Giảm tối đa thủ tục hành chính để phục vụ nhân dân tốt nhất

Thứ Ba, 02/03/2021, 10:00
Chiều 25-2, Bộ Công an đã tổ chức lễ khai trương hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân (CCCD).


Việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng các hệ thống phát triển Chính phủ điện tử, giúp thay đổi phương thức quản lý công dân từ thủ công sang hiện đại, thực hiện việc quản lý dân cư thông qua mã định danh cá nhân, giúp giải quyết cơ bản vấn đề định danh, xác thực điện tử cho công dân trong thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, góp phần đổi mới công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, hỗ trợ đắc lực cho nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thăm Phòng máy chủ, Bản đồ số.

Tạo thuận lợi, nhanh chóng và đơn giản nhất cho công dân khi thực hiện thủ tục hành chính

Chiều 25-2, ngay sau khi kích hoạt hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống Sản xuất cấp và quản lý CCCD, đã có những công dân đầu tiên được trải nghiệm dịch vụ về thông báo lưu trú và dịch vụ đăng ký mã số thuế qua cổng dịch vụ công quốc gia.

Tại Công an xã Thiện Phiến, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, chị Nguyễn Thị Kim Loan, trú tại xã Dị Chế đến công an xã để làm thủ tục đăng ký thường trú, nhập khẩu về gia đình nhà chồng ở xã Thiện Phiến. Ngay sau khi cán bộ tiếp nhận hồ sơ, nhập số CCCD của chị Kim Loan vào hệ thống thì ngay lập tức hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ tự động hiển thị lên thông tin của chị Loan.

Việc hệ thống hỗ trợ tự động điền thông tin đầy đủ vào các biểu mẫu theo quy định, giúp cán bộ tiếp nhận hồ sơ thực hiện công việc nhanh chóng, nhất quán, chính xác. Thông tin cá nhân của chị Loan đã được chuyển từ xã Dị Chế sang xã Thiện Phiến trong thời gian ngắn.

Thời điểm này, Thượng úy Cao Xuân Nam, Trưởng Công an xã Thiện Phiến cũng đang thực hiện các bước giải quyết hồ sơ đăng ký thường trú của chị Loan, các thông tin của hồ sơ như: Phiếu đề xuất, sổ hộ khẩu, KH04 tự động được chuyển toàn bộ đến máy tính của Trưởng Công an xã Thiện Phiến để anh xem xét và phê duyệt ngay trên hệ thống mà không cần phải kiểm tra lại trên hồ sơ giấy.

Nhưng đó chỉ là một trong rất nhiều tiện ích mà người dân sẽ được hưởng khi hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đi vào hoạt động. Hiện nay, có khoảng 5.400 thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của các bộ, ngành. Tuy nhiên, việc quản lý dân cư mang tính đơn lẻ, từng bộ, ngành quản lý, theo dõi riêng biệt thông qua việc cấp một số loại giấy tờ mỗi công dân. Do vậy, mỗi công dân có thể sở hữu nhiều loại giấy tờ khác nhau (giấy khai sinh, CMND, sổ hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn, thẻ bảo hiểm y tế, hộ chiếu, giấy phép lái xe, các loại chứng chỉ...).

Công an huyện Mê Linh, TP Hà Nội làm căn cước gắn chip cho người dân.

Cơ sở dữ liệu dân cư được xây dựng với mục tiêu kết nối, chia sẻ thông tin về dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác: Hộ tịch, cư trú, CCCD, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, thuế... Đến nay đã cung cấp một số dịch vụ công thiết yếu như đăng ký thường trú, tạm trú, tạm vắng, khai báo lưu trú, đăng ký thuế lần đầu... cho người dân khai thác, sử dụng thông qua Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia, Cổng dịch vụ công quốc gia.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ được kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu chuyên ngành của nhiều cơ quan, tổ chức có liên quan để đáp ứng yêu cầu trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công hoặc giao dịch dân sự của công dân; về cơ bản khi tham gia các hoạt động này thì cơ quan, tổ chức có liên quan có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu thông tin về nơi cư trú của công dân đã cung cấp với thông tin có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Việc tra cứu thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khi giải quyết các thủ tục hành chính sẽ thay thế cho việc phải xuất trình hoặc nộp bản sao có chứng thực các giấy tờ công dân khi thực hiện thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý, giảm chi phí và thời gian đi lại của nhân dân, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân. Việc kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các hệ cơ sở dữ liệu chuyên ngành tạo điều kiện thuận lợi, nhanh chóng và đơn giản nhất cho công dân khi thực hiện các thủ tục hành chính...

Cũng trong chiều 25-2, chị Hà Yến Nhi, trú tại quận Hải Châu, TP Đà Nẵng đã dễ dàng đăng ký mã số thuế lần đầu ngay tại một quán cà phê mà không cần đến trực tiếp cơ quan thuế tại các quận, huyện hoặc thành phố nơi sinh sống, làm việc, đồng thời phải mang theo rất nhiều loại giấy tờ cá nhân. Ngoài ra, cũng phải mất từ 7 đến 10 ngày mới được cấp mã số thuế. Tuy nhiên, khi mà thông tin cá nhân từ hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được kết nối liên thông với Cổng dịch vụ công quốc gia ở bất cứ nơi đâu họ cũng có thể đăng ký miễn là có Internet.

Chị Yến Nhi cho biết, trước tiên để đăng ký mã số thuế, chị phải có tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Sau đó, chị đăng nhập tài khoản vào, đến mục đăng ký mã số thuế cá nhân lần đầu thì khi đó tất cả thông tin của người đăng ký sẽ được Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đồng bộ sang và chỉ cần điền một số thông tin còn thiếu, chỉ mất 3 phút đã hoàn thành hồ sơ đăng ký mã số thuế lần đầu.

Công an Hòa Bình làm căn cước công dân gắn chip.

Giúp lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ công khai, minh bạch

Nhập hồ sơ khai báo thông tin, sau đó lăn lấy vân tay, chụp ảnh, rồi lấy giấy hẹn. Những thủ tục đơn giản mà người dân đã có mặt tại một số điểm cấp CCCD lưu động do công an các địa phương trên cả nước tổ chức. Bởi so với trước kia, các thủ tục đều được triển khai hỗ trợ tối đa đến với người dân.

Ông Đoàn Văn Bắc, trú tại quận Ba Đình, TP Hà Nội cho biết: “Tôi thấy việc cấp CCCD lần này rất thuận tiện. Trước đây, muốn đi làm thẻ CCCD thì phải lên quận hoặc thành phố và kèm theo mang rất nhiều giấy tờ và thủ tục khác. Nhưng hôm nay tôi được cấp ngay tại phường mà không mang theo giấy tờ, chỉ mất 3 đến 5 phút là xong thủ tục”.

Thẻ CCCD gắn chip có khoảng 20 trường thông tin do công an quản lý như: họ tên, năm sinh, quê quán, ngoài ra sẽ tích hợp dữ liệu của ngành thuế, hải quan, bảo hiểm, bằng lái... Đồng thời, thông qua hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các lực lượng chức năng trong quá trình làm nhiệm vụ. Việc sử dụng CCCD gắn chip sẽ không gây ảnh hưởng tới CCCD mã vạch trước đó vì đều sử dụng một số nhận dạng, do đó, người dân không phải đi đổi lại.

Với tính năng kết nối, chia sẻ thông tin về dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các ngành, lĩnh vực trên toàn quốc, người dân có thể làm thủ tục hành chính tại cơ quan hành chính gần nhất, tạo sự cân bằng về tổ chức hoạt động  quản lý Nhà nước về dân cư theo hướng hiện đại, phù hợp với xu hướng công nghệ số, hướng tới xây dựng chính phủ điện tử, xóa nhòa khoảng cách về địa giới hành chính.

Không chỉ một hay nhiều hoạt động hành chính mà rất nhiều lĩnh vực đều có thể khai thác hệ thống cơ sở dữ liệu này để đạt được những lợi ích từ công cuộc số hóa đang được triển khai hiện nay. Lĩnh vực giao thông là một ví dụ. Tại  chốt giao thông trên tuyến đường Giảng Võ, TP Hà Nội, người vi phạm giao thông này sau khi được lực lượng chức năng giải thích rõ về hành vi vi phạm của mình, thông thường sẽ mất từ 15 đến 20 phút để lập biên bản xử lý. Tuy nhiên, chỉ sau ít phút đăng nhập qua thẻ CCCD của người vi phạm vào hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư lực lượng chức năng đã có thể tiến hành các bước xử phạt ngay lập tức.

CSGT Công an TP Hà Nội thực hiện quy trình lập biên bản, xử lý vi phạm giao thông online tại nút giao thông Trần Huy Liệu - Giảng Võ.

Thượng úy Hoàng Tùng, Đội CSGT số 2,  Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết: “Khi nhập số CCCD của người vi phạm tại thời điểm chúng tôi kiểm tra vào hệ thống dữ liệu thì tất cả các thông tin như họ, tên, ngày, tháng năm sinh, nơi ở hiện tại của người vi phạm sẽ thể hiện đầy đủ trong biên bản cũng như quyết định nộp phạt vi phạm hành chính trong hệ thống điện tử. Tổ công tác CSGT chỉ thêm vào đó thời gian vi phạm, địa điểm, hành vi vi phạm cũng như BKS xe của người vi phạm. Qua đó, sẽ giảm thiểu rất nhiều thời gian so với thời lượng trước đây CSGT lập biên bản thì nay đã giảm một nửa”. Và người vi phạm có thể nộp phạt qua cổng thông tin công quốc gia sẽ rất thuận tiện chính xác.

Sau khi CSGT ra quyết định xử phạt online thì người vi phạm đã nhận được tin nhắn từ Cổng dịch vụ công quốc gia. Người vi phạm được hướng dẫn bấm vào đường link để có thể thanh toán trực tuyến thông qua cổng dịch vụ công quốc gia. Sau đó, sẽ được nhận được biên bản và hoàn thành việc đóng phạt thông qua hình thức chuyển khoản mà không phải mất thời gian đi lại đến địa điểm khác nộp phạt...

Mặc dù đã đạt được kết quả bước đầu quan trọng. Tuy nhiên, trong thời gian tới, các nhiệm vụ đặt ra của 2 dự án là rất lớn. Bộ Công an sẽ tiếp tục chỉ đạo toàn lực lượng triển khai toàn diện các nhiệm vụ đề ra. Trong đó, tập trung duy trì việc bổ sung, cập nhật thông tin dân cư hằng ngày ngay từ cơ sở bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống”; tiếp tục hoàn thiện các trung tâm dữ liệu, hệ thống bản đồ số, đường truyền, các giải pháp bảo mật an ninh an toàn; quyết tâm triển khai “chiến dịch” cấp 50 triệu thẻ CCCD từ nay đến 1-7-2021. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật đáp ứng yêu cầu, tiến độ triển khai 2 dự án...; nghiên cứu, đề xuất các ứng dụng để tích hợp trong chip điện từ trên thẻ CCCD để quản lý ngành, lĩnh vực được phân công và đẩy mạnh cải cách hành chính... 
Minh Hiền
.
.