Sự cố 8 bệnh nhân chạy thận tử vong tại Hòa Bình:

Hành trình tìm chất độc có tên Florua

Thứ Sáu, 03/11/2017, 14:42
18 bệnh nhân chạy thận bị ngộ độc cùng lúc với 8 người tử vong tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình ngày 29-5-2017 đã trở thành sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng không chỉ lần đầu tiên xảy ra ở Việt Nam mà còn là sự cố hi hữu trên thế giới.


Việc giám định tìm ra chất độc gây trúng độc tập thể cho các nạn nhân là một thách thức đối với các giám định viên Hóa pháp lý của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) khi phải tìm ra câu trả lời chính xác, khách quan và khoa học trong thời gian sớm nhất để phục vụ yêu cầu điều tra, xử lý những tập thể, cá nhân liên quan đến sự cố.

Sau khi xảy ra sự cố tai biến y khoa tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình vào sáng 29-5-2017, do tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ việc nên cùng ngày, Viện Khoa học hình sự (C54) đã cử Đoàn công tác số 1 gồm các bác sĩ pháp y lên đường phối hợp với Công an tỉnh Hòa Bình tổ chức công tác pháp y để làm rõ nguyên nhân tử vong của các nạn nhân. 

Lấy mẫu nước RO tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình phục vụ công tác giám định.

Sáng 30-5, Viện Khoa học hình sự dưới sự chỉ đạo của Trung tướng Trần Văn Vệ, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát đã cử Đoàn công tác số 2 tăng cường, hỗ trợ cho Công an tỉnh Hòa Bình trong công tác khám nghiệm hiện trường, giám định tìm ra nguyên nhân sự cố. 

Sau khi có báo cáo của Đoàn công tác số 1, Thiếu tướng, GS.TS Ngô Sỹ Hiền, Viện trưởng Viện Khoa học hình sự giao cho Trung tá, TS. Đặng Văn Đoàn, Phó Viện trưởng trực tiếp chỉ đạo các giám định viên giàu kinh nghiệm nhất của Phòng Giám định Hóa pháp lý nhanh chóng có mặt tại hiện trường để tiến hành khám nghiệm, thu thập mẫu vật phục vụ công tác giám định. 

Công tác khám nghiệm hiện trường còn có sự tham gia của các giám định viên Phòng Giám định kỹ thuật số và điện tử (thuộc C54) do Thượng tá, TS. Ngô Minh Dũng, Trưởng phòng chỉ huy để thu thập các dấu vết phục vụ việc giám định hoạt động của hệ thống máy móc vận hành trong quá trình lọc máu cho các bệnh nhân chạy thận. 

Tất cả các giám định viên của C54 tham gia khám nghiệm đều xác định cần phải nhanh chóng tìm ra nguyên nhân sự cố gây chết người này để phục vụ công tác điều tra cũng như khắc phục hậu quả, không để xảy ra các sự cố đáng tiếc tương tự.

Việc thu mẫu giám định được xác định đặc biệt quan trọng nhằm làm rõ nguyên nhân tử vong của các nạn nhân. Bởi sau khi xảy ra sự cố thì nhiều thông tin ban đầu cho rằng nguyên nhân chết là do sốc phản vệ. Nhưng vấn đề đặt ra là tại sao tất cả 18 bệnh nhân chạy thận lại bị sốc với cùng triệu chứng như vậy? Đây là điều chưa từng xảy ra. 

Do đó, ngay khi tới Hòa Bình, các giám định viên Hóa pháp lý đã khẩn trương vào cuộc, trao đổi nhanh với cơ quan điều tra để nắm bắt tình hình, diễn biến sự việc cũng như những công việc mà CA tỉnh Hòa Bình đã tiến hành khám nghiệm, sau đó trực tiếp xuống hiện trường để tiếp tục khám nghiệm, xác định và thu thập thêm mẫu vật cần thiết.

Trước khi Đoàn công tác tiến hành khám nghiệm lần 2 để thu thêm mẫu vật giám định thì Công an Hòa Bình và các nhân viên đơn nguyên thận nhân tạo (nơi xảy ra sự cố) của Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình đã tiến hành thu mẫu và gửi cơ quan giám định gồm 5 mẫu nước cấp vào máy lọc thận (nước RO), 3 mẫu dịch tại cổng dịch, 2 can hoá chất sử dụng để tiệt trùng hệ thống lọc nước RO, 38 can hoá chất để pha dung dịch thẩm tách loại 1B và 2A, 18 quả lọc máu và dây dẫn của các bệnh nhân. 

Những mẫu vật này được xác định là cực kỳ quan trọng cho công tác giám định vì được thu ngay tại thời điểm xảy ra sự cố. 

Tuy nhiên, để phục vụ công tác giám định thì lượng mẫu nước RO (được nhận định là có thể có chất độc gây tử vong cho 8 nạn nhân) là rất ít, mỗi mẫu chỉ có 20ml. 

Trong khi đối với giám định nước RO, chỉ riêng giám định theo tiêu chuẩn AAMI với nước sử dụng cho chạy thận nhân tạo, với 23 chỉ tiêu theo quy định thì phải cần khoảng 1,5 lít nước; chưa nói đến việc cần thực hiện giám định để tìm các chất độc khác, do vậy cần phải đánh giá, nhận định để định hướng cho việc phân tích nếu không sẽ hết mẫu phân tích.

Sau khi giám định các mẫu vật liên quan, nắm tình hình và kết quả sơ bô,å Đoàn công tác C54 đề nghị Công an Hòa Bình tiếp tục phối hợp khám nghiệm hiện trường, thu thập thêm một số mẫu vật phục vụ công tác giám định. Khó khăn đặt ra là sau khi xảy ra sự cố, Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh tiến hành tiệt trùng lại hệ thống lọc nước RO. Toàn bộ hiện trường đã bị xáo trộn. 

Mặc dù vậy, các giám định viên vẫn quyết định yêu cầu cán bộ kỹ thuật của Bệnh viện vận hành hệ thống lọc nước số 2 (đã được tiệt trùng lại) để thu mẫu tại đầu ra hệ thống lọc nước và tại bồn chứa lọc nước với hi vọng quá trình xúc xả, hệ thống vẫn còn tồn dư hóa chất dù đã bị pha loãng. 

Giám định viên Phòng Giám định Hóa pháp lý Viện Khoa học Hình sự
thực hiện giám định.

Nghĩa là dù đối tượng có cố tình “phi tang” bằng cách rửa sạch hệ thống lọc nước thì vẫn có thể sẽ để lại những dấu vết mà đối tượng không thể ngờ tới. Các mẫu này tuy không thể có giá trị quyết định như mẫu thu được ngay tại thời điểm xảy ra sự cố nhưng đối với kỹ thuật hình sự vẫn là một định hướng quan trọng để phục vụ công tác giám định các chỉ tiêu, thông số cần thiết khác, giải đáp ẩn số chất độc trong nước RO là do nguyên nhân nào.

Cùng với việc thu thập các mẫu để giám định thì Đoàn công tác pháp y của C54 do Tiến sỹ, Bác sĩ Đào Quốc Tuấn, Giám đốc Trung tâm Giám định pháp y trực tiếp chỉ đạo, sau khi tiến hành khám nghiệm, pháp y tử thi cũng đã đưa ra đánh giá hết sức quan trọng là “loại trừ nguyên nhân sốc phản vệ; có nhiều dấu hiệu để nhận định nguyên nhân tử vong của các bệnh nhân là do trúng độc tập thể”. 

Do đó, nhiệm vụ đặt ra đối với các giám định viên Phòng Hóa pháp lý là phải nhanh chóng tìm ra nguyên nhân gây ra hiện tượng trúng độc tập thể này? Chất độc là gì và nằm ở đâu trong hệ thống chạy thận? Đây là một áp lực hết sức nặng nề đối với các giám định viên Hóa pháp lý bởi đây là sự cố y khoa có nhiều người tử vong cùng lúc chưa từng xảy ra ở Việt Nam cũng như trên thế giới, do đó sẽ không có các vụ “tiền lệ” để tham khảo tài liệu và kinh nghiệm.

Với sự hỗ trợ của các thiết bị phân tích hiện đại nhất, sự chỉ đạo và trực tiếp tham gia giám định của Thượng tá Nguyễn Đình Tuấn, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Giám định Hóa pháp lý, các giám định viên đã dành toàn bộ thời gian và trí tuệ, tiến hành phân tích hàng chục mẫu, với hàng trăm chỉ tiêu phải phân tích khác nhau. 

Kết quả sau hơn 10 ngày giám định, Viện Khoa học hình sự đã đưa ra kết luận giám định, tìm ra chính xác nguyên nhân gây ngộ độc dẫn đến tử vong cho các bệnh nhân, đó là do nguồn nước RO dùng chạy thận nhân tạo bị nhiễm Florua với hàm lượng cao gấp hàng trăm lần mức cho phép. 

Kết quả này cũng trùng khớp với việc phân tích các mẫu máu của các nạn nhân tử vong cũng đều tìm thấy Florua với nồng độ từ 2,04 đến 3,34 mg/l, trong khi hàm lượng Florua trong máu/huyết tương người bình thường từ 0,03 đến 0,04 mg/l. 

Đặc biệt, trong số các máy chạy thận trong 3 phòng điều trị của Bệnh viện, có duy nhất một máy số 02 là không hoạt động vào ngày xảy ra sự cố 29-5 và máy này cũng đã được nhân viên đơn nguyên thận nhân tạo thu mẫu nước RO tại đoạn đường ống tĩnh cấp vào máy ngay tại thời điểm xảy sự cố (đường ống tĩnh không trong hệ thống tuần hoàn nước sau bảo dưỡng). 

Kết quả giám định cho thấy hàm lượng Florua trong nước RO của máy này là dưới 0,2 mg/l, nghĩa là đạt tiêu chuẩn cho phép. Đây là một căn cứ để khẳng định nguồn nước RO cũ hoàn toàn không có độc Florua; Florua chỉ xuất hiện sau khi Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh thực hiện việc bảo dưỡng đường ống một ngày trước khi xảy ra sự cố.

Theo Thiếu tá, Tiến sĩ Lê Phong, giám định viên Phòng Giám định Hóa pháp lý, thực tế tại Việt Nam, chỉ ghi nhận chất độc Florua qua đường ăn uống chứ chưa có tài liệu chứng minh Florua gây tử vong qua đường máu và qua đường lọc thận. 

Do đó, trong quá trình giám định, các giám định viên đã vận dụng toàn bộ những kiến thức, kinh nghiệm sẵn có, đưa ra các giả thuyết, định hướng khác nhau để tiến hành giám định; đồng thời tích cực tìm hiểu các tài liệu về sự cố y khoa xảy ra trong quá trình chạy thận nhân tạo trên thế giới. Qua đó đã tìm được một tài liệu quan trọng của Mỹ ghi nhận có 2 trường hợp đã có bệnh nhân tử vong do trúng độc Florua. 

Các nhà điều tra của Mỹ qua điều tra đã tìm ra nguyên nhân trúng độc trong quá trình lọc thận là do nguồn nước cấp của thành phố bị nhiễm Florua và việc trúng độc là từ từ chứ không phải trúng độc cấp như xảy ra ở Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình bởi hàm lượng Florua trong nguồn nước cấp của thành phố là rất nhỏ so với trường hợp này. Đây là thông tin cực kỳ quý giá cho thấy Florua là tác nhân có thể gây tử vong trong quá trình lọc máu ngoài cơ thể bằng phương pháp chạy thận nhân tạo. 

Với sự thận trọng cần thiết trước khi đưa ra kết luận trúng độc Florua là nguyên nhân gây tử vong cho các bệnh nhân chạy thận, dưới sự chủ trì của Thiếu tướng, GS.TS Ngô Sỹ Hiền, Viện trưởng C54, Viện Khoa học hình sự đã tổ chức một cuộc hội thảo khoa học với sự tham gia của các nhà khoa học, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực chạy thận nhân tạo, hoá học, độc chất, pháp y,... Tại hội thảo, các nhà khoa học đã nhất trí rất cao với kết quả giám định và nhận định về tác nhân Florua của Viện Khoa học hình sự.

Theo Trung tá, Tiến sỹ Đặng Văn Đoàn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an thì việc tìm ra chất độc Florua là tác nhân gây ra sự cố y khoa tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đã góp phần “cởi” nút thắt của vụ án, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc lý giải nguyên nhân sự cố y khoa là hi hữu, không mong muốn và xuất phát từ hành vi thiếu trách nhiệm của đơn vị sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO chứ không phải sự cố trong quá trình điều trị y tế. 

Do đó, kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự không chỉ giúp cơ quan điều tra xử lý đúng người, đúng tội đối với các cá nhân, tổ chức liên quan mà còn góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn, giải tỏa sự hoang mang, lo lắng cho các bệnh nhân đang chạy thận, đồng thời giúp các y bác sĩ điều trị trong lĩnh vực thận nhân tạo yên tâm công tác, điều trị cho bệnh nhân chạy thận ngày càng tốt hơn.

Hương Vũ
.
.