Gotthard, hầm đường sắt dài nhất thế giới

Thứ Năm, 03/11/2016, 11:55
Dãy núi Alps chạy qua Thụy Sĩ và một số nước châu Âu là một trong những dãy núi thơ mộng và đẹp nhất trên thế giới. Tuy nhiên, từ nhiều thế kỷ qua, dãy Alpes như một rào chắn thương mại giữa hai vùng Nam và Bắc Âu. Chính điều kiện đường sá giao thông còn hạn chế nên nó đã ngăn cách sự phát triển của nhiều trung tâm kinh tế như Zurich, Turin và Milan.

Trong khi đó, Thụy Sĩ lại đóng vai trò là đầu mối chính trong lưu thông hàng hóa ở châu Âu với hơn 4.000 xe tải hạng nặng đi qua vùng núi Alpes bằng đường bộ mỗi ngày. Vì lý do đó, năm 1994, Thụy Sĩ đã mở một cuộc trưng cầu ý dân về việc sẽ vận chuyển hàng hóa bằng xe lửa.

Là một dự án mang tính đột phá cho ngành giao thông vận tải ở châu Âu cũng như trên toàn thế giới, lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) ca ngợi đường hầm Gotthard là một thành tựu thống nhất cho khu vực. Tiêu tốn hơn 12 tỷ USD để xây dựng, trở thành dự án đường hầm đắt nhất thế giới, các chuyên gia mô tả việc hoàn thành dự án xây dựng trong 17 năm này là "kiệt tác về thời gian, chi phí và chính sách".

Với chiều dài 53,9 km, Gotthard vượt qua hầm đường sắt Seikan của Nhật Bản đang giữ ngôi vị là “hầm đường sắt dài nhất thế giới”. Đường hầm Channel Tunnel dài 50,5 km nối giữa Anh và Pháp sẽ tụt xuống vị trí thứ ba. “Đây sẽ là một phần đặc trưng của Thụy Sĩ” - Giám đốc Cơ quan giao thông liên bang Thụy Sỹ Peter Fueglistaler phát biểu. “Đối với chúng tôi, việc chế ngự dãy Alps cũng giống như người Hà Lan thám hiểm đại dương vậy”.

Các thiết kế sơ bộ về hầm đường sắt lần đầu tiên được kỹ sư người Thụy Sĩ Carl Eduard Gruner phác thảo vào năm 1947.

Sau gần 40 năm thai nghén, với công sức của hơn 2.500 kỹ sư và sự hy sinh của 8 công nhân, điều kiện làm việc cũng vô cùng khắc nghiệt, cuối cùng đường hầm mang tên Gotthard dài nhất thế giới, chạy xuyên dãy Alps đã chính thức thông suốt 2 đầu vào tháng 6-2016. Trong quá trình thi công, 13 triệu m3 núi đá đã được đào và di dời, khối lượng tương đương với 5 kim tự tháp Cheops của Ai Cập.

Khi đi vào hoạt động, con tàu sẽ trườn qua dãy núi ở độ sâu kỷ lục, khoảng 2,3 km và đi xuyên qua những khối đá có nhiệt độ âm 46 độ C. Khoảng 3.200 km cáp đồng đã được sử dụng trong quá trình thi công, đủ dài để kéo căng từ Madrid, Tây Ban Nha đến Moscow, Nga.

Cho đến nay, công trình hầu như không có chi phí phát sinh, các công đoạn kiểm tra hệ thống đường ray, hệ thống thông gió và liên lạc của hầm vừa được thực hiện trong tháng 10. Khi dịch vụ của đường hầm được hoàn thiện vào tháng 12 tới, hành trình từ Zurich đến Lugano của Thụy Sĩ chỉ mất 45 phút.

Các con tàu có thể di chuyển giữa thị trấn ở Erstfeld ở phía bắc đến thị trấn Bodio ở phía nam với tốc độ tối đa 250 km/h, chỉ trong 20 phút. Thời gian di chuyển giữa Zurich, Thụy Sĩ đến Milan, Italy được rút ngắn chỉ khoảng một giờ.  Mỗi ngày sẽ có 65 chuyến tàu chở khách và 260 chuyến tàu chở hàng chạy qua GBT.

Đ.K. (tổng hợp)
.
.