mẹo.

Trước những bằng chứng quá rõ ràng chứng minh tội giết chồng, nữ doanh nhân Mỹ Ruthann Aron (bị cảnh sát chính thức bắt giữ năm 1997) phải đối mặt với bản án tù. Theo lời khuyên của các luật sư bào chữa, Aron tự nhận mình bị điên để thoát án. 

Cuối cùng, bất chấp những chẩn đoán khác nhau, các bác sĩ chuyên khoa thần kinh Bệnh viện Suburban ở Bethesda bang Maryland kết luận Ruthann Aron có đủ năng lực hành vi để hầu tòa, và rằng bị cáo nhận thức rất rõ khi lên kế hoạch giết hại chồng mình.

Những thách thức đối phó với tội phạm nguy hiểm giả bệnh để thoát tội đã thúc đẩy khoa học hình sự phát hiện giả mạo bằng cách sử dụng kỹ thuật quét não và đo lường hoạt động điện não. 

Gần đây, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra bệnh trầm cảm "giả vờ" bằng cách phân tích cách bệnh nhân di chuyển chuột máy tính như thế nào. Cá nhân bị trầm cảm mất nhiều thời gian hơn để thực hiện bài kiểm tra phân biệt chứng trầm cảm thực hay giả dựa trên chuột máy tính. Mô hình máy học cũng đạt độ chính xác phân loại trầm cảm thực hay giả lên tới 96%.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu thừa nhận dữ liệu kiểm tra không được thuyết phục. Những phương pháp tiếp cận hiện đại, cho dù thông qua quét não hoặc phân tích sóng não, cho đến nay cũng tỏ ra không đáng tin cậy và không được chấp nhận được tại tòa án. 

Năm 2003, những người cung cấp thông tin từ một số tổ chức mafia tỏ ra nghi ngờ về những tuyên bố mắc chứng rối loạn tâm thần của Gigante và các công tố viên đã đưa ra bằng chứng âm thanh về việc ông trùm nói chuyện một cách khéo léo và chỉ đạo việc kinh doanh của mafia từ trong nhà tù. Những ngày giả bệnh của Gigante đã kết thúc.

Các chuyên gia khoa học pháp y đánh giá Vincente "Chin" Gigante là một trong những ông trùm mafia đã thoát tội một cách ngoạn mục khi lừa được mọi người rằng mình bị tâm thần phân liệt. 

Bị kết án tù năm 1997, Gigante cuối cùng đã thừa nhận vào 6 năm sau đó rằng đã cố tình giả mắc chứng rối loạn tâm thần.

Gigante ranh ma đến mức lừa luôn được cả các đặc vụ FBI già dặn nhất, bác sĩ tâm lý được tòa chỉ định và cả một số đối tượng mafia "sừng sỏ" khác cũng tưởng ông ta quá điên đến mức không thể nào giết người như khi xưa được nữa. 

Bất cứ khi nào bị buộc tội, luật sư đều tuyên bố Gigante chỉ có chỉ số IQ là 69-72, tức dưới mức trung bình. Gigante sống với mẹ trong căn hộ Greenwich Village của mình, thường được nhìn thấy trong bộ đồ ngủ và hay lẩm bẩm.

Mặc dù luật sư tuyên bố Gigante đã đến bệnh viện tâm thần 28 lần từ năm 1969-1995 nhưng ông ta được đánh giá là "có khả năng nhận thức" vào năm 1996. Thẩm phán chủ trì trường hợp của Gigante nói rằng bệnh tâm thần của ông chỉ là một sự lừa dối và chính Gigante đang tin vào việc mình bị tâm thần chứ thật ra ông ta hoàn toàn bình thường. 

Năm 1997, Gigante bị kết án 12 năm tù cùng với số tiền phạt 1,25 triệu USD. Gigante chết năm 2005. Lúc đó đã 77 tuổi. Gigante hầu như không phải là tên tội phạm cuối cùng cố gắng giả bệnh để thoát án ngồi tù. Tuy nhiên, sau đó có lẽ rất ít người thoát được công lý trong một thời gian dài như Gigante.

An Di (tổng hợp)
.
.